Liệu pháp tâm linh mang lại lợi ích nhất cho em bé khi còn trong bụng mẹ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Liệu pháp tâm linh mang lại lợi ích nhất cho em bé khi còn trong bụng mẹ

Bất kỳ người làm mẹ nào cũng đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi biết mình đang mang trong mình một mầm sống. Bởi đứa con là kết tinh của tình cảm vợ chồng, là niềm hy vọng và ước mơ của đấng sinh thành về một em bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thành đạt sau này. Tâm lý người mẹ và những thành viên khác trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, những phụ nữ vừa với vai trò là mẹ, vừa là một cư sĩ tại gia, thấy được những giáo lý cũng như những sự nhiệm màu của Phật pháp đối với con người thì nên ứng dụng thêm cách giáo dục thai nhi theo quan điểm Phật giáo để đem lại lợi lạc cho bản thân và cả con cái về sau.

Khoa học càng phát triển, người làm mẹ càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật hiện đại, các phương pháp chăm sóc con cái tốt cả về thể chất và trí não ngay từ khi mang thai. Đặc biệt, nếu bạn là một Phật tử, đã ít nhiều hiểu về giáo lý nhà Phật, hẳn bạn cũng mong muốn con của mình không chỉ khỏe mạnh, thông minh mà còn được gieo chủng tử Phật ngay từ khi con đang tượng hình trong cơ thể mẹ.

Tâm lý của người mẹ khi mang thai

Khi mang thai, người phụ nữ có những trạng thái cảm xúc rất phức tạp mà ngay chính bản thân họ cũng không thể hiểu hết được. Lúc này, người phụ nữ rất dễ bị xúc động, hay cáu gắt, giận hờn, buồn phiền, khóc lóc, u uất nếu như gặp phải những sự việc không như ý. Theo khoa học hiện đại, dây rốn là nơi dòng cảm xúc của người mẹ có sự liên hệ trực tiếp với đứa con. Nếu như người mẹ có sự hận thù, oan ức, cơ thể mẹ sẽ tạo ra chất adrenalin, khi sợ hãi cơ thể sẽ phóng thích chất cholamine, hay khi phấn chấn tạo ra endorophine. Các chất hóa học này đi qua nhau thai đến đứa trẻ trong vòng vài giây sau khi bạn trải qua các cảm xúc trên. Những ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ khi người mẹ mang thai dễ bị stress có thể kể đến như: dễ làm thiếu oxy máu của thai nhi, ảnh hưởng tới các thành tố hóa học của máu và dinh dưỡng thai nhi có thê gây ra các dị tật ở thai nhi.

Với những người mẹ hay căng thẳng, lượng hormone cortisol và dolpamine trong máu sẽ gia tăng. Các chất này đi qua nhau thai làm nồng độ cortisol và dopamine ở những trẻ này tăng cao hơn so với trẻ bình thường khác. Vì thế, đứa trẻ sinh ra có thể bị tăng động quá mức, gần giống với chứng tăng động giảm chú ý. Đặc biệt, nếu bà mẹ nào đang mang thai ở tuần thứ 32 mà bị rối loạn tâm lý thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao gấp hai lần, kéo dài đến 4-5 tuổi. Với thai phụ rối loạn tâm lý ở tuần thứ 38-40, tỉ lệ nguy cơ rối loạn hành vi của đứa trẻ cũng cao gấp hai lần nhưng kéo dài đến 7-8 tuổi. Ở mẹ bị trầm cảm, các hormone tâm lý của mẹ tác động vào hệ thống tuyến nội tiết của con. Từ đó hệ thống này bị giảm chức năng nên dẫn đến thiếu hụt một số hormone, khiến trẻ dễ bị chậm nói, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những đứa trẻ khác. Đồng thời, chúng cũng có khả năng đối phó với căng thẳng trong cuộc sống kém hơn, sức khỏe cũng yếu hơn so với những đứa trẻ khác.

Ngược lại, trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, nếu người mẹ vui vẻ, có thái độ sống tích cực thì sẽ tạo ra hóa chất enophin, giúp đứa trẻ sinh ra sau này cũng rạng rỡ, năng động.

Các liệu pháp thực hành tâm linh dành cho bà bầu

Nhận thức được điều này, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, người mẹ nên huân tập cho mình một tâm lý an nhiên, tự tại bằng phương pháp thiền định, làm chủ các cảm xúc của mình, không để những suy nghĩ tiêu cực kéo dài quá lâu. Thai phụ nên nghe nhạc thiền Phật giáo vào 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Chúng ta có thể chọn những loại nhạc Phật giáo không lời có giai điệu du dương, nhẹ nhàng hoặc những bản nhạc Phật giáo có lời như nhạc niệm Phật A Di Đà, Đức Phật Quan Âm hoặc kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, chú Đại bi… Âm lượng khi mở nên vừa phải, đủ nghe, nhất là mỗi khi ngủ nghỉ. Hoặc trong không gian tĩnh lặng, người mẹ nên quán tưởng đến hình ảnh của Đức Phật Quán Âm, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Di Lặc… Nhờ đó, đứa con trong bụng cũng cảm thấy như được rưới nước cam lồ dịu mát, nhẹ nhàng.

Sau khi ăn cơm xong, bà mẹ mang thai cũng nên dành khoảng 10-20 phút thiền hành. Các nhà khoa học cũng khuyên phụ nữ mang thai nên đi bộ nhẹ nhàng rất tốt cho thai nhi. Với những Phật tử khi mang thai vừa có thể kết hợp đi bộ chậm rãi trong chính niệm. Trong mỗi bước chân người mẹ có thể niệm thầm hoặc niệm thành tiếng hồng danh hay chân ngôn Đức Phật Quan Âm hoặc Đức Phật A Di Đà, Đức Lục Độ Mẫu… Chí tâm, chí thành niệm Phật và cầu nguyện cho thai nhi khỏe mạnh là những điều vô cùng lợi lạc cho đứa trẻ. Một điểm mà những người mẹ mang thai cần lưu ý là: nếu bạn có con khi tâm lý chưa chuẩn bị sẵn sàng như bị cưỡng hiệp, bị phụ tình hoặc đứa trẻ không được người cha hoặc hai bên gia đình chấp nhận thì người mẹ nên vững vàng về tinh thần. Chúng ta không nên mang tâm lý oán hận, buồn bã, bởi những ai làm sai đã có luật nhân quả trừng trị, phải suy nghĩ nuôi mầm sống đang hình thành trong cơ thể bằng một tâm vị tha thì đứa trẻ ra đời cũng sống nhân ái, bao dung.

Bà mẹ mang thai nên tránh xem những bộ phim thuộc các thể loại như kinh dị, ủy mị, chiến tranh… Khi nghe nhạc cũng tránh nghe những loại nhạc như rock, nhạc sến… Những bộ phim hay thể loại nhạc nêu trên rất dễ làm cho tâm lý người mẹ bị chìm xuống vực sâu. Đồng thời, nếu bạn có những khúc mắc, những nỗi buồn cất giấu trong lòng thì nên chia sẻ với chồng, người thân hoặc bạn bè – những người mà bạn cảm thấy tin tưởng, tránh để tinh thần ủ dột, đau buồn. Chúng ta cần tạo ra tâm lý vui vẻ, thường xuyên tâm sự với đứa trẻ, mỗi ngày nên lạy Phật từ 3 – 7 lạy và nói thầm với con rằng cả mẹ và con đều đang lạy Phật.

Nếu có điều kiện, người mẹ nên đến chùa để tụng kinh, lạy Phật, phóng sinh, cúng dường, phát tâm ăn chay… Với những công đức, phúc lành mà chúng ta có được, người mẹ nên hồi hướng cho con, nguyện cho đứa con sinh ra khỏe mạnh, sống biết thương người, có đạo nghĩa và được bén duyên với đạo Phật. Trong kinh Địa Tạng Bồ tát Bản nguyện, một Quỷ vương có tên là Chủ Mạng bạch cùng Đức Phật rằng: “Người trong cõi Diêm Phù Ðề lúc mới sinh, không luận là con trai hay con gái, khi sắp sinh ra chỉ nên làm việc phúc lành thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thời Thổ Ðịa vui mừng không xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con, đặng nhiều sự an vui, hàng thân quyến cũng được phúc lợi”.

Theo quan điểm Phật giáo, mọi mối quan hệ của con người chia thành 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cha mẹ, anh em, con cái trong một gia đình cũng không nằm ngoài những nhân duyên phức tạp đó. Thế nên, khi đứa trẻ đầu thai vào một gia đình nào đó, nếu nó là oan gia trái chủ của bạn, lớn lên sẽ là đứa con ngỗ nghịch, phá tán nhưng người mẹ khi còn đang mang thai thường xuyên tụng kinh, niệm Phật thì oán kết này sẽ được hoá giải. Ngược lại, nếu đứa trẻ trong bụng người mẹ đến để báo ân thì mối nhân duyên tốt đẹp giữa đứa bé và cha mẹ chúng sẽ ngày càng sâu dày.

Thời điểm mang thai bé là lúc nghiệp chướng rất dễ tiêu trừ. Còn khi em bé lớn lên, sáng tối suốt ngày suy nghĩ lung tung, lúc đó chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng cho con cũng khó lòng giúp được. Không những thế, khi đọc tụng kinh này, đứa trẻ sẽ trở nên dễ nuôi, thọ mạng được tăng trưởng. Nếu đứa bé này do thừa phúc mà sinh, đến để báo hiếu cho cha mẹ hiện tiền thì việc tụng kinh niệm Phật sẽ giúp gia tăng thêm phúc báu cho con và đem lại lợi ích không thể nghĩ bàn cho đứa trẻ về sau.

(Theo Nhuận Đoan

Nguồn: Blog Phật giáo)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698230
Số người trực tuyến: