Dấu ấn Phật giáo Tây Thiên | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Dấu ấn Phật giáo Tây Thiên

Danh thắng Tây Thiên nổi tiếng với dãy Tam Đảo hùng vĩ, nơi đây có ba ngọn núi cao là Phù Nghì (Phù Nghĩa), Thạch Bàn và Thiên Thị luôn xanh thẫm giữa biển mây trắng bồng bềnh, trông như ba hòn đảo của “nhà trời”. Giữa phong cảnh sơn kỳ thủy tú, Tây Thiên đã trở thành thánh địa linh thiêng, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam và cũng là trung tâm tâm linh bậc nhất trên dải đất hình chữ S.

Từ dấu ấn Phật giáo xa xưa

Theo “Đại Sử Ký” ( Mahavamsa) của Tích Lan (Sri Lanka) cho biết: Khoảng năm 325 Trước Công Nguyên, sau khi kết tập kinh điển lần thứ 3, vua A Dục và Đại Lão Hoà thượng Moggaliputta-Tissa đã cử  9 đoàn “Như Lai sứ giả” đi hoằng dương Phật pháp. Tăng đoàn thứ 8 do Ngài Sona và Ngài Uttara đã đến nước ta, sau khi yết kiến vua Hùng tại Kinh đô Văn Lang (Việt Trì – Phú Thọ ngày nay), Tăng đoàn đến vùng rừng núi Tây Thiên – Tam Đảo xây chùa hoằng pháp.

Liên quan đến những ngôi chùa này, trong “Ngọc phả Hùng Vương” ghi lại rằng “Có lần vua Hùng Vương thứ 7 là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu Tiên thì nghiễm nhiên đã thấy có chùa thờ Phật”. Các tài liệu cổ cũng ghi nhận nơi đây có ba ngôi chùa mang tên Thiên Ân Cổ Tự, Phù Nghì Cổ Tự   và Tây Thiên Cổ Tự. Hiện nay, dấu tích nền cũ của các ngôi chùa đã được tìm thấy cùng nhiều hiện vật cổ khác.


Khu mộ cổ thờ Thiền sư

Còn theo “Giao Châu ký” của Lưu Hân Kỳ và “Thuỷ Kinh chú” của Lệ Đạo Nguyên (thế kỷ 4 SCN) cho biết: “thành Nê Lê ở phía Nam huyện Định An, cách sông bảy dặm. Tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn, những người đốn củi gọi là kim tượng…”. Trên núi Thạch Bàn đã tìm thấy dấu tích ngôi chùa cổ bằng đá có tên “Địa Ngục Tự” được khẳng định chính là “thành Nê-Lê” nói trên. Do ngôn ngữ tiếng Việt thời kỳ đó còn ít ỏi, chưa biết gọi “chùa” là “tự”, thấy chùa xây bằng đá giống thành quách nên gọi là “thành” (khác với nhà dân chủ yếu là mái tranh, vách đất). Còn từ “Naraka” cũng chưa thể dịch nghĩa là “địa ngục” nên gọi theo phiên âm là “Nê-Lê”. Đến khi người Hán sang cai trị, nhân dân ta mới dịch “Thành Nê-Lê” là “Địa Ngục Tự”.

Qua các sử liệu trên, chúng ta có thể kết luận: Phật giáo truyền vào nước ta dưới thời Hùng Vương và Tây Thiên chính là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam.

đến trung tâm tâm linh ngày nay

Hiếm có nơi nào mà mật độ chùa chiền lại dày đặc trên một diện tích nhỏ như ở Tây Thiên. Nương theo các thung lũng và sườn núi có thể gặp chùa Thượng Tây Thiên trên núi Thạch Bàn, chùa Phù Nghì, chùa Thiên Ân, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, Thiền viện Ni An Tâm, chùa Cả (cạnh đền Cả xã Tam Quan), chùa Ngò (cạnh đền Sơn Đình), chùa Chi Vố, chùa Suối Đùm, chùa Giao Sơn Tự (thuộc xã Bồ Lý), chùa Nhân Lý…

Trong hành trình lên dãy linh sơn Tam Đảo, chùa Thiên Ân là địa chỉ tâm linh đầu tiên du khách gặp. Chùa nằm trong khu vực đền Thỏng, ngay bên tay phải đường rẽ lên chùa Thượng Tây Thiên trên núi Thạch Bàn. Chùa có 2 gian thờ dọc, một khoảng sân nhỏ và khu hậu cần sắp lễ. Tên chùa Thiên Ân có lẽ để hoài tưởng về ngôi chùa cổ từ xa xưa đã lưu truyền trong dân gian và sử sách, nay không còn dấu tích. Cao hơn chút nữa là chùa Phù Nghì được xây dựng trên núi Phù Nghì, tại nơi tìm thấy dấu tích ngôi chùa “Phù Nghì cổ tự” có từ thời Trần. Năm 2010,  ngôi chùa cổ Phù Nghì được phục dựng với tên mới là “Tây Thiên Thăng Long cổ tự”. Trên đỉnh Phù Nghì thiêng liêng hôm nay, một Phật đài trang nghiêm được dựng lên, chính điện là cây tùng cổ thụ cao vời vợi, hiên ngang như một minh chứng cho sự cổ kính của vùng đất đã in dấu Phật pháp gần thiên niên kỉ.

Tịnh thất Tây Thiên

Không thể không nhắc tới Tịnh Thất Tây Thiên ẩn mình kín đáo trong bạt rừng xanh dưới đỉnh Phù Nghì. Tịnh Thất là một không gian Phật giáo Kim Cương thừa linh thiêng,  là nơi tu trì của hơn tám mươi Ni sư Truyền thừa Drukpa từ nhiều năm nay.

Tịnh Thất khởi đầu là một thảo am nhỏ do cố Viện chủ Chùa Hương, Hòa thượng Thích Viên Thành tạo dựng hơn 20 năm trước để làm nơi tu học cho Ni giới đệ tử của mình. Từ thủa xa xưa đã có nhiều nữ hành giả xuất chúng từng ẩn cư nhập thất và hành trì miên mật tại vùng đất này. Chính các Ni sư nơi đây đã cống hiến hết mình để Phật giáo Tây Thiên được phát triển hưng thịnh như ngày nay.

Chùa Thượng Tây Thiên nằm trên núi Thạch Bàn (ở độ cao 530 mét so với mực nước biển) là ngôi chùa có vị trí cao nhất trong hệ thống các chùa Tây Thiên. Không tìm thấy tư liệu nào về niên đại xây dựng chùa, chỉ biết rằng chùa có trước đời Trần. Đến năm Kỉ Sửu (1733), Sư Tăng trụ trì Huệ Minh đã cho đập đá núi phục dựng lại chùa với bảo điện huy hoàng, gò chiêng trống, gác phượng, cửa Tam quan trang nghiêm. Trong chùa có tượng Đức Liên Hoa Sinh, vị Phật sinh ra từ bông hoa sen, Ngài là hóa hiện Thân, Khẩu, Ý Kim Cương Tam mật của đức Phật A-Di-Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm và Phật Thích-Ca. Đây là pho tượng nguyên bản vô cùng quý giá về phương diện mỹ thuật và linh thiêng dưới góc độ tâm linh. Từ chùa Thượng Tây Thiên nhìn xuống, toàn cảnh thung lũng đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Ngày nay, Tây Thiên đã trở thành một vùng đất quan trọng đối với dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi có tới hai thiền viện tọa lạc là Thiền viên Trúc Lâm Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm An Tâm. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền chùa cổ và là một trong ba thiền viện lớn nhất ở nước ta. Được xây dựng từ năm 2004, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên mang phong cách đặc trưng của ngôi chùa Việt Nam thế kỉ mới. Tổng thể kiến trúc bao gồm ba phần, tính từ bên dưới đường vào là : Tam quan, Chính điện và Nhà tổ.  Trong toà chính điện có ba bức tượng nêu biểu cho đường lối tu hành của Thiền viện là “Phật Tại Tâm”, “Tuệ giác” và “Tâm từ”. Ở vị trí trung tâm là tượng Phật Tổ ngày Thành đạo đang tọa thiền dưới gốc cây bồ đề. Các tượng Phật ở thiền viện đều được tạc bằng đá sa thạch, loại đá có độ bền đẹp mà người Việt, người Chăm và người Ai Cập cổ đại thường dùng để tạc tượng.

Linh thiêng tòa Đại Bảo Tháp Mandala Ngũ Trí

Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên

Đặc sắc nhất tại Tây Thiên ngày nay chính là tòa Đại Bảo Tháp Mandala nằm ngay dưới chân núi Thạch Bàn. Được động thổ xây dựng vào đầu năm 2011, Đại Bảo Tháp Tây Thiên đã hoàn thiện phần thô và đang hoàn thiện các hạng mục thiết kế và nội thất còn lại. Trong đạo Phật, đặc biệt là với Kim Cương thừa, Bảo Tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là nơi chứa đựng Tâm Giác Ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí). Với thiết kế ba phần (chân đế, mái vòm, chóp đỉnh) tượng trưng cho Thân – Khẩu – Ý Giác ngộ của mười phương chư Phật, nêu biểu cho Pháp thân của Phật, là bản tính đích thực của Tâm Giác ngộ Toàn tri.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa gia trì tâm Bảo tháp

Chính tay Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - vị Thượng Sư từ bi được kính ngưỡng là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, cũng là vị Thầy đứng đầu dòng Truyền thừa Drukpa của thế giới – đã lựa chọn khu đất quy tụ nhiều linh khí nhất của đất trời Tây Thiên để xây Bảo Tháp. Ngài cũng chính là người đã thiết kế, gia trì và an trí những viên xá lợi linh thiêng vào tâm Bảo Tháp.

Hàng chục ngàn Bảo Tháp nhỏ chứa kinh Phật và vô số Pháp khí, tài bảo, công cụ, ngũ cốc đã được yểm trong lòng Bảo Tháp để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nói cách khác, Bảo Tháp chính là viên ngọc như ý linh thiêng giúp viên mãn hết thảy mọi thiện nguyện của chúng sinh.

Hàng năm, mỗi khi xuân về, lễ hội Tây Thiên lại tưng bừng khai mở, Phật tử và du khách thập phương hành hương về đây. Đến với Tây Thiên là đến với Tâm linh, đến với Phật pháp chân chính và thiên nhiên hùng vĩ. Khắp đất trời như tràn ngập sự gia trì của mười phương chư Phật, niềm an lạc lan tỏa khắp nơi nơi. Ai đã đặt chân đến Tây Thiên đều vấn vương, lưu luyến chẳng muốn về, bâng khuâng như thể để lại một phần tâm hồn ở đó!

(Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc)

Tây Thiên - Đến với Phật, về với Mẫu

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6410738
Số người trực tuyến: