[THÔNG BẠCH] CHƯƠNG TRÌNH LỄ VU LAN 2015
CHƯƠNG TRÌNH LỄ VU LAN 2015
Các Đại lễ quan trọng:
-
Lễ cầu siêu cho các thai nhi và trẻ em xấu số: 16/8 (3/7 ÂL)
-
Đại lễ Cầu siêu phả độ gia tiên, cửu huyền thất tổ: 23/8 (10/7 ÂL)
-
Chương trình lễ Vu Lan Tự tứ: 27/8 (14/7 ÂL)
Địa điểm: Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (CT 1, 2)
Tịnh thất Tây Thiên (CT 3)
Mùa Vu Lan, mùa báo hiếu tri ân lại về. Tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chư Ni Tây Thiên sẽ tổ chức Đại lễ Cầu siêu phả độ gia tiên, cửu huyền thất tổ. Đặc biệt, Khoá lễ do chư ni Đại Bảo tháp Tây Thiên cử hành sẽ là nghi quỹ cầu siêu quán đỉnh Changwa theo truyền thống Kim Cương thừa. Đây là nghi lễ cầu siêu vô cùng thù thắng, được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa (Ấn Độ), Bậc được kính ngưỡng là Hoá thân chân thật của Đức Phật Quan Âm đích thân hướng dẫn truyền dạy.
Khoá lễ cầu siêu tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sẽ diễn ra miên mật từ sáng đến chiều muộn qua các nghi lễ khác nhau (tụng kinh Mục Liên sám Phát, khai thị của quý Thầy về ý nghĩa cầu siêu, khoá lễ triệu thỉnh Phật A di Đà, cúng dàng đèn hoa đăng, cầu siêu quán đỉnh Changwa) với trọn vẹn sự tập trung và tâm thành của chư tăng, ni và đại chúng phật tử tham dự.
Tuần trước đó, Quý Thầy Tây Thiên đã dành trọn một ngày để lập đàn cầu siêu cho các thai nhi xấu số.
Ý nghĩa, nội dung nghi lễ cầu siêu theo Phật giáo Kim Cương thừa:
Nghi thức Quán đỉnh Changwa (siêu độ cho chư hương linh) của Kim Cương Thừa không chú trọng đến việc đọc sớ hay đốt vàng mã mà chú trọng đến sự khai ngộ chuyển di tâm thức cho hương linh. Các bậc Thầy liên tục an trụ trong tâm từ bi, trí tuệ để hướng dẫn khai thị trợ giúp cho chư hương linh biết đường hướng mà đặt chân cất bước, chọn cho mình một kiếp sống tương lai tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Theo truyền thống Kim Cương thừa, lễ Quán đỉnh Changwa Chuyển di tâm thức (cầu siêu) thường được các bậc Thầy Kim Cương Thượng sư thực hiện một cách vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cẩn thận. Ngoài các nghi lễ triệu linh tiếp linh, tắm vong thông thường, hương linh được triệu thỉnh đến trước đàn tràng, nhờ năng lực quán tưởng của thượng sư, chư hương linh được thực hành tịnh hoá, sám hối tất cả những tội chướng lầm mê từ vô thủy kiếp, bao tội chướng của hương linh được làm tượng trưng thành hình bò cạp bằng mè đen… và một phần được đốt trong lửa trí tuệ, một phần được bỏ trong nước từ bi. Sau khi đã tịnh hoá xong, bậc Thượng Sư thực hành nghi lễ triệu thỉnh và cúng dường đức Phật A Di Đà để cầu xin trao truyền tứ quán đỉnh cho chư hương linh, nhờ vậy chư hương linh sẽ được vãng sinh Tịnh Độ.
Giáo lý Đạo Phật dạy rằng khi không thể siêu thoát mà trở thành một cô hồn vất vưởng, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về kiếp sống đã qua. Họ cũng phải trải nghiệm vô vàn khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở. Vì không thể siêu thoát và phải lang thang vất vưởng trong trạng thái oan hồn, nên chư hương linh và quỷ thần thường gây phiền nhiễu cho những người đang sống, những người thân và gia đình trong kiếp trước, khiến họ luôn phải chịu đựng sự phiền nhiễu, quấy quả đó và không thể có được đời sống yên ổn.Không chỉ Kinh điển Đại thừa, Kim Cương thừa mà ngay cả trong Phật giáo Nguyên thủy đều nói về trạng thái trung gian giữa cuộc sống đã qua và kiếp sống sắp tới, được gọi là thân “trung ấm”. Ví dụ như kinh A Di Đà chỉ dạy rằng những chúng phạm trọng nghiệp ngay khi dứt hơi thở sẽ phải đọa ngay ba đường ác, còn những ai tích lũy nghiệp công đức và thiện nghiệp vừa khi nhắm mắt qua đời sẽ lập tức vãng sinh Tịnh độ hoặc đạt thành giác ngộ.
Ý nghĩa Lễ Vu lan báo hiếu:
Trong truyền thống Phật giáo nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng, đây là hoạt động tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghi lễ này thể hiện lòng hiếu kính hướng về cửu huyền thất tổ, tình yêu nước, sự tri ân hướng về các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền non sông. Đây cũng là thực hành lòng trắc ẩn đối với vong linh bỏ thân nơi đất khách quê người.
Từ thời đức Phật, khi Đức Mục Kiều Liên vì lòng hiếu hạnh xót thương hương linh người mẹ đã khuất còn đau khổ trầm luân nơi cõi thấp đã thỉnh cầu Đức Phật, và nương năng lực tu tập thanh tịnh và thù thắng của Tăng đoàn sau mùa an cư kết hạ mà cầu nguyện cho thân mẫu Ngài được siêu thoát, truyền thống này đã được trì giữ qua hàng nghìn năm với tình cảm chí thành của các thế hệ Phật tử, nhân dân hướng về ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ và rộng khắp ra là mọi chúng sinh cô hồn còn chịu khổ đau, đoạ lạc trong thân trung ấm, chưa thể siêu thoát.
------------&------------
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
* Chương trình Đại lễ Cầu siêu phả độ gia tiên, cửu huyền thất tổ: 23/8 (10/7 ÂL), tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên
- 9h: Chuông trống Bát Nhã.
Dâng hương, Lễ Phật sám hối.
Phật tử tác bạch thỉnh Cầu siêu (Thỉnh Thầy Giám viện Đáp từ)
Thỉnh Thầy giáo thọ giảng ý nghĩa cầu siêu.
Khóa lễ triệu thỉnh Đức Phật A Di Đà (Truyền thống KCT)
Khai kệ tụng kinh Từ Bi Đạo Tràng Sám pháp.
11h: Ngọ trai.
13h: -Tụng tiếp kinh Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp.
Quán đỉnh Chhang wa.
(Khóa lễ cầu siêu chư Hương Linh theo truyền thống KCT)
Hồi hướng phục nguyện, phụng tống Hộ pháp
Phật Tử tác bạch lễ tạ.
Thỉnh Thầy Giám Viện đáp từ - Hoàn mãn.
* Chương trình lễ Vu Lan Tự tứ: 27/8 (14/7 ÂL), tại Tịnh thất Tây Thiên:
8h30 : Đại chúng vân tập
8h45 : Dâng lục cúng
- Tán Phật-Lễ Phật
- Phật tử dâng cỏ Cát tường
- Khai kệ tụng kinh Vu Lan
- Thuyết pháp ý nghĩa Vu Lan
- Chương trình “Bông Hồng cài áo”
10h45 : Phật tử tác bạch cúng dường Trai tăng, cúng Y công đức và phẩm vật Vu lan.
11h : Lễ “ Cổ Phật khất thực” Ngọ trai
11h45 : Khai kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân
Buổi chiều:
13h00: Nghi lễ thọ y công đức.
-Thỉnh Thầy Giáo thọ giảng ý nghĩa thọ y công đức
- Yết ma thọ y công đức
- Toàn chúng thọ y công đức và cho các Phật tử kết duyên cùng y công đức.
- 283
Viết bình luận