"Đời cha ăn mặn đời con khát nước" dưới góc nhìn Nhân quả | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

"Đời cha ăn mặn đời con khát nước" dưới góc nhìn Nhân quả

Quan niệm này mới nghe qua, thì dường như có sự chống trái với luật Nhân quả. Vì theo luật Nhân quả, ai làm người đó chịu, không thể người này ăn mà người khác lại no, hay người này uống mà người kia hết khát. Nghiệp mình gây ra thì mình phải chịu nhận lấy quả báo, không ai thay thế cho ai. Tuy nhiên, sở dĩ có hiện tượng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” chính là do “Cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”.

Cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: Người có nghiệp chung mới sinh ra ở chung một nước, nói cùng một ngôn ngữ, sống cùng một tập quán... Ngày nay, chúng ta thấy cộng nghiệp chiêu cảm hiển hiện rất thực tế và cụ thể. Ví dụ, người thích cờ bạc thì chỉ muốn giao du với người chơi cờ bạc, còn kẻ ham rượu chè thì cùng ăn chơi với người hay uống rượu. Người thích đi chùa tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật. Như vậy, sự hình thành của cộng nghiệp là do nghiệp chiêu cảm, đưa đẩy con người thân cận, kết bạn với nhau. Còn biệt nghiệp khiến chúng ta có tướng mạo, tính tình, năng khiếu, trí tuệ…. khác nhau.

Những quả báo chung như thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn… là sự tập hợp nghiệp của nhiều người từ khắp nơi và từ nhiều kiếp. Ví dụ có 3.000 người tạo nghiệp ác rải khắp mọi nơi. Quả báo mà họ phải chịu giống nhau là một trận sóng thần dữ dội. Nhưng nhân duyên để họ quây quần về sống gần nhau sát bờ biển nơi có sóng thần xảy ra cần phải một thời gian là rất nhiều kiếp sau nữa. Những tai họa chung đó, đạo Phật gọi là cộng nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả trong những tai họa đó, có người vẫn thoát nạn. Đạo Phật gọi đó là biệt nghiệp.

Ngoài ra, cái gọi là cộng nghiệp cũng chỉ những người trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp thiện, ác giống nhau, cho nên mới có xu hướng làm quyến thuộc lẫn nhau. Ví dụ đời trước có hai người cùng khuyên mọi người tu bố thí, nên đời này làm cha con, mẹ con lẫn nhau, người cha kiếm ra thật nhiều tiền, người con sinh trong gia đình ấy, cùng nhau hưởng phúc báo giàu sang. Trong trường hợp ngược lại, hai cha con cùng nhau đi ăn trộm, đời này người cha phải đi ăn xin, người con sinh làm con của người ăn xin đó, cho nên hai người phải chịu quả báo bần cùng, đói rách.

Trong gia tộc dòng họ của đại văn hào người Mỹ, Ernest Hemingway. Cộng nghiệp trong gia đình ông là những căn bệnh truyền thừa từ đời cha ông xa xưa như căn bệnh trầm cảm, bệnh nghiện ngập rượu chè, bệnh tự vẫn. Chính Hemingway đã tự vẫn năm 1961, và 5 tháng sau đến em gái ông cũng tự vẫn, em trai ông 16 năm sau đó, rồi đến cháu gái ông năm 1996. Thực ra, cha ông cũng đã tự hủy hoại cuộc sống chính mình năm 1928. Đây có thể gọi là cộng nghiệp truyền thừa từ đời cha ông của dòng họ Hemingway.

Quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại

Vốn ác báo phải đến đời sau mới chịu, nhưng do trong cuộc sống gặp được những duyên thích hợp, làm cho ác báo đó sớm thành thục. Vì thế đời này phải chịu luôn ác báo; có người đáng lẽ phải đến tuổi già mới thọ ác báo nhưng cũng do duyên mà phải thọ ác báo ngay khi tuổi còn trẻ. Đó là do duyên đã chín muồi.

Rất nhiều bằng chứng sống trong xã hội chỉ ra rằng có người tạo nghiệp sát nhưng chưa thấy họ chịu ác báo, là do phúc báo của họ chưa hết, với lại duyên chưa đủ để ác báo thành thục. Lúc này có hai trường hợp và nguyên nhân để con cháu họ phải bị liên lụy, gặp tai ương:

1. Sau khi họ tạo nghiệp sát sinh, con cháu sinh ra có đứa tàn tật, dị hình, bệnh hoạn, chết yểu…đây là quả báo của việc sát sinh. Bởi vì do “cùng nghiệp thì đi với nhau, cộng nghiệp nên chiêu cảm lẫn nhau”. Đáng lẽ ác báo của những đứa con, đứa cháu này đến đời sau mới thọ ác báo này, nhưng do nó có cùng nghiệp với họ nên nó đầu thai vào làm con trong nhà họ. Lúc này con cháu gặp những ác báo chính là do ác báo của nó đã thành thục, chứ chẳng phải chúng chịu tội thay cho tổ tiên, cha mẹ.

2. Sau khi sinh con cháu rồi họ mới tạo ác nghiệp: Nếu nó là đứa phúc mỏng, và đời trước nó đã tạo nghiệp sát sinh, mà bây giờ lại sinh vào gia đình tạo nghiệp ác, khiến cho quả báo sát sinh của con cháu họ đến sớm hơn; đáng lẽ với việc ác đó đời sau nó mới thọ ác báo, nhưng gặp duyên sát sinh của cha mẹ, do vậy mà ngay đời này nó phải hứng chịu ác báo nhiều bệnh tật, chết yểu hay gặp chuyện bất trắc.

Chuyện con cháu chịu ác báo như vậy chỉ là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” mà thôi, nhưng chính vẫn là “tự làm, tự chịu”, điều này cho thấy luật Nhân quả rất công bằng.

Đời con cháu chuyển hóa cộng nghiệp bằng cách nào?

Ðiều mẹ cha bà con,

Không có thể làm được

Tâm hướng chính làm được

Làm được tốt đẹp hơn

Kinh Pháp Cú, Phẩm Tâm (HT Minh Châu dịch)

Như vậy, theo lời Phật dạy, nếu chúng ta muốn đoạn tuyệt những quả báo xấu của đời trước để lại, bản thân mỗi người phải biết hướng tâm đến những điều chân chính, thiện lành. Bởi chúng ta ai cũng có cộng nghiệp và biệt nghiệp riêng của mình, nhưng nếu không biết hướng tâm đến chính đạo, mình sẽ chọn theo cái cộng nghiệp đưa đẩy đến cái kết quả tiêu cực như cha ông mình đã làm. Muốn chấm dứt cái hậu quả “cha ăn mặn, con khát nước” truyền xuống từ trong gia đình, chính mình phải tu tập chuyển hóa bản thân để cộng nghiệp gia đình sẽ chấm dứt trong đời mình và không còn tiếp tục cho đến đời sau!

Nhóm ĐBT biên soạn

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6495587
Số người trực tuyến: