Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên

Trong kinh Phật thường nói, Phật không độ người vô duyên. Phật độ chúng sinh tùy theo duyên nghiệp của mỗi người - có thể thành tựu ngay trong đời này hoặc phải cần thêm nhiều đời kiếp sau nữa họ thành tựu.

4 điều Phật không làm được

Có một đệ tử hỏi Phật rằng: “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?”.

Phật rằng: “Ta tuy có sức thần thông rất lớn; nhưng có 4 điều là vẫn không thể thực hiện được, đó là:

Điều 1: Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.

Điều 2: Trí tuệ không thể cho được, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu, học.

Điều 3: Diệu pháp không thể diễn tả được, Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.

Điều 4: Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ. Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước. Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên”.

500 người dòng họ Thích Ca không thể tránh khỏi cái chết

Ngày xưa lúc Phật còn tại thế, vua Lưu Ly mang đại binh đi đánh nước Ca-tỳ-la-vệ (vua cha của Đức Phật trị vì). Phật từng đích thân đi gặp vua Lưu Ly thỉnh cầu giải quyết hòa bình, nhưng cuộc “đàm phán” không thành.

Vì định nghiệp khó tránh nên 500 người  của dòng họ Thích Ca tuy được Tôn giả Mục Kiền Liên cứu thoát, cũng không tránh khỏi cái chết.

Quân đội vua Lưu Ly chiếm thành, chém giết rất nhiều người, xương chất thành núi. Lúc đó tôn giả Mục Kiền Liên (đệ tử của Đức Phật) đã dùng thần thông hút 500 người dòng họ Thích Ca vào trong bát, đưa lên cung trời tỵ nạn. Khi hết chiến tranh, mở bát ra, 500 người trong bát trở thành bát máu.

Tôn giả Mục Kiền Liên hỏi đức Phật nguyên nhân. Phật kể, vào kiếp quá khứ xa xưa, có một thôn trang, trong thôn có một hồ cá lớn. Vào một ngày lễ, mọi người trong thôn kéo cá ăn thịt. Trong đó có một con cá lớn cũng bị bắt. Lúc đó có một đứa trẻ ăn chay, nhưng vì nghịch ngợm đã dùng gậy gõ đầu con cá lớn ba cái.

Con cá lớn đời trước chính là vua Lưu Ly bây giờ, các con cá nhỏ chính là đội quân vua Lưu Ly hiện tại, những người trong thôn hiện nay là người dòng Thích Ca bị giết, đứa trẻ không ăn cá nhưng gõ đầu cá ba cái chính là Đức Phật.

Dòng họ Thích Ca của đức Phật gần như gặp phải nạn diệt chủng, nhưng Ngài không dùng thần thông để đánh bại kẻ thù, cứu lấy dòng tộc. Vì tất cả là Nghiệp báo, Nhân quả. Kiếp trước những người của dòng họ Thích Ca đã sát sinh nên đến kiếp này phải thọ nhận quả báo, thần thông cũng không thể cứu thoát được.

Phật nói: “Định nghiệp khó chuyển". Vì định nghiệp khó tránh nên 500 người dòng họ Thích Ca tuy được Tôn giả Mục Kiền Liên cứu thoát, cũng không tránh khỏi cái chết. Sau này vua Lưu Ly cũng bị đọa địa ngục.

Đức Phật Thích Ca độ vua A Dục

Khi Đức Phật và A Nan vào thành khất thực, có nhìn thấy một nhóm trẻ trai đang chơi bên đường, đắp đất thành từng đống giả làm thức ăn, và xây dựng cung điện.

Có một cậu bé nhìn thấy Đức Phật từ xa tới, trong lòng vui mừng, muốn cúng dàng thức ăn lên Ngài, liền lấy đất giả làm gạo, dâng lên cho Ngài. Đức Phật cúi đầu khen cậu bé, và nhận đồ cậu bé dâng, và để cậu bé bỏ đất vào cái bát.

A Nan lấy làm kỳ lạ liền hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao người lại nhận chỗ đất kia ạ?”.

Đức Phật từ bi trả lời: “A Nan, điều quan trọng của một sự việc không phải ở kết quả, mà là ở tâm xuất ra. Cậu bé này xuất tâm bố thí, không thể xem nhẹ. Chỗ đất này có thể mang về lấp vào chỗ đất ở phòng của ta”.

A Nan làm theo lời căn dặn của Đức Phật, nhưng trong lòng vẫn còn mối băn khoăn, không chịu nổi lại hỏi: “Thưa Phật Đà, mặc dù cậu bé này thật sự xuất tâm bố thí, nhưng đồ bố thí lại là chút đất này thì có công đức gì ạ?”.

Đức Phật mỉm cười và nói: “Đây là một khởi động ban đầu, sau khi ta nhập cõi niết bàn một trăm năm sau cậu bé này sẽ trở thành vua, tên gọi Ashoka (vua A Dục), những cậu bé khác trong nhóm đó trở thành đại thần của cậu.

Cậu bé sẽ thống trị đất nước một cách tài giỏi và được biết đến ở khắp mọi nơi, mang lại sự phồn thịnh cho Tam Bảo, cúng dường bố thí rộng rãi, phân chia xá lợi phật, còn xây 84.000 bảo tháp cho ta”.

Sau đó, quả nhiên cậu bé này đã đầu thai thành vua Ashoka (A Dục) - vị Hoàng đế được biết đến như một bậc Hộ trì Phật pháp vĩ đại trong lịch sử.

(Mai An biên tập

Theo “Hiền Ngu nhân duyên kinh”)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406603
Số người trực tuyến: