Giúp người mà không tạo ác nghiệp
Trong đạo Phật, Bồ đề tâm là mong nguyện chứng đạt quả vị Bồ tát để giúp đỡ hết thảy chúng sinh. Tự tính của Bồ đề tâm chính là tâm Từ bi. Điều làm Bồ đề tâm trở nên vi tế là vì nó hàm ý sự phát triển của Trí tuệ (tiếng Phạn là Prajna - bát nhã). Không có Trí tuệ Bát nhã đó thì lòng Từ bi không hoàn chỉnh. Khi đó, chúng ta có thể thực lòng muốn giúp người khác, nhưng có thể lại bất lực không biết làm cách nào và thậm chí có thể gây hại cho người mà chúng ta muốn giúp. Vì vậy, điều quan trọng nhất là trưởng dưỡng Trí tuệ và sự thấu hiểu đồng thời với tâm Từ bi. Đây là ý nghĩa chân thật của Bồ đề tâm và là lý do vì sao mà nó lại vi tế và rất khó trau dồi.
Giả sử có người đang rất đói và chúng ta, do không có đủ trí tuệ, có thể cho rằng: “Ồ, giải pháp đơn giản thôi, tôi sẽ dạy anh ta cách câu cá”. Chúng ta dạy người đó câu cá và trong ngắn hạn, anh ta không còn bị đói và có thể tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, chúng ta đã dạy người đó cách làm hại các chúng sinh khác và hành động này sẽ tạo ra bất thiện nghiệp đem lại cho anh ta những chướng ngại và khó khăn trong tương lai. Vì vậy, cho dù có động cơ tốt và thực hành lòng từ mẫn nhưng do vô minh, chúng ta không hề giúp được người đó mà thậm chí còn làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Nói theo cách khác, chúng ta cần phải hành động với tình yêu thương và lòng bi mẫn theo cách luôn đem lại điều tốt lành cho tất cả chúng sinh và phải tính đến tất cả những ảnh hưởng có thể xảy ra trong tương lai của hành động đó.
Một cách khác để hành động với tình yêu thương và lòng bi mẫn là không làm hại bất kỳ ai. Điều này rất tốt trong ngắn hạn nhưng không đem lại lợi ích về lâu dài. Vì dụ, chúng ta có thể tặng tiền bạc cho một người nghèo đang khỏe mạnh, có đủ sức lao động. Mặc dù có động cơ thiện và không hại đến ai nhưng lợi ích không nhiều bởi vì khi tiền bạc chúng ta tặng đã dùng hết thì khó khăn lại xuất hiện. Mục đích của hành giả thực hành Bồ tát đạo là nhằm đem lại lợi ích lớn và lâu dài. Vì vậy khi một Bồ tát giúp đỡ thì phải luôn giúp theo cách tốt nhất, để người đó được đi dài lâu trên con đường tốt nhất. Nếu chúng ta có thể chỉ cho một người cách theo con đường siêu việt thì lợi ích là rất lớn và bền vững. Việc này không làm hại ai và giúp cho người đó phát triển về mọi mặt.
Nhìn về lịch sử, Đức Phật không phải tiêu tốn hàng triệu đồng để tuyên truyền cho những giáo lý của Ngài, hay huy động một lực lượng lớn quân đội với những vũ khí tối tân để thuyết phục mọi người tin vào giá trị của những điều Ngài thuyết giảng. Ngài chỉ có trong tay một chiếc bình bát để khất thực và đã trao truyền giáo lý cho vô số người. Xuất phát từ động cơ thanh tịnh và mạnh mẽ, những tư tưởng của Ngài đã làm rung động hàng triệu, hàng triệu người và ngày nay vẫn đang được hoằng truyền rộng rãi. Đức Phật thuyết Pháp với với lòng từ bi vô bờ bến và trí tuệ thanh tịnh bình đẳng tới tất cả mọi chúng sinh. Sau hơn 2.500 năm, tất cả giáo pháp của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị và truyền cảm hứng cho nhiều người.
Động cơ của Bồ tát tu tập Đại thừa là to lớn, có ảnh hưởng sâu rộng và năng lực vô cùng mạnh mẽ. Ngay từ giai đoạn đầu tiên người đó phải cố gắng trưởng dưỡng quan điểm rộng lớn, mạnh mẽ này, đồng thời phải trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn cùng với trí tuệ bình đẳng và mong nguyện chân thực giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Cách tiếp cận này là rất căn bản đối với Bồ đề tâm, đó chính là động lực hay động cơ. Thái độ ngược lại là tâm thiên vị, và thái độ vị kỷ. Vì vậy, khi một người thực hành Bồ đề tâm thì cho dù người đó có làm gì, hành động đó cũng sẽ như một liều thuốc quý hay dòng nước cam lồ (tiếng Phạn là amrita) đem lại sự yên ả, bình an và tươi mát cho tất cả chúng sinh.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 256
Viết bình luận