Nơi bắt gặp những ngọn nguồn Phật giáo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nơi bắt gặp những ngọn nguồn Phật giáo

Tinh túy của đạo Phật, dù tông phái nào, cũng có thể gói lại ở hai từ “trí tuệ” và “từ bi”. Bản chất ấy của Phật giáo sớm được xác lập từ đức Phật tổ khi tôn giáo này ra đời cho tới các bậc cao tăng qua mọi thời đại, được vun đắp và lan tỏa. 

Cũng như mọi tôn giáo lớn khác, qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, từ ngọn nguồn ấy, Phật giáo cũng dần dần phân nhánh thành những dòng sông Đạo pháp và tu tập khác nhau, nhưng thảy đều có một ngọn nguồn duy nhất. 

Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam là có sự tồn tại song song giữa hai dòng truyền thừa lớn nhất là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông (Theravada), bên cạnh là phái Khất sĩ, và chúng ta còn tự hào có dòng thiền Trúc Lâm do đức Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. 
 
Trong Phật giáo Bắc tông, bên cạnh truyền thống Thiền-Tịnh song tu, còn có sự chung sống gắn bó giữa Thiền-Tịnh-Mật.
 
Những năm qua, cùng với sự phát triển hội nhập của đất nước, chủ trương của Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc phát huy di sản Phật giáo dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu sự giao thoa, học hỏi giữa các truyền thống văn hóa Phật giáo đã được thể hiện rõ nét, tạo nên sự năng động và luồng sinh khí mới cho môi trường văn hóa xã hội nói chung và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng. 
 
Nổi bật trong các hoạt động này là Phật giáo Việt Nam đã tham gia và chủ trì nhiều hội nghị thế giới, khu vực như Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới (2009), Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (năm 2008, 2014). Các chức sắc lãnh đạo và Ban Phật giáo Quốc tế cũng đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm đoàn Phật giáo nước ngoài: phái đoàn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, Vua sãi Tép Vong, phái đoàn Hội quán đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ), phái đoàn Viện Liên kết toàn cầu Hoa Kỳ, các phái đoàn Phật giáo Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Nhiều hội thảo quốc tế về văn hóa, giáo dục, đạo đức Phật giáo cũng diễn ra với kết quả tốt đẹp. Điều này thể hiện thế mạnh của Việt Nam như một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, nơi các giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo được thấm nhuần trong lịch sử dân tộc và trở thành nét đẹp văn hóa Việt, đồng thời cũng thể hiện đặc điểm dễ hòa nhập, lan tỏa, có tính phổ quát vũ trụ của giáo lý đức Phật, vượt qua mọi biên giới địa lý và rào cản văn hóa. 
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thứ 12 tại pháp hội ngày 27/9, Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Trong sự giao lưu Phật giáo đó, chúng ta thấy sự hiện diện tích cực và hòa đồng của Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ), truyền thống Phật giáo có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tại vùng Ấn Độ - Himalaya với bậc lãnh đạo tinh thần là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được thế giới vinh danh là nhà hoạt động thiện hạnh và môi trường quốc tế. Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa đã nhiều lần viếng thăm cử hành các pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh Anh hùng Liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai bão lụt, chia sẻ thông điệp Từ bi - Trí tuệ của đức Phật và khơi nguồn cảm hứng Phật Pháp tại nhiều vùng miền đất nước. Đặc biệt, từ năm 2011, theo lời thỉnh cầu từ tăng ni phật tử và với tâm nguyện đóng góp một công trình tâm linh có ý nghĩa vào di sản văn hóa Việt Nam, Ngài đã trực tiếp hỗ trợ việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, gia trì yểm tâm Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Kiến trúc nghệ thuật Mandala này là Đại Bảo Tháp đầu tiên tại Việt Nam và cũng là Bảo tháp quy mô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. 
Ngoài yếu tố thuận lợi từ chính sách hội nhập của Phật giáo Việt Nam, sự hiện diện của Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền Thừa Drukpa tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo phật tử và người dân vì những lý do cả từ hai phía như sau: 
 
Thứ nhất, trên phương diện lịch sử, Truyền thừa Drukpa được khởi nguồn từ Đức Naropa (1016-1100), một Đại thành tựu giả trứ danh trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Đạo Phật có khởi nguồn từ Ấn Độ và được hoằng truyền sang Việt Nam nên phật tử và người dân Việt Nam dành cho Tăng đoàn Ấn Độ nhiều thiện cảm và sự kết nối.  Mặt khác, phật tử Việt Nam có sự kính ngưỡng dành cho Bồ tát Quan Thế Âm nên sự hiện diện của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được người dân nhiều quốc gia vùng Ấn Độ - Himalaya kính ngưỡng là hóa thân của Bồ tát Quan Thế Âm (trong lịch sử các đời Pháp Vương Gyalwang Drukpa trước khi thị tịch đều để lại nhiều xá lợi hiện Pháp tướng đức Quan Âm), cùng với phong cách chia sẻ Phật pháp gần gũi, hiện đại của Ngài đã khơi dậy cảm hứng và niềm tin chí thành từ đông đảo đại chúng. 
 
Thứ hai, dù thuộc truyền thống Kim Cương thừa nhưng về pháp môn tu tập, Truyền thừa Drukpa kết hợp tinh túy của cả tam thừa Phật giáo. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ rằng giáo pháp Kim Cương thừa dựa trên nền tảng Phật giáo Đại thừa và giáo lý Đại thừa lại không thể tồn tại nếu thiếu nền tảng Nguyên thủy Phật giáo. Mỗi Thừa trong ba Thừa không thể tồn tại riêng biệt mà phải kết hợp cùng nhau, cùng chung mục đích duy nhất giúp chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi và chứng đạt hạnh phúc giác ngộ. Sự hiện diện của cả Tam thừa Phật giáo trong truyền thừa Drukpa tương ứng với các đặc điểm của Phật giáo Việt Nam và qua đó giúp thúc đẩy sự tương tác giao lưu. Theo nghiên cứu lịch sử, từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền sang nước ta trước khi hoằng truyền tiếp lên các quốc gia phía Bắc. Thời gian sau đó, Phật giáo Đại thừa lại được ảnh hưởng từ Trung Quốc quay trở lại ghi dấu ấn sâu sắc trong văn hóa xã hội Việt Nam. Đồng thời, lịch sử cận đại của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của Nguyên thủy Phật giáo từ các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Miến Điện. Song song với đó, Phật giáo Kim Cương thừa (còn gọi là Mật thừa, Mật tông) cũng được hoằng truyền từ thời Lý Trần là giai đoạn cực thịnh của Phật giáo nước nhà. Các vị vua tài giỏi thời Lý - Trần thường thỉnh mời các bậc Thượng sư thực chứng đạo hạnh làm Quốc sư,  cố vấn về các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và tôn giáo, giúp việc trị quốc an dân thời bấy giờ được thấm nhuần tư tưởng từ bi, trí tuệ, vô úy hỷ xả của Phật pháp. Dấu ấn của Mật thừa trong Phật giáo Việt Nam tuôn chảy qua dòng thời gian, các tháp tổ ở nơi chùa chiền đều có chân ngôn Án A Hồng, Ám Mani Bát Minh Hồng, trong chính điện đều có các cửa võng hoành phi câu đối với các biểu tượng cát tường, các thời khóa công phu của Chư tôn đức tăng ni: sáng tụng chú Lăng Nghiêm, chiều cúng thí thực, các đàn pháp Chuẩn tế, thực hành chân ngôn, Mật ấn…, đồng hành với sự phát triển của Phật giáo, văn hóa xã hội Việt Nam trong hơn 1000 năm qua.
 
Nền tảng Tam thừa Phật pháp, niềm trân trọng bề dày lịch sử Phật giáo và các giá trị tâm hồn người dân Việt Nam, sự gần gũi, chân tình của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và các tâm nguyện tốt lành của Ngài hướng về người dân đất nước Việt Nam đã khiến cho hành trình viếng thăm du hóa của Đức Pháp Vương và Tăng đoàn trong nhiều năm qua được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng tăng ni phật tử. Đây cũng là minh họa về sức sống, sự năng động đổi mới của Phật giáo nước nhà, luôn biết chọn lọc tiếp thu những giá trị tốt đẹp để làm giàu thêm bản sắc văn hóa, giúp Phật giáo Việt Nam tiếp tục là nền tảng tốt đẹp để người dân tìm được sự cân bằng giữa vật chất và tâm linh, giữa sự phát triển bên ngoài và niềm hạnh phúc an lạc vốn sẵn đủ bên trong mỗi người. 
 
Gs.Ts.Đỗ Quang Hưng
 
“Đạo Phật được hoằng truyền vào Việt Nam từ hơn 2.000 năm. Như vậy nền tảng văn hóa và tâm linh của người Việt Nam là Phật giáo. Người Việt Nam nên quay trở lại với cội nguồn của chính mình. Niềm vui của tôi là được thấy mọi người cười trong hạnh phúc, biết trân trọng tri ân cuộc sống, biết hướng tìm chân hạnh phúc trên nền tảng tâm linh tốt đẹp quý giá mà các bạn may mắn được kế thừa”. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa.
 
(Theo phatgiao.org.vn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411780
Số người trực tuyến: