Biết sám hối nghiệp trộm cắp, đời đời kiếp kiếp ngọc như ý xuất sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Biết sám hối nghiệp trộm cắp, đời đời kiếp kiếp ngọc như ý xuất sinh

Trong kinh nói: “Vật của người khác thì người đó giữ. Dầu một lá rau, cọng cỏ mà họ không cho cũng không được lấy, huống chi trộm cắp”. Vì chúng sinh chỉ thấy lợi trước mắt nên lấy của người khác một cách trái đạo, đến nỗi sau này phải chịu tai ương. Nhưng nếu người ấy biết ngày đêm sáu thời sám hối những tội trộm cắp ấy từ vô thủy cho đến nay thì đời đời kiếp kiếp ngọc như ý thường xuất sinh bảy món trân bảo, y phục đẹp đẽ, đồ ăn đủ vị, đủ các thứ thuốc men, tuỳ tâm mãn nguyện muốn vật gì tức có liền vật ấy.

Trong Kinh Từ bi Thủy sám có dạy về các hành động tạo tác nghiệp trộm cắp như sau:

Chúng sinh trộm tiền tài, bảo vật kẻ khác, hoặc cầm dao cưỡng đoạt hoặc tự mình xông đến bức người lấy của, hoặc ỷ quyền nương vào thế lực, dùng kim to kẹp lớn ép chế oan người lương thiện, hoặc thâu tiền đút lót của bọn gian, đánh thẳng người ngay buộc cho là tà vậy, vì những nguyên nhân ấy khiến họ xa vào lưới pháp luật, hoặc ăn tiền của kẻ dưới khiến họ dung túng làm bậy, hoặc lấy của công làm lợi riêng, lấy của riêng vào việc công, làm tổn hại người kia đem lợi cho người này, làm tổn hại người này đem lợi cho người kia, lấy bớt của kẻ khác làm lợi cho mình, miệng hay nói bố thí mà tâm thì bỏn sẻn, ăn cắp thuế ruộng, thuế chợ, trốn thuế đò ải, bớt của công để dùng vào việc riêng, dấu sưu dịch để sai làm việc mình.

Chúng sinh hoặc chỗ bạn bè qua lại sư Tăng đồng học hay cha mẹ anh em, bà con quyến thuộc cùng ở chung nhau, mà trăm món cần dùng lừa dối gạt gẫm nhau, hoặc đối xóm riềng gần gũi dời rào, xê tường, xâm lấn đất nhà người khác, đổi mốc thay nêu, cướp giật tiền của, bao chiếm ruộng vườn, mượn tiếng việc công để làm lợi riêng, sang đạt hàng quán rẫy bái của người.

Chúng sinh hoặc đánh phá thành ấp, đốt làng phá dậu (hàng rào) buôn bán lương dân, dụ dỗ tôi tớ của người, hoặc áp chế oan những kẻ vô tội, hoặc bị đâm chém máu rơi thịt nát, thân bị đày ải, gia sản tan nát, cốt nhục chia lìa, mỗi người một cõi, sống chết cách tuyệt.

Chúng sinh buôn bán hàng hoá, dùng cân non, đấu nhỏ, giảm bớt thước tấc, lường gạt từng li, đem của xấu đổi lấy của tốt, đem thứ ngắn đổi thứ dài, giả dối trăm chiều để mong cầu chút lợi.

Chúng sinh hoặc khoét vách đào tường, chặn đường cướp đoạt, hoặc trốn nợ, xén bớt tài lợi, hoặc phụ tình trái hẹn, ngoài mặt lừa dối, trong lòng mưu toan, hoặc cướp giật trái đạo, đồ vật của quỉ thần, cầm thú, chúng sinh, hoặc mượn cớ xem quẻ coi tướng để gạt lấy tài sản của người, như thế cho đến đem lợi cầu lợi, cầu cách vô đạo, cầu cách tham lam, không biết chán, không biết đủ.

Bởi vậy kinh nói: “Tội trộm cắp làm chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngã quỉ, chịu khổ vô cùng”. Nếu đầu thai trong đường súc sinh, phải chịu làm thân trâu ngựa, la, lừa, lạc đàv.v...đem thân máu thịt của mình trả nợ kiếp trước cho người. Nếu được làm người, phải chịu làm thân tôi mọi kẻ khác, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa, bần cùng khốn khổ, lẽ sống của con người hầu như không con gì nữa.

(Trích Kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp

Trước thuật: Ngộ Đạt Thiền Sư

Dịch Giả: HT. Thích Huyền Dung)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6333038
Số người trực tuyến: