YDA Việt Nam tiếp bước học sinh vùng cao đến trường
Ngày 13/8, tại điểm trường Khuổi Hao xã Cao Thượng, thầy trò Trường Tiểu học Cao Thượng, xã Cao Thượng (Ba Bể, Bắc Kạn) đã vui mừng nhận bàn giao 4 phòng học mới cùng nhiều quà tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo và nhu yếu phẩm với tổng kinh phí 310 triệu đồng.
Đây là một trong số các hoạt động của Dự án thiện nguyện “Tiếp bước em đến trường” do Câu lạc bộ YDA Tuổi trẻ Thăng Long phối hợp với các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm thực hiện tại các tỉnh thành vùng sâu vùng xa. YDA Tuổi trẻ Thăng Long mong nguyện người dân nghèo ở mọi miền quê trên cả nước, đặc biệt là các em học sinh đều nhận được sự tương trợ để có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Nằm cách trung tâm xã Cao Thượng 18 km, Khuổi Hao là 1 trong 8 điểm trường thuộc Trường TH Cao Thượng, ngôi trường dân tộc miền núi nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn. Xã nghèo, trường nghèo và địa phương thì không có khả năng, kinh phí để xây mới hoặc gia cố lại 17 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng trên tổng số 32 lớp học của nhà trường.
“Chúng tôi thật sự cảm kích khi đoàn thiện nguyện YDA Tuổi trẻ Thăng Long (Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên), chùa Thiên Sơn (Nam Định) và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí, rồi trực tiếp cùng với bà con địa phương tham gia xây dựng lớp học” - cô giáo Hoàng Thị Lim - Phó Hiệu trưởng Trường TH Cao Thượng, phấn khởi nói. Cô Lim cùng nhiều giáo viên, học sinh (HS) và bà con thôn bản đã dành hẳn 2 ngày để chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành công trình với niềm vui sướng và cả sự biết ơn.
Chị Ma Thị Mận (Bí thư Đoàn TN huyện Ba Bể) cho biết, đã từng đón nhiều đoàn thiện nguyện đến với xã nghèo Cao Thượng. Song chị Mận ấn tượng với cách YDA Tuổi trẻ Thăng Long xây dựng các công trình dân sinh. Không dừng lại việc cấp kinh phí, họ còn giỏi tính toán trong mỗi công đoạn, biết tận dụng tối đa nguồn lực địa phương: công lao động, vật liệu xây dựng sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất.
“Đáng quý hơn là cách các bạn YDA truyền cảm hứng đến bà con thôn bản. Từ chính quyền thôn xã, đoàn thanh niên, nhóm thợ xây đến các đại lý bán vật liệu tại địa phương đều tình nguyện đóng góp một phần tâm sức, vật lực cho công trình” - Bí thư Mận chia sẻ.
Mưa lũ ngập sâu, sạt lở đất là thách thức lớn đối với đoàn thi công. Chủ tịch xã Cao Thượng - Vi Triệu Doãn xúc động: “Chúng tôi cảm nhận rõ sự nỗ lực của mỗi người để hoàn thành công trình chung theo đúng tiến độ kế hoạch. Thật khâm phục các tình nguyện viên vượt lũ, gồng mình đẩy những chiếc xe ô tô bị sa lầy khi đang vận chuyển quà tặng sách giáo khoa, quần áo, nhu yếu phẩm đến với HS và bà con thôn bản”.
Trường TH Cao Thượng có 397 HS chủ yếu là dân tộc Mông và Dao, điều kiện sinh hoạt học tập vô cùng thiếu thốn. Nhà các em đều ở xa, mỗi ngày vượt 4, 5 km đường đồi núi đến lớp học, bụng đói chỉ có vài chiếc bánh mèn mén nấu từ bột ngô làm lương ăn cho cả ngày. Không có cặp sách, các em dùng túi nilon đựng sách vở. Mùa đông mưa rét, đám học trò nghèo miền núi phong phanh áo mỏng, chân không tất không giầy xỏ vội đôi dép tổ ong, mặt mũi tím tái vì lạnh vẫn nhoẻn miệng cười hồn nhiên bám lớp, bám trường.
“Tinh thần vượt khó của học sinh là động lực cho mỗi giáo viên vùng cao bền tâm cắm bản, cõng từng ống gạo lên các điểm trường dạy chữ. Dễ phải đến hơn 10 năm rồi, thầy trò trường TH Cao Thượng chúng tôi mới lại đón một mùa khai trường có phòng học mới cùng nhiều quà tặng nhu yếu phẩm thiết yếu và ý nghĩa như thế này”, cô giáo Lim bộc bạch.
Đường đến trường của thầy trò xã Cao Thượng là một câu chuyện cảm động, thôi thúc đoàn thiện nguyện góp sức xây mới không chỉ phòng học ở các điểm trường. “Chúng tôi đã khảo sát để thi công tiếp 2 cây cầu dân sinh tại huyện Bắc Kạn giúp con đường đến trường của HS vùng cao bớt gian nan hơn” - anh Cao Minh Hiển (YDA Tuổi trẻ Thăng Long) chia sẻ.
Chào đón năm học mới 2017-2018, YDA Tuổi trẻ Thăng Long đang nỗ lực thực hiện Dự án “Tiếp bước em đến trường” với nhiều hoạt động xã hội thiết thực, ý nghĩa tại một số tỉnh vùng sâu vùng xa như Cà Mau, Bắc Kạn.
Trước đó, ngày 23/7, CLB Tuổi trẻ Thăng Long, Phòng GD&ĐT Huyện U Minh và Trung tâm Ứng dụng Tâm lý Hồn Việt phối hợp thực hiện: Chương trình đào tạo “Giáo dục kỹ năng tự vệ và Phòng chống xâm hại trẻ em”. Khóa học nhận được sự hưởng ứng tham gia của 300 em học sinh từ 4 trường tiểu học và hơn 250 thầy cô giáo, các anh chị phụ trách đội từ 46 trường tiểu học và mầm non thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Dự án đã tặng máy lọc nước cho 4 trường, nghiệm thu/bàn giao 23 giếng bơm tay cho 23 hộ nghèo vùng sâu vùng xa. Tổ chức trao tặng thiết lập thư viện+sách, tặng quà cho học sinh 3 trường tiểu học: Trần Quốc Toản, Đỗ Thừa Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
(Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)- 146
Viết bình luận