3 con vật được nuôi trong tâm xoay vần vòng luân hồi
Một thời Đức Thế Tôn ngự tại thành Vương Xá, trong vườn Trúc Lâm. Ngài Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông thấy rõ những cảnh khổ ở địa ngục và ngã quỷ, bao nhiêu vị trời hết tuổi thọ đọa ba đường ác. Ngài hằng kể cho tứ chúng nghe để sách tấn. Ai có bạn đồng tu hay môn đệ bất mãn với đời sống đạo hạnh, thường đem đến để ngài khuyên nhủ. Ngài đã dạy dỗ và đưa nhiều người đến đạo quả.
Đức Thế Tôn dạy: Cao Tăng Mục Kiền Liên không thể ở khắp mọi nơi cùng một lúc để nhắc nhở các Phật tử. Vậy từ nay ở trước cửa mỗi chùa nên vẽ bánh xe luân hồi. Phải cử một Tỳ-kheo đủ khả năng để giải thích cho khách vãng lai.
Trước hết viết lời khuyến cáo:
* Hãy gom tâm chăm chú vào giáo pháp Như Lai.
* Hãy chiến thắng thần chết!
* Sống đúng giới luật, luôn luôn giác tỉnh, kiên trì cố gắng, có thể chấm dứt khổ đau.
Trung tâm của Bảng luân hồi vẽ một con gà trống tượng trưng lòng tham ái, một con rắn tượng trưng lòng sân hận và một con heo tượng trưng sự ngu si. Ba con vật này cắn đuôi nhau chạy vòng trên một nền xanh da trời.
Màu xanh da trời là màu của hư không. Vì tham sân si tuy là gốc luân hồi, là tạo hóa an bài vũ trụ, nhưng thật thể nó hy vọng. Chỉ cần tỉnh giác là nó tan ngay. Ba con thú nối đuôi nhau hàm ý ba độc mật thiết dính liền nhau. Vì si mới tham. Tham bị chướng ngại liền sân. Ba con vật này không ngừng hoạt động trong tâm của phàm phu.
Người si mê ít quan tâm đến sự thanh tịnh của tâm hồn, nên ví với con heo, thân thể nặng nề, màu da xám tối. Mỗi khi chúng ta giận là con rắn nổi lên. Ta bảo: “Tôi giận lắm, tôi không chịu được”. Thế là ta nhận con rắn là mình, nhận cái nghiệp sân si là mình. Mỗi khi tham, ta nói: “Tôi thích cái này lắm!”, thế là ta nhận con gà trống là mình. Còn hàng ngày tính toán suy nghĩ chuyện yêu, ghét, mừng, giận v.v…, đó là con heo nó đang hiện hình.
Chúng ta nuôi 3 con vật ngày đêm ở trong tâm, ngày đêm các con vật này kích thích chúng ta tạo nghiệp để cảm quả báo sầu đau luân hồi. Nhưng Đức Phật thấy ba con vật này không thật, nó là những vọng tưởng, chỉ cần tỉnh ra là nó hết. Cái vòng luân hồi đắng cay, cái biển trầm luân này, khổ nhiều quá! Một trận mưa, đức Phật biết là bao nhiêu giọt. Nhưng cái khổ của sáu đạo luân hồi, Phật đếm không nổi, nên Ngài gọi tổng quát là biển khổ, biển trầm luân. Vì tham quá mà không có được cái mình muốn, có người đi trộm cướp, lừa đảo. Nhưng nếu sống gần bạn lành, gần thiện tri thức có lời khuyên can giảng dạy mà hiểu ra thì hết tham. Khi ta tức giận la hét, nếu có người vỗ vai bảo: “Sao lại vậy, cô tu mà…”, mình liền hết giận. Cho nên, đó là cái không có mà chúng ta nhận là mình, chúng ta tạo nghiệp. Chúng ta tự lồng mình vào nó, khiến cho nó dựa vào mình mà bốc lên, kéo dài. Nếu tỉnh ra thì nó thành không. Hễ vâng theo Phật thì ra khỏi luân hồi, còn cứ nuôi ba con vật này ở trong tâm thì chúng ta xây dựng, bồi đắp mãi cảnh trầm luân không biết bao giờ mới cạn.
Nhân loại mênh mông, mà số Phật tử thì hiếm hoi! Hiếm lắm những người đặc biệt muốn ra khỏi vòng lửa đỏ này! Bạn nên đoái thương mình và những người chưa biết lối ra mà cố tu tập Phật pháp!
(Lược trích ấn phẩm: “Viết phỏng theo Kinh nhân duyên”
Tỳ kheo ni Hải Triều Âm
NXB Tôn giáo, 2010)
- 2491
Viết bình luận