Hai khía cạnh nhân – quả của pháp thực hành quy y
Động cơ chân chính của Quy y cần dựa trên nền tảng hiểu biết về luân hồi hay bản chất khổ đau của cuộc sống. Là Phật tử, trước tiên chúng ta phải hiểu biết sâu sắc về chân lý này, đó là một trong Tứ Diệu Đế, cốt tuỷ giáo pháp của Đức Phật cũng như Tam thừa Phật giáo, được tuyên thuyết trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên ngay sau khi Ngài thành đạo. Ở một khía cạnh khác, Quy y phải được xem như sự phát triển nhận thức của người thực hành quy y và được thực hiện với trí tuệ hiểu biết, những hành động cụ thể thay vì lý thuyết suông, thờ cúng hay tin tưởng mù quáng.
Xả ly là Nhân - Nếu không tu hạnh xả ly, bạn không có cách nào để bắt đầu thực hành Pháp Quy y.
Một trong những lý do khiến chúng ta chưa có được sự xả ly chân chính vì chúng ta còn nhiều vô minh che chướng và quan niệm sai lầm về thế giới này. Bạn cho rằng bản chất của tất cả vạn pháp như nhà cửa, con người, động vật, núi sông… cũng giống như hiện tướng bên ngoài của chúng, có vẻ thường còn và chắc thật. Bạn tự huyễn hoặc và cho rằng mình đang sống hạnh phúc vĩnh cửu. Thậm chí ngay cả khi biết chắc mình sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, chúng ta vẫn cố tình tránh né và cố gắng tìm vui trong sự vô minh quên lãng, an hưởng hạnh phúc tạm bợ, giả dối bằng cách che đậy mọi khổ đau. Tuy nhiên, theo giáo lý của Đức Phật, đó là cách sống vô minh nhất. Nếu thấy mọi thứ đều đầy đủ, chắc thật, viên mãn, chúng ta sẽ chẳng có nhu cầu tìm đến quy y, nương tựa ở nơi nào khác.
Tâm xả ly chính là trí tuệ hiểu rõ bản chất khổ, không, vô thường, vô ngã của luân hồi hay cuộc đời thế tục này. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thấu rõ nỗi khổ của “sinh, già, bệnh, chết” đang chi phối loài người và tất cả chúng sinh trong luân hồi, từ quyền thế cao sang như bậc vương giả đến kẻ nghèo hèn như người nô lệ, Ngài đã mạnh mẽ xả ly để tìm ra con đường chấm dứt đau khổ. Vậy chúng ta cần tỉnh giác, biết rõ bản chất khổ đau của luân hồi để có được chính kiến chân thật về xả ly.
Xả ly cần xuất phát từ trong tâm. Nếu cho rằng phải xa lánh thế gian, gia đình, ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc, không tiếp xúc với mọi người mới là xả ly đúng đắn thì đó là một quan niệm sai lầm. Trên thực tế, dù đang sống cùng gia đình, không thể lánh mình trong rừng sâu, nhưng nếu tâm bạn không bám chấp vào cuộc sống thế tục mà hiểu rằng gia đình và cuộc sống này thực chất chỉ là ngắn ngủi, giả huyễn, do duyên hợp mà thành, có hợp ắt có tan thì lúc đó bạn đang trải nghiệm sự xả ly chân thực. Ngược lại, dù xa lánh gia đình nhưng tâm bạn vẫn ngày đêm tưởng nhớ, tiếc nuối cuộc sống thế gian, tuy về mặt sự tướng, bạn đang thực hành xả ly nhưng trong tâm bạn vẫn còn đầy bám chấp và những ràng buộc đó sẽ càng khó tháo gỡ.
Tâm chí thành là quả - Tâm chí thành là quả, là trí tuệ hiểu rõ Niết bàn giải thoát
Nếu như tâm xả ly là trí tuệ hiểu biết sâu sắc bản chất của luân hồi sinh tử thì tâm chí thành là trí tuệ hiểu rõ về Niết bàn hay trạng thái tâm giải thoát, giác ngộ nơi mỗi người.
Tại sao hành giả cần phát khởi tâm chí thành?
Trong cả Tam thừa Phật giáo, tâm chí thành đều chỉ trí tuệ hiểu biết về bản chất của Niết bàn, hay trạng thái giác ngộ, vì giác ngộ là mục tiêu mà tất cả mọi hành giả đều xoay tâm chí thành quy hướng về đó. Khi hành giả nhìn thấu những khiếm khuyết của cuộc sống luân hồi thế gian như bản chất vô thường, giả tạm và đau khổ của nó và vì thế không còn tham luyến, bám chấp vào cuộc sống đó, đương nhiên, hành giả sẽ mong muốn tìm được một đối tượng có thể đem lại hạnh phúc, an bình, sự thường còn, hoàn hảo và viên mãn. Nơi đó không có khổ đau, không có luân hồi và không bị chi phối bởi vô thường. Đó chính là Niết bàn, thuật ngữ chỉ sự giác ngộ, giải thoát rốt ráo. Phát triển trí tuệ hiểu biết về những phẩm chất tuyệt hảo đó của Niết bàn chính là trưởng dưỡng tâm chí thành quy hướng về con đường giác ngộ.
Niết bàn hay giác ngộ được biểu hiện và minh chứng sống động thông qua chính bậc Kim Cương Thượng sư và Tam Bảo. Trong cả ba Thừa Phật giáo, tâm chí thành đều hướng về Phật, Pháp, Tăng. Tuy nhiên, mỗi Thừa tập trung đặc biệt vào một đối tượng được cho là quan trọng hơn. Nguyên thủy Phật giáo hướng tâm chí thành nhiều hơn tới Đức Phật. Đại thừa Phật giáo chú trọng hơn tới Pháp. Kim Cương thừa Phật giáo tin rằng Tăng già là đối tượng quan trọng nhất để phát triển Tâm chí thành. Cụ thể, trong ba đối tượng của Tam Bảo thì bậc Thượng sư là quan trọng nhất. Thông qua bậc Căn bản Thượng sư, bạn sẽ phát triển được tâm chí thành chân thật hướng về Đức Phật và giáo pháp một cách hoàn hảo. Lúc đó bạn sẽ đón nhận được giáo pháp chân thật từ Đức Phật.
Tâm chí thành không phải niềm tin tôn giáo mà chính là trí tuệ và kinh nghiệm thực chứng
Nhiều người nhầm lẫn tâm chí thành với đức tin và điều này hoàn toàn sai lầm. Nếu như các tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải phát khởi niềm tin vào một điều gì đó mà chúng ta không thấy và cũng không thể kiểm chứng sự tồn tại thì đó là niềm tin vô điều kiện, mang tính chất tín điều.
Tâm chí thành theo quan điểm của Phật giáo không dựa trên sự cuồng tín như vậy mà là niềm tin được trưởng dưỡng bởi trí tuệ. Đó không phải những lời ca ngợi suông hay đức tin được xây dựng một cách mù quáng, áp đặt mà chính là kinh nghiệm thực chứng, niềm tri ân chân thật phải xuất phát từ sự thực hành. Chính vì lẽ đó mà niềm tin của tâm chí thành rất thiết thực, hiện tại.
Vô Úy
- 261
Viết bình luận