Chuyện người giữ vườn đắc quả vị Phật chỉ nhờ dâng cúng một cành hoa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chuyện người giữ vườn đắc quả vị Phật chỉ nhờ dâng cúng một cành hoa

Thời Phật còn tại thế, khi ấy, Đức Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc.

Một hôm, người giữ vườn cho vua Ba Tư Nặc cắt được một cành hoa đẹp trong vườn, liền mang ra phố. Một người ngoại đạo trông thấy, hỏi rằng:

- Này ông, ông bán cành hoa ấy không?

Người làm vườn đáp:

- Bán!

Người kia liền bước tới trả giá định mua. Bỗng có ông trưởng giả Tu Đạt đến, tức ông Cấp Cô Độc (vì ông hay cứu tế, giúp đỡ cho những người cô độc, bần hàn khốn khổ nên mọi người gọi như vậy), ông cũng muốn mua nên trả giá cao lên gấp đôi. Người ngoại đạo không chịu thua, cũng tăng giá lên nữa. Hai người đều quyết lòng mua cho được cành hoa, nên cuộc đấu giá ngày càng gay cấn, trả giá dần lên tới một trăm ngàn lượng vàng!

Người làm vườn khi ấy tự nghĩ rằng:

- Ông Trưởng giả Tu Đạt đây không phải là người nông nổi. Nay ông ấy quyết lòng mua như vậy, chắc là có duyên cớ chi đây.

Nghĩ như vậy rồi, liền mới hỏi người ngoại đạo rằng:

- Tại sao ông trả giá cao đến như vậy?

Người kia đáp:

- Tôi quyết mua đặng dâng cho thần Na-la-diên (Nārāyana: là một tên khác của thần Vishnu đạo Bà-la-môn).

Người bán hoa lại quay sang hỏi ông trưởng giả Tu-đạt, ông nói:

- Tôi quyết mua để cúng dường Phật.

Người làm vườn nghe vậy hỏi:

- Phật là ai vậy?

Ông trưởng giả Tu-đạt liền giảng nói tường tận công đức của đức Phật Thế Tôn.

Người làm vườn nghe rồi liền tuyên bố rằng:

- Dẫu trăm ngàn lượng vàng, nay tôi cũng quyết không bán nữa, chỉ để tự mình mang đến cúng dường Phật.

Ông Tu-đạt nghe vậy thì vui mừng khôn xiết, liền đưa người làm vườn đến chỗ tinh xá của Phật.

Người giữ vườn nhìn thấy Đức Thế Tôn trang nghiêm rực rỡ với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang sáng ngời, liền dâng cành hoa lên trước Phật để cúng dường. Nhờ sức thần của Phật, cành hoa liền hóa thành một lọng hoa lớn che bên trên Phật.

Người giữ vườn nhìn thấy phép mầu ấy, liền phủ phục xuống, chí thành lễ bái Phật và phát lời nguyện lớn rằng:

- Nguyện nhờ công đức cúng dường cành hoa hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện sẽ có thể vì những chúng sinh mù lòa mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sinh chẳng quy y Phật mà độ cho quy y; tôi sẽ làm cho những chúng sinh không người cứu hộ sẽ được cứu hộ, những chúng sinh không được an ổn sẽ được an ổn, những chúng sinh chưa nhập Niết-bàn sẽ được nhập Niết-bàn.

Khi người ấy phát nguyện rồi, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.

Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng:

- Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho được biết.

Phật bảo A-nan:

- Ông có nhìn thấy người giữ vườn dâng cành hoa cúng dường ta chăng? Nhờ công đức ấy, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa người này sẽ thành Phật hiệu là Hoa Thạnh (Padmottama), hóa độ chúng sinh nhiều vô số. Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

(Trích kinh Bách Duyên)

Nhưng thế nào là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ?

Giống như lời phát nguyện của người giữ vườn trong truyện đây chính là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ.

Chính nhờ một lần PHÁT NGUYỆN như thế, mà vị đó trải qua vô lượng kiếp tu hành sẽ trở thành Đức Phật Hoa Thạnh hóa độ chúng sinh nhiều vô số như Đức Phật Thích Ca đã thọ ký.

Mọi cây đại thụ vĩ đại nhất đều bắt đầu từ một mầm cây bé nhỏ. Nếu như bạn thực hiện được điều này, có nghĩa là bạn vừa gieo một hạt mầm của cây Bồ đề vào dòng luân hồi sinh tử của bạn. Không cần biết là trải qua bao nhiêu kiếp nữa, nhưng chắc chắn một điều rằng, lời nguyện thiêng liêng của bạn sẽ thành hiện thực.

Tất nhiên, một người sau khi PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ chưa thể ngay lập tức xuất hiện kì tích. Người ấy vẫn còn đầy đủ những tham sân si, người ấy vẫn còn hay mắc lỗi vì còn bản ngã. Nhưng những điều đó không có cơ hội để tồn tại lâu.

Giống như người tự có la bàn trong tâm, dù có đi giữa rừng già hay giữa sa mạc mênh mông, người đó cũng không sợ bị lạc. Người đã gieo hạt giống Bồ đề vào trong tâm luôn tự tìm ra con đường đúng đắn để đi.

Dù có khó khăn, nguy hiểm, phải vì chúng sinh mà hi sinh thân mạng, cũng không làm người ấy dừng bước.

Chư Thiên trên các tầng Trời không ngừng dõi theo từng bước người ấy bước đi trên con đường dẫn đến Đạo quả Vô Thượng Chính Đẳng Chánh Giác. Vì đó là con đường thiêng liêng mà mười phương Chư Phật đã đi.

(Mai An sưu tầm)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6411973
Số người trực tuyến: