Duyên khởi Đức Phật Quan Âm Thiên Thủ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Duyên khởi Đức Phật Quan Âm Thiên Thủ

Đức Liên Hoa Sinh từng chỉ dạy rằng: «Nếu buổi sáng con trì tụng chân ngôn Om mani padme hung, buổi trưa con trì tụng và buổi tối con vẫn trì tụng chân ngôn Om mani padme hung, nếu do nghiệp lực con phải đọa xuống ba đường ác, ta sẽ đến để giải thoát cho con». Đó chính là hạnh nguyện của Đức Phật Quan Âm. Vì vậy, pháp tu Đức Quan Thế Âm là một pháp tu vô cùng thù thắng.

Con và chúng hữu tình đầy khắp hư không giới

Trên đỉnh đầu con hoa sen trắng

Giữa đài sen là Nguyệt luân thanh tịnh

Trên đó là chủng tử tự SHRI

Hóa thành Đức Quan Âm thanh tịnh

Thân Ngài bạch sắc màu thanh khiết

Hào quang ngũ sắc chiếu sáng ngời

Mặt trang nghiêm miệng mỉm cười

Mắt từ soi chiếu muôn loài khổ đau

Bạn hãy quán tưởng tòa sen và đĩa mặt trăng, trên đó là chữ chủng tử «Shri». Khi chủng tử «Shri» hòa tan thành ánh sáng, quán tưởng đức Phật Quan Âm dần dần thị hiện. Bên phải bạn là chúng sinh cha và bên trái  là chúng sinh mẹ  trong các đời quá khứ. Trên đỉnh đầu bạn là tòa sen, an tọa trên tòa sen là Kim Cương Thượng sư bất khả phân với Đức Bản tôn Quán Thế Âm, đức Phật của Lòng từ bi.

Người dân sinh sống trên dãy Himalaya và đặc biệt là người dân Ladakh có mối thâm duyên đặc biệt với Đức Phật Quan Âm. Đức Pháp Vương đời thứ nhất của truyền thừa Drukpa cũng là hiện thân của Đức Quan Thế Âm. Khi Đức Pháp Vương đời thứ nhất viên tịch, vào ngày lễ trà tỳ, cầu vồng xuất hiện, mưa hoa tuôn rơi, thiên nhạc ngân vang và hương thơm lan tỏa khắp không gian. Khi lễ trà tỳ kết thúc, hai mươi mốt đốt sống lưng của Ngài chuyển thành hai mươi mốt pháp tướng Quan Thế Âm. Hiện nay trong Viện bảo tàng quốc gia Bhutan tại Punakha vẫn còn lưu giữ xá lợi của Ngài. Hay đức Pháp Vương đời thứ tư, Ngài Kunkhyen Pema Karpo cũng để lại xá lợi Thánh tướng Đức Quan Thế Âm.


Xá lợi thánh tướng Đức Quan Âm

Khi quán tưởng Bản tôn Quan Thế Âm, bạn hãy tập trung vào viên ngọc như ý mà hai tay Ngài trì giữ. Ngọc như ý nêu biểu cho lòng từ bi và tình yêu thương siêu việt của đức Phật, tâm nguyện đưa chúng sinh đến bờ giác ngộ tối thượng. Lòng từ bi hay Bồ đề tâm có thể viên mãn mọi tâm nguyện thế gian và xuất thế gian của tất cả chúng sinh hữu tình:

Bốn tay cứu độ cho đời

Hai tay chắp lại rạng ngời Mani

Tại sao lại như vậy? Nếu bạn muốn giúp đỡ một ai đó, bạn cần có lòng từ bi. Bạn mong nguyện đạt được giải thoát, bạn có trí tuệ nhưng nếu thiếu đi lòng từ bi, bạn sẽ không muốn giúp đỡ người khác. Bạn có thể là một triệu phú nhưng bạn không muốn bỏ ra dù chỉ một đồng để giúp đỡ người khác. Bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác với lòng từ bi và tình yêu thương. Ngay cả trong một gia đình, bạn nghĩ rằng mình không cần phải yêu thương mọi người trong nhà, chỉ cần cho họ tiền hay đồ ăn thức uống là đủ.

Tình yêu thương vị kỷ không giúp bạn có được cuộc sống tích cực. Chỉ khi bạn trưởng dưỡng được tình yêu thương chân thật, mọi người mới cảm nhận được năng lượng từ bạn. Còn nếu với tâm vị kỷ, ngay cả nếu có yêu thương người khác, bạn sẽ chỉ muốn kiểm soát cuộc sống của họ. Chúng ta mong cầu mọi người yêu quý mình. Nếu họ không làm theo ý chúng ta, chúng ta sẽ nhiếc móc, thậm chí gây gổ với họ. Nếu ai đó đánh bạn, bạn sẽ yêu thương họ nhiều hơn hay bớt yêu thương họ hơn? Nhưng nếu có ai đó đối xử tốt với bạn, yêu thương bạn một cách vô điều kiện, bạn sẽ trào dâng niềm xúc động. Đó là lý do vì sao tất cả chúng ta đều tôn kính chư Phật và Bồ Tát. Chúng ta tôn kính Đức Phật Quan Âm không phải bởi Ngài yêu cầu chúng ta phải làm điều này hay điều khác mà bởi tình yêu thương vô điều kiện ban trải khắp Pháp giới hữu tình. Nếu bạn muốn điều phục các xúc tình tiêu cực, bạn cần trưởng dưỡng Bồ đề tâm và lòng vô ngã, vị tha. Lòng vị kỷ sẽ sản sinh ra sân giận, tật đố, kiêu mạn và vô số bất thiện nghiệp. Tâm vô ngã, vị tha sẽ phát khởi lòng từ bi, sự thấu hiểu và khoan dung đối với mọi người, từ đó giúp bạn tích lũy vô lượng thiện nghiệp, tịnh hóa tâm nhiễm ô. Chính bởi vậy, tâm nguyện đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh chính là cốt tủy của Pháp tu Quan Âm. Đó cũng chính là lý do vì sao Bản tôn Quan Âm trì giữ ngọc Mani như ý.

Thạch anh tràng hạt tay cầm

Bạch liên thanh khiết tay nâng một cành

Tay phải thứ hai của Đức Quan Âm cầm tràng pha lê nêu biểu cho tâm nguyện độ tha liên tục, không nhàm mỏi để giải thoát chúng sinh cả trong ba đường ác lẫn ba cõi lành không bỏ sót một ai. Tay trái của Ngài trì giữ hoa sen đang nở, nêu biểu cho tâm từ rộng lớn vô biên, viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh. Tâm của chúng ta chỉ đủ để thỏa mãn một số ít người, bởi tình yêu thương của chúng ta là tình yêu thương có điều kiện.

Trang sức tua lụa ngọc ngà

Anh lạc ba chuỗi rạng ngời tôn nghiêm

Trên thân khoác tấm da nai

Từ bi cứu độ muôn loài chúng sinh

Một lòng tôn kính Thượng Sư

A Di Đà Phật tôn nghiêm đỉnh đầu

Với Sư tử Niết bàn tự tại

Hai chân Ngài kết gia phu

Lưng Ngài dựa mặt trăng tròn sáng

Thể hiện tâm không vướng bụi trần

Ngài là tinh túy ba đời Phật, là Bản thể tất cả chốn Quy y

Trên vương miện đỉnh đầu của Đức Phật Quan Âm bao giờ cũng là hình tượng của Đức Phật A Di Đà nêu biểu Báo thân Bồ Tát vào cuộc đời cứu độ chúng sinh nhưng không bao giờ rời tự tính, không bao giờ rời Pháp thân. Ngài là một trong những đệ tử của đức Phật A Di Đà.

Truyền thuyết kể rằng trong hằng hà sa số kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Ngài phát đại nguyện rằng chừng nào vẫn còn một chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử, Ngài sẽ không ngừng nghỉ cứu độ chúng sinh và chưa nhập Niết bàn. Ngài ứng hiện hàng nghìn, hàng triệu thân, bước vào cuộc đời để độ thoát chúng sinh. Sau khi hoàn thành công hạnh cứu các chúng sinh thoát khỏi cõi địa ngục, Ngài chỉ kịp nghỉ ngơi một chút, nhưng ngay sau đó Ngài nhận ra rằng trong cõi địa ngục thống khổ kia thoáng chốc lại đầy tất cả chúng sinh mình vừa cứu khỏi địa ngục vì họ vừa tạo tác những ác nghiệp cực trọng.

Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, Ngài phát đại nguyện rằng: «Nếu con từ bỏ tâm nguyện cứu độ chúng sinh, xin cho thân con bị vỡ tan thành trăm nghìn mảnh». Ngay lập tức, Đức Quan Âm nứt vỡ thành hàng trăm nghìn mảnh. Khi đó, đức Phật A Di Đà xuất hiện và ban gia trì cho tất cả những mảnh vỡ đó thành hàng nghìn tay, nghìn mắt. Đó chính là hiện thân của Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Đức Phật A Di Đà cũng truyền dạy rằng trong kiếp này, sẽ có hàng ngàn, hàng triệu đức vua, Bồ tát là hóa thân bất khả phân với đức Phật Quan Âm. Hầu hết các bậc thầy giác ngộ đều là hóa thân chân thật của Đức Phật Quan Âm. Như vậy, Đức A Di Đà chính là Thượng sư của Đức Quan Âm, chủ của Liên Hoa Bộ.

Bản tôn Quan Thế Âm

Sắc thân trắng thanh tịnh

Đỉnh đầu Di Đà ngự

Tôn nghiêm lực gia trì

Bi mẫn nhìn chúng sinh

Với đôi mắt hiền từ

Quy y tròn một niệm

Chí thành con đỉnh lễ.

(Trích bài giảng của NCV Gyalwa Dokhampa tại Bhutan)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5772895
Số người trực tuyến: