8 phẩm vật cát tường cúng dàng lên Đức Phật khi Ngài tại thế | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8 phẩm vật cát tường cúng dàng lên Đức Phật khi Ngài tại thế

Tashi Zeygyed là tám phẩm vật cát tường (tiếng Phạn Astamangaladravya) được chư Thiên và loài người cúng dàng Đức Phật khi Ngài còn tại thế. Ashtamajigala có nghĩa là tám cát tường và dravya có nghĩa là tinh túy. Tashi zeygyed là phẩm vật cúng dàng lên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như một biểu tượng của Bát Chính Đạo: Chính kiến, Chính tư duy, Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính mạng, Chính Tinh tấn và Chính định. Người ta tin tưởng rằng Tashi zeygyed là sứ giả mang tài bảo đến cho bạn. Do đó, thật may mắn khi bạn sở hữu Tám phẩm vật cúng dàng trân quý này:

1. Bạch giới tử: được Đức Kim Cương Thủ, vị Bồ tát quyền lực trong Kim Cương bộ cúng dàng lên Đức Phật. Công hạnh chính của Ngài là phá tan mọi hận thù, xung đột và những ảnh hưởng tiêu cực khác. Cả Phật tử lẫn người Hindu đều sử dụng bạch giới tử trong các nghi thức tịnh trừ tà khí và các pháp hoả tịnh khác. Bạch giới tử được đốt cháy có tác dụng xua đuổi quỷ thần, oan hồn uổng tử nhiễu hại con người.
Có một câu chuyện kể rằng một người mẹ đã tìm đến Đức Phật và cầu xin Ngài cứu đứa con đã chết sống lại. Đức Phật khuyên bà nên lấy một ít hạt bạch giới tử từ ngôi nhà chưa từng có người chết. Trải qua bao nỗ lực đến tuyệt vọng, người mẹ đau khổ đã nhận ra rằng ngôi nhà nào bà đi qua cũng có hạt bạch giới tử nhưng không có ngôi nhà nào không có ai chết. Sau khi lắng nghe câu chuyện thương tâm của các gia đình khác nhau, nỗi đau của người mẹ đã giảm bớt. Như vậy, đức Phật đã làm dịu cơn đau của người mẹ này bằng cách làm cho bà nhận ra rằng không chỉ mình bà phải chịu khổ đau. Bà cũng hiểu một thông điệp rõ ràng rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Bạch giới tử nêu biểu cho Chính kiến.

(Nguồn: Trung tâm Phật Trường Thọ)

2. Bạch ốc biển: Đế Thích, vua cõi trời Đao Lợi, đã cúng dàng bạch ốc biển lên Đức Phật. Bạch ốc biển rất hiếm và được xem là biểu tượng may mắn. Bạch ốc biển tượng trưng cho Pháp âm và sức mạnh giáo pháp của Đức Phật. Âm thanh của bạch ốc biển có thể vang rộng, lan tỏa khắp muôn phương, khiến chúng sinh nghe được liền thức tỉnh khỏi vô minh đau khổ. Vỏ ốc xoáy theo chiều kim đồng hồ nêu biểu cho Chính ngữ.

Vua trời Phạm Thiên

3. Trái Bilva: Phạm Thiên, vị thần sáng tạo ra thế giới, đã cúng dàng Đức Phật trái Bilva. Quả Bilva tượng trưng cho Chính nghiệp vì đây là loại quả mang ý nghĩa về mặt đạo hạnh. Quả Bilva là một trong những loại trái cây chính dâng cúng trong các nghi lễ của cả Phật giáo và Hindu giáo. Quả Bilva có thể chữa được nhiều bệnh và được dùng để điều chế những loại thuốc có những tính năng thải độc trong trường phái y học Ayurvedic. Quả Bilva còn được gọi là táo gỗ vì vỏ của nó cứng như gỗ. Đây cũng là loại trái cây linh thiêng nhất. Người ta cũng tin rằng trong quả Bilva có sữa của Thánh mẫu (hay còn gọi là Matrikas). Quả Bilva tượng trưng cho Chính nghiệp.

4. Sữa chua
Một cô thôn nữ chăn cừu tên là Sujata (Tiếng Tạng là Leg KAYMA),  con gái của một người nông dân, đã cúng dàng bát cháo sữa cho nhà tu khổ hạnh Tất Đạt Đa, người đã nhịn ăn để thiền định trong một thời gian dài. Nàng đã thỉnh cầu Đức Phật chấp nhận phẩm vật cúng dàng là bát cháo sữa để Ngài có đủ sức khỏe cho đến khi  đạt thành giác ngộ. Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng. Nhờ bát cháo sữa cúng dàng của nàng Sujata, thân thể Bồ tát Tất Đạt Đa nhanh chóng hồi phục lại sinh lực để ngồi thiền định cho đến khi đạt thành Chính Đẳng Chính Giác. Chính từ sự việc này mà Đức Phật đã chứng ngộ được chân lý Trung đạo.
Sữa chua không chứa tạp chất, được coi là dưỡng chất thuần khiết và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Sữa chua cũng nêu biểu cho sự trưởng dưỡng tâm linh và tịnh hóa nghiệp bất thiện. Ngày nay, người ta vẫn giữ truyền thống cúng sữa chua khi kết thúc khóa chuyên tu mùa hè tại các tu viện. Sữa được coi là tinh túy của pháp, nêu biểu cho Chính mạng.

5. Cỏ Durva hay còn gọi là Kusha tượng trưng cho sự sáng rõ trong thực hành quán tưởng và trường thọ. Đức Phật đạt giác ngộ khi ngồi thiền địnhtrên đệm cỏ Durva 8 lớp do một người cắt cỏ tên là Mangala cúng dàng. Vì cỏ Durva có tác dụng làm tăng sự tập trung và quán tưởng rõ ràng khi thiền định, rất nhiều hành giả  lựa chọn thiền định trên tọa cụ tết bằng cỏ Durva. Cỏ Durva tượng trưng cho Chính tinh tấn.


Nữ thần Prabhavati

6. Gương: Prabhavati, nữ thần ánh sáng cúng dàng tấm gương lên Đức Phật. Gương nêu biểu cho nhận thức thanh tịnh. Nó phản chiếu mọi thứ như thật và không làm biến dạng bất kỳ hình ảnh nào hay không bị tác động bởi bất cứ hình ảnh nào hiện ra trong gương. Gương là một trong những biểu tượng của tâm thanh tịnh không bợn nhiễm; Gương thường được sử dụng trong các khóa lễ tịnh hoá. Với sự thanh tịnh và trí tuệ, gương nêu biểu cho Pháp thân và Chính tư duy.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ban thuốc gia trì cho Phật tử

7. Thuốc gia trì hay thuốc cam lồ có công dụng mang lại ân phúc gia trì cho người dùng, giúp hành giả nhanh chóng thành tựu pháp, chữa lành thân tâm bệnh, và đặc biệt có năng lực thù thắng giúp người lâm chung vượt qua những sóng gió của trạng thái trung gian sau khi chết và có một tái sinh tốt lành. Nhìn bề ngoài, thuốc gia trì giống như lòng đỏ của một quả trứng luộc. Đó là một viên sỏi trong cơ thể một số động vật. Thuốc gia trì có tác dụng chống độc, cắt cơn sốt và chữa các bệnh truyền nhiễm khác. Thuốc gia trì giúp kích hoạt luồng ý nghĩ rõ ràng, mạch lạc. Về mặt biểu tượng, thuốc gia trìvô hiệu hóa ba độc là tham lam, sân giận và si mê, nguyên nhân gốc rễ của mọi đau khổ. Loại thuốc quý này có khả năng thù thắng tịnh hóa các ô nhiễm trong tâm, đối trị vô minhvà đau khổ, làm tăng trưởng những ý nghĩ trong sáng, thanh tịnh. Thuốc gia trì nêu biểu cho Chính niệm.

 

8. Thần sa: Có một vị Bà la môn tên là Jyotisharaja, có nghĩa “Vua của các nhà chiêm tinh học”, lần đầu tiên cúng dàng thần sa lên Đức Phật. Thần sa có ý nghĩa rất to lớn kể từ thời Đức Phật tại thế. Người ta sử dụng thần sa làm chất nhuộm màu cho tranh cát Mandala. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, màu đỏ tượng trưng cho quyền lực. Tác giả Robert Beer trong cuốn sách “Bách khoa toàn thư về các biểu tượng và hình tượng Phật giáo vùng Himalaya” đã viết, thần sa và vàng trong tiếng Trung Quốc, mang  màu sắc của hỷ lạc và thịnh vượng. Thần sa nêu biểu cho Chính định.
(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6488728
Số người trực tuyến: