Naropa 2016 – Chỉ có một lần trong 12 năm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Naropa 2016 – Chỉ có một lần trong 12 năm

Ladakh, viên ngọc báu của Ấn Độ
Trời xanh thẳm đến không ngờ và những áng mây trắng xốp bồng bềnh trôi trong bầu không gian tịch lặng như cảnh giới thiền định thấm đẫm và bao bọc lấy ta giữa hòa âm chân ngôn Lục tự đại minh Om Mani Padme Hung trầm bổng.

Ladakh, vùng đất linh thiêng của các Bậc thầy giác ngộ, vừa kỷ niệm một lễ hội hy hữu chỉ diễn ra 12 năm một lần. Naropa 2016 là Đại lễ hội độc đáo của sự hòa quyện nhiều yếu tố: văn hóa, tâm linh, lễ hội, âm nhạc và các màn trình diễn đặc sắc.

Chỉ một chặng bay ngắn từ Dehli, bạn đã có thể tới một trong những không cảng thương mại nằm ở vị trí cao nhất trên thế giới, sân bay Kushok Bakula Rimpochee ở Leh. Và nếu bạn xin được chỗ ngồi cạnh cửa sổ – thì đó sẽ là một chuyến thưởng ngoạn đầy kỳ thú. Những đám mây lãng đãng như cuộn bông bay theo gió, những đỉnh núi tuyết phủ trắng và những tự viện ẩn mình thấp thoáng trên triền núi cheo leo, tất cả dễ biến bạn thành một đứa trẻ tò mò hướng ánh mắt chăm chú qua khung cửa nhỏ hẹp háo hức với thế giới kỳ diệu đang trải ra dưới cánh máy bay.

 

Tôi được các bạn tình nguyện viên trẻ địa phương chào đón đến với lễ hội bằng chiếc khăn Khata trắng truyền thống. Đó là những nam thanh nữ tú trong bộ trang phục “gonchas” địa phương, họ đều bận rộn cho Đại lễ Naropa.

Quả không hổ danh khi Đại lễ Naropa được mệnh danh là “Đại lễ hội văn hóa tâm linh của vùng Himalaya”. Hàng chục nghìn du khách và người dân địa phương đã cùng tề tựu về nơi sắp diễn ra Pháp hội dưới chân núi Tự viện Hemis. Vô số kinh luân (bánh xe cầu nguyện) nhỏ liên tục quay trên tay người tham dự, một số khác thì che ô để tránh ánh nắng gay gắt vùng sơn cước. Cuối cùng, chúng tôi đều đã ở nơi cao hơn 3.500 mét so với mực nước biển.

Kia, Đại Bảo Tháp Naropa, công trình kiến trúc tâm điểm của Đại lễ, đứng sừng sững uy nghi trên nền sẫm của dải núi hùng vĩ phía sau. Đại bảo tháp trắng tinh khiết, làm nổi bật những hoa văn vàng, xanh, cam rực rỡ sắc màu. Trước đó là khu đất rộng nơi vân tập chư Tăng, Ni, những hành giả và Phật tử tín tâm, thậm chí cả những du khách còn nhiều hoài nghi và tò mò, cùng bị thu hút đến đây để chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của Pháp hội.

Ngày mở màn Đại pháp hội đặc biệt vô cùng sôi động. Trống và tù và âm vang báo hiệu phút giây thiêng liêng mà người dân Ladakh đã ngóng đợi suốt 12 năm qua. Đại lễ hội Naropa lần này còn đặc biệt hơn với dấu mốc kỷ niệm 1.000 năm từ khi Đức Naropa lần đầu đặt chân đến vùng linh địa này.

Naropa là ai?

Naropa là một học giả Ấn Độ lừng danh – một tăng sĩ, một hành giả yogi vĩ đại, và một nhân vật kỳ bí, xuất hiện trong lịch sử vào thế kỷ thứ 11, đánh dấu sự mở đầu của một truyền thống tâm linh đặc sắc trong hệ thống triết học Phật giáo.


Đức Naropa

Ngài đản sinh trong hoàng tộc Bà la môn nhưng ngay từ thuở nhỏ đã bộc lộ xu hướng độc lập, đặc biệt, trong lĩnh vực học thuật nghiên cứu và thiền định. Thuận theo nguyện vọng của cha mẹ, Ngài bằng lòng cuộc hôn nhân sắp đặt với một thiếu nữ trẻ trung cũng thuộc đẳng cấp quý tộc Bà la môn. Sau 8 năm chung sống, cả hai đồng lòng gỡ bỏ hôn nhân và cùng theo đuổi đời sống xuất gia phạm hạnh.

Vào năm 28 tuổi, Đức Naropa tới tham học cả Kinh điển và Mật điển tại Đại học Nalanda – đại học Phật giáo lừng danh thời đó. Ngài trở thành một học giả trứ danh và một bậc biện tài vô ngại. Điều đáng nói trong truyền thống tranh biện thời đó là kẻ thua cuộc sẽ lập tức trở thành đệ tử của người chiến thắng. Sau cùng, Đức Naropa đã thành tựu danh hiệu vinh quang “Bậc trấn giữ Cổng thành phương Bắc” của Nalanda, Ngài tham gia nhiều cuộc tranh biện, chiến thắng và thu phục vô số đệ tử.

Sáu sức Trang hoàng

Trong buổi đại lễ, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, an tọa trên bảo tòa tôn nghiêm, khoác lên mình Sáu sức Trang hoàng Naropa, trong tiếng trống và âm thanh trì tụng của nghi lễ truyền thống larna. Pháp bảo linh thiêng sau đó được triển lãm tại Đại bảo tháp Mandala Narophotang, với hàng dài vô tận du khách đến chiêm bái mỗi ngày.

Tương truyền rằng khi Đức Naropa thành tựu giác ngộ, chư Dakini đã dâng cúng Ngài Sáu sức Trang hoàng này. Ngày nay, đây được coi là một trong những Pháp bảo di sản tôn quý nhất của Phật giáo.

 

Rất nhiều người tin tưởng rằng Sáu sức Trang hoàng mang năng lực gia trì vô cùng linh thiêng bởi đó là sự thị hiện của chư Bản tôn. Bất cứ nơi nào Pháp bảo hiện diện, nơi đó đều được đón nhận năng lực gia trì thù thắng. Bất cứ ai chỉ nhờ chiêm ngưỡng Pháp bảo chắc chắn sẽ có được tái sinh an lành đời sau.

Buổi đại lễ

Ngay sau khi Đức Pháp Vương khoác lên mình Sáu Sức trang hoàng, buổi đại lễ đã tưng bừng diễn ra. Vô vàn khăn Khata được tung lên phía trước từ biển người gồm hàng trăm nghìn Phật tử, du khách và chư Tăng Ni an tọa đối diện Đại Bảo tháp.

Tiếp đến là màn trình diễn văn hóa nghệ thuật với những vũ công trong trang phục truyền thống độc đáo vùng Ladakh. Một trong số những vũ công này thậm chí còn nhiệt tình dạy tôi mấy bước nhảy cơ bản.

 

Vũ điệu Ladakh đúng như mong đợi – sự độc đáo và hấp dẫn thể hiện ở cả trăm gương mặt tươi cười rạng rỡ, vừa hát vừa di chuyển theo nhịp trống. Nhưng lễ hội còn được tô điểm thêm bởi vô vàn sắc màu văn hóa tâm linh trong các trình diễn khác.

Sứ mệnh của vị Tăng sĩ nổi tiếng

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được coi là hóa thân của Đại thành tựu giả Naropa. Ngài hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và bình đẳng giới. Tôi có cơ hội được hạnh ngộ Ngài và phỏng vấn Ngài vài câu hỏi.

Trước đó, tôi cũng có dịp trò chuyện với các bạn trẻ và họ mệnh danh Đức Pháp Vương là vị Tăng sĩ “siêu sao” – người chủ trương nhập thế đem tất cả những gì mình truyền giảng vào trong hành động. Chẳng hạn, khi muốn người dân địa phương bảo vệ gìn giữ khu vực Himalaya, trên thực tế, Đức Pháp Vương đã dẫn đầu những chuyến Bộ hành sinh thái Pad Yatra và thu nhặt vô số rác thải trên đường đi trong những khu vực có điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt nguy hiểm của vùng này. Khi được hỏi, Ngài chia sẻ “Tôi sẽ hoan hỷ trở thành một “siêu sao”, nếu mọi người có thể thực hành theo những công hạnh việc làm của tôi giống như cách người ta vẫn thường dõi theo “siêu sao”.

Khi được hỏi pháp thực hành tu tập của Ngài là gì? Ngài mỉm cười và trả lời rằng “đạp xe” và cười vô cùng sảng khoái.

Những Ni sư Kung Fu

Những Ni sư ấy được mệnh danh là Ni sư Kung fu hay Ni sư võ thuật, nhưng nếu bạn được một lần chứng kiến họ trong các bài thực hành, bạn sẽ không nghi ngờ thấy họ thượng võ chẳng khác nào những chiến binh thực thụ môn võ Kung fu. Họ đến từ Ni viện Núi Druk Amitabha và đã phá bỏ khuôn mẫu giới hạn thông thường về nữ giới trong tu tập khi thể hiện những bài tập võ thuật mạnh mẽ trong từng cử chỉ, từng thế võ ngoạn mục.

 

Đêm buông xuống với những vì sao sáng lấp lánh và một vầng trăng tròn dần nhô lên từ phía sau Cung điện – Đại Bảo Tháp Narophotang. Đây là nơi trong hơn một tuần lễ luôn diễn ra những màn trình diễn văn hóa nghệ thuật sôi động nhiều sắc màu, trong đó có sự tham gia của các tài tử Bollywood.

Đại lễ hội cũng không thiếu vắng sự hào hoa của Hollywood. Tôi đã bắt gặp tài tử điện ảnh quốc tế Dương Tử Quỳnh, người đồng thời là Đại sứ Toàn cầu của phong trào Live to Love (Sống để Yêu thương) – một tổ chức hoạt động thiện hạnh do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa sáng lập.

 

Nếu bạn có phúc duyên may mắn giống như tôi, hẳn bạn đã là một thành viên trong bầu không khí Naropa 2016. Nhưng nếu bạn bỏ lỡ, bạn sẽ có thể cầu nguyện và chờ đón Đại lễ hội trong 12 năm tới đây.

Đức Pháp Vương đã tổ chức và dẫn đầu 8 chuyến Hành trình sinh thái (Eco Pad Yatra) với tôn chỉ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và nêu cao tinh thần bình đẳng giới. Đặc biệt, xung quanh sự kiện Đại lễ Sáu sức Trang hoàng và Thiên niên kỷ Naropa, Ngài đã dẫn đầu 500 Ni sư thực hiện Hành trình lần thứ 8 bằng xe đạp vượt hơn 2.500 km đường núi hiểm trở từ Kathmandu Nepal tới Leh Ladakh trên khu vực “nóc nhà thế giới” Himalaya trong 67 ngày và hiện Ngài cùng các Ni sư Kungfu tiếp tục thực hiện nửa vòng còn lại của chặng hành trình đầy cam go, từ Leh quay trở về Ladakh, một lần nữa nêu cao những thông điệp về môi trường và hòa bình thế giới.

(Nguồn: Shitanshu

www.ydavietnam.org)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6423103
Số người trực tuyến: