Thực hành bên ngoài: Triệu thỉnh Thượng sư ban gia trì (phần 2) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành bên ngoài: Triệu thỉnh Thượng sư ban gia trì (phần 2)

Đức Kim Cương Hợi Phật Mẫu tượng trưng cho Bát Nhã Ba la mật, mỗi màu sắc, hình tướng, hay thế ấn, tư thế… của Ngài đều nêu biểu các khía cạnh của trí tuệ Bát Nhã. Đây là cách thức đúng đắn để nhìn nhận, quán tưởng về Bản tôn Kim Cương Hợi Phật Mẫu. Bạn không được nhìn nhận Đức Kim Cương Hợi Phật Mẫu như một bậc thần thánh linh thiêng nào đó bên ngoài và cần phải có chính kiến về thực tại tuyệt đối của Đức Kim Cương Hợi Phật Mẫu, Đức Quán Âm hay bất kỳ Bản tôn nào mà bạn quán tưởng.

Tất cả sự thực hành tâm linh bao gồm thực hành Kim Cương thừa là để giúp bạn tự tin, và bạn sẽ không phải luôn dựa vào người khác hay điều gì khác bên ngoài. Chúng ta đang phải dựa dẫm rất nhiều vào đối tượng hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Rất nhiều người thường cảm thấy chán nản tuyệt vọng khi nghĩ về bản thân và hoàn cảnh sống của mình. Bạn phải biết những trạng thái xúc tình này là sự phóng chiếu của bản ngã và đây là điểm yếu mà mọi người đều có. Sự thực hành Kim Cương thừa giúp bạn nhận thức và khắc phục điểm yếu này để lấy lại sự tự tin quân bình nội tại. Chẳng hạn như, qua phép quán tưởng tự thân là Bản tôn, tự nhiên bạn sẽ phát khởi sức mạnh, niềm kiêu hãnh nội tâm giúp bạn thoát khỏi sự đơn độc và các liên hệ tiêu cực tới sự bất lực hay vô nghĩa.

Lúc này, do những thăng trầm cuộc sống và sự yếu ớt về tinh thần, bạn hay cảm thấy bất ổn, thấy sự “tồn tại” của mình mất đi nghĩa lý và chỉ yên tâm khi có thể bám lấy điều gì đó bên ngoài. Ví dụ, một số người cần phải nghe nhạc mới thấy thư thái, có người lại phải dùng đến thuốc an thần. Khi thấy cuộc sống vô vị, chúng ta khuấy động bằng cách tìm kiếm bạn bè để giải khuây nơi đông đúc ồn ào. Đến lúc trở về đối diện với thực tại của chính mình, bạn lại dường như không chịu đựng được. Điều đó bắt nguồn từ sự thiếu tự tin. Qua pháp thực hành quán tưởng rõ ràng và sinh động về thực tại Tam thân, bạn không chỉ lấy lại quân bình mà còn trưởng dưỡng được niềm tin vào năng lực giác ngộ vĩ đại chính nơi tự thân bạn.

Và bây giờ nói về tính không, trong khi quán tưởng Bản tôn, chúng ta cần phải trưởng dưỡng hiểu biết hay sự chứng ngộ về tính không. Bạn cần hiểu rằng thực tại tuyệt đối hay bản thể của vạn pháp bao gồm cả Đức Kim Cương Hợi Mẫu hay bản thân bạn đều là tính không. Đây cũng là bản thể của Bát nhã Ba la mật và sự chứng ngộ này là vô cùng cần thiết. Trong khi quán tưởng Bản tôn, nếu không hiểu rõ về tự tính Kim Cương Hợi Mẫu bạn có thể bị mất cân bằng trên đường tu. Sự quán tưởng Bản tôn thiếu tự tính bên trong sẽ khuyến khích các hình dung thế tục của bạn. Lẽ tất nhiên, bạn cần quán tưởng Bản tôn một cách sống động và linh thiêng, nhưng nếu không biết cách quán tưởng với sự thấu triệt về tính không thì sự quán tưởng này chỉ càng thúc đẩy các phóng chiếu hình dung đầy tính nhị nguyên của bạn. Sự quán tưởng trần tục thiếu đi nhận thức về tính không sẽ không giúp đỡ gì cho bạn trên bước đường tu tập giác ngộ!

Bạn cũng cần hiểu rõ ý nghĩa hình ảnh của Bản tôn quán tưởng. Với một số chư Bản tôn bạn có thể quán tưởng các ngài có ba, bốn hay rất nhiều khuôn mặt với hình dáng và màu sắc khác nhau nhưng Đức Kim Cương Hợi Phật Mẫu chỉ có một khuôn mặt và điều đó nêu biểu cho Pháp thân. Nói một cách tương đối thì có Báo thân và Hóa thân,… nhưng do tất cả vạn pháp đều bao gồm trong Pháp thân nên để thể hiện điều đó, Ngài chỉ có duy nhất một khuôn mặt.

Bản tôn Kim Cương Hợi Phật Mẫu có hai tay tượng trưng cho hai Chân lý tương đối và tuyệt đối. Nói chung, có một Chân lý tương đối là vì mọi thứ đều hoạt động theo cách riêng của nó. Ví dụ, chúng ta thấy nước có nhiều chức năng khác nhau như để rửa, để tưới, để thỏa mãn cơn khát..., còn lửa cũng có chức năng riêng giúp bạn sưởi ấm hay nấu nướng. Vậy bạn thấy rằng mỗi pháp trong vạn pháp đều có công dụng và cách vận hành riêng. Song song với điều này, bạn cũng biết rằng không có gì tự thực hiện chức năng của nó bởi vạn pháp đều có quan hệ tương hỗ, phụ thuộc vào nhau. Cho nên, cuối cùng lý thuyết về tính không là thực tại bởi vạn pháp có sự tương hỗ phụ thuộc lẫn nhau. Cho nên chúng ta có Chân lý tuyệt đối. Hai cánh tay của Ngài tượng trưng cho Nhị đế của chân lý vũ trụ, tự tính tâm phổ quát, hay cũng có thể gọi là Đại Thủ Ấn.    

Và Ngài có ba mắt, hai mắt nằm ngang vị trí bình thường như mọi người, còn con mắt thứ ba trên trán, tượng trưng cho ba thời - quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba thời cũng là một khía cạnh của Trí tuệ hay Đại Thủ Ấn. Con mắt thứ ba này đặc biệt tượng trưng cho sự toàn tri, một khía cạnh của trí tuệ. Hai mắt thường của chúng ta là mắt phàm luôn nhìn thấy những thứ trần tục, cho nên phải có con mắt thứ ba hay con mắt trí tuệ giúp bạn nhìn thấy bản chất của vạn pháp vốn bị vô minh che chướng. Đây là phương tiện để nhấn mạnh với bạn về sự giác ngộ hay Đại Trí tuệ. Khi chứng đạt giác ngộ, bạn sẽ tự nhiên nhìn thấy cả ba Thời cho nên có những thành tựu giả Yogi có thể đọc được suy nghĩ của người khác, có thể giải thích quá khứ, tiên đoán tương lai, và thị hiện nhiều thần thông vì lợi ích hữu tình. Đó hoàn toàn là kết quả của sự thực chứng giác ngộ.

Đức Kim Cương Hợi Phật Mẫu cầm một con dao cong trên tay phải mang ý nghĩa cắt bỏ hoàn toàn bản ngã. Ngài cầm bát sọ chứa đầy máu trên tay trái và giữ nó ở nơi tim, ngay cạnh ngực trái mang nghĩa là sự hỷ lạc vô nhiễm và cũng là một khía cạnh của Đại Thủ Ấn. Sự nhiễm ô, tội lỗi rất sống động nên khi nhắc tới cái sọ, biểu tượng của việc chấm dứt cuộc sống, thì điều này cũng tượng trưng cho sự vô nhiễm, không còn cuộc sống đầy tội lỗi.

Đầu Ngài được trang trí bằng năm sọ người đã trơ xương không còn da thịt. Năm sọ này tượng trưng cho Ngũ trí. Đại Thủ Ấn có nhiều khía cạnh khác nhau, và một trong những khía cạnh đó là trí tuệ, và bản thân trí tuệ lại có nhiều loại khác nhau như Ngũ Trí Phật. Ngài đeo một chuỗi tràng lớn làm từ đầu người, 50 cái đầu trong chuỗi tràng trên cổ tượng trưng cho 50 khía cạnh tâm thức của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Và ngài cầm Chĩa ba Kim cương dưới tay trái, tượng trưng cho vị Trì Minh là Heruka. Hình tướng trẻ trung 16 tuổi của Ngài tượng trưng cho 16 cấp độ hỷ lạc hay các cấp độ chứng đạt và quả vị có được khi bạn thực hành viên mãn các thứ lớp tu tập theo Kim Cương thừa.

Như vậy, về sự thực hành, bạn phải hiểu một cách chân xác rằng bậc Căn bản Thượng sư cùng hết thảy chư Thượng sư truyền thừa chính là chư Phật, các Ngài đồng giác ngộ không sai biệt. Bạn quán tưởng tự thân là Bản tôn Kim cương Hợi Mẫu, từ nơi tim mình tỏa chiếu một luồng ánh sáng rực rỡ. Quán tưởng trên đầu mỗi ánh sáng là vô lượng phẩm vật cúng dàng nhiều như mây biển lên các Ngài và thực hành bốn cúng dàng như sau:

- Cúng dàng bên ngoài: hương hoa và những vật phẩm khác hỷ duyệt sáu giác quan.

- Cúng dàng bên trong: ngũ nhục và năm vị cam lồ

- Cúng dàng bí mật: mười sáu thiên nữ cúng dàng

- Cúng dàng tự tính siêu việt: trí tuệ đại hỷ lạc và chân không bất nhị.

Trên đây là ý nghĩa pháp thực hành Báo thân Phật cũng như giải thích về hình ảnh quán tưởng trong Guru Yoga. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của quán tưởng trong thực hành Kim Cương thừa. Một số người nghĩ rằng mình có thể bỏ qua các phép quán tưởng bởi thấy phương pháp này có vẻ phức tạp mệt mỏi. Họ tuyên bố thực hành thiền định mà chỉ ngồi tĩnh tại không làm gì hết và cho rằng đó là tính không, Đại Thủ Ấn. Nhưng thật không dễ gì có thể an trụ một cách đơn giản như vậy. Chúng ta buộc phải theo bài tập quán tưởng này, nếu không sẽ khó có thể tiếp cận và thành tựu Đại Thủ Ấn.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6328057
Số người trực tuyến: