3. Vì sao giáo pháp của Đức Phật tùy căn cơ mà ứng hợp? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Vì sao giáo pháp của Đức Phật tùy căn cơ mà ứng hợp?

Khi Đức Phật tuyên thuyết, Ngài không dùng ngôn ngữ cao siêu của một bậc học giả mong muốn giảng giải một vũ trụ quan triết học nào đó hay vì lợi ích của bản thân. Ngài mong nguyện truyền giảng tinh yếu cốt tủy về giáo lý thâm sâu và phổ quát của sự chứng ngộ. Chính bởi lý do này, Ngài đã thuyết pháp phù hợp với căn cơ trình độ của các đệ tử để tùy duyên ứng hợp.


Đức Phật giáo hóa người thợ cắt tóc và 6 vị hoàng tử

Tất cả giáo pháp của Ngài, dù dài hay ngắn, đều là lời giải đáp trực tiếp và tùy hợp với mức độ phát triển tâm linh của người đệ tử mong nguyện được lắng nghe giáo pháp từ Ngài. Lẽ đương nhiên, con người ta có năng lực, trình độ hiểu biết rất khác nhau. Họ cũng có những tâm nguyện và mong cầu được học hỏi, tìm hiểu về giáo pháp khác nhau. Nếu Đức Phật chỉ truyền dạy điều cốt tủy nhất trong sự chứng ngộ của Ngài về những giáo lý rộng lớn và thâm sâu, thì ngoài những đệ tử có trí tuệ siêu phàm và sự tinh tấn thực hành, ít ai có thể bước được vào con đường đạo. Đức Phật đã khéo léo, thiện xảo chỉ dạy để một người bình thường có thể trưởng dưỡng thực hành tâm linh và tiến bộ trên con đường đạt đến giải thoát. Khi phân tích giáo pháp của Đức Phật, chúng ta có thể nhận thấy những giáo pháp này đều không nằm ngoài ba hướng tiếp cận, hay ba Cỗ xe.

“Tam thừa Phật giáo” hàm nghĩa bao trùm toàn bộ giáo lý của Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Theo nghĩa chi tiết hơn, sự thực hành bên ngoài là Nguyên thủy Phật giáo, trưởng dưỡng động cơ hay Bồ đề tâm bên trong là Đại thừa Phật giáo, và quan kiến, thực hành Kim Cương thừa chính là thứ lớp bí mật hay quan điểm cốt tủy của đạo Phật. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải học về cả 3 thứ lớp hay 3 thừa (tiếng Phạn là Yanas) trong thực hành Phật pháp.

Giáo pháp khế hợp với căn cơ của mỗi người

Giáo pháp của Đức Phật giúp cho mỗi người đệ tử thực hành theo một con đường ứng hợp với trình độ của người đó. Bởi lẽ đó, chúng ta sẽ nhận thấy ở cấp độ tương đối, mỗi người đệ tử đều đón nhận được những lợi ích nhất định từ lời dạy của Đức Phật. Ở cấp độ tuyệt đối, chúng ta sẽ nhận thấy tất cả giáo pháp của Đức Phật đều nhắm đến một cái đích chung. Khi phân tích giáo pháp của Đức Phật ở mức độ tương đối, chúng ta sẽ thấy có 3 cấp độ. Nhưng khi nhìn ở mức độ tuyệt đối, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả các cấp độ đều hướng tới cùng một mục đích giải thoát và giác ngộ.

Trong Tam thừa Phật giáo, thừa đầu tiên là Nguyên thủy Phật giáo hay thường được gọi là “Tiểu thừa”. “Tiểu thừa” có nghĩa là “Cỗ xe nhỏ”. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu khái niệm này theo nghĩa làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những giáo lý Nguyên thủy Phật giáo. Ngược lại, đây là những giáo lý vô cùng quan trọng bởi tính phù hợp với căn cơ, trình độ của số đông người học Phật. Nếu không phải vì giáo lý này đặc biệt ứng hợp với những người mà trí tuệ và lòng tinh tấn thực hành còn hạn hẹp thì có lẽ rất nhiều người không bao giờ có thể tiến tới con đường Đại thừa. Nếu không có giáo lý Nguyên thủy Phật giáo, người hành giả sẽ không bao giờ bước vào con đường thực hành giáo pháp bởi sẽ không có con đường nào có thể dẫn họ bước vào con đường đạo Phật. Con đường này cũng giống như một chiếc cầu thang, những bước thấp hơn là những bước đi đầu tiên. Điều đó không có nghĩa rằng những bậc thang này không quan trọng, và chúng ta không cần phải bước trên những bậc thang đó. Bởi nếu thiếu những bước đi đầu tiên quan trọng này, chúng ta không bao giờ có thể bước tiếp những nấc thang cao hơn. Rõ ràng rằng thuật ngữ “Cỗ xe nhỏ” hoàn toàn không mang nghĩa tiêu cực, trái lại chúng ta cần hiểu rằng đó chính là nền tảng cần thiết mà mỗi người cần phải xây dựng.

Giáo lý cốt tủy của Nguyên thủy Phật giáo là chủ đề chính của lần chuyển pháp luân đầu tiên. Những giáo lý này chủ yếu được Đức Phật tuyên thuyết tại vườn Lộc Uyển, gần thành phố Ba Na Lại (Varnasi hay còn được gọi là Benares), Ấn Độ. Bài pháp đầu tiên Đức Phật tuyên thuyết chính là bài pháp về Tứ điệu đế.

Tứ diệu đế theo góc nhìn của một người bệnh

Tứ diệu đế là giáo lý căn bản rất quan trọng mà Đức Phật đã từ bi chỉ dạy. Bạn có thể so sánh Tứ diệu đế với một người bệnh. Khi ai đó bị ốm và cảm thấy mệt mỏi, điều đầu tiên cần làm là họ sẽ tìm hiểu xem bản chất của vấn đề là gì. Đó là bệnh gì? Bệnh xuất phát từ não hay từ tim? Họ cần tìm ra đúng vấn đề và tìm hiểu các triệu chứng của bệnh. Để chữa được bệnh, chúng ta cũng cần biết nguyên nhân gây ra bệnh là gì. Chỉ khi nào tìm ra đúng phác đồ điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh thì mới có thể chữa khỏi cho bệnh nhân. Đây là một hình ảnh so sánh xác thực đối với hai Diệu đế đầu tiên. Bạn cần hiểu bản chất của khổ đau và những gì khổ đau mang lại. Nhưng nếu chỉ hiểu vấn đề thôi thì chưa đủ để đoạn diệt khổ đau bởi bạn cũng cần giải mã nguyên nhân của đau khổ, đó chính là nghiệp và những xúc tình phiền não. Có như vậy, bạn mới có thể nhổ tận gốc rễ nguyên nhân của khổ đau.

Sự mong mỏi, động lực giúp bạn vượt qua được bệnh tật chính là hiểu biết về tất cả những yếu tố để có được sức khỏe tốt và miễn nhiễm với mọi bệnh tật. Tiếp tục với ví dụ trên, Đức Phật đã chỉ ra những đặc điểm của Diệt đế (tức giác ngộ). Đó là cảnh giới tốt đẹp, diệu kỳ sau khi đã đoạn diệt hết mọi nguyên nhân của khổ đau. Khi bạn biết có phương thuốc để trị bệnh, bạn sẽ áp dụng ngay để điều trị căn nguyên khiến sức khỏe của bạn không tốt. Bạn có thể áp dụng phương pháp thiện xảo để tịnh hóa ác nghiệp và đoạn diệt các xúc tình phiền não, từ đó đạt đến trạng thái sức khỏe tinh thần an lạc viên mãn. Với lý do đó, hai chân lý cuối cùng mà Đức Phật chỉ bày cho chúng ta chính là toa thuốc giúp chúng ta tận diệt mọi khổ đau luân hồi.

Thứ lớp thực hành Tứ diệu đế không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian. Việc sắp xếp theo thứ lớp, bố cục logic giúp chúng ta hiểu rõ bản chất của từng chân lý. Hai chân lý đầu tiên chỉ bày khổ trong luân hồi và nguyên nhân của khổ đau. Trước tiên, Đức Phật giải thích rõ đặc tính của khổ đau. Khi chúng ta hiểu rõ đặc tính khổ đau, chúng ta sẽ muốn biết nguyên nhân gì gây ra khổ đau, để từ đó khổ đau có thể được đoạn diệt. Hai chân lý sau cùng liên quan đến cảnh giới an tịnh của Niết bàn. Những chân lý này không sắp xếp theo thứ lớp trải nghiệm bởi nguyên nhân của khổ hiển nhiên phải xuất hiện trước khi khổ đau có mặt!

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5699513
Số người trực tuyến: