Đại lễ Cầu siêu theo Truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đại lễ Cầu siêu theo Truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc


Khóa lễ cầu siêu Changwa theo truyền thống Kim Cương Thừa do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh, 2011
Khóa lễ cầu siêu Changwa theo truyền thống Kim Cương Thừa do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh, 2011
Trong nghi lễ cầu siêu, bậc Thượng Sư Kim Cương Thừa thực hành nghi lễ triệu thỉnh và cúng dường đức Phật A Di Đà, cầu xin Chư Phật trao truyền Tứ quán đỉnh (Thân, Khẩu, Ý, Trí giác ngộ) cho chư hương linh. Bởi người chết không còn thân thể vật lý mà tồn tại dưới dạng trường năng lượng sinh học vi tế với những rung động của sóng tâm nên nghi thức cầu siêu  Kim Cương Thừa chú trọng đến chuyển di tâm thức, khai thị nhắc nhở cho vong linh sớm tỉnh ngộ. Các bậc Thầy liên tục an trụ trong tâm từ bi, trí tuệ để hướng dẫn khai thị trợ giúp cho chư hương linh trực vãng cõi Tịnh Độ hoặc chọn cho mình một kiếp sống tương lai tốt đẹp, hạnh phúc.Nhân dịp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ hội văn hóa Tây Thiên cùng công tác Phật sự hoàn thiện Đại Bảo tháp Tây Thiên, nhận lời mời của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đến từ Ấn Độ và Vương quốc Bhutan sẽ viếng thăm cầu nguyện quốc thái dân an và cử hành khóa Đại lễ cầu siêu đặc biệt theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa ngay tại ngôi Đại Bảo tháp linh thiêng này.
Cổ nhân có câu “Âm siêu dương thái”, chúng sinh cõi âm có siêu thoát thì cõi dương mới được thịnh vượng an khang. Bởi thế, lễ cầu siêu là nghi lễ tâm linh được các truyền thống Phật giáo đặc biệt coi trọng. Nghi lễ này thể hiện lòng hiếu kính hướng về cửu huyền thất tổ, tình yêu nước, sự tri ân hướng về các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền non sông và cũng là thực hành lòng trắc ẩn với vong linh những kẻ bỏ thân nơi đất khách quê người trong chiến tranh, trận mạc.
Đạo Phật dạy rằng khi bị mắc kẹt trong trạng thái trung ấm không thể siêu thoát, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, sân giận, tham luyến và hối tiếc về kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải nghiệm vô vàn khó khăn, uất hận, đau đớn khổ sở. Ngay lúc này, nếu có bậc Thượng sư thực chứng với tâm đại từ đại bi khai thị giáo pháp và ban gia trì thì sẽ lợi lạc vô cùng cho các vong linh; sự hộ niệm của ngài có thể giúp hương linh tức thời được siêu thoát, và nhờ đó người sống cũng được hạnh phúc, an lành.
Pháp hội này là dịp hiếm có để các Phật tử tiếp cận với các nghi thức cũng như không gian văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của Phật giáo Kim Cương thừa ngay tại Tây Thiên, nơi được coi là miền đất Kim Cương thừa của Việt Nam. Nhân dịp này, Đức Nhiếp Chính Vương cũng ban truyền quán đỉnh Phật Vô Lượng Thọ, một pháp tu thù thắng giúp tăng trưởng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Đặc biệt, đại chúng tham dự có thể chiêm ngưỡng vũ điệu Kim Cương Hộ Pháp. Không chỉ có công năng khiển trừ chướng ngại, việc chiêm ngưỡng vũ điệu này còn giúp chúng ta trải nghiệm sự thăng hoa, chuyển hóa của tâm thức để trở về bản tâm thanh tịnh. Toàn bộ khóa lễ cầu siêu được cử hành theo truyền thống Phật giáo Đại thừa – Kim Cương thừa, với sự tham gia của đông đảo chư Đại đức Thượng tọa Truyền thừa Drukpa và chư ni Drukpa Việt Nam từ chùa Tây Thiên Phù Nghì, Vĩnh Phúc.
Phối cảnh Đại Bảo tháp Tây Thiên
Phối cảnh Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Cầu siêu trong lòng tháp
Một khóa lễ cầu siêu trong lòng Đại Bảo Tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc

Vũ điệu Kim Cương Hộ Pháp, chùa Tây Thiên Phù Nghì, Vĩnh Phúc
Vũ điệu triệu thỉnh Đại Huyền Kim Cương Hộ Pháp, chùa Tây Thiên Phù Nghì, Vĩnh Phúc
Múa rồng xanh tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Múa rồng tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc

GIẢI THÍCH NGHI LỄ CẦU SIÊU QUÁN ĐỈNH CHANGWA
1. Ý nghĩa và lợi ích của nghi lễ cầu siêu quán đỉnh Changwa
Giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng khi bị mắc kẹt trong trạng thái Trung ấm không thể siêu thoát, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải nghiệm vô vàn khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở. Kinh điển cũng dạy rằng, trong trạng thái trung gian của cái chết, khi thần thức không còn sự ngăn ngại của xác thân tứ đại, thần thức trở nên vô cùng tinh nhạy, có thể nói thông minh hơn chín lần khi họ còn sống. Thần thức có rất nhiều năng lực thần thông như có thể đọc được tâm của người khác, có thể biết được tình cảm gia đình quyến thuộc thực sự dành cho họ lúc này ra sao. Vì thần thức quá linh thông, họ càng đau khổ hơn khi biết rằng những người thân của họ không thực sự quan tâm đến cảnh khổ của họ. Tình cảnh của họ thật sự nguy nan, nỗi thống khổ của họ lúc này có thể nói là tột bực!
Ngay lúc này, nếu có bậc Thượng sư giác ngộ với tâm đại từ đại bi khai thị giáo pháp và ban gia trì thì sẽ lợi lạc vô cùng cho các vong linh; sự hộ niệm của Ngài có thể giúp họ tức thời được siêu thoát, thông qua các pháp tu trì thù thắng về Bản tôn Đức Amitabha A Di Đà Phật, Bất Động Phật, Quan Âm… Một bậc Thượng sư thực chứng có thể nhập Đại định và dẫn dắt thần thức của những hương linh đang phải gánh chịu khổ đau trong trạng thái Trung ấm tới trước mặt mình, ban truyền giáo pháp về vô thường, khai thị cho họ biết chính tâm tham chấp của họ vào kiếp sống trước đây khiến họ bị kẹt trong Trung ấm không thể siêu thoát. Chư hương linh được khai thị, được tịnh hóa nghiệp chướng, được chuyển di tâm thức và được ban truyền quán đỉnh sẽ có cơ duyên xả bỏ mê lầm, phát tâm cầu giải thoát giác ngộ, vãng sinh về cõi Tịnh Độ của Đức Amitabha A Di Đà Phật. Đây chính là pháp Changwa - một trong những pháp tu vô cùng thiện xảo và thù thắng của Kim Cương thừa!
Nghi lễ quán đỉnh Changwa không chỉ độ thoát cho chư hương linh mà còn giúp cho thân nhân hương linh được giải thoát khỏi sự phiền nhiễu, bám chấp của chư hương linh và các lực lượng quỷ thần. Vì không thể siêu thoát và phải lang thang vất vưởng trong trạng thái thân Trung ấm, một cách tự nhiên, chư hương linh và quỷ thần thường gây phiền nhiễu tới những người đang sống, những người thân và gia đình trong kiếp trước của họ. Vì vậy, gia đình thân nhân của chư hương linh luôn phải chịu đựng sự phiền nhiễu, quấy quả đó và không thể có được đời sống yên ổn. Nghi lễ quán đỉnh Changwa giúp chư hương linh được siêu thoát, nhờ đó mà những người đang sống cũng sẽ được an lành, không còn bị phiền lụy.
2. Nội dung và trình tự thực hành nghi lễ cầu siêu quán đỉnh Changwa
Đại lễ quán đỉnh Changwa chuyển di tâm thức là một nghi lễ cầu siêu theo truyền thống Kim Cương thừa được các bậc Kim cương Thượng sư thực hiện một cách vô cùng kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Về mặt thứ lớp tu tập, trước tiên, bậc Thượng sư được thỉnh cầu tiến hành nghi lễ này sẽ triệu thỉnh chư hương linh, quỷ thần, những thần thức còn đang lang thang vất vưởng trong Thân trung ấm. Tất cả sẽ được triệu thỉnh, gần như thúc hối, gọi mời để đến trước đàn tràng nơi đang tiến hành nghi lễ. Sau đó, nhờ phương tiện thù thắng của Kim Cương thừa, chư hương linh sẽ trụ trên bài vị. Họ sẽ chấp trì vào bài vị có ghi rõ tên của họ, giống như được nương tựa dưới chiếc ô hay một sự che chở vững chắc. Thông qua phương tiện thiện xảo này, chư hương linh đang lang thang sẽ tìm được chốn nương tựa và sự an bình, hy vọng.
Tiếp đến, nhờ năng lực quán tưởng của Thượng sư, tất cả những tội chướng mê lầm từ vô thủy kiếp của chư hương linh được tịnh hoá, sám hối. Các tội chướng này của hương linh được làm tượng trưng thành hình bò cạp bằng mè đen sau đó một phần được đốt trong lửa trí tuệ, một phần được bỏ trong nước từ bi.
Sau phần tịnh hóa, sám hối, bậc Thượng sư thực hành nghi lễ triệu thỉnh và cúng dàng Đức Amitabha A Di Đà Phật để cầu xin trao truyền Tứ quán đỉnh cho chư hương linh. Do hương linh không còn thân vật lý nên họ chỉ thụ nhận được mùi hương của các phẩm vật cúng dàng được đốt lên nương năng lực gia trì từ chân ngôn của chư Phật, chư Bồ tát. Nhờ đó những cơn đói khát sẽ được xoa dịu.
Nghi thức quán đỉnh chuyển di tâm thức Changwa, bậc Kim cương Thượng sư chú trọng vào việc khai thị cho chư hương linh. Bằng năng lực thiền định siêu việt của mình, Ngài liên tục an trụ trong tâm Từ bi, Trí tuệ để dẫn dắt thần thức của hương linh vãng sinh tới cảnh giới Tịnh độ của Đức Amitabha A Di Đà Phật. Trong đàn tràng bậc Kim cương Thượng sư còn sử dụng những biểu tượng của tứ đại đất, nước, gió, lửa nhằm nhắc nhở chư hương linh không bám chấp vào thân thể của kiếp sống vừa qua. Bởi vì, nếu còn sự bám chấp nặng nề vào bản ngã hay thân thể vật lý thì chư hương linh không thể đạt được giải thoát.
Theo lời Đức Phật dạy, mười phương pháp giới đều do tâm biến hiện. Tâm mê thì cảnh giới khổ đau hiện bày, tâm giác thì niết bàn an lạc hiện tiền. Chỉ vì từ vô thuỷ kiếp mê muội nên chúng sinh trôi lăn trong sáu đạo luân hồi, lúc sống bám chấp thân người, khi chết bám chấp ma cảnh, do đó mãi lưu lạc, khổ đau không biết đâu là nguyên nhân, nguồn cội. Nương nhờ ân đức gia trì, trí tuệ lực, từ bi lực và định lực của Kim cương Thượng sư, chư hương linh sẽ nhất thời được khai ngộ, trở về với Giác Tính của chính mình. Như vậy, cốt yếu của nghi lễ quán đỉnh Changwa trong Kim Cương thừa là bậc Thượng sư cần an trụ trong đại định để tiếp cận, khai thị, dẫn dắt chư hương linh thoát khỏi sự bám chấp, lầm mê.
Với phương tiện thiện xảo của phương pháp Changwa, bài vị viết tên chư hương linh được họ chấp trì, coi như thân mạng mình. Nhờ đó, họ có cảm giác được nâng đỡ, thúc đẩy lên cao và được hoàn toàn giải thoát khỏi sự dính mắc, đọa lạc trước đây. Trong phần cuối của nghi thức, bài vị này được đốt bằng lửa trí tuệ tạo thành khói. Khi đó, chư hương linh sẽ cảm thấy khinh an và không còn bị trầm chìm, đọa lạc trong lục đạo luân hồi. Trong lúc này, tên của chư hương linh được đọc to, rõ ràng khiến họ có cảm giác mạnh mẽ rằng mình đang được bậc Kim cương Thương sư, các huynh đệ Kim cương và toàn bộ đàn tràng, gia trì, hộ niệm khiến họ tin tưởng rằng họ thực sự đang được giải thoát và chắc chắn được siêu sinh Tịnh độ. Điều này hoàn toàn xác thực trong nghi lễ cầu siêu quán đỉnh Changwa.
Tiếp đến, tên và di ảnh của chư hương linh được tịnh hóa và gia trì bằng nước cam lồ và chân ngôn của Đức Amitabha A Di Đà Phật giúp chư hương linh nhận rõ bản chất vô thường và sinh tử của cuộc sống. Khi thấy rõ thân thể, tên tuổi của mình đã thực sự tan biến trong ánh lửa Tam muội giác ngộ, chư hương linh có thể nhẹ nhàng từ bỏ mọi sự bám luyến, ràng buộc, dễ dàng siêu thoát về nơi Tịnh thổ Quốc độ.
Sau cùng, bậc Kim cương Thượng sư cử hành pháp chuyển di tâm thức có công năng dẫn dắt, chuyển hóa thần thức của vong linh dung nhập với tự tính tâm của Bản tôn Đức Amitabha A Di Đà Phật và vãng sinh cảnh giới Tịnh độ thù thắng, vi diệu của Ngài, chấm dứt quá trình Thân trung ấm đầy đớn đau, tuyệt vọng và giải thoát khỏi luân hồi tràn ngập khổ lụy, phiền não.
Như vậy, nghi lễ cầu siêu quán đỉnh Changwa là pháp tu giúp tịnh hóa các ác nghiệp của chư hương linh, quỷ thần và trợ duyên cho họ được siêu thoát. Nghi thức này không chỉ giúp cho những thần thức mới bước vào giai đoạn Bardo cái chết, khi họ vừa từ bỏ xác thân tứ đại, mà còn vô cùng lợi lạc cho chư hương linh, quỷ thần đã và đang bị mắc kẹt ở Trung ấm trong một thời gian dài.

Nguồn ​drukpavietnam.org

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328461
Số người trực tuyến: