Nét đẹp ăn chay trong dịp Tết đoàn tụ gia đình | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nét đẹp ăn chay trong dịp Tết đoàn tụ gia đình

Ngày lễ Tết, cúng chay, ăn chay là nét văn hóa mang đậm giá trị tâm linh và bản sắc dân tộc Việt. Theo quan kiến của đạo Phật, ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát khởi tâm từ bi trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Theo khoa học, ăn chay tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể tránh nhiều độc tố do thịt động vật nuôi thường dùng thức ăn có hóa chất, phòng ngừa được một số bệnh như các bệnh về tim mạch, ung thư, béo phì, tiểu đường, sỏi mật… Ngoài ra, ăn chay còn giúp bảo vệ và trân trọng môi trường sinh thái, gìn giữ trái đất, không khí và nguồn nước uống được trong sạch.

Trước đây, ở các nước Tây phương, người ta ăn chay cốt để gìn giữ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Theo truyền thống, một số quốc gia châu Âu trong đó có Hungary ăn chay cho đến hết ngày Noel. Bữa chay của đại gia đình đêm Noel được chuẩn bị chu đáo với các món táo, hạnh nhân, mật ong, các loại ngũ cốc, kèm xúp đậu nấu với bơ.

Nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập vì mục đích bảo vệ quyền lợi của các loài động vật. Ngày nay, họ đã nâng việc ăn chay lên một tầm cao hơn, không chỉ hạn hẹp trong mỗi cá nhân mà còn hướng đến cả cộng đồng nhân loại toàn cầu. Họ ăn chay để bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ trái đất tươi xanh, cho bầu không khí trong lành, giảm thiểu sự nóng lên của trái đất, bớt các thảm họa thiên tai. Ở Việt Nam, phong tục ăn chay có từ thời nhà Lý, triều đại cực thịnh của dân tộc và của đạo Phật Việt Nam. Hàng năm, ngay từ những ngày đầu năm mới, người ta thường ăn chay, đi chùa lễ Phật. Vì vậy, ăn chay ngày lễ Tết mang đậm màu sắc ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa đặc biệt của người Việt Nam.

Tại nhiều vùng miền trên khắp đất nước ta, do cả năm vất vả mưu sinh, nên người ta thường ăn chay ngày Tết để cầu phúc đức, an lành, may mắn cho năm mới và sám hối những điều không phải đạo làm người đã làm trong năm cũ.

Ở miền Bắc có nơi cả làng ăn chay trong những ngày này, như ở làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Phong tục ăn chay trong ngày mồng một Tết ở đây rất đặc biệt. Nhà nào cũng có mâm cỗ chay cúng tổ tiên gồm xôi gấc, xôi vò, bánh chưng, bánh cốm, bánh chay gấc, chè lam, chè kho… Tuyệt nhiên không có việc giết bò, giết heo hay giết gà làm các món mặn, không có giò, nem, chả, mộc, thịt đông, thịt luộc như những làng khác. Tục lệ ăn chay ngày mùng một Tết này đã có từ lâu đời do cha ông truyền lại. Nguyên nhân phát xuất từ niềm tin tín ngưỡng vì cả làng đều theo đạo Phật giữ giới không sát sinh, và theo tục lệ của dân làng thì ăn chay ngày mùng một để được trời Phật, tổ tiên phù hộ, ban phước lộc cho cả năm. Ngoài ra, việc ăn chay ngày Tết xuất phát từ điều kiện lao động và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Làng Đào Đặng từ lâu đã có nghề làm hàng xáo và trồng rau xanh. Khi chưa có máy xay xát, cả làng giã gạo đến khuya và 3 - 4 giờ sáng đã phải gánh gạo đi bán. Nghề trồng rau cũng gió táp, mưa sa, dãi dầu sớm tối, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Vì vậy, Tết là dịp để dân làng đi lễ chùa, thăm hỏi lẫn nhau. Với mục đích ấy, ăn Tết sao cho giản kiệm là một điều cần thiết.   

Ngoài làng Đào Đặng ở Hưng Yên còn có làng Đào Xá vùng Kinh Bắc có tục lệ làm cỗ chay ngày Tết. Hầu hết các gia đình trong làng vào ngày mùng một và ngày mùng bảy Tết đều làm cỗ chay mang ra chùa cúng Phật và sau là đãi khách. Các món chay đều làm từ sản phẩm của nhà nông như lúa gạo, rau đậu củ quả, như món bánh Cắp nổi tiếng được làm từ bột gạo nếp mới, món cháo Cái được làm từ gạo tẻ mới và món bún riêu chay rất đặc biệt mang tên Bún riêu Đào Xá…

Vào miền Trung, người dân Huế đa phần theo đạo Phật nên ngày lễ Tết thường ăn chay và đi chùa lễ Phật. Huế vốn nổi tiếng với các món cỗ chay cao cấp trong cung đình xưa. Ngày nay, phần nhiều các gia đình Huế đều tự tay nấu các món chay. Đặc biệt ở Huế có trái vả thường dùng để chế biến thành nhiều món chay khác nhau. Ngoài ra Huế còn có món mít trộn làm bằng mít non, tré chay làm bằng cùi mít, nem chay làm bằng cùi bưởi, chả chay làm bằng phù chúc, sản phẩm từ đậu nành, mì căn từ tinh chất bột mì có độ đạm cao. Quanh năm vào các ngày mùng một, ngày rằm và các ngày lễ, cơm chay, cỗ chay thường xuyên có mặt tại các chùa và trong các gia đình người Huế. Tuy vậy, mâm cơm chay của người Huế không quá sang trọng như cơm chay cung đình thời xưa, nhưng hơi cầu kỳ ở cách trình bày. Nét độc đáo có tính cách văn hóa ẩm thực của các gia đình người Huế chính là mâm cỗ chay.

Ở các tỉnh phía Nam, vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh đến đời sống người dân. Vì đây là vùng đất mới khẩn hoang, nhu cầu tâm linh và đạo Phật hòa quyện vào đời sống mới của người dân. Vì vậy, có thể đó là nguyên nhân của phong tục chay ngày Tết khá phổ biến ở người dân miền Nam từ buổi đầu khẩn hoang cho đến ngày nay. Món chay ở miền Nam, đặc biệt vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long khá đa dạng do phong phú rau quả. Và cũng vì vậy trong các món chay ở miền Nam chúng ta thấy đều có nước cốt dừa và các loại rau tươi thêm vào món ăn. Ngoài bánh tét chay nổi tiếng còn có một vài món chay đặc biệt như món canh kiểm tổng hợp với rất nhiều loại rau, củ, và quả như mít chín, chuối sáp, chuối ngự, khoai mì, khoai môn, bột khoai, bí đỏ, mướp hương và nước cốt dừa. Thêm vào đó là món bánh mì khô kho với nước dừa và món gỏi bắp chuối làm bằng bắp chuối tươi, lá vạn thọ và mì căn xé nhỏ.

Ngày lễ Tết là dịp đoàn tụ gia đình, vì vậy phong tục cúng chay, ăn chay thể hiện tinh thần nhân văn của người Việt và xuất phát từ Bồ đề tâm của những hành giả Phật giáo. Ðã là loại hữu tình, loài nào cũng biết đau đớn buồn khổ và ham sống sợ chết. Làm sao ta lại nỡ an nhiên vui vẻ, ăn uống trên sự đau khổ vô hạn của chúng sinh?  Chính mình khi sắp bị giết đã khóc thương sợ hãi, hoặc người thân bị giết thì cũng xót xa, oán hận, đau buồn. Làm sao ta lại nỡ vì sự đoàn tụ của gia đình mình mà lại làm cho chúng sinh khác phải sợ hãi đau thương và bị chia ly quyến thuộc?

Nếu ăn chay hợp cách, với lòng thanh tịnh hoan hỷ, phát triển tâm từ bi đến tất cả chúng sinh sẽ tạo ra một từ trường an lành, mát mẻ, từ đó gây ra ít bệnh tật, mang lại lợi ích cho thân tâm. Đặc biệt, trong những ngày đoàn tụ sum vầy gia đình, năng lượng an lành ấy sẽ cùng cộng hưởng để cả gia đình được sống trong bầu không khí đầm ấm, hòa hợp và thanh tịnh.

Bạn hãy tham khảo thực đơn những món lẩu chay dễ làm cho ngày Tết đoàn tụ gia đình nhé!

(Nguồn: www.giacngo.vn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5670814
Số người trực tuyến: