Trang 03 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 03

PHẨM THÁNH HẠNH THỨ MƯỜI CHÍN

(Hán bộ trọn quyển 11, 12 và 13)

Trang 03

Này Thiện-nam-tử! Thế nào là Đại Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn thấy diệt cùng thấy diệt-đế? Chính là dứt trừ tất cả phiền não, nếu phiền não đã dứt thời gọi là thường. Dứt lửa phiền não thời gọi là tịch diệt. Vì phiền não diệt nên đặng hưởng thọ chân lạc. Chư Phật và Bồ-Tát cho nguyện cầu nên gọi là tịnh, chẳng còn thọ thân trong hai mươi lăm cõi nên gọi là xuất thế. Do xuất thế nên gọi là ngã, là thường. Đối với sắc, thanh, hương, vị xúc, nam, nữ, sinh, trụ, diệt, khổ, lạc, bất khổ, bất lạc, đều chẳng chấp lấy tướng mạo nên gọi là rốt ráo tịch diệt chân đế. Đây là Đại Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát diệt Thánh-đế.

Thế nào là Đại-Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát đạo Thánh-đế?

Ví như trong tối nhân đèn mà đặng thấy những vật lớn nhỏ. Cũng vậy, Đại-Bồ-Tát trụ nơi Đại-Thừa Đại-Niết-Bàn nhân bát thánh-đạo mà thấy tất cả pháp: Thường, vô thường, hữu vi, vô vi, chúng sinh, phi chúng sinh, vật, phi vật, khổ, lạc, ngã, vô ngã, tịnh, bất tịnh, phiền não, phi phiền não, nghiệp, phi nghiệp, thật, phi thật, thừa, phi thừa, tri, bất tri, đà-la-phiên, phi-đà-la-phiên, cầu na, phi cầu na, kiến, phi kiến, sắc, phi sắc, đạo, phi đạo, giải, phi giải. Bồ-Tát trụ nơi Đại- thừa Đại-Niết-Bàn quán sát đạo Thánh-đế như vậy”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu tám Thánh-đạo là đạo Thánh-đế thời nghĩa chẳng tương ứng. Như Đức Phật hoặc có lúc nói lòng tin là đạo có thể thoát khỏi các phiền não. Hoặc có lúc nói chẳng phóng dật là đạo vì chư Phật chẳng phóng dật nên đặng vô thượng Bồ-đề, và cũng là phép trợ đạo của Bồ-Tát. Hoặc có lúc nói tinh tấn là đạo, như Phật bảo A-Nan nếu có người siêng tu tinh tấn thời đặng thành vô thượng Bồ-đề. Hoặc có lúc nói quán thân niệm xứ, nếu chuyên tu tập thân niệm xứ này đặng thành vô thượng bồ-đề. Hoặc có lúc nói chính định là đạo. Như Phật bảo Ma-Ha-Ca-Diếp: Chính định là đạo chân thật, nếu nhập chính định bèn có thể tư duy sự sinh diệt của ngũ ấm, chẳng nhập thời không thể tư duy. Hoặc có lúc nói một pháp: Nếu người tu tập cói thể thanh tịnh chúng sinh, dứt trừ tất cả ưu sầu khổ não chứng đặng chính pháp, tức là niệm Phật tam muội. Hoặc Phật lại nói rằng tu quán tưởng vô thường thời gọi là đạo có thể chứng đặng vô thượng Bồ-đề. Hoặc Phật nói không tịch ở nơi A-Lan-Nhã, ngồi một mình tư duy có thể mau chứng đặng vô thượng Bồ-đề. Hoặc có lúc Phật nói: Vì người diễn thuyết thời gọi là đạo, nếu người nghe pháp dứt được lưới nghi thời chứng đặng vô thượng Bồ-đề. Hoặc có lúc Phật nói trì giới là đạo, nếu người tinh tấn tu trì giới cấm, người này thoát khỏi khổ sinh tử. Hoặc có lúc Phật nói gần gũi Thiện-hữu gọi là đạo, như Phật bảo A-Nan: Người gần gũi thiện-tri-thức thời đầy đủ tịnh giới nếu có chúng sinh nào gần gũi nơi Phật thời đặng phát tâm vô thượng Bồ-đề. Hoặc có lúc Phật nói tu lòng từ là đạo, người tu học lòng từ dứt các phiền não thời đặng bậc bất động. Hoặc có lúc Phật nói trí huệ là đạo, như ngày trước Phật vì Tỳ-kheo-ni Ba-Xà-Ba-Đề mà nói rằng: Này Tỳ-kheo-ni! Như hàng Thanh-Văn dùng sức trí huệ dứt được các lậu phiền não. Hoặc có lúc Phật nói bố thí là đạo, như ngày trước Phật bảo vua Ba- Tư-Nặc: Này Đại-Vương! Ngày trước đức Phật làm nhiều việc bố thí do đó mà nay đặng thành vô thượng Bồ-đề.

Bạch Thế-Tôn! Nếu bát thánh đạo là đạo đế, những kinh như vậy há chẳng phải là hư vọng. Nếu những kinh đó chẳng phải hư vọng thời duyên cớ gì trong những kinh đó chẳng nói bát thánh đạo là đạo thánh đế. Nếu những kinh đó chẳng nói, dễ thường ngày trước đức Như-Lai có lầm lộn. Nhưng tôi quyết định biết rằng chư Phật từ lâu đã lìa lầm lộn.

Đức Phật khen Ca-Diếp-Bồ-Tát: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện-nam-tử! Nay ông muốn biết Kinh-diển Đại-thừa vi diệu có những pháp bí mật nên hỏi như vậy. Những kinh ngày trước như vậy đều vào trong đạo thánh đế.

Này Thiện-nam-tử! Như ta nói lòng tin là đạo. Tín căn này có thể tá trợ đạo bồ- đề. Vì thế nên lời Phật nói không có lầm lộn. Đức Như-Lai khéo biết vô lượng phương tiện vì muốn hóa độ chúng sinh nên sự thuyết pháp có nhiều loại.

Ví như lương y biết các căn bệnh của chúng sinh, tùy theo bệnh mà hiệp thuốc và những thứ cấm kỵ đối với thuốc. Chỉ nước chẳng ở trong lệ cấm. Hoặc cho uống nước gừng, nước cam thảo, nước tế tân, nước đường phèn, nước trái a-ma-lặc, nước ni-ba-la, hoặc nước bát-trú-la, hoặc cho uống nước lạnh, nước nóng, nước nho, nước thạch lựu.

Này Thiện-nam-tử! Lương y ấy khéo biết căn bệnh của chúng sinh. Dầu rằng thuốc có nhiều sự cấm kỵ, nhưng chỉ có nước là không ở trong lệ cấm.

Cũng như vậy, đức Như-Lai khéo biết phương tiện, trong một pháp tướng tùy theo các loài chúng sinh mà phân biệt diễn thuyết nhiều loại danh tướng. Các loài chúng sinh kia tùy theo chỗ lãnh thọ của họ mà tu tập, dứt trừ phiền não. Như người bệnh kia theo lời dặn cũa lương y mà bệnh được lành.

Này Thiện-nam-tử! Như có một người biết nhiều thứ tiếng ở chung trong đại chúng. Một hôm đại chúng khát nước đều kêu rằng: Tôi muốn uống nước! Tôi muốn uống nước! Người đó liền đem nước mát lạnh tùy theo từng người mà trao cho uống. Hoặc nói là ba-ni, hoặc nói là uất-đặt, hoặc nói là xa-lỵ-lam, hoặc nói là ba-lỵ, hoặc nói là ba-da, hoặc nói là cam-lồ, hoặc nói là ngu-nhũ, dùng vô lượng tên nước như vậy để nói với đại chúng. Cũng vậy, đức Như-Lai dùng một thánh đạo vì hàng Thanh-Văn mà diễn thuyết nhiều cách: Từ Tín-căn vân vân đến bát thánh-đạo.

Này Thiện-nam-tử! Như thợ kim hoàn dùng một chất vàng tùy ý tạo làm các thứ trang sức: Dây chuyền, vòng, xuyến, xoa, khoen tai, mão, ấn. Dầu làm nhiều thứ chẳng đồng nhưng chẳng rời chất vàng. Cũng vậy, đức Như-Lai dùng một Phật đạo, tùy theo mọi loài chúng sinh mà phân biệt diễn thuyết. Hoặc nói một thứ, như nói chư Phật một đạo không hai. Hoặc nói hai thứ là định và huệ. Hoặc nói ba thứ là kiến, trí và huệ. Hoặc nói bốn thứ là kiến-đạo, tu đạo, vô học đạo, và Phật đạo. Hoặc nói năm thứ là tín-hành-đạo, pháp-hành-đạo, tín-giải- thoát-đạo, kiến-đáo-đạo, thân chứng đạo. Lại nói sáu thứ là Tu-Đà-Hoàn-Đạo, Tư-Đà-Hàm-Đạo, A-Na-Hàm-Đạo, A-La-Hán-Đạo, Bích-Chi-Phật Đạo, và Phật-Đạo. Lại nói bảy thứ là niệm-giác-phần, trạch-pháp-giác-phần, tinh-tấn-giác-phần, hỷ- giác-phần, trú-giác-phần, định-giác-phần và xả-giác-phần. Lại nói tám thứ là chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mạng, chính-tinh-tấn, chính-niệm, và chính-định. Lại nói chín thứ là bát-thánh-đạo, và tín. Lại nói mười thứ là thập-lực. Lại nói mười một thứ là thập-lực và đại-từ. Lại nói mười hai thứ là thập-lực đại-từ và đại-bi. Lại nói mười ba thứ là thập-lực đại- từ, đại-bi và niệm Phật tam-muội. Lại nói mười sáu thứ là thập-lực, đại-từ, đại-bi, niệm- Phật tam-muội và ba chính-niệm. Lại nói hai mươi đạo là thập-lực, tứ-vô- sở- úy, đại-từ, đại-bi, niệm-Phật tam-muội và ba chính-niệm.

Đạo-chỉ là một thể, ngày trước Đức Như-Lai vì chúng sinh mà phân biệt diễn nói sai khác.

Này Thiện-nam-tử! Như một thứ lửa, nhân nơi chỗ nó đốt cháy mà có nhiều tên sai khác, như lửa cây, lửa cỏ, lửa trấu, lửa phân bò, lửa phân ngựa. Cũng vậy, Phật đạo chỉ là một không có hai vì chúng sinh mà phân biệt sai khác.

Này Thiện-nam-tử! Như một thức phân biệt nói có sáu, nếu đến nơi nhãn căn, thời gọi là nhãn thức, nhẫn đến nơi ý-căn thời gọi là ý-thức. Đạo cũng như vậy, chỉ là một không hai vì hóa độ chúng sinh mà phân biệt sai khác.

Này Thiện-nam-tử! Như một sắc pháp, mắt thấy thời gọi là sắc, tai nghe gọi là tiếng, mũi ngửi thời gọi là mùi, lưỡi nếm thời gọi là vị, thân cảm giác thời gọi là xúc. Đạo cũng như vậy, là một không có hai, vì muốn hóa độ chúng sinh nên đức Như-Lai phân biệt sai khác.

Do nghĩa này nên bát-thánh-đạo gọi là đạo thánh-đế.

Này Thiện-nam-tử! Bốn thánh đế này chư Phật theo thứ lớp mà giảng nói. Do đây vô lượng chúng sinh đặng thoát khỏi sinh tử.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Ngày trước có một lúc Phật ở trong rừng Thi-Thủ trên bờ sông Hằng, đức Như-Lai lấy lá cây bảo các Tỳ-kheo: Lá trong tay của ta đây là nhiều hay tất cả lá trên mặt địa cầu là nhiều? Các Tỳ- kheo bạch Phật tất cả lá trên địa cầu rất nhiều không thể tính đếm, lá trong tay Phật cầm rất ít không đáng kể. Phật bảo các Tỳ-kheo: Những pháp mà ta giác ngộ nhiều như những lá cỏ cây trên địa cầu, còn pháp mà ta vì chúng sinh tuyên nói như mấy chiếc lá trong bàn tay.

Bạch Thế-Tôn! Cứ theo lời của Phật, thời đức Như-Lai rõ biết vô lượng pháp- môn, nếu vào trong bốn thánh-đế thời như đã nói, còn nếu chẳng vào nơi bốn thánh-đế lẽ ra phải có năm đế.

Phật khen Ca-Diếp Bồ-Tát: Lành thay! Lành thay! Lời hỏi của ông có thể lợi ích an vui vô lượng chúng sinh.

Này Thiện-nam-tử! Những pháp môn như vậy đều đã nhiếp ở trong bốn thánh- đế.

Ca-Diếp Bồ-Tát lại bạch Phật: Những pháp như vậy ở trong bốn thánh đế cớ sao đức Như-Lai xướng rằng chẳng nói?

- Này Thiện-nam-tử! Dầu là nhiếp trong bốn thánh đế nhưng còn chẳng gọi là đã nói, vì người rõ biết bốn thánh đế có hai thứ trí: Một là trí bậc trung, hai là trí bậc thượng. Bậc trung là trí của Thanh-Văn Duyên-Giác. Bậc thượng là trí của chư Phật và Bồ-Tát. Biết thân ngũ ấm là khổ thời gọi là trí bậc trung, phân biệt các ấm có vô lượng tướng thảy đều là khổ thời chẳng phải hàng Thanh- Văn Duyên-Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta trọn chẳng nói đến.

Này Thiện-nam-tử! Biết các nhập gọi đó là môn cũng gọi là khổ, đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt các nhập có vô lượng tướng thảy đều là khổ thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết các giới gọi đó là phần, cũng gọi là tính, cũng gọi là khổ, đây là trí bậc trung. Phân biệt các giới có vô lượng tướng thảy đều là khổ thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết sắc là tướng hư-hoại, đây là trí bậc trung. Phân biệt các sắc có vô lượng tướng hư hoại thảy đều là khổ, thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây lại gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết thọ là tướng giác xúc đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt các thọ có vô lượng tướng giác xúc thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên- Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết tưởng là chấp lấy tướng đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt nơi tưởng có vô lượng tướng chấp lấy, thời chẳng phải hàng Thanh- Văn Duyên-Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác, ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết hành là tướng tạo-tác, đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt nơi hành có vô lượng tướng tạo tác thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên- Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết thức là tướng phân biệt, đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt nơi thức có vô lượng trí tướng, thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên- Giác biết được, đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết ái làm nhân duyên có thể sinh năm ấm đây gọi là trí bậc trung. Một người sinh ra ái vô lượng vô biên, hàng Thanh-Văn Duyên-Giác không biết được. Có thể biết tất cả chúng sinh khởi lên lòng có những ái như vậy đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa ấy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết dứt phiền não đây gọi là trí bậc trung, phân biệt phiền não chẳng thể tính đếm, dứt diệt cũng chẳng thể tính đếm như vậy thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết đạo có thể lìa phiền não đây gọi là trí bậc trung. Phân biệt đạo có vô lượng vô biên tướng, lìa phiền não cũng vô lượng vô biên thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa ấy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Biết thế-đế gọi là trí bậc trung. Phân biệt thế-đế vô lượng vô biên chẳng thể tính đếm thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa ấy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Này Thiện-nam-tử! Tất cả hạnh vô thường, các pháp vô ngã, Niết-Bàn tịch diệt, đây là đệ nhất nghĩa, gọi là trí bậc trung. Biết đệ nhất nghĩa vô lượng vô biên chẳng thể tính đếm thời chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được đây gọi là trí bậc thượng. Những nghĩa như vậy nơi các kinh khác ta cũng chẳng nói.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Đức Phật nói thế-đế và đệ nhất nghĩa-đế ý nghĩa thế nào? Bạch Thế-Tôn trong đệ nhất nghĩa-đế có thế- đế chăng? Trong thế-đế có đệ-nhất nghĩa-đế chăng? Nếu là có thời có một đế. Nếu là không, chừng có phải đức Như-Lai hư vọng diễn thuyết chăng?”.

- Này Thiện-nam-tử! Thế-đế chính là đệ-nhất nghĩa-đế.

- Bạch Thế-Tôn! Nếu như vậy thời không có hai đế.

- Này Thiện-nam-tử! Có phương tiện khéo tùy thuận chúng sinh diễn thuyết hai đế. Nếu cứ theo ngôn thuyết thời có hai thứ: Một là thế pháp, hai là xuất thế pháp.

Như chỗ biết của người xuất thế. Thời gọi là đệ nhất nghĩa-đế. Chỗ biết của người đời thời gọi là thế-đế.

Này Thiện-nam-tử! Năm ấm hòa hiệp gọi tên mỗ giáp. Phàm phu chúng sinh tùy theo tên gọi đó là thế đế. Hiểu biết năm ấm không có tên mỗ giáp, rời ngũ ấm cũng không có mỗ giáp, người xuất thế đúng như tính tướng mà hiểu biết, gọi là đệ nhất nghĩa đế.

Này Thiện-nam-tử! Hoặc có pháp có tên có sự thiệt. Lại có pháp có tên không sự thiệt. Có tên không sự thiệt chính là thế-đế. Có tên có sự thiệt là đệ nhất nghĩa-đế.

Như: Ngã, chúng sinh, thọ mạng, tri kiến, dưỡng dục, sĩ phu, tác giả, thọ giả dương-diệm, thành Càn-Thát-Bà, lông rùa, sừng thỏ, vòng lửa xây, các ấm, giới, nhập… Đây gọi là thế-đế. Khổ, tập, diệt, đạo, gọi là đệ nhất nghĩa- đế.

Thế-pháp có năm thứ: Một là danh thế, hai là cú thế, ba là phược thế, bốn là pháp thế, năm là chấp-trước-thế.

Nam, Nữ, Bình, Áo, Xe, Nhà…… Những vật này gọi đó là danh-thế.

Bốn câu thành một bài kệ, những bài kệ như vậy gọi là cú thế.

Cuốn, hiệp, trói, cột, chắp, tay… đây gọi là phược thế-đế.

Đánh kiền-chùy nhóm tăng, chiêng trống răn quân lính, thổi ốc để biết giờ… đây gọi là pháp thế.

Như trông thấy đằng xa có người mặc y hoại sắc tưởng là Sa-Môn chẳng phải Bà-La-Môn, thấy có người gút dây đeo trên thân bèn nghĩ rằng là Bà-La-Môn chẳng phải Sa-Môn, đây là chấp-trước thế-đế.

Như trên đây gọi là năm thứ thế-pháp.

Này Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sinh nào đối với năm thứ thế pháp như vậy tâm không điên đảo biết đúng như thật đây gọi là đệ nhất nghĩa-đế.

Lại như hoặc đốt, hoặc cắt, hoặc chết, hoặc hoại, đây gọi là thế-đế.

Không đốt, không cắt, không chết, không hoại, đây gọi là đệ-nhất nghĩa- đế.

Lại có tám tướng khổ gọi là thế đế, không sinh, không già vân vân, đây gọi là đệ-nhất nghĩa-đế.

Ví như một người có nhiều tài: Lúc họ chạy thời gọi là người chạy, lúc gặt cắt lại gọi là người gặt, lúc nấu nường thời gọi là người làm đồ ăn, lúc cưa đẽo cây gỗ thời gọi là thợ mộc, lúc nấu đập vàng bạc thời gọi là thợ bạc. Chỉ có một người mà có nhiều danh hiệu. Pháp cũng như vậy , thiệt chỉ là một mà có nhiều tên. Nhân nơi cha mẹ hòa hiệp mà sinh gọi là thế-đế. Mười hai nhân duyên hòa hiệp mà sinh gọi là đệ-nhất nghĩa-đế.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Thật đế của Phật nói ý nghĩa thế nào?”.

- Này Thiện-nam-tử! Thật-đế là pháp chân thật. Nếu pháp chẳng phải chân thời chẳng gọi là thật-đế. Thật-đế là không điên đảo. Thật-đế là không hư vọng. Thật-đế gọi là đại-thừa. Thật-đế là lời của Phật nói chẳng phải lời của ma. Thật-đế là đạo duy nhất thanh tịnh không có hai, có thường, có lạc, có ngã, có tịnh, thời gọi là nghĩa thật-đế.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Thế-Tôn! Nếu cho chân thật là thật-đế thời pháp chân thật tức là Như-Lai, hư không, Phật tính. Nếu như vậy thời Như-Lai, hư không và Phật tính không có sai khác”.

Phật bảo Văn-Thù Sư-Lợi: Có khổ, có đế, có thật. Có tập có đế có thật. Có diệt có đế có thật. Có đạo có đế có thật.

Này Thiện-nam-tử! Như-Lai chẳng phải khổ chẳng phải đế là “thật”. Hư không chẳng phải khổ chẳng phải đế là “thật”. Phật tính chẳng phải khổ chẳng phải đế là “thật”.

Khổ là tướng vô thường, là tướng dứt được đó là thật đế. Như-Lai tính chẳng phải khổ chẳng phải vô thường chẳng phải tướng dứt được vì thế nên là thật. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Tập là có thể làm cho ngũ ấm hòa hiệp mà sinh, cũng gọi là khổ cũng gọi là vô thường, là tướng dứt được, đây là thật đế,. Như-Lai chẳng phải là tập, chẳng phải nhân của ngũ ấm, chẳng phải tướng dứt được vì thế nên là thật. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Diệt là nói phiền não dứt diệt cũng là thường, cũng là vô thường, hàng nhị thừa chứng đặng gọi là vô thường, chư Phật chứng đặng thời gọi là thường, cũng gọi là pháp chứng đặng, đây là thật đế, Như-Lai tính chẳng gọi là diệt, có thể dứt diệt phiền não, chẳng phải thường chẳng phải vô thường, chẳng gọi là chứng tri, thường trụ không biến đổi, vì thế nên là thật. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Đạo là có thể dứt phiền não cũng là thường cũng là vô thường, là pháp có thể tu tập, đây gọi là thật đế. Như-Lai chẳng phải đạo có thể dứt phiền não, chẳng phải là thường chẳng phải vô thường, chẳng phải pháp có thể tu tập, thường trụ chẳng biến đổi, vì thế nên là thật. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Này Thiện-nam-tử! Chân thật chính là Như-Lai. Như-Lai chính là chân thật. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Này Văn-Thù Sư-Lợi có khổ, có khổ nhân, có khổ tận, có khổ đối. Như-Lai chẳng phải khổ nhẫn đến chẳng phải đối, vì thế nên là thật, chẳng gọi là đế. Hư không và Phật tính cũng như vậy.

Khổ là hữu-vi hữu-lậu không an lạc. Như-Lai chẳng phải hữu-vi chẳng phải hữu- lậu, đứng lặng an vui, nên là thật chẳng phải đế.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: Thế-Tôn như lời Phật nói chẳng điên đảo gọi là thật đế, nếu như vậy trong tứ đế có bốn thứ điên đảo chăng ? Nếu là có, sao lại nói rằng không có điên đảo gọi là thật đế! Tất cả điên đảo chẳng gọi là thật.

- Này Thiện-nam-tử! Tất cả điên đảo đều vào trong khổ-đế. Như chúng sinh có tâm điên đảo thời gọi là điên đảo. Ví như có người chẳng lãnh thọ lời dạy răn của cha mẹ tôn trưởng, hoặc dầu lãnh thọ mà không tùy thuận thật hành, người này gọi là điên đảo. Điên đảo như vậy chẳng phải không là khổ mà chính là khổ.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Như lời Phật nói chẳnghư vọng chính là thật đế. Nếu như vậy thời biết rằng hư vọng chẳng phải thật đế”.

- Này Thiện-nam-tử! Tất cả hư vọng đều vào trong khổ đế. Như có chúng sinh khi dối người khác, do nhân duyên này đọa nơi địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, đây gọi là hư vọng, cũng chính là khổ. Những điều đó hàng Thanh-Văn Duyên- Giác cùng chư Phật đều xa lìa chẳng thật hành, vì thế nên gọi là hư vọng. Những điều hư vọng như vậy là chỗ dứt trừ của nhị thừa và chư Phật, nên gọi là thật đế.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Như lời Phật nói Đại-thừa là thật đế. Do đó biết rằng Thanh-Văn thừa và Bích-Chi Phật thừa thời là chẳng thật”.

- Này Thiện-nam-tử! Hàng nhị thừa cũng là thật cũng là chẳng thật. Thanh-Văn Duyên-Giác dứt các phiền não thời gọi là thật. Hàng nhị thừa vô thường chẳng trụ là pháp biến đổi nên gọi là chẳng thật.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Như lời Phật nói những pháp của đức Phật nói gọi là thật.

Do đó biết rằng lời nói của ma thời chẳng phải thật. Bạch Thế-Tôn! Lời nói của ma có nhiếp trong thánh-đế chăng?”.

Này Thiện-nam-tử! Lời nói của ma nhiếp trong hai đế là khổ và tập. Phàm tất cả những điều phi pháp phi luật không thể làm cho người được lợi ích, dầu cả ngày diễn nói cũng không có người nào thấy được khổ, dứt được tập, chứng được diệt, tu được đạo, đây gọi là hư vọng. Những điều hư vọng như vậy cũng đều là lời nói của ma.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Như lời Phật nói đạo duy nhất thanh tịnh không có hai. Các phái ngoại đạo cũng nói ta có đạo duy nhất thanh tịnh không hai. Nếu cho rằng đạo duy nhất là thật đế thời cùng với ngoại đạo kia có sai khác gì. Nếu không sai khác thời lẽ ra chẳng nên nói rằng đạo duy nhất thanh tịnh”.

- Này Thiện-nam-tử ! Các phái ngoại đạo có khổ đế và tập đế mà không diệt đế và đạo đế. Ở trong chẳng phải diệt đế chẳng phải đạo đế, mà họ tưởng là diệt là đạo. Ở trong chẳng phải quả chẳng phải nhân, mà họ tưởng là quả là nhân. Do nghĩa này nên họ không có đạo duy nhất thanh tịnh không hai.

Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Như lời Phật nói có: Thường, lạc, ngã, tịnh là thật nghĩa, thời các phái ngoại đạo lẽ ra cũng có thật-đế mà trong Phật pháp thời không. Vì các phái ngoại đạo nói hạnh là thường. Thế nào là thường ? Vì khả ý, bất khả ý, các nghiệp báo vân vân. Khi thọ rồi thời chẳng mất. Khả-ý là nói mười báo lành. Bất khả ý là nói mười báo chẳng lành. Nếu cho rằng các hạnh thảy đều vô thường, kẻ tạo nghiệp đã chết mất thời ai ở nơi kia mà thọ quả báo. Do nghĩa này nên các hạnh là thường. Sát sinh nhân duyên gọi là thường. Nếu cho rằng vô thường thời kẻ giết cùng bị giết đều vô thường cả, còn ai ở nơi địa ngục mà thọ tội báo. Nếu nói quyết định có địa ngục thọ báo, thời các hạnh thiệt chẳng phải là vô thường. Chuyên tâm ghi nhớ cũng gọi là thường, như chỗ nhớ biết trải qua mười năm nhẫn đến trăm năm cũng chẳng quên mất, vì thế nên là thường. Nếu là vô thường thời những việc đã thấy biết lấy gì để nhớ. Do cớ ấy nên tất cả các hạnh chẳng phải là vô thường. Tất cả sự tưởng nhớ cũng là thường. Như có người ngày trước thấy tay chưn mặt mày đầu cổ của người khác, lúc sau gặp lại liền nhớ biết. Nếu là vô thường thời những tướng thấy biết ngày trước lẽ ra đã diệt mất. Nghề nghiệp tạo tác do tập học từ lâu, hoặc ba năm hoặc năm năm rồi sau mới giỏi, nên gọi là thường. Phương pháp tính đếm từ một, hai, ba nhẫn đến trăm ngàn, nếu là vô thường lẽ ra một phải diệt, nếu một đã diệt thời lấy chi đến hai. Do một chẳng diệt nên được đến hai, nhẫn đến trăm ngàn, vì thế nên là thường. Như phương pháp đọc tụng : Đọc Nhất-A-Hàm rồi đến Nhị-A-Hàm, nhẫn đến Tam tứ A-Hàm. Nếu là vô thường thời chỗ đọc tụng trọn chẳng đến bốn. Do sự đọc tụng có tăng trưởng nên gọi là thường. Bình, y, xe cộ, như người mang nợ, hình tướng, địa cầu, núi, sông, cây rừng, cây cỏ, lá thuốc, chúng sinh trị bệnh tất cả đều là thường cũng như vậy. Các phái ngoại đạo đều nói rằng các hạnh là thường. Nếu là thường thời là thật đế.

Bạch Thế-Tôn! Các phái ngoại đạo lại nói lạc. Thế nào biết rằng có? Vì người thọ quyết định đặng báo khả ý. Phàm người thọ lạc quyết định đặng đó. Như Đại-Phạm-Thiên-Vương, Đại-Tự-Tại-thiên, Thích-Đề-Hoàn-Nhân, và chư Thiên. Do nghĩa này nên nói rằng quyết định có lạc. Lại vì chúng sinh mong cầu nên ngoại đạo nói rằng có lạc. Như người đói cầu ăn, người khát cầu uống, người lạnh cầu ấm, người nóng cầu mát, người mệt nhọc cầu ngơi nghỉ, người bệnh cầu lành. Nếu không có lạc thời những người kia duyên cớ gì mà cầu. Do vì có người cầu nên biết rằng có lạc.

Các phái ngoại đạo lại cho rằng bố thí có thể đặng lạc. Người đời ưa bố thí cho Sa-Môn Bà-La-Môn và kẻ nghèo cùng khốn khổ những y phục, vật thực, giường ghế, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, hương bột, hương thoa, nhà cửa, đèn đuốc. Bố thí những thứ như vậy vì muốn đời sau tôi được thọ báo khả ý. Vì thế nên biết rằng quyết định có lạc.

Có phái ngoại đạo nói rằng người thọ lạc vì có nhân duyên nên có lạc xúc. Nếu không lạc đâu thành có nhân duyên, như sừng thỏ không có, thời không nhân duyên. Vì có nhân duyên lạc, nên biết rằng có lạc.

Ngoại đạo lại nói lạc có thượng trung và hạ. Thọ lạc bậc hạ như Thích-Đề-Hoàn-Nhân. Thọ lạc bậc trung như Đại-Phạm-Thiên-Vương. Thọ lạc bậc thượng như Đại-Tự-Tại-Thiên. Vì thế nên biết rằng có lạc.

Ngoại đạo lại nói rằng có tịnh. Nếu không tịnh thời lẽ ra chẳng sinh lòng mong muốn. Vì có mong muốn nên biết là có tịnh. Như vàng bạc, châu báu, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, chân châu, bích ngọc, kha bối, suối mát, ao tắm, vật thực, y phục, hoa hương, đèn đuốc, những vật như vậy đều là tịnh. Họ lại nói thân ngũ ấm chính là tịnh khí đựng những tịnh vật như thân người, Trời, Tiên, A-La-Hán, Bích-Chi Phật, Bồ-Tát, chư Phật. Do nghĩa này nên gọi là tịnh.

Có phái ngoại đạo lại nói rằng có ngã vì có thấy biết vì có thể tạo tác. Như có người vào nhà thợ gốm, dầu chẵng thấy thân người thợ nhưng vì thấy khí cụ nên biết quyết định nhà đó là nhà thợ gốm. Ngã cũng như vậy, do mắt thấy sắc biết chắc là có ngã. Nếu không có ngã thời ai có thể thấy sắc? Nghe tiếng nhẫn đến giác xúc cũng như vậy. Họ lại nói có ngã. Làm sao biết rằng có? Vì do nơi tướng mà biết: Thở, ngáy, ngó, nháy, mạng sống, móng tâm, lãnh thọ sự khổ vui, tham cầu, giận hờn, đều là tướng của ngã. Vì thế nên biết quyết định của ngã.

Ngoại đạo lại nói rằng có ngã, vì phân biệt được mùi vị: Như có người ăn trái cây, thấy trái biết mùi vị. Do đây nên biết quyết định có ngã.

Ngoại đạo lại nói vì có chấp tác làm việc nên biết là có ngã: Như cầm lưỡi liềm thời có thể cắt gặt, cầm búa thời có thể chặt, cầm bình thời đựng nước, ngồi xe thời cầm cương, do đó nên biết quyết định có ngã. Ngoại đạo lại nói lúc mới sinh biết đòi bú đó là do tập quán đời trước, nên biết quyết định có ngã.

Ngoại đạo lại nói vì hòa hiệp lợi ích chúng sinh khác nên biết rằng có ngã. Như bình, y, xe cộ, ruộng nhà, núi rừng, cây cối, voi ngựa, trâu, dê những vật như vậy nếu hòa hiệp thời có sự lợi ích. Năm ấm trong thân người cũng như vậy: Nhãn căn vân vân… vì có hòa hiệp thời có sự lợi ích cho người, do đó nên biết quyết định có ngã.

Ngoại đạo lại nói có ngã vì rằng có sự vật ngăn ngại. Như có vật thời có ngăn ngại. Nếu không vật thời không ngăn ngại. Vì cóù ngăn ngại nên biết quyết định có ngã.

Ngoại đạo lại nói vì có bạn cùng chẳng phải bạn nên biết là có ngã. Như thân yêu cùng chẳng phải thân yêu thời chẳng phải là bạn. Chính pháp với tà pháp, trí với chẳng trí. Sa Môn cùng chẳng phải Sa-Môn, Bà-La-Môn với chẳng phải Bà-La-Môn, con cùng chẳng phải con, ngày với chẳng phải ngày, đêm với chẳng phải đêm, ngã với chẳng phải ngã, các pháp như vậy là bạn và chẳng phải bạn, do đó nên biết quyết định có ngã.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5778532
Số người trực tuyến: