Chuyện nghề ném đá (Tiền Thân Sàlittaka) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chuyện nghề ném đá (Tiền Thân Sàlittaka)

Chuyện nghề ném đá (Tiền Thân Sàlittaka)

Lành thay, một nghề tinh...,

Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỳ-kheo đã ném trúng con ngỗng trời. Nghe nói, có một thiện nam tứ ở Xá-vệ đạt được thù thắng trong đức hạnh. Một hôm, vị ấy đưa một Tỳ-kheo trẻ đi đến sông Aciravati tắm, còn vị ấy đứng trên bờ. Lúc ấy hai con ngỗng trời trắng bay ngang qua hư không. Vị ấy nói với Tỳ-kheo trẻ:

- Với hòn đá, ta sẽ ném trúng mắt con ngỗng trời bay sau, làm cho ngỗng rơi xuống dưới chân ta. Người kia nói:

- Bằng cách nào làm rơi được? Thầy không thể quăng trúng đâu.

- Hãy chờ một lát! Ta sẽ quăng trúng con mắt bên phía này xuyên qua con mắt bên phía kia.

- Chuyện thầy nói không thể xảy ra.

- Vậy ông hãy đợi xem.

Vị ấy cầm một hòn đá có ba cạnh, dùng ngón tay liệng hòn đá về phía sau lưng con ngỗng trời ấy. Con ngỗng trời nghe tiếng đá bay, nghĩ rằng có nguy hiểm, quay đầu lại để nghe. Trong giây phút ấy, vị ấy lấy một hòn đá tròn, khi con ngỗng trời đang quay đầu lại, liền quăng hòn đá trúng con mắt ở phía bên kia của ngỗng trời. Hòn đá đi xuyên qua con mắt bên này. Con ngỗng trời kêu lên một tiếng lớn rồi rơi xuống dưới chân hai vị.

Vị Tỳ-kheo kia thấy vậy, trách Tỳ-kheo ấy đã làm một việc hoàn toàn không thích đáng, rồi dẫn vị ấy đến gặp bậc Ðạo Sư và báo cáo việc làm không tốt đẹp kia. Bậc Ðạo Sư quở trách Tỳ-kheo ấy và nói:

- Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ nay Tỳ-kheo ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy mới thiện xảo trong nghề của mình. Thuở xưa, vị ấy cũng đã thiện xảo rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

-ooOoo-

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một đại thần của vua. Lúc bấy giờ, vị cố vấn tế tự của vua nói nhiều, lắm mồm lắm miệng. Khi ông ta bắt đầu nói, người khác không có cơ hội để nói. Nhà vua suy nghĩ: “Ta phải tìm cho được người có thể cắt đứt lời nói của nó”. Từ đó, vua đi tìm một người như vậy.

Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có một người què, thuần thục trong nghề ném đá. Các đứa trẻ trong làng đặt nó trên chiếc xe nhỏ, kéo ra cửa thành Ba-la-nại. Tại đó, có một cây bàng lớn có nhiều cành lá rậm rạp. Các đứa trẻ đưa nó ra tại đấy, vây quanh và cho nó một số tiền nhỏ v.v... bảo làm hình con voi, con ngựa. Nó ném đá và tạo thành hình các con vật trên các ngọn lá của cây bàng. Tất cả là đều bị cắt qua cắt lại như vậy.

Rồi nhà vua, trong khi đi dạo công viên, đến tại chỗ ấy. Các đứa trẻ sợ nghi vệ của vua nên bỏ chạy, chỉ còn lại người què nằm đó. Vua đi đến gốc cây bàng, ngồi trên xe thấy từng đám lá cây loang lổ, ngó lên, thấy tất cả lá bị cắt đứt, liền hỏi ai đã làm như vậy. Khi được nói chính là người què đã làm như vậy, nhà vua suy nghĩ: “A! Nhờ người này, nay đã có cách có thể cắt lời nói của vị Ba-la-môn ấy được!”.

Vua bèn hỏi người què ở đâu. Chúng đi tìm, thấy nó nằm dưới gốc cây, liền báo cho vua biết. Vua kêu nó lại, bảo các tùy tùng tránh xa, và hỏi:

- Chúng ta có một vị ấy Bà-la-môn lắm mồm lắm miệng, người có thể làm cho nó ngưng nói được không?

- Thưa Ðại Vương, có thể được, nếu tôi có hột phân dê khô đầy một ống thổi.

Vua đem người què về cung, bảo nó ngồi sau lưng một cái màn có một lỗ hở, đặt ghế ngồi của vị Bà-la- môn hướng về lỗ hở ấy và cho đặt gần người què một ống thổi đầy phân dê khô. Vị Bà-la-môn đi đến hầu vua, ngồi trên cái ghế riêng của ông ta và bắt đầu câu chuyện. Cũng như bao lần trước, ông ta không cho ai khác có cơ hội để nói.

Bấy giờ, người què, ngang qua lỗ hở của màn, bắn phân con dê từng viên một, vào đúng cổ họng của vị Ba-la-môn như những con ruồi tuần tự đi vào. Vị Bà-la-môn nuốt các viên phân ấy mỗi khi chúng bay đến. Khi tất cả viên phân dê từ ống htổi đã đi vào bụng vị Bà-la-môn, chúng nở to lên bằng nửa alhaka (một đơn vị đo lường khoảng hơn bốn lít rưỡi). Khi vua biết được các viên phân dê không còn nữa, mới nói:

- Này sư trưởng, ông nói nhiều quá, nên đã nuốt các viên phân dê đầy cả một ống mà không hay biết gì! Ông không thể nào tiêu hoá nhiều hơn thế nữa hôm nay. Hãy về uống nước cây tắc, để nôn ra và được khỏi bệnh.

Từ đó về sau, người cố vấn tế tự ngồi với miệng ngậm câm, không nói gì trong khi bàn luận. Vua nói:

- Lỗ tai của ta được an lạc nhờ người què này!

Vua cho nó bốn làng trong bốn phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc, có huê lợi một trăm ngàn đồng. Sau đó Bồ tát đi dến hầu vua và thưa:

- Thưa Ðại Vương, nghề này, các bậc hiền trí ở đời cần phải học. Chỉ nghề ném đá đã đem lại cho người què kết quả vinh hiển như vậy.

Nói xong, Bố-tát đọc bài kệ:

Lành thay, một nghề tinh,

Dầu đó là nghề gì,

Xem kẻ què ném đá,

Ðược làng cả bốn phương.

-ooOoo-

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:

- Thời ấy, người què là vị Tỳ-kheo này, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5793871
Số người trực tuyến: