Những sai lầm thường gặp khi thực hành thiền định
Nhiều người tuy thực hành lâu năm nhưng vẫn lạc lối khi thiền định. Đó là do tập khí chi phối và dẫn đường khiến họ không thể đưa tâm mình theo đúng hướng. Với quan kiến sai lầm, mặc dù có thể ngồi hàng giờ thiền định, họ vẫn lầm lạc khi nhìn nhận mọi thứ.
Cho dù bạn có sự tương hỗ từ việc thực hành quán niệm hơi thở và luyện tập thể chất như tập yoga, bạn vẫn có thể gặp phải hai vấn đề chính khi thực hành định tâm. Thứ nhất là thói quen, tập khí thường chi phối chúng ta. Thứ hai là tâm lang thang, vọng tưởng. Tâm thường bị chi phối bởi sự vô minh, lẽ đương nhiên nó cũng sẽ cuốn chúng ta đi sai đường. Chúng ta rất cần phải cảnh giác, không nên xao lãng với hai chướng ngại này. Có nhiều đệ tử của tôi gặp khó khăn như vậy. Họ thực hành quán niệm hơi thở và các bài tọa thiền rất tinh nghiêm và chuyên cần, có thể ngồi thiền hàng giờ, song họ lại không thể định tâm. Họ lạc lối khi thiền định. Họ không hiểu tại sao lại như vậy, chính tôi cũng đặt dấu hỏi tại sao. Nhìn bề ngoài, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với họ. Khi tìm hiểu sâu xa, tôi nhận ra, trước hết họ bị thói quen, tập khí chi phối và dẫn đường. Tập khí mạnh đến nỗi họ không thể đưa tâm mình theo đúng hướng. Họ vẫn để tâm mình lang thang, nhảy nhót. Thứ hai, họ có quan kiến kiến sai lầm, nên mặc dù có thể ngồi hàng giờ thiền định, họ vẫn lầm lạc khi nhìn nhận mọi thứ. Bất kể nói về cách nhìn từ góc độ triết lý, hay cách nhìn trong đời sống hàng ngày, họ đều bị sai lệch.
Khi họ nhìn thấy một bình hoa, một người bạn, một tòa nhà hay một chiếc xe hơi, họ thấy tất cả hiện hữu tồn tại mà không nhận ra đó là ảo ảnh như huyễn. Con cái, vợ chồng, rừng cây, đồi núi, quốc gia, thế giới và cả vũ trụ này đang hiện hữu đúng như những gì họ thấy. Đó là quan kiến hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì mà chúng ta thấy không tồn tại như chúng đang hiện hữu. Nhưng chúng ta lại tin chắc vào sự hiện hữu chắc thật này. Chính quan kiến lầm lạc này khiến cho chúng ta luôn bị cuốn trôi với tốc độ chóng mặt. Tâm không thể định. Cho dù có ngồi đúng tư thế tọa thiền, quán niệm hơi thở tốt đến đâu, bạn cũng không thể đạt tới trạng thái tâm định.
Cũng chính vì vậy, Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng về “xả ly“ trước khi thuyết giảng Giáo Pháp. Sự xả ly cũng có nghĩa là chính kiến, nhờ chính kiến mà chúng ta có nhìn nhận đúng đắn về vạn pháp. Do vô minh và còn sơ cơ nên dường như chúng ta chưa nhận ra được điều này. Chúng ta chỉ biết những gì mắt thấy tai nghe. Chúng ta thấy những gì chúng ta tin. Chúng ta thấy được gì hơn thế, không biết điều gì thâm sâu hơn. Đó là vô minh. Ngay cả khi chúng ta thấy rõ màu sắc, hình tướng, kích thước của một sự vật, hiện tượng, thì đó chỉ là tương đối. Chúng ta được học hành, có tri thức nhưng chúng ta vô minh. Chúng ta không hiểu ý nghĩa đích thực của vạn pháp là gì? Chân lý của vạn pháp quanh ta là gì? Vì không hiểu, nên chúng ta không có tự do, chúng ta bị dẫn dắt, xô đẩy bởi mọi sự vật bên ngoài.
Cuộc sống của chúng ta bị kiểm soát bởi mọi thứ xung quanh. Chúng ta hoàn toàn mất tự do, đó chính là khổ đau. Vì vậy, Đức Phật Thích Ca giảng rằng xả ly rất quan trọng. Luân hồi không gì khác ngoài khổ đau. Khi nói “khổ đau”, không có nghĩa là sự đau đớn về mặt thể chất suốt như đau răng hai mươi tư giờ, đau đầu hai mươi tư giờ hay đau lưng hai mươi tư giờ. Không phải khổ đau là khi chúng ta phải kêu lên oai oái. Khi nói đến khổ đau, Ngài muốn nói đến quan kiến sai lầm khiến chúng ta bị vô minh xô đẩy, chẳng thế nào cưỡng lại được. Chúng ta giống như những vong linh đói khát, rượt đuổi theo những điều tưởng như kỳ diệu, quyến rũ, khiến chúng ta bị cuốn hút. Từ khi sinh ra cho đến ngày nay, chúng ta luôn mải miết chạy như vậy. Tất cả chúng ta đều đang chạy mãi, chạy mãi. Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng để chạy. Tôi chưa khuyên bạn phải thay đổi điều gì, bạn chỉ cần hiểu về mọi thứ. Hiểu biết này chính là trí tuệ.
Tôi chưa muốn nhắc đến khái niệm Đại Thành tựu hay Đại Thủ Ấn. Đó là những thuật ngữ cao siêu, chúng ta sẽ chưa dùng đến vào lúc này. Chúng ta chưa cần bàn về thuật ngữ đó, vì chúng ta mới chỉ cần quan tâm tới những thuật ngữ phù hợp với trình độ hiện tại của mình. Hiện tại, chúng ta còn đang ở cấp độ cần vượt qua tri kiến sai lầm, đồng nghĩa với tâm chấp thủ mạnh mẽ. Theo tôi, tri kiến sai lầm và tâm chấp thủ chính là một. Với nhiều người, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Với tôi, tâm chấp thủ cũng chính là tri kiến sai lầm. Như khi chúng ta thấy một vật hiện hữu chắc thật, điều đó có nghĩa là chúng ta đang hiểu sai vấn đề. Bản thân sự sai lệch đó cũng hàm nghĩa một sự bám chấp. Cho dù bạn không nói ra, và thực tế là bạn không cần phải nhấn mạnh hay thể hiện rằng bạn đang bám chấp vào sự tướng xung quanh thì một cách rất nhẹ nhàng, sâu lắng, điều đó vẫn hiển hiện rằng bạn đang bám chấp vào thế giới này bởi bạn đang mang nặng tri kiến sai lầm. Điều này tạo ra rất nhiều khó khăn, chướng ngại cho các hành giả trên bước đường thiền định.
Chính sự hiểu biết sẽ khiến bạn sống ôn hòa hơn. Tôi không thể khẳng định rằng tri kiến đúng đắn sẽ ngay lập tức mang lại cho bạn trí tuệ hay sự giác ngộ. Nhưng tôi có thể đảm bảo rằng bạn sẽ sống ôn hòa, thư thái hơn. Hiện giờ, chúng ta đều ở trong trạng thái tâm vọng động, biến loạn. Hoặc nếu không vọng động thì cũng vọng tưởng, lang thang. Trong Kinh có gọi đó là trạng thái tâm nhiệt, giống như ngọn lửa bốc quá nóng. Khi cảm thấy nóng, bạn cần dùng quạt hay điều hòa. Ngay khi bật điều hòa lên, bạn lập tức có cảm giác dịu xuống và dễ chịu. Tương tự như vậy, nếu có tri kiến, bạn không cần phải thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống, hãy cứ sống bình thường mỗi ngày, bạn vẫn cảm nhận được sự an hòa, dịu mát.
Điều tôi muốn nói ở đây chính là quá trình bạn làm cho tâm mình lắng dịu xuống, và cảm giác dịu mát chính là trạng thái tâm thiền định.
(Trích Khai thị về Nghệ thuật Thiền định của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Nguồn: www.drukpavietnam.org)
- 1150
Viết bình luận