[Tin báo chí] Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Thiên nhiên phản chiếu tâm hồn
Theo Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, để Trái Đất mãi mãi xanh tươi “cần thanh lọc, loại bỏ những ô nhiễm nơi tâm mình”.
Chiều qua (22/9), đông đảo Phật tử và người dân Việt Nam vui mừng cung đón Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ Truyền thừa Drukpa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại đây, Đức Pháp Vương đã chia sẻ những mong nguyện của mình trong Tọa đàm “Thiên nhiên, con người: Một thế giới”.
Tham dự chương trình có nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, và TS. Thang Đức Thắng - Tổng biên tập báo điện tử VnExpress…
Hoạt động trọng tâm trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của Đức Pháp Vương là Đại Pháp hội Kim Cương thừa Gia trì cát tường và An vị Xá lợi Phật tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Cũng trong hành trình diễn ra từ ngày 21/9 - 03/11/2015, Đức Pháp Vương, Đức Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo sẽ viếng thăm nhiều tỉnh thành, cử hành các Pháp hội quán đỉnh cầu nguyện hòa bình thế giới, quốc thái dân an, đại lễ cầu siêu, khiển trừ chướng ngại, tăng phúc trường thọ.
Con người chính là Thiên nhiên
Đến thăm Việt Nam vào đúng dịp Ngày Quốc tế Hòa bình (21/9), Đức Pháp Vương cho rằng “đây không phải là một chuyện ngẫu nhiên”, mà đó là “duyên lành từ nhiều đời kiếp”. Bởi vậy, Ngài hi vọng sự hiện diện của Ngài “sẽ đem lại lợi ích hòa bình cho đất nước Việt Nam nói riêng, và đặc biệt là nhân dân và chúng sinh trên toàn thế giới nói chung”.
Theo Đức Pháp Vương, “hòa bình” là “sống với nhau một cách thân thiện, cởi mở, hòa hợp, đoàn kết trong tình tương thân tương ái”, và đặc biệt “cần sống thân thiện với chính môi trường thiên nhiên của chúng ta, như rừng cây, núi sông, và nguồn nước sạch, và ngay cả mặt đất”.
Bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất đã và đang bị ô nhiễm là một vấn đề cấp bách đối với bất cứ quốc gia nào. Ô nhiễm môi trường đe dọa trực tiếp tới an sinh cộng đồng.
Những năm gần đây, khí hậu Trái Đất nóng lên một cách bất thường và ngày càng khắc nghiệt là nguyên nhân dẫn tới những thiên tai như giông bão, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán… dồn dập xảy ra tại Việt Nam và trên thế giới, gây ra những hậu quả khôn lường về của cải và tính mạng con người.
Vì thế, Đức Pháp Vương nhấn mạnh: “Chúng ta cần bảo vệ môi trường thiên nhiên bởi nhờ có môi trường thiên nhiên mới đem lại cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho chúng ta. Có sức khỏe chúng ta mới có thể tạo ra vật chất, và từ đó cuộc sống con người mới có thể cân bằng, hạnh phúc. Bởi vậy, cần hướng niềm tri ân trân trọng của chúng ta về thiên nhiên”.
Tuy nhiên, theo Ngài, để Trái Đất có thể mãi xanh tươi, nhân loại được hòa bình, hạnh phúc an vui, chúng ta không chỉ cần thu nhặt rác thải, làm sạch môi trường, mà còn “cần thanh lọc, loại bỏ những ô nhiễm nơi tâm mình”. Con người cần trân trọng, kết nối với thiên nhiên để hiểu được rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên, chính chúng ta là thiên nhiên.
Bày tỏ niềm hạnh phúc, lời cảm tạ, cùng niềm thành kính sâu sắc, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thay mặt đông đảo Phật tử và người dân Việt Nam gửi lời chào mừng hạnh ngộ tới Đức Pháp Vương. Ông xúc động chia sẻ, chúng ta hướng về Đức Pháp Vương là “hướng về cái thiện, cái cao cả, cái cao quý, và sự an lạc của con người”.
Thiên nhiên phản chiếu tâm hồn
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một tác giả có nhiều tác phẩm gắn với thiên nhiên, đã trình bày những ý niệm mới đáng suy ngẫm về thiên nhiên, môi trường tự nhiên, về mối quan hệ giữa thiên nhiên - con người. Ông cho rằng“thiên nhiên chính là cái gương phản chiếu trọn vẹn nhất trong tâm hồn của con người”.
“Nếu một cánh rừng bị tàn sát, bị phá hủy, một dòng sông bị nhiễm độc, một cánh rừng hoàn toàn trơ trụi, thì nghĩa là thiên nhiên trong tâm hồn con người cũng tương tự như vậy. Còn nếu như có một thiên nhiên “phù trú” trong lòng thì tức khắc chúng ta sẽ chìa bàn tay của mình ra để chăm bón bảo vệ thiên nhiên bên ngoài”, nhà thơ xúc động chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nội dung tọa đàm không chỉ là thiên nhiên bên ngoài mà còn nói đến sâu thẳm trong tâm hồn con người.
“Nếu trong lòng chúng ta nở một bông hoa thì ngoài kia cánh đồng hoa sẽ nở. Nếu chúng ta sẵn sàng chặt một cái cây, chúng ta có thể sẵn sàng giết chết con người. Nếu chúng ta dám bóp chết một con chim, thì chúng ta có thể sẵn sàng hành động man rợ với con người. Rác bẩn bên ngoài giống như bóng tối trong tâm hồn của mỗi người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Cũng trong buổi tọa đàm, Đức Pháp Vương đã chia sẻ về những chuyến bộ hành của Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đang được lan tỏa khắp nơi như Nam Mỹ, Úc, hay một số quốc gia châu Âu. Theo Ngài, đây là một chặng đường dài, “nhưng ta cũng không nên vì chặng đường dài này mà cảm thấy bi quan, thất vọng”.
“Ô nhiễm môi trường không ai tại ra cho chúng ta ngoài chính mình”- Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa kết luận.
(Theo http://tintuc.vn)
- 92
Viết bình luận