Pháp tu mở đầu Ngondro - Nền tảng thành tựu mọi pháp tu
Trong giai đoạn Phát triển, việc thực hành Pháp tu mở đầu Ngondro giữ vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không tu tập Ngondro, chúng ta không thể hoàn thiện bất cứ một pháp tu nào. Pháp tu mở đầu là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần tu tập chính - Đại Thủ Ấn Mahamudra. Đây không phải là những bài thực tập mang tính “vỡ lòng” cho người mới bước chân vào cửa đạo, mà thực sự là chìa khóa để mở cánh cửa giác ngộ cho những ai muốn bước vào ngôi nhà Phật pháp.
Cây Quy y Truyền thừa
Đã có nhiều bậc Thầy thực hành pháp tu Ngondro này và các Ngài đã chứng ngộ bản chất tâm ngay trong pháp tu mở đầu. Với các hành giả sơ cơ mới nhập môn thì việc thực hành pháp tu này ba, bốn hoặc nhiều lần có tính bắt buộc trước khi được phép đi tiếp đến các thực hành cao cấp hơn.
Mỗi lần thực hành Ngondro phải bao gồm đầy đủ cả bốn phần là: lễ lạy, tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa, cúng dàng Mandala, Thượng sư tương ưng pháp Guru Yoga. Sau khi hoàn tất Ngondro, bước tiếp theo là bạn đi vào thực hành Đại thủ ấn hay Tính không. Trong Đại thừa, người ta nói rằng nếu muốn giác ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối, bạn phải làm hài lòng tất cả chư Phật bằng việc tích lũy công đức, tịnh hóa bản thân, như thế sau đó bạn có thể sẽ chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối. Cũng như vậy, trước khi thấu hiểu bản chất chân thực của tâm, bạn phải thực hành tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa và thực hành Thượng sư tương ưng pháp Guru Yoga để thụ nhận dòng ân phúc gia trì từ Truyền thừa không gián đoạn. Chỉ khi đó bạn mới sẵn sàng để thụ nhận giáo pháp Đại thủ ấn, nếu không thì tâm bạn sẽ không ổn định. Trong truyền thống Drukpa, sau khi thực hành Ngondro ba hoặc bốn lần, bạn sẽ được phép đi lên các thứ lớp tiếp theo của Kim Cương thừa như bước thiền định tự tính trong Đại thủ ấn.
Làm thế nào để trưởng dưỡng thiền định tự tính?
Thiền định thông thường của Samadhi (Thiền định) chỉ đơn thuần là sự tập trung, như tập trung vào hơi thở ra-vào, thông qua đó bạn phát triển sự tập trung. Tuy nhiên sự tập trung trong Đại thủ ấn (Đại định) không chỉ đơn thuần là sự tập trung mà cùng lúc trí tuệ bất nhị cần phải được thực hành. Những điều này thực tế đã được rèn luyện trong Pháp tu mở đầu Ngondro. Chẳng hạn trong thực hành quy y tương đối, Cây Quy y Truyền thừa được quán hòa tan và bạn an trụ trong trạng thái tâm không khởi niệm về quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong thực hành tịnh hóa cũng vậy, thực hành Kim Cương Tát Đỏa đã bao gồm cả tịnh hóa tuyệt đối, các pháp cúng dàng Mandala hay Guru Yoga cũng đều được thực hành dựa trên nền tảng đó. Bạn cũng có thể được phép thực hành thiền định tự tính Đại thủ ấn cùng lúc với Pháp tu mở đầu Ngondro trong một số trường hợp đặc biệt. Khởi đầu với sự tập trung ở các mức độ khác nhau, cuối cùng là phần bậc Căn bản Thượng sư khai thị trực tiếp bản chất tự tính tâm cho bạn. Khi đó, thông qua sự thực hành thiền định, những gì đã rõ, còn nhầm lẫn hay thiếu sót nghi ngờ về Thượng sư sẽ được dần sáng tỏ cho đến khi bạn chứng ngộ tự tính tâm. Bạn chỉ cần chuyên tâm thực hành như vậy là trọn vẹn đối với các hành giả cư sĩ.
Cùng với sự quán tưởng và trì tụng chân ngôn, có rất nhiều phương pháp thiền định, trong đó thành tựu cao nhất là hành giả có thể thực sự diện kiến Bản tôn. Trong khi chưa đạt tới cấp độ này, hành giả có thể thực hành trì tụng chân ngôn, chẳng hạn như trì tụng một cách rõ ràng 600.000 biến Lục tự Đại minh chân ngôn “Om mani padme hung”. Trên thực tế, số lượng biến này là dành cho những hành giả có phúc duyên sống trong thời chính pháp. Còn ngày nay do đang ở thời mạt pháp, bạn phải thực hành tối thiểu bốn lần 600.000 lần này mới được xem là đủ số biến của một đợt tu. Trong trường hợp không thể thực hành miên mật, bạn có thể sắp xếp thời gian để viên mãn số biến đã phát nguyện, chẳng hạn trì tụng trong một tháng, hai tháng, hay một năm.
(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)
Tham khảo thêm
Tổng quan về pháp tu mở đầu Ngondro
- 4254
Viết bình luận