Những bí ẩn về dòng chảy của khí trong thân tâm mỗi người | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những bí ẩn về dòng chảy của khí trong thân tâm mỗi người

Mọi trải nghiệm thức hay mộng đều dựa trên một căn cứ năng lượng. Căn cứ năng lượng này được gọi là “lung”, có nghĩa nguồn năng lượng khí rất cần cho sinh lực của cả thân và tâm. Nguồn năng lượng làm nền cho mọi trải nghiệm là sự phối hợp chính xác của nhiều điều kiện và nguyên nhân khác nhau. Nếu chúng ta có thể hiểu tại sao và như thế nào một trải nghiệm xảy ra và nhận biết những động cơ tâm lý sinh lý cũng như năng lực của nó, bấy giờ chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm này hay biến đổi chúng. Điều này cho phép chúng ta phát triển những trải nghiệm nâng đỡ và tránh những trải nghiệm gây chướng ngại cho thực hành tâm linh.

Một bậc Thầy giác ngộ dạy rằng có 21.600 chuyển động của khí trong chỉ một ngày. Dù hiểu theo nghĩa đen hay hàm ý sâu xa, nhận xét này chỉ ra hoạt động khổng lồ của khí và tư tưởng xảy ra mỗi ngày.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có nhiều tư thế của thân vật lý khác nhau mà không nghĩ đến những hệ quả của chúng. Khi muốn thư giãn và nói chuyện với bạn bè, chúng ta đến một căn phòng có những chiếc sofa hay ghế bành. Điều này tăng cường trải nghiệm thư giãn và thuận lợi cho cuộc trò chuyện. Nhưng khi thảo luận công việc, chúng ta đến một văn phòng nơi có những cái ghế giữ cho chúng ta thẳng lưng hơn và kém thư giãn hơn. Điều này hỗ trợ hơn cho công việc và những nỗ lực sáng tạo.

Nếu muốn nghỉ ngơi trong yên lặng, chúng ta có thể đến một cổng vòm và ngồi trong một loại ghế khác để tận hưởng được phong cảnh và luồng gió mát. Khi mệt chúng ta vào phòng ngủ và dùng một tư thế hoàn toàn khác để khơi dẫn giấc ngủ.

Tương tự, chúng ta dùng nhiều tư thế thiền định khác nhau để thay đổi dòng chảy của khí trong thân bằng cách tác động vào những kinh mạch (tsa). Chúng là những đường dẫn năng lượng trong thân thể, và để mở những điểm tập trung năng lực - những luân xa. Làm điều này gợi ra những loại trải nghiệm khác nhau. Nó cũng là căn cứ cho những cử động yoga. Điều chỉnh một cách có ý thức năng lượng trong thân thể chúng ta cho phép phát triển dễ dàng và nhanh chóng thực hành thiền định hơn là nếu chỉ dựa vào tâm thức. Thiếu hiểu biết về khí và sự chuyển động của khí trong thân thể, tâm thức có thể trở nên mắc lầy trong những tiến trình riêng của nó.

Ở Đông phương, người ta thực hành những tư thế yoga và phương pháp thực tập hơi thở khác nhau để làm tăng cường sức mạnh và tịnh hóa dòng khí hầu làm cân bằng thân và tâm. Một số giáo lý bí truyền diễn tả hai loại khí khác nhau: khí nghiệp và khí trí tuệ.

Khí Nghiệp

Khí nghiệp (khí thuộc nghiệp) là căn cứ năng lực của những dấu vết nghiệp, những dấu vết nghiệp này là kết quả của mọi hành động tích cực, tiêu cực và trung tính. Khí nghiệp điều khiển, thay đổi, chuyển hướng cuộc đời của chúng ta. Do ham dục, chúng ta làm rất nhiều điều để thực hiện ham muốn đó. Do sân giận, chúng ta làm nhiều điều xấu chỉ để thỏa mãn cơn giận dữ của mình. Vì vậy mà chúng ta gặp vô số khó khăn liên quan đến nghiệp. Khi những dấu vết nghiệp được kích hoạt bởi những nhân duyên thích hợp, khí nghiệp bồi bổ thêm năng lực cho chúng và cho phép chúng có một tác động trong tâm, thân và những giấc mộng. Khí nghiệp là sinh lực của cả hai năng lực tích cực và tiêu cực trong hai đường kinh mạch hai bên.

Khi tâm thức không vững chắc, phóng dật hay không tập chú, khí nghiệp chuyển động. Chẳng hạn khi một xúc tình khởi sinh và tâm thức không có sự kiểm soát nó, khí nghiệp chở tâm thức đến bất kỳ chỗ nào nó muốn. Sự chú ý của chúng ta di chuyển đây đó, bị thúc đẩy bởi các xúc tình tiêu cực.

Trưởng dưỡng sự vững chắc của nội tâm là cần thiết trên con đường tâm linh, giúp cho tâm thức mạnh mẽ, hiện diện và tập chú. Bấy giờ, dù những năng lượng của những xúc tình tiêu cực khởi lên, chúng ta không bị cuốn vào những phóng dật bởi những khí nghiệp.

Dù một số nhà tâm lý học Tây phương tin rằng người nằm mộng không nên kiểm soát giấc mộng, theo những quan điểm Phật giáo, đây là một quan điểm sai lầm. Người nằm mộng mà minh bạch tỉnh táo để kiểm soát giấc mộng thì tốt hơn người nằm mộng bị mộng. Cũng đúng như thế với những suy nghĩ, tư tưởng: người đang suy nghĩ kiểm soát những tư tưởng thì tốt hơn là để cho những tư tưởng kiểm soát người đang suy nghĩ.

Ba Loại Khí Nghiệp

Một số bản văn giáo lý bí truyền diễn tả ba loại khí nghiệp: khí mềm mại, khí thô và khí trung tính. Khí mềm mại để chỉ khí trí tuệ thiện, nó lưu chuyển qua kinh mạch trí tuệ màu đỏ. Khí thô để chỉ khí của xúc tình tiêu cực, nó lưu chuyển qua kinh mạch màu trắng. Trong sự xếp loại này, cả hai khí trí tuệ thiện và khí xúc tình đều là khí thuộc nghiệp.

Khí trung tính không thiện cũng không ác, nhưng nó vẫn là khí nghiệp. Nó ở khắp thân thể. Khí trung tính đưa hành giả đến kinh nghiệm về khí bản nguyên tự nhiên, nó không phải là khí nghiệp mà là năng lực của tự tính bất nhị an trú trong kinh mạch trung ương.

Khí Trí tuệ

Khí trí tuệ (ye-lung) không phải là khí nghiệp. Không nên lầm lẫn nó với khí nghiệp trí tuệ thiện nói ở trên. Trong khoảnh khắc đầu tiên của bất kỳ trải nghiệm nào, trước khi một phản ứng xảy ra, lúc ấy chỉ có giác tính thanh tịnh. Trải nghiệm thanh tịnh này không để lại bất kỳ một dấu vết nào và không là nguyên nhân của bất kỳ giấc mộng nào. Khí trí tuệ lưu chuyển trong kinh mạch trung ương. Khoảnh khắc này là rất ngắn ngủi, giống một tia chớp của trải nghiệm thanh tịnh thuần khiết về cái mà chúng ta thường không tỉnh giác.

Sinh lý học trong Phật giáo Kim Cương thừa đề cập đến ba kinh mạch năng lượng vi tế chính tồn tại trong cơ thể con người, chạy song song từ đỉnh đầu đến đốt xương cùng. Ở những điểm nhất định bên trong cơ thể, hai đường kinh mạch chạy hai bên sẽ thắt nút quanh đường kinh mạch trung ương, và do đó tạo thành các nút thắt cản trở dòng chảy của năng lượng vi tế bên trong kinh mạch trung ương. Chính những nhánh rẽ thành một vài đường của các kinh mạch tại khu vực các nút thắt đó tạo thành một luân xa hay trung tâm năng lượng. Các luân xa đóng vai trò máy bơm hoặc van điều tiết dòng chảy năng lượng trong khắp cơ thể. Việc khai mở các nút thắt này sẽ giúp hành giả tu tập (ở mức độ cao cấp) chứng đạt Giác ngộ.

(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”

Việt dịch: Đương Đạo

NXB Thiện tri thức, 2000)

Tham khảo thêm

Luân xa - Trung tâm năng lượng của con người

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333879
Số người trực tuyến: