“Hãy gấp rút một cách từ từ” khi thực hành tâm linh
Trong bài trước, bạn đã biết về chướng ngại hoài nghi trên con đường thực hành tâm linh. Vậy làm thế nào để khéo léo xử lý những hoài nghi đó? Trong một nền văn minh sùng bá các chiêu giảm giá và hoài nghi như vậy, lại không có ai đủ can đảm để hạ giá chính những tuyên bố của hoài nghi, những hành giả tâm linh chân chính là người cần lột mặt nạ đa nghi và tìm xem nó có nguồn gốc từ nỗi tuyệt vọng nào, nỗi sợ hãi gì, nó từ đâu tới? Khi ấy hoài nghi không còn là một chướng ngại, mà là một cánh cửa mở đến thực chứng, và mỗi khi hoài nghi xuất hiện trong trí, một người tầm đạo sẽ đón nhận nó như một phương tiện để đi sâu vào chân lý cuộc sống.
Có một câu chuyện về một thiền sư. Vị thiền sư này có một đệ tử trung thành nhưng rất ngốc nghếch. Một hôm tình cờ ngồi trên một cây kim, vị thiền sư kêu lên “Ối” rồi tung mình lên để tránh. Người đệ tử liền mất hết tin tưởng nơi vị thầy, và bỏ đi vì anh ta rất thất vọng khi thấy thầy mình chưa chứng đạo. Nếu đã chứng ngộ thì ông đã không nhảy lên mà la lớn như thế. Vị thầy buồn bã khi nghe người đệ tử bỏ đi, và bảo:
-Tội nghiệp cho y! Phải chăng y hiểu được rằng kỳ thực không có ta, không có cây kim, cũng không có tiếng la nào thực hữu!
Ta không nên lặp lại lỗi của người đệ tử nọ.
Đừng nên xem những hoài nghi quan trọng quá mức, để cho chúng lớn quá cỡ, hay trở nên cuồng tín về chúng. Điều ta cần học là làm thế nào dần dần chuyển được sự vướng mắc vào hoài nghi do bối cảnh văn hóa thành sự hoài nghi xuất phát từ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Hãy cho những hoài nghi có thời gian để chúng ta tìm giải đáp cho những nghi vấn của mình, những nghi vấn không thể giải đáp được trên phương diện tri thức hay triết lý. Những hoài nghi không thể tự chúng giải quyết ngay; nhưng nếu chúng ta đủ kiên nhẫn thì một khoảng không có thể được sinh ra trong nội tâm ta, ở đó những hoài nghi có thể được xem xét cẩn thận, khách quan, và do đó được gỡ rối, được giải quyết.
Không nên quá hấp tấp để giải quyết tất cả mọi vấn đề và hoài nghi của bạn; vì các bậc Thầy dạy rằng: “Hãy gấp rút một cách từ từ.” Bạn không nên kỳ vọng một cách phi lý, vì sự tiến bộ tâm linh cần thời gian. Muốn học tiếng Nhật thật giỏi hay trở thành bác sĩ cũng phải cần nhiều năm. Làm sao chúng ta có thể hy vọng có được tất cả những giải đáp chỉ trong vài tuần, huống gì là đạt giác ngộ? Thực hành tâm linh là một hành trình học hỏi và tịnh hóa không ngừng. Khi biết như vậy, bạn sẽ trở nên khiêm cung và tinh tấn thực hành. Bạn hãy luôn ghi nhớ lời dạy của Đức Milapera: “Không nên cuồng vọng chứng đạo, mà hãy thực hành đạo suốt cuộc đời.”
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Tham khảo thêm
Cách chuyển hóa hoài nghi thành động lực tu tập
- 198
Viết bình luận