Quả quán đỉnh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quả quán đỉnh

Bốn quán đỉnh được gọi là “quán đỉnh bình”, “quán đỉnh bí mật”, “quán đỉnh trí tuệ” và “quán đỉnh ngữ”. Các thành tố cơ bản mà quán đỉnh tác động lên là kinh mạch, khí và minh điểm tinh túy. Ba thứ này được sử dụng trong mối liên hệ với tâm. Do vậy, quán đỉnh đầu tiên liên quan đến kinh mạch, quán đỉnh thứ hai liên quan đến tinh túy và quán đỉnh thứ ba liên quan đến khí hay năng lượng, và thứ tư liên quan đến Tâm. Mục đích kết quả của quán đỉnh đầu tiên là đánh thức và hiển lộ khía cạnh của Hóa thân cho đệ tử. Cũng như vậy, quán đỉnh thứ hai là nhằm hiển lộ Báo thân. Với quán đỉnh thứ ba là sự hiển lộ của Pháp thân, và với quán đỉnh thứ tư là sự chứng ngộ của Thể tính thân nơi chúng ta. Khi bốn quán đỉnh được ban truyền lần đầu, chúng được gọi là quán đỉnh chủng tử vì bậc Thầy đã ươm trồng hạt giống để sau đó người đệ tử tiếp tục trưởng dưỡng nhằm đạt được hiểu biết và trải nghiệm giác ngộ.

Năm quán đỉnh phổ biến của Ngũ bộ Phật

Thông qua năm quán đỉnh phổ biến của Ngũ bộ Phật, hành giả nhận được năng lực chuyển hóa các phẩm tính bình thường thành các phẩm chất giác ngộ.

- Quán đỉnh Bình: hành giả chuyển hóa thức thứ tám (Tàng thức) thành Đức Akshobya Bất Động Phật, cảm xúc sân giận thành Đại viên cảnh trí.

- Quán đỉnh Vương miện: hành giả chuyển hóa thụ uẩn thành Đức Ratnasambhava Bảo Sinh Phật, cảm xúc kiêu mạn thành Bình đẳng tính trí.

- Quán đỉnh Kim Cương: hành giả chuyển hóa tưởng uẩn thành Đức Amitabha A Di Đà Phật, cảm xúc tham dục thành Diệu quan sát trí.

- Quán đỉnh Chuông: hành giả chuyển hóa hành uẩn thành Đức Amoghasiddhi Bất Không Thành Tựu Phật, cảm xúc căm ghét, thù hận thành Thành sở tác trí.

- Quán đỉnh Tên: hành giả chuyển hóa sắc thân thành Đức Vairochana Đại Nhật Phật, cảm xúc vô minh thành Pháp giới thể tính trí.

Càng hiểu biết, cách tiếp cận của chúng ta đối với vạn pháp càng thay đổi. Khi nhận thức về tâm trở nên chín muồi nhờ những trải nghiệm và chứng ngộ thực tế, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ những quán đỉnh sau này. Thực tế là trên hành trình tâm linh của mình, chúng ta không chỉ thụ nhận một vài mà có thể hàng trăm quán đỉnh hoặc nhiều hơn thế nữa. Cùng với sự tinh tấn và trưởng thành trong tu tập, chúng ta cần tiếp tục thụ nhận quán đỉnh để đạt được chứng ngộ cứu kính đích thực. Khi đã chứng ngộ rồi, tất cả những quán đỉnh cũng như tất cả những khía cạnh của sự luyện tập trước đó sẽ thể hiện qua sự chứng ngộ của bạn. Quán đỉnh, trong tự tâm đích thực và tối thượng này, không còn là năng lực gì đó bậc Thượng sư ban cho đệ tử mà được khởi nguồn từ bên trong hành giả và tương ứng với chứng ngộ tự giác hoàn toàn.

Quán đỉnh được truyền trao tùy theo căn cơ của hành giả. Đối với những hành giả đánh giá cao sự tướng, quán đỉnh sẽ được truyền trao theo các nghi thức vô cùng long trọng. Đối với những người căn cơ cao, bậc Thượng sư có thể sử dụng những cách khai thị rất đơn giản thậm chí không sử dụng hỗ trợ bên ngoài. Dù được đón nhận quán đỉnh nào, điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, đã và đang tịnh hóa ác nghiệp cũng như xúc tình tiêu cực, sẵn sàng giác ngộ bản tâm thanh tịnh hay tự tính tâm của mình.

Vì những lí do trên, việc ấn định lịch trình cố định cho sự trao truyền quán đỉnh là không cần thiết bởi quán đỉnh có thể được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, vào bất kỳ khi nào, miễn là chúng ta có được sự hoan hỷ, an lạc và tâm chí thành chân thật hướng tới bậc Thầy, tới chư vị Bản tôn quán đỉnh và Tam bảo, hay nói cách khác, chúng ta đã thiết lập được sợi dây kết nối với bậc Thầy và một pháp thực hành nào đó.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5785527
Số người trực tuyến: