Phổ Hiền Bồ tát dạy "Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả"
Trong khi phát tâm cúng dường, bên cạnh việc quán chiếu việc cúng dường vô số đối tượng, giữ trạng thái tâm luôn rộng mở, có một điều rất quan trọng khác là cúng dường Pháp. Như kinh nói, “Trong tất cả pháp cúng dường, cúng dường Pháp (Dharma) là cao nhất”. Tại sao? “Bởi vì tất cả chư Như Lai đều tôn kính Pháp.” Khi ta tặng cho người nào đó một món quà, hay khi chúng ta phụng dưỡng cha mẹ chúng ta, chúng ta luôn cố gắng tặng những thứ mà họ thích nhất. Chúng ta áp dụng nguyên tắc như vậy khi chúng ta cúng dường chư Phật và chư Bồ tát. Bởi vì mong nguyện lớn nhất của chư Phật và chư Bồ tát là giải thoát chúng sinh ra khỏi khổ đau. Giáo pháp đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc, nên cúng dường Pháp được chư Phật và chư Bồ tát kính trọng bậc nhất, và do đó đáng tán thán bậc nhất.
Vậy thì cúng dường Pháp là gì? Kinh liệt kê ra 7 loại:
Thứ nhất là tu tập thân, khẩu, ý theo những lời dạy của Đức Phật. Nếu bạn có thể làm được điều này, thì bạn đang cúng dường Pháp, một pháp cúng dường chân thật đến tất cả chư Phật và chư Bồ tát.
Ba pháp cúng dường tiếp theo là: làm lợi ích chúng sinh, quan tâm chúng sinh, và chịu khổ đau thay cho chúng sinh. Ba điều này gắn liền với lời dạy của Đức Phật là không được từ bỏ chúng sinh. Nếu bạn có thể hoàn thành những điều này, chắc chắn bạn sẽ được chư Phật tán thán và gia hộ.
Ba loại cúng dường sau cùng: tinh tấn phát triển các thiện căn, không từ bỏ những việc làm của chư Bồ tát, và không xa rời tâm Bồ đề. Điều này liên quan đến những lời chỉ dẫn của Đức Phật khi bước theo con đường Bồ tát. Nếu bạn có thể thực hiện những pháp cúng dường này, bạn cũng sẽ được tán thán và được chư Phật ủng hộ.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị trích đoạn trong Kinh Hoa Nghiêm nói về lời dạy cúng dường Phổ Hiền như sau:
Phổ Hiền Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng “Lại này thiện nam tử! Nói "Rộng sắm đồ cúng dường" là như vầy:
Bao nhiêu số vi trần trong khắp cõi Phật cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi trần đều có chư Phật như số cực vi trong tất cả thế giới, nơi mỗi đức Phật có vô số Bồ Tát vây quanh nhóm họp. Tôi dùng sức hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền mà khởi lòng tín giải rất sâu và hiện tiền tri kiến, đều đem đồ cúng dường thượng diệu mà cúng dường pháp hội của Phật. Như là mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời, mây tàn lọng cõi trời, mây y phục cõi trời, các thứ hương trời: hương xoa, hương đốt, hương bột. Các thứ mây trên đây thảy đều nhiều lớn như núi Tu Di. Lại thắp các thứ đèn, đèn tô lạc, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm mỗi tim đèn lớn như núi Tu Di, dầu trong đèn như nước bể cả. Đem các thứ đồ cúng dường như trên để thường cúng dường.
Thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ Đề để cúng dường.
Thiện nam tử! Như vô lượng công đức của sự cúng dường trước kia sánh với một niệm công đức của pháp cúng dường, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, cu chi na do tha, một phần ca la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Vì sao? Vì các đức Như Lai tôn trọng chính Pháp. Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì sinh ra các đức Phật. Nếu các Bồ Tát thật hành pháp cúng dường, thì trọn nên sự cúng dường Phật. Tu hành như vậy mới thật là sự cúng dường. Nên Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả. Cõi hư không cùng tận cõi chúng sinh cùng tận, nghiệp chúng sinh cùng tận, phiền não chúng sinh cùng tận, sự cúng dường của tôi mới cùng tận, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi”.
(Lược trích “Kinh Hoa Nghiêm” – Phẩm thứ 40
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà
Việt Dịch: HT. Thích Trí Tịnh)
- 535
Viết bình luận