Đạo hiếu trong mùa Vu Lan
Ngày 14/08 - Hơn 6.000 Phật tử hành hương về Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo Vĩnh Phúc) dự Đại lễ cầu siêu Phổ độ gia tiên, cửu huyền thất tổ do chư Tăng Ni tại đây tổ chức nhân mùa Vu lan 2016.
Mặc dù trời mưa to và đường ngập vì lũ, các Phật tử không quản ngại khó khăn có mặt tại đàn tràng từ sớm, tất cả đều nhất tâm cầu nguyện mười Phương chư Phật sẽ tiếp độ chư hương linh ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ của dòng họ mình về cõi Tịnh độ.
“Trong Đạo Phật chữ hiếu là hạnh lành đứng đầu muôn hạnh, còn theo văn hóa Việt, tâm hiếu thảo là di sản tâm linh trân quý” - Sư thầy Thanh Tịnh giảng. “Báo hiếu ở đây là báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên, không chỉ ở kiếp này mà còn nhiều kiếp khác. Chúng ta cần vâng lời, hết lòng phụng dưỡng giúp cha mẹ an vui. Quan trọng hơn, chúng ta cần báo đền ân đức thâm sâu của cha mẹ theo cách xuất thế gian, đó là khuyến thỉnh cha mẹ quy y Tam Bảo, thực hành Phật pháp, bỏ ác làm lành, theo Phật niệm Phật, để đến khi lâm chung không phải chịu khổ đau, được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Tịnh độ. Hiếu nghĩa của người con như vậy mới là trọn vẹn”.
Ngày xưa, Đức Phật đã từng nhiều lần dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai người mà ta không thể trả ơn đó là chính là cha và mẹ”. Trải hàng nghìn năm cho đến nay, lời dạy này vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người cần luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy: “Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Rộng hơn là hướng lòng tri ân tới các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền non sông.
Một Phật tự đại diện đọc lời sám hối
Trong không khí xúc động của buổi lễ, Sư thầy Thanh Tịnh giảng thêm rằng: “Sự có mặt của thân nhân là nhịp cầu trung gian để chuyển tải lời cầu nguyện, năng lực gia trì của chư Phật đến cho chư hương linh ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ. Mặc dù trời mưa bão nhưng các Phật tử vẫn không quản ngại đường xá xa xôi để đến dự đàn tràng. Điều đó chứng tỏ tâm hiếu thảo của các Phật tử vô cùng mạnh mẽ, chấn động đến trời đất, khiến trời đổ mưa. Đây là những giọt mưa tri ân, báo ân từ sâu thẳm trái tim mỗi người. Đó cũng là những giọt nước mắt hướng về ân đức sinh thành của ông bà cha mẹ”.
Khoá lễ cầu siêu tại Đại Bảo tháp diễn ra trang nghiêm từ sáng đến tối muộn qua các nghi lễ khác nhau (tụng kinh Mục Liên sám Pháp, khai thị của quý Thầy về ý nghĩa cầu siêu, khoá lễ triệu thỉnh Phật A di Đà, cúng dàng đèn hoa đăng, cầu siêu quán đỉnh Jangwa) với trọn vẹn sự tập trung và tâm thành của chư Tăng, Ni và đại chúng Phật tử tham dự.
Là những Phật tử đến từ Hải Phòng, bác Vũ Thị Bích (61 tuổi) đã có gần 20 năm tình nguyện nấu cơm chay tại Tây Thiên dịp Vu lan chia sẻ: “Từ bài giảng của Thầy đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày lễ Vu lan, việc báo hiếu không nằm ở cơm cỗ hay những bộ quần áo giấy, vàng mã, ngựa xe. Những việc này thiết nghĩ chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người sống hơn là người đã mất”. Từ bát cơm Mục Kiền Liên dâng cúng cho mẹ mỗi người hãy tự biến bát cơm xưa thành nghiệp tốt bằng cách làm những điều tốt và tránh không làm việc xấu. Đây là cách báo hiếu cha mẹ, cách tu nhân tích đức có ý nghĩa sâu sắc hơn cả.
Phật tử xúc động khóc trong buổi lễ
Chị Mai, người dân Hà Nội, lần đầu tiên tới dự khóa lễ cầu siêu chia sẻ “Trước đây, mình chưa từng tham dự một khóa lễ cầu siêu nào, kể cả khi chồng mình mất sớm. Bận rộn lo toan ngày này qua ngày khác, nhiều khi mình thấy cuộc sống thật bế tắc mỏi mệt. Hôm nay tới đây, thấy lòng thật thanh thản, và tin tưởng thực sự mình đã làm được một điều gì đó cho chồng, chắc chắn anh ấy đã được siêu thoát. Bản thân mình nghĩ có lẽ đây chính là chỗ dựa tâm linh mình vẫn đang kiếm tìm”.
(Nguồn: www.tienphong.vn)
- 668
Viết bình luận