Cuộc hạnh ngộ của những người chấp tác | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cuộc hạnh ngộ của những người chấp tác

Một tháp Phật bình thường có thể chỉ cần thợ nề, thợ mộc, thợ đúc… thi công là đủ. Còn để hoàn tất một tòa tháp Kim Cương thừa, có vô số các công đoạn cần sự tham gia của nhiều người. Điều đáng quý là không phải ai tham gia chấp tác tại Đại Bảo tháp Tây Thiên cũng là Phật tử, thậm chí có người còn là tín đồ Công giáo.

Toàn bộ phần xây thô do các cán bộ, công nhân công ty Lạc Hồng đảm nhiệm hoàn tất vào tháng 3/2012. Nhiều tháng sau đó là thời gian dành cho việc yểm tháp. Làm việc tại Bảo tháp ngày thường chủ yếu là các Phật tử quanh vùng. Dịp cuối tuần, những chuyến xe từ khắp mọi nơi chở hàng ngàn người đổ về Tây Thiên, Đại Bảo tháp trở thành đại công trường tấp nập. Mỗi người tùy duyên mà tìm một công việc phù hợp. Đơn cử việc làm tsa-tsa, chỗ này đập đất sét, chỗ kia nặn đất sét và nhồi vào khuôn. Người lĩnh trách nhiệm phơi tsa-tsa, cạnh đó vài người say sưa tô màu cho các tsa-tsa đã khô… Cứ như thế, khâu nào thiếu người lập tức có người bổ sung. Vào những ngày cuối tuần, tầng trệt của Đại Bảo tháp thường kín người, nhưng các hoạt động vẫn diễn ra nhịp nhàng, người nào việc nấy.

Vào ngày đổ bê tông dưới hầm bảo tháp, mọi người lao động với nhịp độ khẩn trương hơn. Các cô, các chị cùng chư ni Tây Thiên vác những bao cát trên vai đi phăng phăng, trong khi các Phật tử nam đẩy xe bò. Phần việc chuyên sâu hơn như trộn bê-tông do những công nhân trong đồng phục bảo hộ lao động đảm nhiệm. Họ đến từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Việc đúc tượng lại không thể thiếu những nghệ nhân từ làng Ngũ Xã, Hà Nội. Tất cả hội tụ về Bảo tháp trong tinh thần thiện nguyện, đầy nhiệt tâm vì biết được ý nghĩa việc mình làm.

Một số Phật tử của truyền thừa Drukpa ở Hà Nội cứ rảnh ngày nào trong tuần là lại bắt xe buyt lên Bảo tháp chấp tác. Mẹ của một phật tử tên Hiệp kể chuyện: “Cuối tuần nào vợ chồng cháu nó cũng lên đây. Chồng sức dài vai rộng thì việc gì cũng làm, vợ đang có bầu thì làm những việc nhẹ nhàng như bẻ hương liệu, nhặt ngũ cốc… Các cháu muốn gieo duyên lành cho em bé từ trong bụng mẹ. Vợ chồng tôi chưa quy y, nhưng thấy các con đi làm việc thiện cho nhà chùa thì cũng đi theo. Giữa tuần, chúng nó phải đi làm, hai ông bà tự chở nhau bằng xe máy lên đây. Nhiều tuổi rồi, nhưng làm từ sáng sớm đến tối mịt mà vẫn khỏe như thường, vui nữa!”. “Làm nhiều không thấy mệt, ăn ít cũng chẳng đói” nữ Phật tử mảnh khảnh tên Loan thuộc Drukpa Hà Nội, miêu tả. “Ở đây lao động chân tay nhiều hơn ở nhà, rồi bụi đất, cũng thấy bình thường. Tôi thấy như mình được gia trì.”

Loan trải qua kỳ nghỉ 30/4 năm ngoái tại Bảo tháp để tận dụng cơ hội chấp tác. “Mọi người luôn nói việc xây dựng tháp là cơ duyên ngàn năm có một thì mình cứ tranh thủ lúc nào lên được là lên,” Loan nói. Hồi đầu năm cô có dịp cùng các đạo hữu sang Nepal. Nhờ đó, cô có dịp nhiễu quanh Tháp Boudhanath 13 vòng. Còn quần thể Tháp Swayambhunath ngự trên cả quả đồi, cô chỉ đủ sức đi 1 vòng. Loan: “Tháp Swayambhunath có cả ngàn năm rồi, tôi nghe nói không phải do người thường xây dựng…”
Ngay Đại Bảo tháp Tây Thiên cũng đâu chỉ do “người thường” xây dựng.
Sư Thầy Thanh Tịnh từng nói: “Nếu không được sự ủng hộ của Bách Phật Hộ Pháp thì việc xây dựng tháp chắc chắn gặp trắc trở, việc yểm cũng không có người giúp. Đức Pháp Vương thấy đây là nơi tâm linh hội tụ thì Ngài mới hộ cho như vậy.” Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chính là người động thổ, đặt nền móng tâm linh cho Đại Bảo tháp tại Tây Thiên, nơi Ngài đã có linh kiến về một Đại Bảo tháp từ nhiều năm trước.

Nhiều người chưa phải Phật tử vẫn nhiệt thành tham gia hoàn thiện Đại Bảo tháp, như anh Lê Xuân Đăng, lái xe Bắc Nam. Từ huyện bên, anh đi xe máy 30 cây số, mang vợ, hai con và đứa cháu đến làm việc. Anh nói giản dị: “Đây là công trình văn hóa, sẽ trở thành di sản cho thế hệ mai sau, thì tâm mình cảm thấy nên làm thôi.” Nhặt ngô, nhặt thóc, đập đất, truyền cát, hay bê cơm canh phục vụ bữa trưa… anh làm tất. Nguyên một lần đi thăm họ hàng, nghe kể có tòa tháp như thế, anh ra tham quan thực địa, hôm sau đến làm luôn. Anh còn chưa kịp rủ hàng xóm: “Cả xã khéo có vài người biết thôi. Nếu biết cũng nhiều người đi đấy.”

Thường ngồi một góc, vừa nhặt ngũ cốc vừa niệm Phật, là một cụ bà người dân tộc Sán Dìu đến từ xã Đạo Chùa, huyện Tam Đảo. Bà bảo bà chẳng nhớ tuổi mình, cũng không biết chữ: “Trước tôi hay thấy đau ốm trong người, già rồi mà. Cách đây độ hai năm, con dâu đưa cho một tấm ảnh Phật bảo mẹ treo lên đầu giường, rồi ngày ngày nhìn vào ảnh mà niệm Phật. Tôi làm theo. Thế mà như khỏe ra thật. Nghe hàng xóm nói các thầy Tây Thiên đang xây Tháp, cần người đến làm công quả, thế là tôi bảo con cháu đứa nào rỗi ngày nào thì đưa mẹ đi làm ngày đó. Già yếu rồi thì tôi làm việc nhẹ thôi!”- bà kể.

Hỏi chuyện mấy chị em đang ngồi bẻ nhỏ từng mảnh vỏ quế (để yểm chung với các pháp khí), các cô bé chỉ cười và lập tức vẫy Trang lại để “phát ngôn”. Hỏi vì sao đến đây làm việc, Đào Thị Trang, học lớp 9, trường Đại Đình hào hứng đáp liền: “Cháu đến đây làm thứ nhất do thời gian rảnh. Thứ hai là bọn cháu làm để tích công đức không những đời bọn cháu mà còn đời con cháu bọn cháu.” Ai dạy cháu thế? “Bọn cháu được nghe kinh Phật hoặc được giao lưu với các thầy cũng giác ngộ ra được cuộc đời, cũng hiểu mình phải làm gì ạ.” Khẩu khí cứ như… lớp trưởng ấy nhỉ? “Cháu không làm lớp trưởng cũng chẳng làm gì hết… Cháu là người Công giáo nhưng theo suy nghĩ của cháu, nói chung bây giờ Công giáo với cả Phật giáo cũng hòa hợp với nhau thôi ạ. Vì vậy cháu cũng vẫn đến làm giúp nhà chùa như một Phật tử. Cháu cũng sùng Phật ạ. Bên nào cháu cũng tin, vì bên nào cũng dạy chúng ta những điều tốt đẹp.”
Cùng ngồi bẻ quế với các em học sinh, sinh viên là chị Thủy- Phật tử ở Hà Nội. Chị cười, nói: “Bây giờ các bạn trẻ tinh tấn lắm, mình tuy có tuổi nhưng đi theo còn phải hỏi các bạn rất nhiều. Các bạn giác ngộ từ sớm là điều mình thấy rất may mắn cho xã hội.” Như thế, ngay từ khi còn đang hình thành, Đại Bảo tháp Tây Thiên đã là nơi ghi dấu những cuộc hạnh ngộ, sẻ chia giữa các thế hệ, thậm chí giữa các tôn giáo.

Mạnh Hà

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6405957
Số người trực tuyến: