16. Bài thứ mười sáu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

16. Bài thứ mười sáu

Bài thứ mười sáu

I. MƯỜI MÓN MA VỀ HÀNH ẤM

1. Chấp không nguyên nhân sinh

A Nan, người tu thiền định khi tưởng ấm hết rồi, thì tâm được minh chính, không còn khởi các vọng tưởng tham muốn như trên, nên các Thiên ma không gặp dịp thuận tiện để nhiễu hại nữa. Lúc bấy giờ hành giả tự nghiên cứu nguồn gốc của muôn loài, rồi sinh ra hai lối chấp:

a. Vì chỉ thấy biết được chúng sinh từ tám vạn kiếp trở lại, ngoài tám vạn kiếp thì mù mịt không thấy biết, nên sinh ra chấp: “Chúng sinh từ tám vạn kiếp trở lại tự nhiên có, không có nguyên nhân sinh”.

b. Hành giả nghiên cứu chỉ thấy người sinh ra người, chim sinh ra chim, quạ từ hồi nào đến giờ vẫn đen, không phải do nhuộm mà đen, cò từ hồi nào đến giờ vẫn trắng, không phải do rửa mới trắng v.v... từ tám vạn kiếp đến nay đã vậy, thì từ đây về sau cũng thế. Hành giả tự nghĩ ta từ hồi nào đến giờ không thành Bồ đề, thì về sau đâu lại có thành Phật, rồi khởi ra tà chấp: “Các vật tượng ngày nay đều không có nguyên nhân”. Bởi mê mờ tính Bồ đề, mất chính tri kiến, sinh ra hai lối chấp trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

2. Bốn món chấp thường

A Nan, người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, tâm được minh chính, nên ngoại ma không còn thuận tiện để nhiễu hại được. Khi đó hành giả tham cứu cùng tột cội gốc của muôn loài, khởi ra bốn món chấp thường:

a/ Chấp hai vạn kiếp thuờng

Vì hành giả nghiên cứu cùng tột cả tâm và cảnh đều vônhân, vì sức tu chỉ biết được chúng sinh sinh diệt xoay vần từ hai vạn kiếp trở lại không mất, nên chấp cho là thường.

b. Chấp bốn vạn kiếp thường

Hành giả tham cứu cùng tột tính của tứ đại thường còn, do sức tu tập chỉ biết được chúng sinh từ bốn vạn kiếp trở lại, tuy có sinh diệt, mà bản thể nó vẫn thuờng còn không mất, nên chấp là thuờng.

c. Chấp tám vạn kiếp là thuờng

Hành giả tham cứu cùng tận tám thức, thấy nó thường hằng. Vì thấy từ tám vạn kiếp trở lại chúng sinh xoay vần không mất, nên chấp là thuờng.

d. Chấp cái không sinh diệt là thường

Người tu thiền định khi các tưởng ấm sinh diệt đã hết, nhân đó khởi tâm chấp cái không sinh diệt là thuờng.

A Nan, người tu thiền định, do mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, khởi ra bốn món chấp thường trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

3. Chấp một phần thường, một phần vô thường

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, nghiên cứu cùng tột cội gốc của sinh loại, rồi khởi ra bốn lối chấp điên đảo:

a. Chấp tâm là thường, chúng sinh vô thường

Hành giả khi quán tâm mình yên lặng khắp cả mười phương, các chúng sinh từ trong tâm mình tự sinh và tự chết, rồi chấp tâm ta là thường, chúng sinh vô thuờng.

b. Chấp thế giới, những chỗ bị hoại là vô thuờng, những chỗ không hoại là thuờng

Người tu thiền định quán sát cả mười phương thế giới, chỗ kiếp hoại (như từ Tam thiền trở xuống bị tam tai làm hoại) thì chấp là vô thường; những chỗ không hoại thì chấp là thường (từ Tứ thiền trở lên, tam tai không làm hoại được, chấp cho là cứu cánh Niết bàn).

c. Chấp cái tâm là thường, còn sinh tử là vô thuờng

Người tu thiền định, quán sát tâm mình không biến đổi, nó nhỏ nhiệm tinh vi như hạt bụi và lưu chuyển cả mười phương, lại khiến cho thân này sinh và diệt mà nó không biến đổi; nên chấp cho: “Tâm là thường; tất cả các vật đều từ tâm sinh ra, có sinh tử nên vô thường”.

d. Chấp hành ấm thường; sắc, thọ, tưởng là vô thường

Người tu thiền định, khi thấy sắc, thọ, tưởng ba ấm trước đã diệt, nên chấp là vô thường, thấy hành ấm lưu chuyển thường còn nên chấp là thường.

Bốn lối chấp trên, đều sai lầm cả, do mê muội tính Bồ đề, mấtchính kiến, nên đọa về ngoại đạo.

4. Chấp có bốn món biên giới

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, thấy được cùng tột cội gốc của sinh loại, lúc bấy giờ khởi ra bốn lối chấp có biên giới:

a. Chấp ba đời

Người tu thiền định, lúc bấy giờ chấp tâm niệm hiện tại tương tục (hành ấm) là vô biên, còn quá khứ và vị lai là hữu biên.

b. Chấp chúng sinh

Người tu thiền định vì chỉ thấy được chúng sinh trong tám vạn kiếp, nên chấp là hữu biên; còn trước tám vạn kiếp thì tịch mịch không thấy và cũng không nghe, nên chấp là vô biên.

c. Chấp tâm tính

Người tu thiền định khi thấy tâm mình biến khắp và biến ra tất cả người, nên khởi lên chấp tâm ta vô biên. Còn tất cả người đều ở trong tâm ta, là hữu biên.

d. Chấp sinh diệt

Người tu thiền định khi cùng tột hành ấm, thấy được tâm mình, sinh tâm chấp tất cả chúng sinh và thế giới đều có phân nửa sinh và phân nửa diệt; sinh là hữu biên, diệt là vô biên.

Các lối tà chấp trên, đều do trong khi tu thiền mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, nên đều đọa về ngoại đạo cả.

5. Bốn món luận nghị rối loạn không có nhất định

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, liền khởi ra bốn lối chấp điên đảo không nhất định:

a. Chấp tám món cũng

Người tu thiền định, khi quán sát nguồn gốc biến hóa của muôn vật, thấy có chỗ thì biến đổi, có chỗ lại thường còn; có cái sinh, có cái diệt; có pháp tăng, có vật giảm, có cái có, có cái không. Bởi thế nên có ai đến hỏi đạo thì nói rằng: “Cũng biến, cũng hằng, cũng sinh, cũng diệt, cũng tăng, cũng giảm, cũng có, cũng không”. Lúc nào cũng nói rối loạn như vậy, làm cho người không hiểu chi cả.

b. Chấp duy cái “không”

Người tu thiền định, vì quán cả tâm và pháp đều không; rồi cứ chấp ở nơi cái “không”. Có ai đến hỏi đạo thì họ chỉ đáp một chữ “không”; ngoài cái “không” ra thì không còn nói chi nữa cả.

c. Chấp duy cái “có”

Người tu thiền định, do quán sát tâm mình biến khắp tất cả, chỗ nào cũng có, rồi cứ chấp ở nơi cái “có”. Có ai đến hỏi đạo, thì họ chỉ nói một chữ “có”; ngoài cái “có” ra thì không còn nói gì nữa cả.

d. Chấp “cũng có” và “cũng không”

Người tu thiền định vì thấy ở nơi cảnh đã lăng xăng, còn tâm thì rối loạn, nên có người đến hỏi đạo thì đáp rằng: “cái cũng có” cũng tức là “cái cũng không”; trong cái “cũng không” cũng tức là cái “cũng có”. Lúc nào họ cũng nói rối loạn như vậy, không ai gạn cùng được.

Người tu thiền định vì mấtchính kiến mê mờ tính Bồ đề, khởi ra các lối chấp như vậy, nên đều đọa về ngoại đạo.

6. Chấp mười sáu tướng có

Người tu thiền định khi tưởng ấm hết, chỉ còn hành ấm diêu động, họ thấy một nguồn sống vô tận, nên sinh tâm chấp cho “chết rồi còn có tướng”.

Chấp về sắc uẩn có bốn: a) chấp sắc uẩn là “ta”, b) chấp “ta” có sắc uẩn, c) chấp sắc uẩn thuộc nơi “ta”, d) chấp “ta” ở nơi sắc uẩn.

Còn thọ, tưởng, hành mỗi uẩn cũng đều có bốn lối chấp như vậy, cộng thành mười sáu tướng. Hoặc chấp phiền não và Bồ đề hai tính thật có, hết phiền não mới được Bồ đề; hai tính không chung gặp nhau.

Vì hành giả trong lúc tu thiền, mất chính tri kiến, mê mờ tính Bồ đề, khởi ra các lối tà chấp trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

7. Chấp tám món vô tướng

Người tu thiền định khi sắc, thọ, tưởng đã diệt rồi, lúc bấy giờ thấy thấy thân hình hiện tiền đây còn không thật có, thì khi chết rồi làm gì lại có các hình tướng. Vì so sánh như vậy, nên chấp chết rồi không có hình tướng. Chấp sắc ấm như vậy thì thọ, tưởng, hành cũng như vậy (chấp hiện tại và vị lai đều không tướng), thành ra tám món vô tướng. Hoặc chấp Niết bàn chỉ có cái tên suông, không cónhân quả, rốt ráo đoạn diệt.

Vì hành giả mê mờ tính Bồ đề, mấtchính tri kiến, khởi ra các lối tà chấp như vậy, nên đều đọa về ngoại đạo.

8. Chấp tám món cu phi

Người tu thiền định, đối với ba ấm: sắc, thọ và tưởng, trước kia thấy có mà nay lại không; còn đối với hành ấm thiên lưu hiện nay thì có mà về sau lại không. Vì họ chấp mỗi ấm đều có hai tướng: chết rồi phi hữu và phi vô; cả bốn ấm thành ra tám tướng, Bởi hành giả mê mờ tính Bồ đề, mất chính tri kiến nên đọa về ngoại đạo.

9. Chấp năm món đoạn diệt

Người tu thiền định, khởi ra các chấp: Cõi dục thì “sắc thân” diệt hết; cõi Sơ thiền các “dục” diệt hết; cõi Nhị thiền các “khổ” diệt hết; cõi Tam thiền các “vui” diệt hết; cõi Tứ thiền các “xả” diệt hết.

Như vậy xoay vần cùng tột cả năm chỗ đều chấp hiện tiền tiêu diệt, diệt rồi không sinh trở lại. Vì hành giả mê mờ tính Bồ đề, mất chính tri kiến, sinh các lối tà chấp như vậy, nên đọa về ngoại đạo.

10. Chấp năm món Niết bàn hiện tại

Người tu thiền định, khi thọ ấm hết, xét cùng cội gốc của sinh loại, khởi ra chấp năm chỗ Niết bàn: a) Chấp Dục giới  là cảnh Niết bàn, b) Chấp cõi Sơ thiền là Niết bàn, c) Chấp Nhị thiền là Niết bàn, d) Chấp tam thiền là Niết bàn, e) Chấp cõi Tứ thiền là Niết bàn.

Vì hành giả mê muội tính Bồ đề, chấp năm cảnh vui cõi trời hữu lậu mà cho là vô vi Niết bàn, nên đọa về ngoại đạo.

TÓM LẠI

A Nan, mười cảnh ma về hành ấm này, là do hành giả dụng tâm sai lầm nên mới sinh ra như vậy. Vì hành giả mê mờ không biết, tự cho là chứng Thánh, sinh đại vọng ngữ, nên đọa vào ngục vô gián. Vậy các ông nên đem các việc ma này truyền dạy cho chúng sinh đời sau, chớ để cho người tu thiền bị tâm ma khởi lên làm hại đến thế. Các ông phải bảo hộ người tu hành đi thẳng đến đạo Bồ đề, chớ để cho họ gặp con đuờng chia rẽ.

II. MƯỜI MÓN MA VỀ THỨC ẤM

1. Chấp minh đế

Người tu thiền định khi hành ấm hết, chỉ còn thức ấm, các tướng sinh diệt đã hết, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện bày. Lúc bầy giờ nếu hành giả móng tâm chấp là chân thường, thì mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, thành bè bạn với phái ngoại đạo Ta-tỳ-ca-la, chấp minh đế (sơ tướng A-nại-da) là cái chỗ trở về của vạn vật trái với thành Niết bàn, đọa về ngoại đạo.

2. Chấp năng sinh

Người tu thiền định khi hành ấm hết, các tướng sinh diệt đã diệt, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện, khi đó thấy thức tâm mình châu biến, rồi khởi ra cái chấp: “Tất cả chúng sinh đều do ta sinh ra”. Vì sinh tâm chấp như thế, nên mất chính kiến, mê lầm tính Bồ đề, thành bà con của trời Đại-ngã-mạn (Mê-hê-thủ-la-thiên).

3. Chấp chân thường

Người tu thiền định khi hành ấm hết, thức ấm hiện ra, rồi sinh tâm nghi: Thân mình và mười phương hư không đều từ thức kia hiện ra, nên sinh tâm chấp cho “Thức là chân thường”, mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, thành bè bạn của trời Tự tại.

4. Chấp cỏ cây cũng đều biết

Người tu thiền định khi hành ấm hết, tướng sinh diệt đã diệt, chân tâm tịch diệt chưa hiện bày, lúc bấy giờ thức ấm biến khắp tất cả, rồi sinh tâm chấp: “Mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây”. Vì mê mờ tính Bồ đề, mấtchính kiến, nên sẽ làm bè bạn với hai chúng ngoại đạo Bà-tra và Tán-ni, chấp tất cả vạn vật đều có tri giác (biết).

5. Chấp tứ đại hóa sinh

Người tu thiền định khi hành ấm hết,chân tâm chưa hiện, lúc bấy giờ thấy lửa sáng, nước trong, gió động, đất cứng, do bốn món này sinh ra các vật, rồi chấp cho là thường còn, hết lòng cung kính phụng thờ. Như ông Ca Diếp Ba và phái Bà la môn thờ lửa, thờ nước v.v... để cầu ra khỏi sinh tử, mê mờ tính Bồ đề, mấtchính kiến, đọa làm ngoại đạo.

6. Chấp hư vô

Người tu thiền định khi hành ấm hết, thấy thức ấm viên minh, rồi sinh ra chấp cái thức ấm hư vô, là chỗ nương của muôn vật, tất cả các vật đều về chỗ hư vô. Vì vậy mà mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, nên thành bè bạn với trời Vô tưởng, Tứ không và thần Hư không.

7. Tham cầu sống lâu

Người tu thiền định khởi tâm tham cầu thân này thường còn, cố làm cho thân này được sống hoài không chết, nên thành bè bạn của tiên A Tư Đà, cầu mạng sống lâu, mê mờ tính Bồ đề, mất chính kiến, đọa về ngoại đạo.

8. Tham luyến cảnh dục

Người tu thiền định khi hành ấm hết, lúc bấy giờ thấy thân thể và thức tâm tiêu diệt, cho nên sinh tâm lưu luyến lại cảnh trần, tự biến hóa ra nhiều cảnh báu đẹp và nhiều mỹ nữ, rồi mặc tình vui thú. Vì mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, nên thành bè bạn của Thiên ma ở cõi trời Tự tại (trên đảnh cõi Dục).

9. Định tính Thanh văn

Người tu thiền định khi hành ấm hết, các tướng sinh diệt đã diệt, mà chân tâm tịch diệt chưa viên, lúc bấy giờ khởi tâm tham luyến ở chỗ không tịch, chẳng muốn tăng tiến, vì mất chính kiến, mê mờ tính Bồ đề, đọa về hàng Định tính Thanh văn, như ông Vô Văn Tỳ kheo, sinh tâm tăng thượng mạn.

10.  Định tính Duyên giác

Người tu thiền định khi hành ấm hết, chỉ thấy một màu thanh tịnh sáng suốt, lúc bấy giờ sinh tâm chấp cho đó là Niết bàn; rồi tham trước ở cảnh này, không cầu tăng tiến, mê mờ tính Bồ đề, mất chính kiến, nên đọa về hàng Định tính Duyên giác.

TÓM LẠI

A Nan, mười món ma này, do người tu thiền, khi dụng tâm phá trừ thức ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy. Vì mấtchính tri kiến, mê lầm tính Bồ đề, khởi tâm chấp trước, cho mình đặng thiền, đặng đạo, thành Phật, thành Thánh v.v... có người sinh ra điên cuồng, nên đều đọa về ngoại đạo cả.

Vậy các ông phải giữ gìn nơi lòng, vâng lời ta dạy: Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải đem lời ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sinh đời sau, bảo hộ người tu hành, chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật chẳng gặp các đường tẽ.

Này A Nan, người trong khi tu thiền, gặp ma nó biến hiện ra nhiều cảnh rất là vi tế, nếu các ông hiểu biết, rửa sạch tâm cấu nhiễm, chẳng khởi tà kiến, thì cảnh ma kia lần lần tiêu diệt, các ông sẽ thẳng đến đạo Bồ đề.

Còn như đời sau, có chúng sinh nào chẳng dám tu thiền, sợ bị các ma nhiễu hại, thì ông nên khuyên họ nhất tâm trì chú Lăng Nghiêm này, để các ma chướng kia không thể hại được, rồi cũng thẳng đến được đạo Bồ đề.

Khi Phật nói Kinh này rồi, toàn cả hội chúng, nào là: Tăng, Ni, thiện nam, tín nữ, trời, người, thần A tu la, Thánh, Tiên, quỉ thần, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, tất cả đều hoan hỷ lễ Phật rồi trở lui.

LƯU Ý

Quý Phật tử đọc hết đoạn ngũ ấm ma này rồi, từ đây về sau, trên đường tu hành cần phải thận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy, mà nguy hiểm cho mình về hiện tại cũng như tương lai.

Chúng tôi thấy trong giới Phật tử, phần đông là hàng phụ nữ (xin lỗi quý bà) lòng tin tưởng dồi dào lắm! Mỗi khi thấy một việc gì lạ thường, có tính cách thần kỳ huyễn hoặc, không chịu bình tâm suy xét chân hay ngụy; cứ cho đó là Phật thị hiện hay Bồ tát giáng thế v.v... rồi rủ nhau tin tưởng theo càn, say mê như người nghiện thuốc, rủ nhau theo rất đông cho đến đỗi như cả phong trào. Như những việc trước mắt... mà quý vị đã thấy vừa qua... kết cuộc rồi thế nào quý vị đã biết rõ... Thật nguy hại vô cùng! Nếu lỡ một phen bước vào đường tà rồi, thì trăm kiếp ngàn đời khó trở lại.

Tôi xin dẫn một vài bằng chứng trong kinh, để quý vị xem qua, đặng cẩn thận những điều nguy hiểm trong lúc tu hành.

“Thuở xưa, Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả đang nhập định, bị Thiên ma Ba tuần khuấy nhiễu. Đến khi xuất định, Ngài dùng thần thông hàng phục được Thiên ma. Sau khi chúng đã hối ngộ quy y Tam bảo rồi, vì cảm hồng ân tế độ của Tổ sư, nên đến xin cúng dường Ngài một bữa cơm để tỏ lòng tri ân.

Tổ sư dạy: “Ta vì chuyên lo tu hành không giờ rảnh để đi thụ trai. Ta chỉ muốn xem một việc, nếu ngươi bằng lòng, thế là đền ơn cho ta rồi”. Thiên ma: “Dạ, đệ tử xin vâng”. Tổ sư dạy: “Khi Phật ra đời đã có ngươi: Vậy trong lúc đó Phật cùng các vị Thánh chúng như thế nào? Hôm nay ngươi hóa hiện lại cho ta xem thử”. Thiên ma thưa: “Con xin vâng lời Tổ sư dạy. Nhưng khi con hóa hiện ra Phật, xin Tổ sư nhớ đừng lạy, vì sợ tổn phước con nhiều”. Tổ sư hứa lời.

Thiên ma Ba tuần liền biến mất, trong giây phút hóa hiện ra đức Phật, thân vàng rực rỡ, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hào quang sáng chiếu khắp cả một góc trời, trong rừng từ từ đi ra. Nào là ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp đứng hầu hai bên oai nghi tề chỉnh đủ cả 1.250 vị đệ tử, rần rộ theo sau...

Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả thấy Phật đi đến phóng hào quang rực rỡ, các vị Thánh chúng theo hầu, oai nghi tề chỉnh v.v... nên hết sức vui mừng, liền đứng dậy kính lễ, mà quên hẳn lời hứa trước kia. Lúc bấy giờ Thiên ma biến mất”.

Phật tử chúng ta xem qua đoạn này, nên xét nghĩ: Như Tổ Ưu Bà Quật Tôn giả đã biết trước là ma sắp hiện ra Phật và có hứa hẹn trước “không lạy”, mà đến khi ma hiện ra còn quên, không phân biệt là ma hay Phật. Nếu chúng ta tình cờ gặp cảnh ngộ như thế, thử nghĩ trong tâm chúng ta thế nào?

Bởi thế trên đường tu hành, lúc nào chúng ta cũng phải cẩn thận cho lắm, chớ nên thấy cái gì lạ, không chịu suy xét kỹ, cứ nhắm mắt theo càn, ùa nhau tin tưởng cho là Thần, Thánh thật. Lỡ một phen sa vào đường tà rồi, thì trăm kiếp ngàn đời khó trở lại. Chúng ta nên nhớ rằng: Cái gì thiệt thì nó vẫn thiệt, dù mình tin hay không tin nó cũng không mất. Còn cái gì giả thì chỉ ồ ạt trong một thời gian mà thôi, nếu người không tin thì nó sẽ tự tiêu diệt.

Phật dạy các đệ tử: “Không nên thấy Phật cứ theo, nghe lời Phật nói cứ tin; mà phải luôn luôn suy nghĩ, nếu đúng chân lý sẽ tin theo”. Phật dạy như thế, để cho các Phật tử khỏi bị tà ma ngoại đạo dối gạt.

Trong kinh Kim Cương Phật dạy:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thịnhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như lai

Đại ý đoạn này Phật dạy: Nếu người nào cho rằng thấy sắc thân của Phật có 32 tướng tốt, là thấy được Phật, thì ông Chuyển Luân Thanh Vương cũng có đủ 32 tướng tốt, hoặc ma nó hiện ra sắc thân Phật có đủ tướng tốt, vậy cũng là Phật hay sao? – Hay nghe tiếng nói pháp thanh tao của Phật mà cho là nghe được tiếng Phật, thì tiếng chim Ca-lăng-tần-già, kêu rất thanh tao lảnh lót, vậy cũng là tiếng nói của Phật hay sao? Những người tin tưởng như vậy, là theo tà đạo, không bao giờ thấy được Phật.

Phật thường nhắc nhở dặn dò các đệ tử: Phải dùng giáo lý chân chính dạy người. Khi người hiểu được chân lý rồi tin theo, thì lòng tin đó mới được chân chính. Phật cấm các đệ tử không cho dùng thần thông hay phép lạ để cảm hóa người. Chỉ trừ một vài trường hợp hàng phục ngoại đạo hoặc quỉ thần; vì sợ sau này Thiên ma ngoại đạo dùng thần thông hay phép lạ làm mê hoặc người.

Vì thế nên Phật không từ trên hư không rớt xuống, hay tự nhiên xuất hiện; mà Ngài lại thị hiện cũng như người, lớn lên có vợ con, rồi đi tu và thành đạo v.v… để cho chúng sinh sau này, đừng tin tưởng những điều huyễn hoặc thần kỳ.

Khi Phật còn trụ thế, có người đàn việt đem dâng cái bình bát cho chư tăng, lại để trên đầu một cây cột phướn cao, và thưa rằng: “Nếu vị nào lấy được tôi sẽ cúng cho”.

Khi đó ông Tân Đầu Lô Phã La Đọa Xà Tôn giả, dùng thần thông lấy cái bình bát ấy. Ông bị Phật quở trách rất nghiêm khắc, và phạt ông phải ở lại thế gian ứng cúng, làm phước điền cho chúng sinh, không được nhập diệt. Và Phật còn chế ra giới luật cấm các đệ tử không được dùng thần thông hay phép lạ trước người phàm phu.

Trong kinh cũng có chỗ nói, các đức Phật và Bồ tát thỉnh thoảng thị hiện ra đời để hóa độ chúng sinh, như đức Di Lặc hay ngài Quán Thế Âm v.v… Nhưng khi các Ngài hiện ra không ai biết được, chỉ trừ đến khi tịch diệt, các Ngài mới để lại một vài di tích. Chừng đó người đời mới biết Phật hay Bồ tát thị hiện; khi biết thì không còn thấy các Ngài nữa.

Như đức Di Lặc Bồ tát hiện thân làm vị Bố đại Hòa thượng. Ngài thường xách cái bị lớn bằng vải, đi khắp đó đây để hóa độ chúng sinh, mà người đời không ai biết, chỉ gọi Ngài là vị Bố đại Hòa thượng (1). Đến khi thị tịch, Ngài nói một bài kệ, lúc bấy giờ người ta mới biết là đức Di Lặc Bồ tát hiện thân.

Bài kệ:

Di Lặc chân Di Lặc,

Hóa thân thiên bách ức,

Thời thời thị thời nhân,

Thời nhân giai bất thức.

Nghĩa là: Di Lặc thật là Di Lặc, biến hóa trăm ngàn muôn ức thân hình; thường thường thị hiện độ người, mà người đời chẳng ai biết.

III. KẾT LUẬN

Đại ý toàn cả bộ kinh này, Phật dạy chúng sinh phải trở về với thể tính chân tâm thường trụ, đồng với ý nghĩa như trong kinh Pháp Hoa: “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”.

Phật đã dạy cho chúng ta biết rằng: Chư Phật và chúng sinh cũng đồng một bản thể chân tâm không khác. Vì chúng sinh mê muội thể tính chân tâm này, nên phải chịu sinh tử luân hồi; còn chư Phật đã ngộ chân tâm nên được tự tại giải thoát. Vì vậy mà Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, còn các chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Nguyên nhân Phật nói Kinh này, là do ngài A Nan thị hiện mắc nạn, bị nàng Ma Đăng Già bắt. Sau khi nhờ Phật cứu độ được thoát nạn rồi, ngài mới cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp nào mà mười phương các đức Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả.

Nhân đó Phật nói kinh Lăng Nghiêm, để chỉ rõ chân tâm. Nếu giác ngộ được chân tâm là được thành Phật. Đó là một con đường tu duy nhất của chư Phật quá khứ, hiện tại cũng như vị lai.

Trước khi chỉ chân tâm thì Phật gạn hỏi cái tâm theo thường tình chúng sinh vọng chấp. Bảy đoạn hỏi tâm làm cho ngài A Nan cùng đường tột lối; lúc bấy giờ Phật mới từ từ chỉ cái Tâm đến sáu lần. Ban đầu Phật tạm chỉ các giác quan về phần trực giác như thấy, nghe v.v... là tâm. Khi A Nan và đại chúng đều hiểu rồi, Phật lại chỉ lên một tầng nữa: “Các giác quan tuy không phải vọng, nhưng cũng chưa phải là chân tâm, nó cũng như mặt trăng thứ hai v.v...”. Phật lại chỉ cái Bản thể sinh ra các giác quan (hiện tượng) mới thật là chân tâm. Tức là ở về đoạn, trong văn kinh chữ Tàu chép: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập v.v...”.

Phật dạy: Vì các ông còn ở trong vòng mê, nên chỉ gọi là giác quan: thấy, nghe, hay, biết của chúng sinh; đến khi ngộ rồi thì gọi là bốn đức Niết bàn của Phật: thường, lạc, ngã, tịnh. Và Phật dạy: Tất cả các pháp đều từ tâm biến hiện, như năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và bảy đại đều do tâm sinh ra, rồi cũng trở về thể tính chân tâm. Thế là Ngài dẫn các tướng qui về chân tính.

Đến đoạn này ngài A Nan mới ngộ được chân tâm, nên đứng dậy lạy Phật và xứng theo thể tính chân tâm rộng lớn mà phát lời thệ nguyện rộng sâu vô tận.

Ngài nguyện rằng: “Trong đời ngũ trược tội ác, con thề vào trước để độ chúng sinh; nếu còn có một chúng sinh nào chưa thành Phật thì con thề chẳng lĩnh quả vui Niết bàn...” Và câu “Hư không kia có thể tiêu hết, chứ chí nguyện của con đây không hề lay chuyển”. Cũng vì ngộ được đồng thể chân tâm, nên Ngài mới phát lời thệ nguyện rộng lớn như thế.

Mình đã được độ, muốn cho chúng sinh cũng đều được độ, nên ngài A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành cho chúng sinh đời sau:

Phật dạy có ba việc:

1. Khi đối cảnh không khởi vọng niệm phân biệt theo vọng trần; tức là câu “bất tùy phân biệt”. Nghĩa là, xoay các giác quan như thấy, nghe, hay, biết đều trở về thể tính chân tâm. Nếu vọng niệm không khởi thì chân tâm hiện bày, đây là một pháp tu trực chỉ của bậc thượng căn.

2. Phật dạy trì giới. Nhân trì giới tâm đuợc thanh tịnh, nhờ tâm tịnh mới phát sinh ra trí huệ, để phá trừ vô minh. Vô minh hết thì chân tâm tự hiện bày. Nhưng trong kinh này nói trì giới là chỉ cho tâm giới. Nghĩa là thân đã không sát, đạo, dâm, vọng mà tâm cũng không nghĩ tưởng đến việc sát, đạo, dâm, vọng, cho đến cái “biết mình đã đoạn trừ” cũng không còn. Thật là cao siêu vô cùng, khó khăn tột bậc. Vì nếu tâm còn mống một tý vọng niệm gì, thế là tâm chưa tịnh. Nếu tâm chưa tịnh thì giới thể chưa viên.

3. Phật dạy, nếu người nào nghiệp chuớng nặng nề, thì nên chí tâm trì tụng chú Lăng Nghiêm, dù nghiệp chướng nặng đến đâu cũng lần lần tiêu hết, phước lành tăng trưởng, sẽ thành đạo Bồ đề; như thuận gió tung bụi chẳng có khó khăn gì.

Trên đường tu hành, Phật dạy phải trải qua các địa vị như: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa và Đẳng giác là năm mươi lăm vị, rồi mới đến quả Phật.

Trong khi tu Thiền định lại gặp năm chục thứ ma (sắc, thọ, tưởng, hành, thức mỗi ấm có mười) nó biến hiện đủ điều, nào là ma nội tâm, ma ngoại cảnh, đủ cách nhiễu hại hành giả. Cho đến khi gần thành Phật mà nó cũng vẫn còn theo phá. Như thái tử Tất Đạt Đa, trước giờ phút đại ngộ, dưới cây Bồ đề, vẫn còn bị ba người con của Ma vương tận lực khuấy nhiễu. Đến sao mai sắp mọc Ngài được thành Phật mới hết.

Sau mỗi đoạn ma hiện, Phật đều dạy rằng: “Do hành giả dụng công tu thiền, nên nó biến hiện ra như vậy, không phải là đặng đạo hay chứng Thánh, nếu hành giả biết trước thì các cảnh ma kia lần lần tiêu diệt không hại chi, còn mê lầm không biết, cho mình đặng đạo hay chứng Thánh, sinh tâm chấp trước, thì bị ma nó cám dỗ, rồi phải đọa vào đuờng tà, làm quyến thuộc của ma.

Bởi thế, nên người tu hành cần phải thận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy mà bị ma cám dỗ, rất nguy hiểm cho đời mình về hiện tại cũng như vị lai.

Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bảo các đệ tử: “Nên đem lời ta nói đây truyền dạy cho chúng sinh đời sau, khiến cho mọi người đều biết rõ, để tránh khỏi các ma nhiễu hại, trên đường tu hành đuợc thẳng đến đạo Bồ đề”.

Phật lại thiết tha kêu gọi các đệ tử: Hôm nay các ông đã được ta tế độ rồi, vậy các ông không nên nhập diệt sớm, mà phải nguyện ở lại đời mạt pháp, để bảo hộ người tu hành đời sau, thế mới là người biết ơn Phật.

Lòng từ của Phật thật là vô biên, tế độ chúng sinh không cùng tận, thương chúng ta như mẹ thương con, dạy dỗ chúng ta như mẹ hiền khuyên con dại; nhắc đi lặp lại nhiều lần không biết mỏi. Thật đúng với câu: “Đại từ đại bi mẫn chúng sinh. Đại hỷ, đại xả tế hàm thức...”.

Phật tử chúng ta phải làm thế nào để khỏi phụ lòng thương yêu của Từ phụ, cho xứng với danh từ “Phật tử”.

Chú thích

(1) Bố đại Hòa thượng là vị Hòa thượng tay cầm cái đãy lớn bằng vải. Người mập bụng to, sắc mặt thường hoan hỷ. Hiện nay ở các chùa phần nhiều đều có thờ Ngài, người đời thường gọi là đức Di Lặc.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5670408
Số người trực tuyến: