Chương Tám: Quy y | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Tám: Quy y

Chương Tám:

Quy y

Ta có nên tìm kiếm nơi nương tựa ở những vị thần thế tục như Brahma (Phạm Thiên), Vishnu, Shiva v.v.. hay ở những thế lực địa phương như các vị trời, rồng cư ngụ trong núi non, các tảng đá, ao hồ, cổ thụ v.v..? Những vị này không phải là nơi nương tựa đích thực bởi không ai trong số đó có năng lực của một nơi nương tựa. Một bản Kinh có nói về điều này:

 

“Những người trong thế gian tìm kiếm sự che chở từ các vị trời trong núi non hay rừng rậm, từ các điện thờ và rừng cây hiến cúng và từ cây cối thiêng liêng nhưng những nơi nương tựa này không phải là nơi nương tựa chân thực.”

 

Như thế có lẽ ta nên tìm nơi nương tựa ở cha mẹ, bạn bè, những người thân thuộc v.v.. của ta – những người chăm sóc ta và đang muốn giúp đỡ ta? Thực ra, những người này cũng không thể là một nơi nương tựa. Trong manjushrîvikrîditasûtrâ (Kinh Trình bày sự Hiển lộ của Văn Thù) có nói:

 

“Cha mẹ không phải là nơi nương tựa của con; những người thân yêu hay quyến thuộc cũng không phải là nơi nương tựa. Họ từ bỏ con để đi đến tất cả những nơi nào làm vui lòng họ.”

 

Vì sao không ai trong những vị này mang lại sự nương tựa? Đó là bởi để là một nơi nương tựa, họ phải không sợ hãi sinh tử và thoát khỏi những đau khổ của nó. Không ai trong số đó siêu vượt nỗi sợ và họ vẫn phải chịu đau khổ. Ngoài chư Phật ra, không ai hoàn toàn thoát khỏi đau khổ. Ngoài Pháp ra, không có cách nào thành tựu Phật quả. Ngoài Tăng đoàn ra, không ai có thể giúp ta thực hành Pháp. Vì thế ta nên quy y (nương tựa) Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Có câu nói:

 

“Hôm nay, hãy quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn, cộng đồng siêu việt, bởi chính các vị này đã thực hiện việc xua tan những nỗi sợ hãi của mình và chính các Ngài mang lại sự che chở cho người không được che chở.”

 

Bởi các ngài có khả năng để che chở, chớ để bản thân bạn bị ngấu nghiến bởi sự hoài nghi khi tự hỏi: “Làm sao họ có thể thực sự che chở chúng ta một khi ta nương tựa nơi họ?” Kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

 

“Người quy y Ba Nơi Nương tựa Quý báu sẽ đạt được sự vô úy.”

 

Tóm lược giải thích về sự quy y Tam Bảo:

 

“Việc quy y được tóm tắt bằng chín chủ đề: phân loại, nền tảng, suối nguồn, thời gian, động lực, nghi lễ, mục đích, giáo huấn và những lợi lạc.”

 

1. PHÂN LOẠI

 

Có hai loại quy y khác nhau: quy y tổng quát và quy y đặc biệt.

 

2. NỀN TẢNG (1)

 

Có hai loại người tạo nên nền tảng cho sự quy y:

 

1. Những người tạo nên nền tảng chung; những người sợ đau khổ của sinh tử và những người quan niệm Tam Bảo như những hộ thần và

2. Những người tạo nên nền tảng đặc biệt; những người có năng lực Đại thừa, có sự hiện hữu làm người khá thanh tịnh hay siêu phàm.

 

3. SUỐI NGUỒN

 

Cũng có hai suối nguồn của sự quy y:

 

1. Suối nguồn thông thường: Đức Phật tôn quý nhất là Đấng Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt (2), Toàn Giác (3), đấng có sự thuần tịnh tuyệt hảo, trí tuệ nguyên sơ và bản chất cao cả. Pháp tôn quý nhất có hai phương diện, đó là Pháp của các giáo lý, bao gồm mười hai nhánh lời dạy siêu việt của Đức Phật, và Pháp như sự chứng ngộ, bao gồm các chân lý diệt tận và con đường. Tăng đoàn tôn quý nhất cũng có hai loại: tăng đoàn được tạo nên bởi những người thế tục – một tập hội gồm bốn tỳ kheo hay hơn nữa, là những người trì giữ nghiêm cẩn các giới nguyện của họ - và tăng đoàn tuyệt hảo – tám loại thuộc về bốn cấp độ của kết quả (4).

 

2. Suối nguồn đặc biệt: Đó là:

a. Suối nguồn thực sự hiện hữu

b. Suối nguồn là sự chứng ngộ trực tiếp và

c. Suối nguồn tối thượng

 

2a. Suối nguồn thực sự hiện hữu là Phật, là một hình ảnh của tathâgata (Như Lai), Pháp là các Kinh điển Đại thừa và Tăng là Tăng đoàn Bồ Tát.

2b. Suối nguồn trong phạm vi chứng ngộ trực tiếp Phật là đấng có bản chất của ba kâya (ba thân), Pháp là Pháp siêu phàm của sự an bình và niết bàn và Tăng là chư vị Bồ Tát được an lập ở các cấp độ của sự chứng ngộ siêu việt.

2c. Suối nguồn tối thượng Về mặt bản chất tối thượng thì chỉ có Phật là suối nguồn của sự quy y. Mật điển Vô song nói về điều này:

 

“Về phương diện tối thượng, nơi quy y (nương tựa) của chúng sinh là Phật và chỉ có Phật.”

 

Vì sao Phật có thể mang lại suối nguồn quy y hoàn toàn đáng tin cậy (duy nhất)?

 

“Đó là bởi đấng Hiền nhân sở hữu dharmakâya (Pháp Thân) và ở phương diện Tăng đoàn, ngài là sanga (Tăng đoàn) tối thượng.”

 

Các Hiền nhân, thoát khỏi sự sinh và diệt, hoàn toàn thanh tịnh và không tham muốn, là nơi nương tựa tối thượng bởi các ngài sở hữu Pháp Thân và bởi các ngài là sự thành tựu tối thượng của Tăng đoàn trong ba thừa, đã đạt được Pháp Thân, kết thúc tối thượng của sự thuần tịnh tuyệt đối.

Như thế Pháp và Tăng có phải là những nơi nương tựa bền vững không? Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng nói:

 

“Hai phương diện Pháp và Tăng đoàn tuyệt hảo nhất không phải là nơi nương tựa bền vững siêu việt.”

 

Vì sao Pháp và Tăng không phải là nơi nương tựa bền vững siêu việt? Trong hai loại Pháp, Pháp

như các giáo lý là một tuyển tập các thuật ngữ và một tập hợp mẫu tự (chữ), và được hiểu là điều

được từ bỏ một khi nó đã phụng sự cho mục đích của nó, giống như một chiếc xe bị bỏ đi khi cuộc hành trình đã được thực hiện. Vì thế nó không là nơi nương tựa bền vững. Đối với hai phương diện của Pháp như sự chứng ngộ, chân lý của con đường không phải là một nơi nương tựa bởi chính bản chất rốt ráo của nó không đáng tin cậy, vô thường, bởi là một sự tạo tác duyên hợp. Chân lý diệt tận không phải là một nơi nương tựa bền vững bởi lẽ, như nó được hiểu bởi các Thanh Văn, nó là cái gì không hiện hữu, sự chấm dứt của một sự tương tục, giống như một ngọn lửa tắt. Đối với Tăng đoàn, bản thân họ nương tựa nơi Phật vì sợ hãi sinh tử và không thể tạo nên một nơi nương tựa siêu việt và bền vững bởi họ có nỗi sợ đó. Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng nói:

 

“Bởi bị từ bỏ, bởi là những hiện tượng không đáng tin cậy, bởi không hiện hữu và bởi sợ hãi, hai phương diện Pháp và Tăng đoàn tuyệt hảo nhất không phải là nơi nương tựa siêu việt và bền vững.”

 

Vì thế Đạo sư Vô Trước đã nói:

 

“Nơi quy y vô tận, nơi quy y thường hằng, nơi quy y vĩnh cửu, nơi quy y tối thượng là một và chỉ có một. Đó là gì? Đó là Như Lai, A La Hán, Đức Phật hoàn toàn và tuyệt đối viên mãn.”

 

Như thế, điều này có mâu thuẫn với những gì đã được nói ở trên về ba nơi nương tựa (quy y)? Ba nơi nương tựa (Tam Bảo) hình thành như một phương pháp thiện xảo để dẫn dắt những ngườitu tập với tư cách là Phật tử. Kinh Đại Giải thoát nói:

 

“Tóm lại, nơi nương tựa chỉ có một nhưng về mặt phương pháp thì có ba.”

 

Như phương pháp thiện xảo, ba nơi nương tựa (quy y) này được trình bày ra sao? Mật điển Ðại

Thừa Tối Thượng nói:

“Ba nơi nương tựa được trình bày là vị Thầy, giáo lý và những người tu tập (5), trong phạm vi của ba thừa, các hoạt động và ước nguyện.”

 

Như thế các quy y được trình bày trong phạm vi của ba phẩm tính, ba thừa, ba cách hành động và ba loại ước nguyện:

1. Nhấn mạnh vào phẩm tính của vị Thầy và dành cho những người theo Bồ Tát thừa và những người ước nguyện chủ yếu tập trung hành động của họ vào chư Phật, nơi quy y là Phật: “Con quy y Phật, đấng siêu việt nhất trong loài người.”

2. Nhấn mạnh vào các phẩm tính của giáo lý và dành cho những người theo Độc Giác thừa và những người ước nguyện hành động chủ yếu tập trung vào Pháp, nơi quy y là Pháp “Con quy y Pháp, điều siêu việt nhất trong tất cả những gì vượt lên tham muốn và dính mắc.”

3. Nhấn mạnh vào các phẩm tính của người tu tập và dành cho những người theo Thanh Văn thừa và những người ước nguyện hành động chủ yếu tập trung vào Tăng đoàn, nơi quy là Tăng:

 

“Con quy y Tăng, tập hội siêu việt nhất trong các cộng đồng.”

 

Như thế, ba mục ở trên trình bày ba nơi quy y trong phạm vi của sáu loại người (6). Đấng Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt đã dạy rằng đây chỉ là những thực tại theo quy ước, được dành để giúp đỡ chúng sinh tiến bộ dần dần qua những khóa tu tập tương ứng của họ.

 

4. THỜI GIAN

 

Có hai loại.

Thời gian thông thường (7) là quy y từ thời điểm đó trở đi chừng nào ta còn sống.

Thời gian đặc biệt là quy y từ thời điểm đó trở đi cho đến khi ta đạt được tinh túy, sự giác ngộ.

 

5. ĐỘNG LỰC

 

Có hai loại.

Động lực thông thường là nghĩ rằng bản thân ta không thể chịu đựng nổi đau khổ.

Động lực đặc biệt là nghĩ rằng ta không thể chịu đựng nổi việc chúng sinh đau khổ.

 

6. NGHI LỄ

 

Có hai loại: thông thường và đặc biệt.

 

6a. Nghi lễ thông thường

 

Trước hết, người tìm cầu sự nương tựa (quy y) xin được quy y nơi vị Thầy. Kế đó vị Thầy cúng dường Tam Bảo như hành động mở đầu cho nghi lễ, hay thêm nữa, khi không có sự hiện diện của các biểu tượng, hãy quán tưởng các ngài trong không gian và kính lễ và cúng dường (trong tâm). Kế đó người truy cầu sự quy y lập lại theo vị Thầy những lời sau đây ba lần, với sự chân thành tha thiết:

 

“Tất cả chư Phật và Bồ Tát, con khẩn cầu các ngài thương tưởng đến con. Đạo sư, xin thương tưởng đến con. Con tên là .…….., từ nay cho đến khi con đạt được tinh túy giác ngộ, con xin quy y Phật, đấng siêu việt tối thượng trong loài người, con quy y Pháp, điều siêu việt tối thượng trong mọi sự siêu vượt tham muốn, và quy y Tăng, tập hội siêu việt tối thượng trong các cộng đồng.”

 

6b. Nghi lễ đặc biệt

 

Nghi lễ này gồm ba phần: chuẩn bị, nghi lễ thực sự và kết thúc.

 

Chuẩn bị

Khi đã cúng dường Mạn đà la, cùng những bông hoa, cho một vị Thầy thích hợp, ta khẩn cầu ngài ban lễ quy y. Với điều kiện người khẩn cầu là một người thích hợp và có năng lực Đại thừa, vị Thầy sẽ chấp nhận lời khẩn cầu và vào buổi tối đầu tiên chuẩn bị những biểu tượng của Ba Nơi Nương tựa Quý báu (Tam Bảo), sắp xếp các món cúng dường và giải thích những lợi ích của sự quy y và những khiếm khuyết của việc không quy y.

 

Nghi lễ Thực sự

Nghi lễ này xảy ra vào buổi tối thứ hai. Trước hết ta nuôi dưỡng ý tưởng rằng các biểu tượng quy y được thiết lập trước mặt ta là sự hiện diện thực sự của những nơi quy y tôn quý nhất và kế đó tỏ lòng tôn kính và lễ lạy các ngài. Sau đó ta lập lại những lời sau đây ba lần theo vị Thầy:

 

“Tất cả chư Phật và Bồ Tát, con khẩn cầu các ngài thương tưởng đến con. Đạo sư, xin thương tưởng đến con. Con tên là………., từ lúc này cho đến khi đạt được tinh túy giác ngộ, con quy y chư Phật, các Đấng Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt là các đấng siêu việt tối thượng trong loài người. Con quy y Pháp là sự an bình và niết bàn, sự siêu việt tối thượng trong tất cả những gì thoát khỏi tham muốn và bám luyến. Con quy y Tăng đoàn các Bồ Tát chứng ngộ bất thối chuyển, tập hội siêu việt tối thượng trong các cộng đồng.”

 

Kế đó, khi thỉnh mời các suối nguồn quy y về phương diện chứng ngộ trực tiếp và hình dung các ngài thực sự hiện diện, ta kính lễ và cúng dường, nghĩ rằng: “Bất kỳ điều gì con làm, xin các ngài nghĩ tưởng đến con.” Kế đó ta lập lại lời nguyện quy y như ở trên.

 

Kế tiếp, về phương diện tinh túy vô song như một suối nguồn quy y, ta kính lễ, cúng dường và quy y theo cách mà ba phạm vi (8) hoàn toàn thanh tịnh: bởi từ vô thủy, mọi hiện tượng không có cái ngã và không có bất kỳ bản tánh thực sự hiện hữu nào, ta phải quan niệm rằng Phật, Pháp và Tăng cũng như thế. Đây là sự quy y vô tận, quy y thường hằng, quy y vĩnh cửu. Vì thế anavataptanâgarâjapariprcchâ-sûtra (Kinh Long Vương Anavatapta Vấn thỉnh) nói:

 

“Quy y với tâm thức thoát khỏi nhiễm ô (của việc tin vào thực tại) là gì? Nhờ biết rằng mọi hiện tượng không thực sự hiện hữu (9), nhờ không quan niệm chúng như sắc tướng, như sở hữu các đặc tính hay như điều gì đó mà như sự “toàn giác” hoàn toàn thanh tịnh (Phật), ta quy Phật. Nhờ

quan niệm mọi hiện tượng sinh khởi từ Pháp tánh, ta quy y Pháp. Nhờ không quan niệm sự duyên hợp và không được tạo tác như hai điều tách biệt, ta quy y Tăng.”

 

Kết thúc

Vào buổi tối thứ ba, có một nghi lễ kết thúc, trong buổi lễ đó ta thực hiện những lễ cúng dường tạ ơn các suối nguồn quy y tôn quý nhất.

 

7. MỤC ĐÍCH

 

Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận có nói:

 

“Đó là sự quy y tối thượng bởi nó che chở ta thoát khỏi mọi loại tai họa, những trạng thái thấp, các tiến trình hành động không hiệu quả, các quan điểm triết học có thể bị hủy diệt và duyên hợp (10) và những con đường thấp kém.”

 

Sự quy y thông thường che chở ta khỏi mọi tai họa, thoát khỏi việc rơi vào các trạng thái thấp, thoát khỏi những tiến trình hành động không hiệu quả và thoát khỏi những quan điểm triết học có thể bị hủy diệt và duyên hợp. Quy y đặc biệt che chở ta thoát khỏi những con đường thấp cũng như tất cả những điều trên.

 

8. CÁC GIÁO HUẤN

 

Có chín loại: ba giáo huấn thông thường, ba giáo huấn đặc biệt và ba giáo huấn riêng biệt.

 

8a. Ba giáo huấn thông thường

 

Ta nên luôn luôn nỗ lực cúng dường Tam Bảo, ít nhất là cúng dường miếng thực phẩm đầu tiên khi ăn. Ta đừng bao giờ từ bỏ Tam Bảo cho dù phải trả giá bằng tính mạng của mình hay khiến ta phải chịu sự mất mát riêng tư. Ta nên phát triển tập quán nhắc lại trong tâm những phẩm tính của Tam Bảo và quy y các ngài.

 

8b. Ba giáo huấn đặc biệt (11)

 

Khi đã quy y chư Phật, ta không cần tìm kiếm sự nương tựa ở bất kỳ vị thần nào khác (12). Kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

 

“Người tuyệt hảo trong những người yêu mến đức hạnh là những người đã quy y chư Phật. Họ sẽ không bao giờ quy y các thần thánh khác.”

 

Khi đã quy y Pháp, ta không nên làm điều gì có hại cho chúng sinh. Một bản Kinh nói:

 

“Khi đã quy y Pháp cao quý, ta tránh xa tâm ác hại và thái độ quá khích.”

 

Khi đã quy y Tăng, ta không nên tin cậy những kẻ sai lầm (13). Kinh điển nói

 

“Những người đã quy y Tăng sẽ không ủng hộ kẻ sai lạc.”

 

8c. Ba giáo huấn riêng biệt (14)

 

Ta nên tỏ lòng tôn kính đối với hình tượng của Như Lai, bất kỳ là hình tượng nào, từ một hình tượng nhỏ được đúc bằng đất sét trở lên, bởi chúng tượng trưng cho Đức Phật thực sự vô cùng tôn quý. Ta nên biểu lộ lòng tôn kính đối với những pho sách và tuyển tập Kinh điển, từ một chữ của bản văn trở lên, bởi chúng tượng trưng cho Pháp tôn quý nhất. Ta nên biểu lộ sự tôn kính đối với y phục của Phật tử, từ một miếng vải vàng đơn giản trở lên, bởi nó tượng trưng cho Tăng đoàn tôn quý nhất.

 

9. CÁC LỢI LẠC

 

Có tám lợi lạc chính đến từ việc quy y:

 

1. Ta trở thành một Phật tử (15),

2. Điều đó là nền tảng của mọi cam kết (16),

3. Mọi xấu ác ta đã phạm trước đây sẽ bị tiêu hủy (17)

4. Sẽ không bị tác động bởi những chướng ngại do con người hay các phi nhân gây ra,

5. Sẽ thành tựu mọi mục đích vật chất,

6. Sẽ có nhiều công đức to lớn, là nguyên nhân để

7. Không rơi xuống các cõi thấp và

8. Đạt được giác ngộ chân thực và viên mãn.

 

Trong toàn bộ tiết mục này về những người tạo lập nền tảng cho Bồ đề tâm, điều thứ nhất là điều bắt buộc phải có đối với năng lực Đại thừa. Điều thứ hai là cần phải quy y, được giải nghĩa ở trên. Điều thứ ba là cần thực hiện một trong những cam kết “giải thoát cá nhân” (pratimokśa).

 

CÁC GIỚI NGUYỆN BIỆT GIẢI THOÁT

 

Có bốn loại chính nhưng trong phạm vi của những người thọ các giới nguyện này thì có tám loại. Trong tám loại này, nếu ta không kể cam kết ăn chay một phần upavasatha (TT. bsnyen.gnas) thì có bảy loại. Việc tuân theo bất kỳ loại nào trong bảy loại này cũng đều thích hợp. Bảy loại cam kết (hứa nguyện) biệt giải thoát là:

 

Bhikśu [TT. Gélong1] Tỳ kheo

Bhikśuni [TT. Gélongma] Tỳ kheo ni

Śiksamâna [TT. Gélopma] Thức xoa ma na (18)

Śramanera [TT. Gétsul] Sa di

Śramanerikâ [TT. Gétsulma] Sa di ni

Upâsaka [TT. Gényen] các giới luật cư sĩ

Upâsikâ [TT. Gényenma] các giới luật nữ cư sĩ

 

Bồ Tát Địa nói về điều này:

 

“Bảy loại người tuân thủ đúng đắn nhất các giới luật biệt giải thoát là những người tuân giữ giới hạnh của các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Tùy theo nội dung của chúng, những giới luật này là giới luật của các cư sĩ hay tu sĩ, khi thích hợp.”

 

Về việc cần phải cam kết thực hành các giới luật biệt giải thoát để có thể thực sự thực hành Bồ đề tâm, những người nghi ngờ điều này nên phát triển sự hiểu biết về tính chất cần thiết của việc tuân giữ các giới luật này như một nền tảng cho Bồ đề tâm theo ba cách: bằng sự so sánh, bằng cách căn cứ vào Kinh điển và bằng lý lẽ.

 

1. Bằng sự so sánh

Nơi chốn mà ta thỉnh mời một vị Chuyển Luân Thánh Vương đến và ở lại không nên đầy những chất bất tịnh như phân và rác rưởi. Nó nên là một nơi an trú tuyệt hảo và tốt lành, hoàn toàn sạch sẽ và được trang hoàng bằng những châu báu đẹp đẽ v.v.. – một nơi dễ chịu. Tương tự như thế, khi ta đang nuôi dưỡng Bồ đề tâm vương và hy vọng nó tồn tại, “nơi” nó có thể an trú không phải là ở trong một người không cam kết tránh làm những hành động sai lầm về thân, ngữ và tâm; không ở trong một kẻ bị ô uế bởi những vết nhơ xấu ác. Bồ đề tâm được thỉnh mời an trú nơi những người không có những vết nhơ của sự xấu ác thuộc về thân, ngữ và tâm; là người có thân thể được tô điểm một cách thích đáng bằng giới hạnh của sự cam kết.

 

2. Bằng cách căn cứ vào Kinh điển

Tiết mục Bồ đề tâm trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói rằng: “Nền tảng của nó là sự cam kết rộng lớn.” Cam kết upavasatha (xem ở trên) là cam kết có phạm vi giới hạn, bởi nó chỉ kéo dài trong một ngày và một đêm. Không giống cam kết này, bảy loại giới luật khác là những cam kết có phạm vi rộng lớn và đây là lý do vì sao bảy giới luật này được giảng dạy như nền móng cho Bồ đề tâm. Hơn nữa, Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói:

 

“Những người có cam kết lâu dài trong bảy loại giới biệt giải thoát như những giới nguyện khác của họ, thì thích hợp với giới nguyện Bồ Tát: những người không như thế thì không thích hợp.”

 

Điều này được giải thích theo ý hướng là ta thực sự cần có một trong bảy loại giới luật đó.

 

3. Bằng sự cần thiết theo luận lý

Nhờ các giới biệt giải thoát, ta từ bỏ những việc làm hại chúng sinh, cùng với nền tảng của nó. Nhờ giới nguyện Bồ Tát, ta đang làm lợi lạc chúng sinh. Ta không thể làm lợi lạc chúng sinh nếu trước tiên ta không từ bỏ việc làm hại họ. Tuy nhiên, theo một số người, các giới biệt giải thoát không nhất thiết là điều tiên quyết để tạo nên giới nguyện Bồ Tát bởi những người lưỡng tính, những người bị thiến, các vị trời v.v.. là những người không thể nhận các giới luật biệt giải thoát nhưng có thể làm cho Bồ đề tâm sinh khởi. Một số người cũng khẳng định rằng các giới biệt giải thoát không thể là điều tiên quyết bởi các giới này chấm dứt khi người thọ giới chết, trong khi Bồ đề tâm không chấm dứt. Nếu ta muốn biết về ba điểm này, ta nên hiểu rằng giới biệt giải thoá được phân thành ba loại, được quyết định bởi ba thái độ của người thọ giới:

 

a. Khi những giới nguyện này được thọ nhận bởi một động lực đạt được hạnh phúc trong ba cõi hiện hữu, chúng được gọi là giới hạnh theo cách mong cầu lợi lạc,

b. Khi chúng được thọ nhận với ước muốn giải thoát vĩnh viễn bản thân khỏi đau khổ, chúng được gọi là giới hạnh theo cách sự từ bỏ của Thanh Văn và

c. Khi chúng được thọ nhận bởi ta ước muốn thành tựu đại giác ngộ, chúng được gọi là giới hạnh của giới nguyện Bồ Tát.

 

Những người lưỡng tính, những người bị thiến, các vị trời v.v.. không thể nhận hai loại đầu trong

ba loại ở trên. Các giới nguyện này chấm dứt khi người thọ giới chết và không thể được phục hồi

nếu bị tổn hại và vì thế không phải là nền móng cho giới nguyện Bồ Tát.

Những người lưỡng tính, những người bị thiến, các vị trời v.v.. có thể nhận giới hạnh của giới nguyện Bồ Tát. Các giới nguyện này không mất đi khi người thọ giới chết và có thể được phục hồi nếu bị tổn hại. Bởi những lý do này giới hạnh của giới nguyện Bồ Tát là điều tiên quyết đối với việc thọ nhận và trì giữ giới nguyện Bồ Tát. Vì thế trong luận giảng cho Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Nền móng của tâm lực đó là gì? Giới nguyện của giới hạnh Bồ Tát là nền móng của nó.”

 

Vì thế pratimokśa (giới biệt giải thoát) là điều cần thiết để phát khởi Bồ đề tâm nhưng không nhất thiết phải có như một nền tảng không ngừng dứt trong việc duy trì Bồ đề tâm. “Điều này giống như kỷ luật thiền định là nền tảng thiết yếu cho việc sinh khởi ‘kỷ luật không bị ô nhiễm’ nhưng không phải là điều bắt buộc đối với sự tồn tại lâu dài của nó.”(19) Không cần phải thọ nhận các giới biệt giải thoát qua một buổi lễ đặc biệt. Nếu các giới nguyện này đã được thọ nhận như một phần của việc tu tập Thanh Văn, chúng vẫn hiện diện khi tâm ta có hứng khởi đặc biệt về Bồ đề tâm và sẽ tự động trở thành cam kết biệt giải thoát của Bồ Tát, bởi động lực thấp sẽ bị từ bỏ nhưng tâm từ bỏ (xả ly) thì không có gì sai lầm.

 

Như thế ta đã thấy rằng người có năng lực Đại thừa, người quy y ba nơi nương tựa tôn quý nhất (Tam Bảo) và người đã thọ nhận bất kỳ giới nào trong bảy loại giới nguyện biệt giải thoát là những người thích hợp cho việc phát khởi Bồ đề tâm.

 

Điều này kết thúc chương tám về việc quy y và thọ nhận các giới luật

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát.

 

----------------------------------

(1) Nền tảng: ám chỉ một người theo tổng thể, về mặt toàn thể cuộc đời của họ, toàn bộ trạng thái tâm của họ. Đôi khi từ này hầu như có thể thay thế bằng “sự hiện hữu”.

 

(2) Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt - Danh hiệu này dịch từ Phạn ngữ duy nhất bhâgavan (TT. bcom.ldan.’das), truyền đạt tất cả ba ý nghĩa này. Đó là một danh hiệu tôn kính đối với Đức Phật.

 

(3) Toàn Giác - Đây là cách dịch sát nghĩa từ Tây Tạng sangs.rgyas, hai chữ của nó diễn tả hai trong các ý nghĩa của từ Phạn ngữ bodh, từ đó ta có từ “Buddha.”

 

(4) Bốn nhóm là: nhập lưu (Tu Đà Hoàn), nhất lai (Tư Đà Hàm), bất lai (A Na Hàm) và A La Hán. Mỗi cấp độ có hai phần: những vị thành tựu trạng thái và những vị hoàn toàn vui hưởng kết quả của nó.

 

(5) “Những người tu tập”: một định nghĩa hấp dẫn của Tăng đoàn. Nó cho thấy ngay cả các Bồ Tát ở cấp độ tối thượng cũng vẫn ở trên con đường đi tới sự hoàn toàn viên mãn và thuần tịnh. Các ngài được phân chia bằng bốn giai đoạn đầu trong năm giai đoạn của “con đường.” Giai đoạn thứ năm, Phật quả, là giai đoạn “không còn tutập nữa” (vô tu).

 

(6) Sáu loại người: những người theo ba thừa và những người hướng hành động của họ về Phật, Pháp và Tăng.

 

(7) Thông thường trong ý nghĩa là có phần trong (có chung, được chia sẻ), nghĩa là thông thường (phổ biến) đối với tất cả Phật tử.

 

(8) Ba phạm vi: Đây là chủ thể, đối tượng và sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng.

 

(9) Thực sự hiện hữu: các sự vật thường chỉ hiện hữu một cách phụ thuộc và vô thường. Chúng phụ thuộc vào những hiện tượng tương đối khác bởi bản chất nhất thời của sự hiện hữu mà chúng biểu lộ. Đây là sự hiện hữu tương đối. Đối với điều tự nó thực sự hiện hữu, các đặc tính của sự hiện hữu của nó không phụ thuộc vào những hiện tượng khác và nó buộc phải bền vững.

 

(10) “Có thể bị hủy diệt và duyên hợp” (TT. ‘jig.tshogs) Một cách dịch sát nghĩa của thuật ngữ được dùng để mô tả mọi loại thái độ/triết học khác nhau được dựa trên một ý niệm về bản ngã. Có bốn cách thức căn bản trong việc quan niệm bản ngã trong phạm vi của bất kỳ cái nào trong năm uẩn, tạo thành 20 loại quan niệm chính yếu có thể có.

 

(11) Đặc biệt có nghĩa là giáo huấn đối với mỗi sự quy y đặc biệt.

 

(12) Thần/thần thánh Là không đúng khi nói đến Phật như một “thần thánh.” Các vị trời (deva) là chúng sinh sinh tử. Phật không phải là sinh tử mà cũng không phải là chúng sinh. Từ ngữ được dùng ở đây rất rộng và có thể được dịch là “không quy y các vị thần hay những thực thể tôn giáo khác.”

 

(13) Kẻ sai lầm TT. mu.steg.pa Phạn: tirthika Thuật ngữ tổng quát này ám chỉ những người mà niềm tin tôn giáo hay triết học và thực hành được dựa trên sự mê lầm. Nếu ta thừa nhận rằng Phật giáo là, như nó khẳng định, sự biểu lộ của chân lý phổ quát, thì theo định nghĩa, kẻ sai lầm có nghĩa là những người phi-Phật tử. Một vài dịch giả sử dụng các thuật ngữ như “heretics” (những người theo dị giáo) để dịch chữ này. Tuy nhiên, thuật ngữ này có một ý nghĩa tích cực hơn là tiêu cực, vì nó biểu thị hứa nguyện tâm linh được thiết lập có phần nào sai lạc, với hàm ý rằng điều này thì tốt hơn là chẳng có hứa nguyện gì hết. Các giáo lý riêng biệt của những tôn giáo khác trùng khớp với giáo lý đạo Phật – lòng từ phổ quát, sự bố thí v.v.. nằm ngoài định nghĩa của thuật ngữ này. Xem chú thích trong mục 1c của Phần Ba (Vị Thầy Tâm linh).

 

(14) Nghĩa là giáo huấn đối với mỗi nơi nương tựa (quy y) một cách riêng biệt.

 

(15) Thực ra điều bản văn nói được hiểu sát nghĩa là “người của sự toàn giác, một người ‘ở bên trong.’” Các Phật tử ở trong chân lý trong khi những người khác đi lạc ra ngoài và là “những người ở bên ngoài.”

 

(16) Những cam kết Phật giáo khác như các giới luật, giới nguyện Bồ Tát, giới nguyện Kim Cương thừa v.v.

 

(17) Điều này không nhất thiết phải xảy ra tức thì mà sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra, như một kết quả luận lý của những gì mà tiến trình quy y đang bắt đầu.

 

(18) Cách phát âm của tiếng Tây Tạng được đưa ra ở đây. Từ thực sự, và những từ đi liền theo sau dưới đây một cách tương ứng: dge.slong, dge.slong.ma, dge.slob.ma, dge.tsul, dge.tsul.ma, dge.bsnyen và dge.bsnyen.mae

 

(19) Bộ giới luật này không có sự tương đương đối với nam giới. Bởi truyền thống tỳ kheo ni đã  hất truyền ở Tây Tạng, đây là một cách thọ giới khác được các sư cô Tây Tạng trì giữ.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5774434
Số người trực tuyến: