Làm từ thiện như thế nào mới đúng cách và lợi ích?
Từ thiện không còn là một chủ đề quá xa lạ, nhất là trong môi trường hiện nay, khi mà sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn một khoảng cách lớn, và khi mà cả thế giới đang cùng chung tay giúp cho khoảng cách ngày thu hẹp lại. Hướng tới một xã hội công bằng, giàu mạnh, một xã hội không còn tồn tại những mảnh đời nghèo khó, long đong – đó là đích đến của cả thế giới.
Nhìn chung, việc từ thiện đang ngày càng được quan tâm và phát triển. Không chỉ các cá nhân, mà các tổ chức cũng tham gia vào công tác từ thiện nhằm mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho những gia đình còn đang kém may mắn. Từ thiện luôn được coi là nghĩa cử cao đẹp và đáng được ngợi ca từ bao đời nay. Dưới góc nhìn đạo Phật, làm từ thiện giúp bạn tích lũy các thiện nghiệp cho vô lượng kiếp vị lai. Nhưng, làm từ thiện như thế nào mới là đúng Pháp? Điều này không phải ai cũng hiểu được rõ ràng.
Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta tích lũy thiện nghiệp song thiếu trí tuệ, vẫn chấp vào việc mình làm hay làm với tâm kiêu mạn, đó sẽ là nhân dẫn đến việc tái sinh vào cõi Trời. Khi phúc báo hết, chúng ta sẽ lại đọa lạc vào ba đường ác.
Cảnh giới cõi trời
Các chúng sinh cõi Trời tuy thọ mạng dài lâu, sung sướng thụ hưởng vật chất dục lạc, nhưng bởi quá no đủ thỏa thê nên dường như không bao giờ nghĩ đến nhu cầu tu tập tâm linh hay tìm nơi nương tựa vững chắc. Tuy tuổi thọ rất dài nhưng cũng có ngày chấm dứt, họ phải trải nghiệm sự đọa lạc xuống cõi thấp hơn khi hết phúc báo. Trước khi chết, năm tướng suy xuất hiện, những chúng sinh này bị chư Thiên bạn bè bỏ rơi và phải sống quãng thời gian cực kỳ cô độc khổ đau bởi sắp phải xa rời cảnh khoái lạc. Ngoài ra là những nỗi khổ bị vị Trời cao cấp hơn đe dọa, đẩy mình ra khỏi trú xứ, khổ vì bị thương tật què quặt trong các trận chiến với A Tu la…Cho nên, dù cảnh giới cõi Trời được tính là sung sướng nhưng lại chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên để được sinh lên cõi Trời, chúng sinh cũng phải tạo nhiều nhân lành như phước thí cho người nghèo đói, luôn sống tốt không làm tổn hại đến ai, giúp đỡ tất cả mọi người khi cần thiết bằng tâm hoan hỷ, không vì danh lợi. Vì sinh lên cõi Trời không phải là hạnh phúc vĩnh cửu nên cõi Trời vẫn được tính trong Lục đạo bị thiêu đốt trong vòng lửa luân hồi sinh tử. Như vậy, nỗi khổ trên cõi Trời là nỗi khổ quên mất sự thực hành pháp, quên mất con đường tâm linh.
Vì sao ngã mạn là nhân tái sinh vào cõi trời?
Ngã mạn là một điều vô cùng lạ lùng. Bạn cho rằng mình là người nổi tiếng và có quyền lực tại một quốc gia. Ở đất nước của bạn, bạn có thể đang giữ một chức vụ rất lớn. Nhưng nếu đi ra nước ngoài, chẳng ai biết đến bạn bởi người dân ở đây không có ý niệm rằng bạn là người nổi tiếng. Người dân gọi bạn là lãnh đạo cao cấp cũng xuất phát từ tâm phân biệt nhị nguyên. Tương tự như vậy, khi bạn cho rằng mình rất xuất sắc, đó chỉ là khái niệm nhị nguyên. Bất cứ khi nào bạn không hiểu điều này, tâm ngã mạn sẽ trở đi trở lại, khiến bạn quên đi mình đã làm những gì để có được ngày hôm nay. Ví dụ, khi bạn lên đến tầng cuối cùng của một tòa nhà chín tầng, nếu bạn quên mình đã bước qua tầng thứ nhất và thứ hai, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không tri ân những nấc thang đầu tiên, và tự bạn phá bỏ hết những tầng thang phía dưới đã trợ giúp bạn leo đến tầng cao nhất.
Khi bắt đầu xem thường người khác, những người đã trợ duyên cho bạn để bạn đi đến đích của ngày hôm nay, bạn lao trên con dốc vô minh như tên bắn. Nhiều người khi gặp khổ đau, họ oán trách rằng đó là do cha mẹ họ không yêu thương con hết lòng. Khi thành công, họ lại dương dương tự đắc cho rằng thành quả đó là do nỗ lực của bản thân. Tâm ngã mạn rất dễ khiến bạn tổn thương, bất ổn trên đường đời. Chúng ta ai cũng có một bản ngã rất lớn. Bản ngã đó cũng rất nhạy cảm. Thái độ của người khác, cách họ nhìn nhận bạn, cách họ đối xử với bạn đều khiến bạn tổn thương. Đó cũng là lý do bạn thấy rất khó vượt qua định kiến của xã hội. Bởi bạn quá nhạy cảm với những hư ảo bên ngoài.
Khi làm một thiện hạnh, bạn có thể rất tự hào cho rằng mình thật vĩ đại. Đó là sự tự huyễn hoặc bản thân và cũng là lý do tại sao dù làm rất nhiều thiện hạnh nhưng với tâm ngã mạn, chúng ta lại vô tình tạo nhân để tái sinh vào cõi trời.
- 1601
Viết bình luận