10. Bài thứ 10: Chương Phổ Giác | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

10. Bài thứ 10: Chương Phổ Giác

Bài thứ 10

CHƯƠNG PHỔ GIÁC


1. NGÀI PHỔ GIÁC BỒ TÁT HỎI PHẬT

Khi ấy ngài Phổ Giác Bồ tát ở trong Đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, kính cẩn lạy Phật và quỳ thẳng chắp tay bạch rằng:

- Bạch đức Đại Bi Thế Tôn, Ngài đã vì chúng sinh nói các bệnh (bốn tướng) của người tu thiền, khiến cho Ðại chúng gội sạch các mê lầm nơi tâm và được an ổn. Ðây là một việc lợi ích lớn chưa từng có.

- Bạch Thế Tôn, chúng sinh đời sau các Phật lần xa, các vị Thánh hiền lại ẩn, tà sư ngoại đạo rất thijnh hành; vậy trên đường tu hành:

1. Phải cầu bậc nào để dạy bảo?

2. Phải y phương pháp nào tu hành?

3. Phải làm theo hạnh nào?

4. Phải trừ những bệnh gì?

5. Phải phát tâm như thế nào?

Xin Phật từ bi chỉ dạy, khiến cho những chúng sinh còn mê muội, khỏi bị đọa tà kiến.

Ngài Phổ Giác Bồ tát thưa thỉnh như vậy ba lần, cúi đầu kính lạy, rồi trở về chỗ cũ.

Lược giải:

Chữ “Phổ Giác” là giác ngộ cùng khắp. Trên đường tu hành, hành giả phải gặp nhiều chướng ngại. Những chướng ngại ấy đều do chấp bốn tướng mà sinh ra. Bởi thế nên Chương thứ 9, ngài Tịnh Chư  Nghiệp Chướng Bồ tát đứng lên thưa hỏi, để Phật chỉ bày bốn tướng cho hành giả biết rõ đặng trừ. Khi bốn tướng trừ hết rồi thời các nghiệp chướng được thanh tịnh.

Song trên đường tu hành, hành giả còn bị mây Vô minh rất vi tế, tức là bốn bệnh sau này che mặt trăng Viên Giác của hành giả, làm cho trăng Viên Giác chiếu soi không được phổ biến.

Vì thế nên đến Chương thứ 10 này, ngài Phổ Giác Bồ tát đứng lên thưa hỏi, cầu Phật chỉ dạy thêm, để cho hành giả hiểu biết, đặng dẹp trừ hết mây Vô minh, thời trăng Viên Giác kia mới được chiếu soi phổ biến.

TÓM LẠI, ĐOẠN NÀY CÓ 3 PHẦN:

1. Trước Ngài Phổ Giác tán thán Phật đã chỉ rõ những chứng bệnh của Thiền giả là bốn tướng vừa nói trên, để chúng sinh biết bệnh đặng trừ, sẽ được an ổn.

2. Ngài Phổ Giác Bồ tát thương xót chúng sinh đời sau cách Phật xa pháp, các vị Hiền Thánh thì ở ẩn, ngoại đạo tà sư lại thạnh hành làm cho người tu hành dễ lạc vào tà kiến.

3. Ngài Phổ Giác Bồ tát, cầu Phật chỉ dạy 5 điều như sau:

a. Hành giả phải cầu ai làm Minh sư để chỉ dẫn trên đường tu hành?

b. Y theo phương pháp nào để tu?

c. Phải làm những hạnh gì?

d. Phải trừ những bệnh gì?

đ. Làm sao để phát tâm?

2. PHẬT KHEN NGÀI PHỔ GIÁC BỒ TÁT

Khi ấy đức Thế Tôn khen ngài Phổ Giác Bồ tát và dạy rằng:

- Này Thiện nam, hay lắm và quý lắm! Ông vì chúng sinh đời sau, thưa hỏi Như Lai đường lối tu hành như thế. Ðó là ông bố thí cho chúng sinh đời sau con mắt đạo không sợ (đạo nhãn vô úy), khiến cho chúng sinh đặng thành Thánh đạo. Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ giáo.

Khi ấy Ngài Phổ Giác Bồ tát và đại chúng đều hoan hỷ và lẳng lặng vâng nghe lời Phật chỉ giáo.

Lược giải:

Ðoạn này Phật khen ngài Phổ Giác vì chúng sinh, cầu Phật chỉ dạy đường lối tu hành để cho chúng sinh đi thẳng đường đến nơi Thánh quả, không còn lo sợ đọa vào tà kiến.

“Mắt đạo không sợ”. Ðối với đạo hiểu biết được rõ ràng như con mắt thấy đường đi nên gọi là “con mắt đạo” (đạo nhãn). Trên đường tu hành không còn lo sợ đọa vào tà kiến, nên nói “không sợ” (vô úy).

3. PHẬT DẠY NGÀI PHỔ GIÁC BỒ TÁT

- Này Thiện nam! Chúng sinh đời sau muốn phát tâm tu đại thừa thì phải cầu Thiện tri thức, tức là những người hiểu biết chân chính (chính tri kiến). Những vị ấy, tâm chẳng trụ ở nơi tướng phàm phu và cũng không dính mắc nơi cảnh của Thanh văn, Duyên giác; tuy hiện ở nơi cảnh trần lao mà tâm vẫn thường thanh tịnh. Có khi các vị ấy thị hiện đồng ăn đồng ở với người tội lỗi (đồng sự nhiếp), mà thường khen ngợi các hạnh thanh tịnh (phạm hạnh), không để cho chúng sinh làm việc tội lỗi.

Hành giả phải cầu những người như vậy, dạy bảo tu hành, để thành tựu quả Phật.

Lược giải:

Ðoạn này Phật trả lời câu hỏi thứ nhứt của Ngài Phổ Giác Bồ tát hỏi: “Phải cầu những bậc nào dạy bảo?”. Ðại ý Phật trả lời: Người tu hành muốn được thành quả Phật, phải đủ hai điều kiện:

1. Bên trong, hành giả phải phát tâm Ðại thừa làm chínhnhân.

2. Bên ngoài, phải nhờ các Thiện hữu Tri thức, hướng dẫn đường lối tu hành làm chính duyên. Nếu có nội nhân mà thiếu ngoại duyên, hay có ngoại duyên mà thiếu nội nhân đều không thành tựu.

Song, cầu Thiện hữu Tri thức, phải là người “Chính tri kiến”. Làm sao biết là người “Chính tri kiến?”. Hành giả phải dùng hai phương diện thuận cảnh và nghịch cảnh sau đây quan sát, sẽ phân biệt được thế nào là “Chính tri kiến”.

1. Thuận cảnh. Vì Thiện hữu Tri thức này, tâm không trụ nơi phúc báo của phàm phu ở cõi người hay cõi Trời, vào cũng không trụ nơi cảnh thanh nhàn yểm thế tu ích kỷ tiêu cực của Tiểu thừa là Thanh văn và Duyên giác.

2. Nghịch cảnh. Vì Thiện hữu Tri thức này, hiện thân ở trong cảnh nhiễm ô (trần lao) để hóa độ chúng sinh, mà tâm chẳng ô nhiễm, thực hành theo “đồng sự nhiếp” của Bồ tát để hóa độ người.

Có khi vị này phải thị hiện làm việc lầm lỗi như người, nhưng không bao giờ dùng lý luận miễn cưỡng để bào chữa lỗi mình, trái lại luôn luôn khen ngợi hạnh thanh tịnh và tự chỉ trích lỗi lầm của mình.

Ngài Như Sơn giải nghĩa chữ “Thiện tri thức” như vầy: Thiện là hay, khéo. Tri là biết bệnh. Thức là biết thuốc. Nghĩa là vị này có tài biếtchân vọng, tà chính, biết tâm bệnh của chúng sinh, biết pháp dược của Phật để đối trị.

***

- Này Thiện nam! Chúng sinh đời sau nếu gặp vị Thiện hữu Tri thức như thế, phải hết lòng cúng dường, không tiếc thân mạng. Vị Thiện Tri thức này khi giữ bốn oai nghi thanh tịnh, hành giả cung kính đã đành, mà khi thị hiện lẫn lộn với chúng sinh làm các tội lỗi, để giáo hóa chúng sinh (đồng sự nhiếp), hành giả cũng chớ nên sinh tâm khinh dễ.

- Này Thiện nam! Ðối với Thiện hữu Tri thức này, mà hành giả không khởi một niệm khinh thường, thì hoa lòng (Tâm hoa) sẽ được rộng mở, chiếu sáng khắp cả mười phương thế giới và thành tựu quả Phật.

Lược giải:

Ðại ý đoạn này Phật dạy: “Y Pháp bất y nhân”. Trong luận Trí Ðộ nói: “Nếu vị Thiện Tri thức kia, có thể giải thích các nghĩa lý sâu xa của  Phật, dẫn dắt hành giả tu theo chính đạo, được lợi ích, thì hành giả phải hết lòng cung kính, như tôn kính Phật, chẳng nên nghĩ những việc lỗi lầm của Thiện hữu Tri thức. Thí như cái đãy xấu đựng ngọc, chớ nên vì đãy xấu mà bỏ vật báu. Người có ghẻ lác cầm đuốc đưa hành giả qua con đường nguy hiểm trong lúc ban đêm, chớ nên chê người lác mà không dùng đuốc sáng”. Người cầu đạo cũng thế: khi tìm được Thiện hữu Tri thức có thể dẫn dắt hành giả đi trên đường tu hành, thì hành giả phải trước sau một lòng tôn kính. Khi Thiện Tri thức giữ giới thanh tịnh, hành giả cung kính đã đành, mà khi Ngài vì chúng sinh thật hành theo hạnh “Đồng sự nhiếp” của Bồ tát, người cầu đạo không nên thấy thế mà sinh tâm chấp nhứt và khinh thường. Ðược như thế, mới chứng được Phật đạo.

4. PHẬT NÓI BỐN ĐỊNH

- Này Thiện nam! Vị Thiện Tri thức kia, đã chứng được diệu pháp và rời cả bốn bệnh sau đây:

a. Bệnh Tác (Làm các việc lành)

Như có người chấp như thế này: “Bản tâm của tôi, vì muốn cầu Viên Giác, nên làm tất cả các hạnh”. Song tính Viên Giác kia, không phải do làm mà được. Bởi hành giả lấy cái “làm” để cầu Viên Giác, nên gọi là “bệnh tác” (bệnh làm).

Lược giải:

Chữ “Tác”, nghĩa là làm. tính Viên Giác đâu có phải do “làm” mà được. Cũng như mặt trăng kia đâu phải do vẹt mây mới có. Bởi thế nên hành giả chấp: “Phải là các hạnh lành để cầu nhập Viên Giác”, thì không có thể được. Vì tính Viên Giác là thanh tịnh, vô vi và vô lậu mà hành giả lại dùng pháp hữu vi để cầu cảnh giới vô vi thanh tịnh, thì không thể được, nên gọi là “bệnh làm”.

Ðọc đến đoạn này, độc giả không sao khỏi thắc mắc: Tại sao bài trước Phật dạy: “Muốn nhập Viên Giác, phải tinh tấn bỏ các việc dữ, làm các việc lành v.v…”

Đến đoạn này Phật lại nói: “... tính Viên Giác không phải do làm các hạnh lành mà được, nếu chấp do làm mà được, thì thành ra bệnh “Tác” v.v...”. Lời nói của Phật trước sau in tuồng mâu thuẫn. Nếu không suy nghĩ kỹ, thì độc giả sẽ không hiểu.

Chúng tôi đã thường thí dụ:  Muốn cho lớp học được yên tịnh, thời phải làm sao trong lớp đừng có tiếng động, nếu có tiếng động thì lớp học chẳng được yên tịnh. Cũng như muốn đặng tính Viên Giác vô vi thanh tịnh, thì không thể dùng pháp hữu vi vọng động mà cầu. Nếu dùng hữu vi vọng động mà cầu thì không bao giờ đặng Viên Giác vô vi thanh tịnh.

Mặc dù như thế, song người muốn nhập Viên Giác, quyết định phải trải qua hai giai đoạn:

1. Giai đoạn đầu tiên: người muốn nhập Viên Giác thanh tịnh, phải có học tu, bỏ các việc dữ, làm các việc lành v.v... Cũng như các ông thầy giáo, thấy học trò làm ồn, muốn cho lớp học được yên tịnh, giai đoạn đầu tiên, phải dùng tiếng ồn để trị ồn. Nghĩa là ông thầy giáo phải gõ thước trước trên bảng cho lớn, thì các học trò mới hết làm ồn. Cũng như người đời nói: dùng độc trị độc, trong Ðạo nói: lấy vọng để trừ vọng.

Ðến khi học trò đã im lặng rồi, mà thầy giáo vẫn gõ hoài trên bảng, để mong cho lớp học được yên tịnh, thì không thể được. Vì tiếng gõ là tiếng động, rất trái với tịnh, làm sao lấy cái “động”, để cầu cái “tịnh” cho được. Cũng như người dùng cái tạo tác hữu vi, để cầu Viên Giác vô vi thanh tịnh, không thể được.

2. Vì thế nên bước qua giai đoạn thứ hai: Thầy giáo phải thôi gõ bảng thì lớp học mới hoàn toàn yên tịnh. Cũng như hành giả, phải trừ cái bệnh “làm”, mới đặng Viên Giác thanh tịnh.

Người muốn đến bờ giải thoát, trước hết phải dùng cái bè tu học để qua sông mê. Song khi đã đến bờ rồi, mà cứ ôm cái bè ấy mãi thì làm sao lên bờ được.

Tóm lại, hành giả muốn nhập Viên Giác thanh tịnh, phải trải qua hai giai đoạn:

1. Giai đoạn đầu tiên, hành giả dùng cái bè tu học, bỏ dữ làm lành để qua sông mê. Hay nói một cách khác là dùng tiếng gõ bảng của thầy giáo, để trừ tiếng ồn của học trò.

2. Ðến giai đoạn tối hậu, hành giả phải bỏ cái bè hữu vi tu học, mới mong lên bờ giải thoát vô vi kia được. Hay đổi lại cách nói: ông thầy giáo phải thôi gõ bảng, thì trong lớp mới đặng yên tịnh.

Cũng ý này, trong kinh “Tứ thập nhị chương” Phật dạy: “... Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng...”. Nghĩa là: tu đến chỗ vô tu mới thật tu, chứng đến chỗ vô chứng mới thật là chứng v.v...

Bởi thế nên cổ nhân có dạy rằng: “Hữu vi tuy ngụy, xả chi tắc Phật đạo nan thành”: Các việc tu hành về hữu vi tuy rằng hư ngụy chẳng nhằm chi, nhưng nếu  hành giả bỏ đi, thì Đạo Phật vô vi khó thành. Hay là câu: “Thật tế lý địa bất thọ nhứt trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp”: Ðành rằng chỗ lý tínhchân thật (Viên Giác), không thọ một mảy trần, nhưng về sự tướng tu hành thì muôn điều không bỏ một việc lành nào.

b. Bệnh nhậm (Mặc kệ, không tu hành)

- Này Thiện nam! Như có ngưòi chấp như thế này: “Tôi nay không cần đoạn sinh tử và cũng không cầu Niết bàn. Người muốn cầu Viên Giác, chớ nên mống niệm diệt sinh tử hay cầu Niết bàn, mặc tình cho sinh tử hay Niết bàn, tùy pháp tính mà sinh hay diệt”.

Hành giả chấp như thế, là bị bệnh nhậm (mặc kệ); vì tính Viên Giác kia, đâu có phải để mặc kệ (nhậm) như vậy mà nhập được.

Lược giải:

Chữ nhậm là mặc kệ. Bệnh này do hành giả chấp: “Tính Viên Giác không phải do tu hành, làm các hạnh lành v.v... mà nhập được”. Nên hành giả để mặc cho nghiệp lực xoay chuyển, chẳng sợ tội lỗi, không ham phước lành, sinh tử không chê, Niết bàn cũng chẳng quý; vì thế nên không nhập được Viên Giác.

c. Bệnh chỉ (Dứt các vọng niệm)

- Này Thiện nam! Như có người chấp như thế này: “Tôi nay muốn cầu Viên Giác, nên phải dứt hết các vọng niệm, đặng tất cả pháp bình đẳng vắng lặng”.

Chấp như thế, là bị bệnh “chỉ”; vì tính Viên Giác kia, đâu có phải do “dừng chỉ” các vọng mà nhập được.

Lược giải:

Chữ “Chỉ” là dứt các vọng niệm. Bởi hành giả thấy bệnh “Tác” làm cho tâm khởi động, bệnh “Nhậm” (mặc kệ) làm tâm phóng túng cả hai đều không nhập Viên Giác được, nên hành giả xoay trở về nơi “Chỉ” (dừng đứng).

Vì vọng niệm mà thấy các pháp sai khác, không được bình đẳng, cho nên hành giả tu “Chỉ” để dứt vọng niệm. Ðâu biết rằng: tính Viên Giác không có “niệm”, nếu khởi niệm thì trái, Viên Giác không có “Chỉ”, nếu hành giả lại “Chỉ”, thì làm sao nhập được Viên Giác.

d. Bệnh diệt (Diệt các phiền não)

- Này Thiện nam! Như có người chấp như thế này: “Tôi nay muốn cầu Viên Giác, nên vĩnh viễn đoạn các phiền não, nào thân tâm nào cảnh vật, tất cả đều hư vọng không thật có, rốt ráo vắng lặng”. Dùng cái “diệt” (vắng lặng) mà cầu Viên Giác như thế là mắc bệnh diệt; vì tính Viên Giác đâu có phải chỉ vắng lặng.

Lược giải:

Chữ “Diệt” là dứt các phiền não, tâm và cảnh đều vắng lặng. Song tính Viên Giác vừa tịch (vắng lặng) lại vừa chiếu (linh tri). Tịch và Chiếu không hai. Hành giả chỉ chấp một bên “Tịch” thì không hợp với tính Viên Giác.

***

- Tóm lại, người cầu đạo phải rời bốn bệnh trên, mới được nhập Viên Giác thanh tịnh. Người quán sát để trừ bốn bệnh như thế, là chính quán; nếu trái lại, là Tà quán.

Lược giải:

Ðoạn này tóm lại bốn bệnh trên. Chữ “Tác” là làm; “Nhậm” là không làm, để mặc kệ; “Chỉ” là dùng chỉ các vọng niệm đương sinh và sẽ sinh; “Diệt” là dứt các phiền não đã sinh. Bởi tính Viên Giác bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, vô vi vô lậu, mà hành giả dùng Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt v.v… để cầu, thì không hiệp với tính Viên Giác.

Ngài Như Sơn nói: Ðem bốn bệnh “Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt” mà chiêm nghiệm lại tâm tư của mình, nếu còn một món nào thì cũng đều là bệnh cả; phải trừ hết bốn bệnh này, mới được nhập Viên Giác thanh tịnh.

5. PHẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ BA: “PHẢI LÀM NHỮNG HẠNH GÌ?”

- Này Thiện nam! Chúng sinh đời sau muốn tu hành, suốt đời phải kính trọng cúng dường Thiện hữu Tri thức. Khi Thiện hữu Tri thức ở gần gũi, hành giả chớ nên khinh nhờn. Khi Thiện hữu Tri thức đi xa, hành giả chớ nên hờn giận.

Khi Thiện hữu Tri thức hiện ra cảnh thuận hay nghịch, tâm hành giả phải như hư không, chớ nên thay đổi. Hành giả phải rõ biết: thân tâm mình cùng thầy bạn và các chúng sinh, đồng một bản thể bình đẳng, rốt ráo không khác. Hành giả phải tu hành như thế, mới nhập được Viên Giác.

Lược giải:

Ðoạn này Phật trả lời câu hỏi thứ ba: “Phải làm những hạnh gì?”

Hạnh Bồ tát rất nhiều, nhưng việc thờ Thầy là điều rất cần thiết. Vì đời mạt pháp nhược ma cường, nếu không có Minh sư chỉ dẫn, thì hành giả không sao khỏi bị lạc vào đường tà. Bởi thế nên hành giả phải suốt đời cung kính phụng sự Thầy. Dù cho Thiện Tri thức làm những điều thuận ý hay nghịch lòng, hành giả cũng phải giữ một niềm tôn kính, tâm như hư không chớ nên thay đổi.

Hành giả phải quán sát: Thầy bạn cùng chúng sinh và mình đều đồng một thể Viên Giác, không riêng khác. Do đó hành giả mới bỏ được tính kiêu mạn của mình để thờ Thầy, quên bản ngã để độ sinh. Phải tu hạnh như thế, mới nhập được Viên Giác.

6. PHẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ TƯ: “PHẢI TRỪ BỎ BỆNH GÌ?”

- Này Thiện nam! Chúng sinh đời sau, không được thành Ðạo, đều do tất cả hạt giống thương ghét, nhân ngã, từ vô thủy đến giờ. Vì thế nên chẳng được giải thoát.

Nếu người xem những kẻ oan gia cũng như cha mẹ không khác, đối với các Pháp, tâm cũng không thương ghét, phân biệt tự tha, thì người ấy sẽ trừ được các bệnh.

Lược giải:

Ðoạn trước ngài Phổ Giác Bồ tát hỏi Phật: “Phải trừ những bệnh gì?”. Ðoạn này Phật trả lời: “Phải trừ bệnh thương ghét”

Ðành rằng trong bài số 9, Phật đã dạy trừ thương ghét, nhưng chỉ nói về phần thô (hiện hành). Ðến đoạn này Phật dạy trừ về phần vi tế của thương ghét tức là chủng tử. Nếu còn một chút ít thương ghét ngấm ngầm bên trong làm chướng ngại, thì hành giả không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh.

Bao giờ hành giả đối với kẻ oan gia, xem cũng như cha mẹ, bình đẳng không khác, xem sinh tử và Niết bàn chẳng hai, thì hành giả mới đoạn được chủng tử của thương ghét và mới có thể nhập Viên Giác thanh tịnh.

7. PHẬT TRẢ LỜI CÂU HỎI THỨ NĂM: “PHẢI PHÁT TÂM THẾ NÀO?”

- Này Thiện nam! Chúng sinh đời sau muốn cầu  Viên Giác thì phải phát tâm như thế này: “Tôi nguyện độ tất cả chúng sinh khắp cả hư không, đều được rốt ráo vào Viên Giác; người được Viên Giác không chấp ở nơi Viên Giác; trừ hết các tướng nhân và Ngã v.v...”. Phải phát tâm như vậy, mới khỏi đọa vào tà kiến.

Lược giải:

Ðoạn này Phật trả lời câu hỏi thứ 5 mà ngài Phổ Giác Bồ tát đã hỏi Phật: “Phải phát tâm thế nào?”

Phật trả lời phải phát tâm như vầy, mới khỏi đọa vào tà kiến:

1. Phát tâm quảng đại: Nguyện độ tất cả chúng sinh (noãn, thai, thấp, hóa) trong mười phương;

2. Phát tâm rốt ráo: Độ chúng sinh nhập Viên Giác cứu kính;

3. Phát tâm chân thường: Ở trong Viên Giác mà không khởi vọng chấp nơi Viên Giác;

4. Phát tâm không điên đảo: Không khởi vọng tưởng điên đảo chấp các tướng: Ngã, nhân, Chúng sinh, Thọ mạng và Tướng độ sinh.

Hai món phát tâm trước là Đại bi, hai món phát tâm sau là Đại trí. Bi và Trí được viên dung là do phát bốn món tâm trên được tròn. Câu hỏi của ngài Phổ Giác giống như trong kinh Kim Cang, câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề: “Vân hà ưng trụ?” (Phải trụ tâm như thế nào?)

Ðoạn này nói chữ “Phát tâm”, nghĩa là Tâm phát nguyện. Như người đời nói “Lập chí”. Nhờ phát nguyện hay lập chí mà người đời tu hành vượt qua bao nhiêu trở lực khó khăn và thúc đẩy sự tu hành mau được thành công. Nếu “Nguyện” rất thiết, thì hạnh mới chuyên cần. Do đó mà mau đuợc kết quả. Các đức Phật cũng nhờ phát nguyện, rồi y theo nguyện đó tu hành mà được thành đạo chứng quả.

Hành giả nếu không có “nguyện lực” của mình làm động cơ thúc đẩy trên trường tu hành, thì quả Phật khó mà đạt được.

8. PHẬT NÓI BÀI KỆ, TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN

Khi ấy đức Thế Tôn muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:

Phổ Giác! ông nên biết:

Các chúng sinh đời sau,

Muốn cầu Thiện tri thức

Phải cầu người chính kiến,

Tâm xa lìa Nhị thừa,

Và trừ bốn món bệnh:

Làm, dừng, mặc kệ, diệt.

Gần Thầy chớ khinh lờn,

Cách Thầy chớ sầu hận.

Thấy những cảnh giới lạ,

Tâm phải sinh hy hữu.

Xem như Phật ra đời

Chẳng phạm các tội lỗi

Giới căn hằng thanh tịnh

Độ tất cả chúng sinh

Rốt ráo vào Viên Giác

Không còn tướng Ngã, nhân.

Nên y chính Trí tuệ

Mới được khỏi tà kiến

Chứng “Giác” vào “Niết bàn”.


Lược giải:

Ðại ý bài kệ này nói tóm tắt lại các nghĩa trên: Các chúng sinh đời sau muốn cầu Thiện Tri thức, phải tìm người chính kiến. Làm sao biết chính kiến? Là đã trừ bốn bệnh và xa lìa tư tưởng Nhị thừa.

Cách đối xử với Thiện Tri thức: khi thân cận chớ nên khinh nhờn, khi xa cách chớ nên sầu hận. Khi thấy Thiện Tri thức hiện ra cảnh thuận hay nghịch, hành giả chớ nên vì thấy thế mà đổi tâm, phải lấy làm hy hữu và kính như Phật ra đời. Hành giả phải giữ giới hạnh thanh tịnh, không phạm các tội lỗi và độ các chúng sinh, rốt ráo vào Viên Giác.

Hành giả phải y trí tuệ chân chính, trừ các tướng Ngã, nhân mới khỏi đọa tà kiến và được nhập Viên Giác hay chứng quả Niết bàn.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5670379
Số người trực tuyến: