Ngày mưa và Ngày nắng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ngày mưa và Ngày nắng

Tâm lý chung của nhiều người là khi quá bận rộn, họ sẽ quên bẵng đi và không thực sự để tâm cho những thú vui thanh tao như vẽ tranh, đọc sách, nghe nhạc hay hành thiền. Tuy nhiên, khi có nhiều thời gian dành cho những việc đó thì họ lại cảm thấy buồn chán, bức bách. Nếu suy ngẫm kỹ, bạn sẽ thấy cuộc sống đáng để chúng ta tri ân biết bao. Chúng ta vẫn còn đôi mắt sáng để nhìn, có đôi chân để đi, có đôi tay để làm việc, cầm cốc nước này, có miệng để ăn, đó là điều kiện đủ để chúng ta có thể trải nghiệm được hạnh phúc ngay. Chúng ta nên biết ơn về điều đó.

Nhịp độ gấp gáp hối hả của cuộc sống dễ cuốn chúng ta vào lối sống thiếu tỉnh thức tư duy về ý nghĩa quý giá của cuộc đời. Chúng ta mải miết chạy theo hoài vọng, rượt đuổi mơ ước tương lai hay trốn chạy quá khứ để rồi đánh mất sự kết nối với đời sống, với chính bản thân và quên tận hưởng hành trình mầu nhiệm của kiếp người. Tâm trí chúng ta trở nên hoang dã và bất an, chúng ta mất dần niềm tin vào thế giới xung quanh, để những bộn bề lo toan che lấp và xâm chiếm tâm hồn mình. Vì quá bám chấp và áp đặt cách nhìn cứng nhắc vào đời sống, ta sớm chán nản bế tắc khi mọi thứ bỗng dưng đảo lộn, không diễn ra như mình mong đợi!

Bởi vậy, đôi khi chúng ta cần sống chậm lại để quan sát xung quanh. Khi sống chậm, ta nhận ra mình có nhiều thời gian hơn để làm những việc thực sự có ý nghĩa, có thể quan sát và trân trọng từ những điều nhỏ nhiệm nhất của cuộc sống này.

Hãy cùng tận dụng khoảng thời gian gian ở nhà dài ngày để suy ngẫm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống và làm những việc lợi ích bạn nhé!

Ngày mưa và Ngày nắng

Có một bà lão nọ cả ngày luôn khóc than. Bà có hai cô con gái, cô lớn lấy một nhà buôn ô, còn cô bé làm vợ một người bán mỳ. Vào những ngày nắng, bà lo lắng “Ôi, trời nắng đẹp thế này, chẳng ai mua ô cả, cửa hàng ô mà phải đóng cửa thì biết làm sao đây?” Vì quá lo lắng khiến bà trở nên buồn rầu và khóc than.

Lúc trời mưa, bà lại khóc vì lo lắng cho cô con gái nhỏ. Bà nghĩ, “Con bé lấy người bán mỳ. Không có nắng làm sao phơi khô mỳ? Rồi lấy đâu ra mỳ mà bán. Thế  thì phải làm sao đây?” Vậy là, bất kể trời mưa hay nắng, bà đều khóc lóc và quanh năm suốt tháng bà lão phải sống trong lo lắng buồn khổ. Hàng xóm xung quanh không thể an ủi bà, và giễu cợt gọi bà là “khốc lão”, tức “bà lão hay than khóc”.

Một ngày nọ, bà gặp một vị sư. Ông tò mò muốn biết vì sao bà lão cứ khóc lóc suốt như vậy. Bà kể cho ông nghe câu chuyện của mình. Vị sư mỉm cười từ bi và nói, “Này bà lão, bà không nên lo lắng như vậy. Tôi sẽ chỉ cho bà cách để luôn có cuộc sống hạnh phúc và bà sẽ không phải đau khổ khóc than nữa”.

Bà lão nghe vậy rất đỗi mừng vui. Bà lập tức cầu xin vị Tăng khuyên mình nên làm gì. Vị Tăng trả lời, “Rất đơn giản thôi, bà chỉ cần thay đổi suy nghĩ của mình. Vào những ngày nắng, thay vì nghĩ tới cô con gái lớn không bán được ô, hãy nghĩ rằng cô con gái nhỏ có thể phơi khô mỳ. Trời nắng như thế, chắc chắn cô gái sẽ làm được rất nhiều mỳ và việc buôn bán hẳn rất thuận lợi. Ngược lại, khi trời mưa hãy nghĩ đến cửa hàng bán ô của cô gái lớn. Mọi người chắc chắn sẽ mua ô che mưa, và cửa hàng của cô sẽ làm ăn phát đạt”.

Bà già tỉnh ngộ và làm theo lời khuyên của vị Tăng. Chỉ trong thời gian ngắn, bà không còn khóc lóc nữa mà ngày nào cũng mỉm cười vui vẻ. Từ đó người ta gọi bà là “tiếu lão” tức “bà lão hay cười”.

(Tâm An biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696847
Số người trực tuyến: