3. Bài thứ ba | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Bài thứ ba

Bài thứ ba


I. A Nan cầu Phật dạy phương pháp tu hành lần thứ hai

Ông A Nan đã 7 lần chỉ tâm đều không trúng vì ông chấp vọng tưởng làm tâm, nên đều bị Phật bác cả. Lần thứ hai ông đứng dậy chắp tay kính lạy, cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để thoát ly sinh tử luân hồi.

A Nan thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con là em Phật, tuy đã xuất gia, mà vẫn còn ỷ lại lòng thương yêu của Phật, chỉ lo học rộng nghe nhiều, không chuyên tu niệm, nên không chứng được đạo quả, chẳng hàng phục nổi tà chú của ngoại đạo Ta Tỳ Ca La. Trái lại còn bị Ma Đăng Già bắt vào phòng dâm, phải nhờ Phật cứu độ. Vậy cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phá trử ác kiến và chứng thành đạo quả. Thưa thỉnh xong, A Nan và đại chúng đều kính cẩn trông chờ lời Phật chỉ dạy.

II. Phật gạn hỏi tâm lần thứ hai

Lúc bấy giờ Phật gạn hỏi lại cái “tâm” lần thứ hai, và bảo ông A Nan phải phân biệt rành rẽ cái nào là chân tâm và cái nào là vọng tâm.

Phật dạy:

-Ông nay muốn đặng đạo vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhất là phải hiểu rõ hai món căn bản:

• Căn bản của sinh tử luân hồi là vọng tâm.

• Căn bản của Bồ đề Niết Bàn là chân tâm.

Nếu ông nhận lầm căn bản của sinh tử (vọng tâm) làm nhân tu hành, thì không bao giờ giải thoát được. Cũng như người nhận giặc làm con, thì chỉ thêm bị phá hại gia sản của mình mà thôi. Và cũng như người nấu cát làm cơm, dầu trải bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm được.

Vậy nay ông muốn biết đường lối tu hành để ra khỏi sinh tử luân hồi, thì ông hãy nghe tôi hỏi đây: (Phật liền đưa bàn tay, co năm ngón, lại hỏi ông A Nan rằng): Ông có thấy không?

A Nan đáp:

-Bạch, thấy.

Phật hỏi:

-Ông thấy cái gì?

A Nan đáp:

-Con thấy Phật đưa bàn tay co lại năm ngón.

Phật hỏi:

-Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì làm tâm?

III. A Nan chấp cái “suy nghĩ phân biệt” làm tâm

A Nan thưa:

-Con lấy “mắt” để thấy và cái “biết suy nghĩ, phân biệt” làm tâm.

Phật quở:

-Dốt lắm A Nan! Cái đó không phải là tâm của ông.

Chú Giải

Nên lưu ý: Thông thường ai cũng cho cái “suy nghĩ, phân biệt” là tâm, mà Phật lại nói “không phải tâm.” Vậy chúng ta cũng nên chín chắn suy xét.

A Nan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn, cái “suy nghĩ, phân biệt” này, nếu không phải là tâm của con, thì gọi nó là cái gì?

Phật dạy:

- Nó là “vọng tưởng” (vọng tâm). Bởi các ông từ hồi nào đến giờ, lầm nhận “vọng tưởng” làm “chân tâm,” cho nên nhiều kiếp trầm luân. Như người nhận giặc làm con, nên bị nó phá hại.

A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn, con vì thương Phật nên mới xuất gia, thì con chỉ dùng cái tâm này thương Phật. Con phụng thờ các đức Phật trong mười phương và làm tất cả các điều công đức, cũng dùng cái tâm này. Dầu cho con có làm các điều tội lỗi, hủy báng Phật pháp, đọa vào địa ngục đi nữa, thì con cũng dùng cái tâm này. Ngày hôm nay Phật nói “nó” không phải tâm của con, như thế thành ra con không tâm; nếu không có tâm, thì con đồng như cây, đá rồi! Cúi xin đức Thế Tôn từ bi chỉ giáo.

Phật dạy:

- Này A Nan, nếu ông chấp cái “suy nghĩ, phân biệt” là tâm của ông, thì khi rời cảnh vật hiện tiền, cái tâm “hiểu biết, phân biệt” ấy, cũng vẫn còn, thế mới phải là tâm của ông. Nếu rời cảnh vật hiện tiền mà tâm hiểu biết phân biệt ấy mất đi, thì không phải là chân tâm của ông rồi.

Dầu cho ông diệt hết năm cảm giác bên ngoài là thấy, nghe, hay, biết chỉ còn lưu lại cái “thầm thầm phân biệt” bên trong (thức thứ sáu), thì đó cũng là cái vọng tưởng phân biệt (ý thức thứ sáu) bóng dáng pháp trần, không phải là chân tâm của ông.

Này A Nan, tôi không buộc ông phải chấp cái “suy nghĩ phân biệt” đó, là không phải tâm ông; tôi chỉ bảo ông nên chín chắn suy xét; nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” này vẫn còn, thì mới phải là chân tâm của ông.

Còn nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” này cũng mất luôn đi, thì rõ ràng là cái “vọng tưởng phân biệt” (vọng tâm) bóng dáng của sáu trần, chứ không phải là “chân tâm thường trụ” của ông vậy.

Nếu ông nhận cái “hư vọng phân biệt sinh diệt” (vọng tưởng) này làm tâm của ông, thì khi cảnh vật hiện tiền qua rồi, tâm ấy cũng theo cảnh vật mà diệt đi. Lúc bấy giờ thành ra ông không có tâm rồi. Nếu không có tâm ông lấy gì để tu hành và để thành đạo chứng quả?

Ông phải biết rằng: trong thế gian tất cả người tu hành, không được thành đạo, đều do chấp lầm cái “vọng tưởng sinh diệt” này làm chân thật. Chính ông ngày nay cũng thế, nên tuy học nhiều mà không được quả chính.

IV. A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành lần thứ ba

A Nan cùng đại chúng nghe Phật nói như vậy, đều ngẩn ngơ và im lặng.

Lúc bấy giờ ông A Nan cúi đầu lạy Phật, quỳ gối chắp tay, vừa khóc lóc vừa bạch Phật rằng:

-Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu hành cực nhọc. Không ngờ, ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được. Hôm nay con mất “bản tâm” đi rồi, thân tuy xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, chẳng khác nào đứa cùng tử bỏ cha trốn đi. Nay con mới biết học nhiều mà không tu, cũng như người không học và cũng như người nói đủ thức ăn, rốt cuộc trong bụng vẫn đói. Bạch Thế Tôn, chúng con vì hai chướng phiền não và sở tri ràng buộc, nên không ngộ được chân tâm. Cúi xin đức Thế Tôn thương xót kẻ bần cùng, chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phát minh được tâm tánh.

V. Phật chỉ cái thấy thường còn

Khi ấy Phật kêu A Nan, dạy rằng:

-Vừa rồi ông nói “thấy năm ngón tay của ta co nắm lại.” Vậy vì sao có nắm tay? và nhờ cái gì mà có cái thấy?

A Nan thưa:

-Bạch Thế Tôn, nhân bàn tay của Phật co lại năm ngón, nên mới có nắm tay, và nhờ vào con mắt cho nên mới có cái thấy.

Phật hỏi:

-Vậy thì “không bàn tay chẳng có nắm tay, cũng như không con mắt thời chẳng có cái thấy,” so sánh như thế có đúng không?

A Nan thưa:

-Bạch Phật đúng.

Phật dạy:

-Không đúng hẳn! Không bàn tay thì không có nắm tay là phải, còn không con mắt, chẳng phải cái “thấy” không có.

Ông nên ra ngoài đường hỏi thử những người mù mắt: “Các anh có thấy cái gì không?” thì họ đều trả lời với ông rằng: “Chỉ thấy tối đen.” Như thế thì rõ ràng: người mù không con mắt mà cái “thấy” cũng vẫn còn.

Đây là cái bằng chứng: Mặc dù con mắt không có, và trần cảnh đối trước có tối và sáng khác nhau, nhưng cái thấy lúc nào cũng có (nói cái thấy là đại diện cho các cảm giác).

A Nan thưa:

-Người mù thấy tối, thì sao gọi là thấy được?

VI. Phật chỉ tâm lần thứ nhất

Phật hỏi A Nan:

–Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, cùng với người mù mắt thấy tối, vậy hai cái tối đó có khác nhau không?

A Nan thưa:

-Bạch Thế Tôn, không khác.

Phật hỏi:

-Người ở trong nhà tối thấy tối, nếu có người đem đèn vào, họ thấy được các vật, vậy cái đèn thấy hay con mắt thấy?

A Nan thưa:

-Mắt thấy chứ không phải đèn thấy.

Phật dạy:

-Cũng thế, người mù mắt khi lột mây rồi, thấy được các cảnh vật. Đó là tâm thấy chứ không phải mắt thấy.

Phât dạy tiếp:

-Cái đèn chỉ làm cho sáng các vật, còn cái thấy là con mắt (dụ cho tâm) chứ không phải đèn (dụ con mắt). Lên một từng nữa: con mắt chỉ làm cho tỏ rõ các vật, còn cái thấy là tâm, chứ không phải con mắt (đây là lần thứ nhất Phật chỉ tâm).

A Nan và đại chúng nghe Phật giảng dạy như thế rồi, đều im lặng, nhưng trong tâm thật chưa hiểu, nên đều kính cẩn chắp tay, để chờ Phật chỉ dạy thêm.

Chú Giải

Đoạn này xin tỷ dụ thêm cho dễ hiểu: Con mắt của người, cũng như bóng đèn điện, còn cái thấy của người cũng như điện. Khi dây đứt (dụ thần kinh đứt), bóng hư (dụ mắt mù) thì đèn không cháy, chứ không phải điện mất (không cái thấy). Đến khi thay bóng mới, nối dây lại, thì điện cháy trở lại; không phải do bóng hay dây mới có điện. Cái thấy của người cũng thế: khi mắt bị mây che thì chỉ thấy tối, chứ không phải cái “thấy” mất, đến khi lột mây rồi, thì cái “thấy” hiện ra, không phải do con mắt mới có cái thấy. Đoạn này Phật chỉ rõ “cái thấy” là tâm.

VII. Phật chỉ tâm lần thứ hai

Khi đó Phật đưa bàn tay lên, co năm ngón rồi mở ra, hỏi ông A Nan:

-Ông có thấy cái gì không?

A Nan thưa:

-Thấy Phật đưa tay lên co ngón tay vào, rồi mở ra.

Phật hỏi:

-Tự cái tay của ta co mở, hay “cái thấy” của ông co mở?

A Nan thưa:

- Tự tay Phật co mở, chứ “cái thấy” của con không co mở.

Phật nói:

-Phải lắm! Phật lại phóng một đạo hào quang trên vai phía mặt của A Nan. A Nan liền xoay đầu ngó về phía bên mặt. Phật lại phóng hào quang trên vai phía trái của A Nan, A Nan xoay đầu ngó qua phía trái.

Phật hỏi:

-Cái đầu của ông hôm nay tại sao xoay qua lắc lại như vậy?

A Nan thưa:

-Vì Phật phóng hào quang trên hai vai của con, nên con xoay qua lắc lại để xem.

Phật hỏi:

-Vậy cái đầu của ông lắc, hay cái thấy của ông lắc?

A Nan thưa:

-Tự cái đầu của con xoay qua lắc lại, chứ cái thấy của con không có xoay lắc.

Phật hỏi:

-Cái nào động, cái nào tĩnh?

A Nan thưa:

-Cái đầu của con có động và tĩnh (dừng), chứ cái thấy của con không có động tĩnh.

Phật nói:

-Phải!

Phật dạy tiếp:

-Cái nào có co, có mở, có động, có tĩnh, có sinh, có diệt, thì cái đó là vọng, thuộc về “khách” không phải ông. Còn cái nào không động tĩnh, co mở, không sinh diệt, thì cái đó là “chân,” thuộc về “chủ,” chính là ông. Như thế, chân và vọng rất rõ ràng, ông còn chưa hiểu hay sao?

Tại sao từ hồi nào đến giờ, các ông cứ nhận cái vọng thân tứ đại giả hợp này, cho là thật “thân” mình, cái vọng tưởng sinh diệt này, cho thật là “tâm” mình, cảnh vật giả tạm, cho là thật “cảnh” của mình, mà lại bỏ cái chân tâm thường còn bất sinh bất diệt của mình sẵn có kia đi? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sinh tử luân hồi, thật là oan uổng!

Chú Giải

Đoạn này Phật chỉ cái “thấy” không co mở và không sinh, diệt, động, tĩnh, đó là chân tâm lưu lộ.

VIII. A Nan cầu Phật chỉ dạy ở nơi thân này cái nào “Chân,” cái nào “Vọng”

Khi ấy A Nan và đại chúng được nghe Phật tạm chỉ “cái thấy không động tĩnh co mở là Tâm,” nên tất cả đều hớn hở vui mừng, và nghĩ rằng: Từ vô thủy đến nay tự làm mất bản tâm, nhận cái vọng tưởng phân biệt theo bóng dáng của trần cảnh làm Tâm, ngày hôm nay mới ngộ được Tâm mình, nên hết sức vui mừng. Cũng như đứa con nhỏ khát sữa đã lâu, nay được gặp bà từ mẫu, nên ông và đại chúng cầu Phật chỉ rõ ở nơi thân tâm hiện tiền đây, cái nào chân thật không sinh diệt và cái nào hư vọng có sinh diệt.

IX. Vua Ba Tư Nặc đứng dậy hỏi tiếp

Khi ấy vua Ba Tư Nặc đứng dậy thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn, lúc trước chưa thọ giáo với Phật, con nghe phái ngoại đạo Ca Chiên Diên và Tì La Chi Tử đều nói: “Thân này sau khi chết rồi mất hẳn, gọi là Niết Bàn.” Hôm nay con tuy được Phật chỉ dạy, nhưng vẫn còn hồ nghi: làm sao biết rõ và chứng chắc cái tâm này không sinh diệt. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho chúng con.

X. Phật chỉ Tâm lần thứ ba

Phật hỏi:

-Đại vương! Cái thân của ông hiện tại đây, nó bền chắc như ngọc kim cương, còn mãi không hư hoại, hay là phải hoại diệt?

Vua đáp:

-Bạch Thế Tôn, thân con ngày nay đây, rốt cuộc rồi cũng phải bị hoại diệt.

Phật hỏi:

-Ông chưa chết, làm sao biết nó sẽ hoại diệt?

Vua đáp:

- Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường của con đây, tuy chưa chết, chứ hiện tiền nó đã tàn tạ dần! Ngày qua, rồi lại ngày qua! Mỗi niệm qua, qua từ sát na (tíc tắc) không dừng! Cũng như củi đốt thành tro, cháy dần cho đến lúc tiêu tàn. Vì thế nên con biết, thân này nhất định sẽ tiêu diệt.

Phật nói:

- Phải!

Phật lại hỏi:

- Đại Vương! Thân thể ông đâu phải tiêu diệt liền bây giờ?

Vua đáp:

- Bạch Thế Tôn, ngày qua tháng lại, hết hạ đến đông, nó thầm thầm già chết, cho đến ngày nay, đầu bạc răng rụng, chân lỏng gối dùn, mắt mờ tai lãng, già nua đến thế này, mà con thật không hay không biết!

Bạch Thế Tôn, khi con hai mươi tuổi, tuy nói rằng tuổi trẻ, thật ra nhan sắc đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Cho đến ngày nay, sáu mươi hai tuổi, lại già hơn khi năm mươi tuổi.

Nó âm thầm già chết, lấy khoảng thời gian mười năm mà nói như vậy. Nếu chín chắn suy nghĩ, thì cái già, chết này, không phải hạn định trong khoảng mười năm hay hai mươi năm, mà thật ra, nó già từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ. Nếu suy nghĩ kỹ hơn nữa, thì nó già, chết từng phút, từng giây và từng sát na! Năm nay già hơn năm rồi, tháng này già hơn tháng trước, ngày hôm nay già hơn ngày hôm qua, giờ này già hơn giờ trước, phút này già hơn phút trước, cho đến sát na này cũng già hơn sát na trước. Thế nên con biết, thân này rốt cuộc rồi cũng phải tiêu diệt.

Chú Giải

Cũng như đồng hồ, vì có chạy từng giây, cho nên mới qua từng phút. Bởi có đi từng phút, nên mới chỉ đến từng giờ, và ngày. Thân này già chết cũng thế.

Phật hỏi:

- Đại Vương! Ông thấy cái thân thể của ông âm thầm già chết như thế, nên ông lo buồn; vậy ở nơi thân thể sinh diệt, già chết này, ông có biết được cái gì chẳng sinh diệt già chết không?

- Vua Ba Tư Nặc chắp tay cung kính thưa:

Bạch Thế Tôn, con thật không biết!

XI. Phật chỉ cái “Thấy” không sinh diệt

Phật dạy rằng:

-Tôi nay chỉ cho ông thấy cái không sinh diệt. Này Đại Vương, khi ông mấy tuổi mới thấy được nước sông Hằng?

Vua đáp:

-Khi lên ba tuổi, con được mẹ bồng đến yết kiến Thần Kỳ Bà Thiên (thần trường thọ), đi ngang qua sông này, nên lúc bấy giờ con đã thấy được sông Hằng.

Phật hỏi:

-Hôm nay ông thấy sông Hằng, vậy cái “Thấy” đó có khác không?

Vua thưa:

-Khi con ba tuổi thấy sông Hằng, đến lúc 13 tuổi và nay được sáu mươi hai tuổi, thấy sông Hằng cũng đều không khác.

Phật dạy:

-Ngày nay ông lo buồn cho thân già yếu, đầu bạc mặt nhăn, không còn được như lúc còn trẻ thấy sông Hằng, cùng với khi còn trẻ thấy sông Hằng, cái “thấy” đó, có già, có trẻ gì không?

Vua Ba Tư Nặc thưa:

-Bạch Thế Tôn, cái “thấy” không có già và trẻ.

Phật dạy:

-Này dại vương, thân thể, mặt mày ông tuy già, mà cái “thấy” vẫn không già, vậy cái nào có già, thì cái ấy sẽ bị biến đổi, tiêu diệt; còn cái nào không già, thì cái đó không biến đổi sinh diệt. Nó đã không sinh diệt, thì đâu có bị ông làm cho nó sinh tử luân hồi được. Rõ ràng như thế, ông không hiểu sao mà còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt Già Lê nói: Thân này chết rồi hoàn toàn diệt mất?

Vua cùng đại chúng nghe Phật dạy rồi, đều biết rằng: người chết rồi, là tâm bỏ thân này, thọ thân khác, không phải mất hẳn. Ai nấy đều hớn hở vui mừng vì đặng lợi ích chưa từng có.

Chú Giải

Đoạn này Phật chỉ cái thấy không già trẻ, sinh diệt đó là Tâm.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5771091
Số người trực tuyến: