Công đức và lợi ích
Các Phật tử tham dự Pháp Hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên 2018 sẽ thực hành trì niệm Chân ngôn bằng cách trì Tháp. Dưới đây là giải thích ý nghĩa vi diệu của chân ngôn Lục Tự Đại Minh cũng như cách trì Tháp theo Mật điển để các Phật tử có thể nương theo thực hành, tích lũy phúc tuệ, viên mãn tâm nguyện của bản thân và toàn thể Pháp hội.
Đức Phật của lòng bi mẫn
Trong tất cả chư Phật, Bồ tát, đức Quan Âm là đức Phật siêu đẳng, ngời sáng, lừng danh với tinh thần vô úy cứu khổ cứu nạn. Ngài là hiện thân từ bi của mười phương chư Phật, với bản nguyện khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình. Với bản nguyện này, Ngài đã từ chối thể nhập Niết bàn thanh tịnh để hiện thân trong luân hồi khổ não cứu độ chúng sinh. Chính vì Ngài có nhân duyên rất thâm thiết với chúng sinh trong cõi Sa bà, nên thế gian tôn kính Ngài là biểu tượng tối cao của tâm đại từ đại bi. Thệ nguyện của đức Quan Âm là tùy loại ứng hiện thân tế độ tất cả chúng sinh. Trong Kinh dạy rằng: “Nếu chúng sinh khổ não biết nhất tâm trì tụng Chân ngôn và niệm hồng danh đức Quan Âm, tức thời Quán sát âm thanh liền được giải thoát”.
Về sắc tướng, Đức Quan Âm an tọa trên tòa sen trắng và đĩa mặt trăng nêu biểu cho lòng Từ bi. Thân Ngài sắc trắng trong suốt rạng ngời, một mặt bốn tay nêu biểu Tứ vô lượng Tâm, hai tay phía trước trì giữ Bảo châu Như ý, tay phải thứ hai cầm tràng pha lê, tay trái thứ hai cầm hoa sen. Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương thể hiện tính nhất như của Sinh tử và Niết bàn, trang sức các thiên y lụa là trang hoàng quý báu nêu biểu cho tất cả phẩm hạnh giác ngộ, áo da thú trên vai thể hiện hạnh nguyện nhập thế, miệng mỉm cười trong tình yêu thương bình đẳng, mắt Liên Hoa mở to thấu suốt sáu cõi luân hồi. Ngài là vị Phật có lòng từ bi vô lượng, là hiện thân chứng ngộ Tứ Vô lượng tâm (Từ - Bi – Hỷ - Xả). Tay phải thứ hai cầm tràng pha lê nêu biểu sự liên tục cứu giúp chúng sinh mà không bỏ xót một ai, và chuỗi tràng cũng nêu biểu Khẩu Giác ngộ của Ngài. Trong khi tay trái thứ hai cầm hoa sen nêu biểu Bồ đề tâm thanh tịnh, dù ứng hiện thân vào các cõi luân hồi nhiễm ô để cứu giúp chúng sinh, nhưng Ngài vẫn thanh tịnh vô nhiễm như hoa sen mọc trong bùn. Tất cả đặc điểm sắc thân đức Quan Âm nêu biểu những hạnh đức, thần lực và công hạnh Ba la mật vi diệu của Ngài.
Phía trên đỉnh đầu Ngài có đức Phật Bản sư A -Di - Đà. Trên luân xa trán của Ngài an trí chữ chủng tử OM sắc trắng nêu biểu Thân Giác Ngộ, luân xa cổ họng là chủng tử AH sắc đỏ thể hiện Khẩu Giác Ngộ, luân xa tim có chủng tử HUNG sắc xanh dương chính là Tâm Giác Ngộ. Tại luân xa tim có đĩa mặt trăng, trên đĩa mặt trăng có chủng tử HRI tỏa hào quang sắc trắng chói lọi rực rỡ.
Khi thực hành pháp tu Quan Âm, chúng ta phải hiểu và hợp nhất cả ba khía cạnh của Đức Quan Âm. Khía cạnh bên ngoài là sắc thân Đức Quan Âm với những đặc điểm, phẩm chất, công hạnh như đã mô tả ở trên, khía cạnh bên trong là Bồ Đề tâm hay tình yêu thương vô lượng hướng đến mọi hữu tình, và khía cạnh bí mật là Đại Thủ Ấn (tự tính tâm hay Phật tính) siêu việt.
- Viết bình luận
- 965
Viết bình luận