Phương pháp an trụ tâm đúng đắn
Khi ta quán sát tâm mà không áp đặt cho nó bất cứ gì, đôi lúc tâm thức rơi vào trạng thái thả lỏng nào đó, đôi lúc nó lại rất xáo động. Thỉnh thoảng, dường như bạn mất ý thức về nơi mình đang ở, việc mình đang làm và cái mà mình đã bị ràng buộc… Đây không phải là điều ta đang cần tìm kiếm, mà thực ra nó rất nguy hiểm, không phải theo nghĩa nguy hiểm mang tính tức thời, mà có nghĩa là nó không phải là thiền định đích thực. Đây không phải là một cách thực hành đúng đắn. Nếu bạn trải nghiệm cảm giác lạc lối, rơi vào trạng thái mất ý thức, mông lung mịt mùng, thì phải dừng ngay lập tức sự thực hành và quay trở về thực tại. Rất nhiều người thích cảm giác lâng lâng vì họ mất ý thức khi ở trạng thái đó. Cách này không dùng để trải nghiệm những rối loạn cảm xúc; nó tương đối tĩnh. Vì thế, họ nghĩ việc hành thiền của mình thật tuyệt vời, điều đó hoàn toàn sai lầm. Nếu ta dùng ma túy và thuốc lá cũng sẽ dẫn đến trạng thái này; tiến trình tương tự sẽ diễn ra . Tất nhiên, ma túy và thuốc lá sẽ làm hại sức khỏe trong khi thiền định dạng vọng tưởng kiểu này có thể tưởng chừng không gây hại gì đến cơ thể nhưng thực ra là có và đặc biệt nguy hiểm đối với tâm thức. Đó là một trong những thái cực mà ta cần hết sức cảnh giác.
Mặt khác, trong quá trình thực hành, có quá nhiều vọng tưởng khởi lên trong lúc thiền định. Dường như bạn không thể tập trung và tỉnh giác được; không thể giữ được sự tĩnh tâm, bởi vì tất cả các loại vọng tưởng nhiễu loạn nảy sinh và đẩy bạn ra xa khỏi sự tĩnh tâm. Sẽ thật sự khó khăn và cực nhọc tới mức bạn không còn có ý định theo đuổi việc hành thiền. Giải pháp chung cho trở lực này chính là thay đổi kỹ thuật: hãy bỏ qua nỗ lực tập trung và quay trở lại thư thái.
Khi bạn không cách nào đạt được trạng thái tĩnh tại, đôi lúc cũng sẽ có lợi nếu gia tăng dần dần khả năng tập trung trong một vài giây và nhanh chóng nới lỏng nỗ lực, sau đó chiêm nghiệm những gì xảy ra mà bạn không cần phải rèn luyện. Hãy an trụ trong sự tĩnh tâm... Việc ngừng nỗ lực tập trung phải được thực hiện ngay tức thời và đột ngột, như thể chặt phăng một đường ống hoặc cắt đứt đoạn một đồ vật. Chặt đứt rồi nhanh chóng buông lỏng chỉ bằng một nhát, để có thể quán sát sự thay đổi lớn giữa hai trạng thái: tập trung và buông xả.
Nói một cách tổng quát, khi có quá nhiều vọng tưởng nổi lên cản trở sự tập trung, bạn cần thay đổi kỹ thuật và chuyển sang tư thế thư thái, nếu cần thì thực hiện hết sức thong thả.
Ngay cả khi thực hành thư giãn vô niệm xem ra dễ dàng hơn tập trung tâm trí thì khôn ngoan hơn cả vẫn là trưởng dưỡng khả năng tập trung bởi rủi ro mắc phải sai lầm sẽ giảm bớt đi nhiều. Đây là sự thực khi bạn chưa thật thuần thục phương pháp thiền thư giãn, nghĩa là giữ tâm chính niệm tỉnh giác về những gì mình đang làm trong khi thả lỏng cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn những hành giả mới tu tập đều mắc sai lầm. Có nhiều hành giả, khi gặp tôi, đã bảo đảm là họ làm rất tốt: ngay khi bắt đầu ngồi trên đệm và tiến vào thiền định, họ cảm thấy rất thuận lợi, không thấy trở ngại và không còn khởi ý niệm gì thêm, đó chẳng phải là hạnh phúc hay sao. Một số người nói rằng họ đã thực hành như thế từ nhiều năm rồi. Qua những gì họ kể toát lên sự hài lòng vô hạn, nhưng với tôi, như thế lại đáng quan ngại. Một số người thậm chí còn thốt lên: “Thật là tuyệt vời, ngay khi vừa thiền định, con đã cắt đứt với thế giới này nhanh đến mức không còn nghe thấy gì nữa!” Điều này rất không tốt và đáng buồn làm sao. Chẳng ai lại tìm cách để trở thành câm - điếc cả: thiền định mà lại thành ra suy giảm đến mức ấy thì thật đáng tiếc. Thiền định được coi là một hoạt động cao quý. Trong Đại Thủ Ấn, tâm trí luôn được quân bình và chắc chắn một cách toàn hảo; nhưng đồng thời phải sáng suốt, tỉnh giác những gì đang diễn ra và thấu suốt hết mọi sự. Chúng ta thực hành thiền để trưởng dưỡng trí tuệ và sự trong sáng, để tâm mình trở nên cởi mở hơn.
Cần hiểu rằng thiền định không có nghĩa là chìm đắm trong vô cảm. Nhiều Thánh tăng và hành giả yogi đã lưu ý và cảnh báo chúng ta: thiền định cực kỳ nguy hiểm. Tôi thì lại tin rằng những sai lầm ấy trong thực hành thiền không thể nguy hiểm bằng vũ khí, độc chất hay ma túy; đây là những mối nguy lớn hơn rất nhiều chính vì chúng ảnh hưởng không chỉ đời hiện tại mà còn đến nhiều đời nhiều kiếp trong tương lai.
Nếu bạn trải nghiệm những chướng ngại như thế thì hãy dừng ngay việc thực hành thiền lại. Để đạt hiệu quả thì thời gian thực sự của các lần thiền liên tiếp không được quá dài. Nếu bạn có thời gian không giới hạn dành cho việc thiền định, hãy biết khéo léo thực hành thành nhiều thời khóa ngắn với những quãng nghỉ ngắn: dừng lại, sau đó lại tiếp tục, rồi lại dừng lại... Bạn sẽ tránh được sự phân tán và ám chướng của tâm. Nếu cố cưỡng mình để thiền định lâu, bạn sẽ chìm đắm trong một tâm thức nặng nề và sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sự thiền định của bạn mà còn có nguy cơ trở nên bất bình thường. Đây là trạng thái thần kinh khiến người ta trở nên bất lực khi muốn liên hệ bình thường với thế giới bên ngoài, gia đình, bè bạn và xã hội…
Như vậy, đôi khi do thiền định lâu, một số hành giả ngày càng trở nên căng thẳng. Bản thân sự căng thẳng đã là một trở ngại cho thiền định cũng như cho cuộc sống hàng ngày: nó tác động đến sự luân chuyển bình thường của năng lượng trong cơ thể. Bạn phải cảnh giác và thức tỉnh không bao giờ để xảy ra điều đó. Mỗi khi thiền định và cảm thấy mình căng thẳng, hãy sử dụng phương pháp cân bằng cho tình huống này. Đây là lý do vì sao những khoá thiền ngắn và hiệu quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Khi bạn tạm nghỉ trong một khóa thiền, điều nên làm là tụng niệm chân ngôn, hoặc cầu nguyện tới các bậc Thượng sư. Ở đây, chúng ta tạm ngưng, đồng thời một lần nữa quán tưởng đến bậc Thầy, là hiện thân của tự tính tuyệt đối, và tụng niệm chân ngôn Thượng sư Liên Hoa Sinh hoặc cầu nguyện bài Tứ Quy y. Chúng ta trì tụng những lời nguyện này nhiều lần, tạm thời gác bỏ thiền quán sang một bên. Sau đó, chúng ta trở lại trạng thái tĩnh và tiếp tục hành thiền.
Trong các quãng tạm nghỉ này, không thể thiếu việc tụng niệm thầm trong suốt thời gian cầu nguyện, đồng thời có thể tập trung và thiền định vào bài nguyện. Trong trường hợp này, có nhiều cách khác nhau để thực hành. Với một số hành giả, họ cần trợ lực nhờ quán tưởng và trì tụng chân ngôn. Đối với tôi thì cách hiệu quả nhất là tập trung vào âm điệu của chân ngôn trong khi để mình thả lỏng. Đây là một phương thức để khắc phục sự phân tán tư tưởng. Kỹ thuật này dường như hơi đơn giản hóa quá mức, nhưng theo kinh nghiệm thì nó phù hợp nhất với tôi vì tôi thích làm mọi việc một cách tĩnh lặng. Nếu bạn không thành công cả trong việc cầu nguyện lẫn tập trung thì hãy cứ để tự nhiên đi, đừng có quán tưởng gì hết. Hãy tụng niệm khi buông xả và quán sát tâm thức vọng tưởng lang thang; hãy tĩnh tâm chiếu soi sự vận hành của tâm.
Như vậy, hãy luân phiên tụng niệm các lời nguyện hoặc chân ngôn xen kẽ các quãng thực hành thiền định. Chính việc thực hành tĩnh lặng sẽ dẫn đến thực chứng tính không, trong khi các bài nguyện giúp bạn gìn giữ các phẩm chất chẳng hạn như sự định tâm cần có trên con đường thực chứng. Quan trọng là phải kết hợp được cả hai: thiền định và tụng niệm. Đó là cách cực kỳ hiệu quả để an trụ tâm một cách đúng pháp. Tùy theo cảm hứng, tùy theo nhu cầu, hãy bố trí xen kẽ các hoạt động: tụng kinh rồi thiền định, rồi lại tụng và lại thiền định.
(Trích ấn phẩm: "Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử"
NXB Tôn giáo)
- 3248
Viết bình luận