Bạn có thể cúng dàng những gì lên chư Phật?
Nhiều người lầm tưởng rằng tâm chấp thủ chỉ phát khởi khi bạn rất giàu có về vật chất. Dù bạn có nhiều hay ít tài sản, của cải, điều đó không quan trọng. Bạn có thể chấp chặt vào một chiếc áo sơ mi, một chiếc túi xách, trong mọi trường hợp, dù bám chấp vào đối tượng nào, tâm bám chấp đều không khác biệt. Bất luận giá trị vật chất nhiều hay ít, nếu còn bám chấp, bạn còn đau khổ và sợ hãi, và đau khổ và sợ hãi trong hoàn cảnh nào cũng đều giống nhau.
Điểm quan trọng là chúng ta cần buông bỏ mọi BÁM CHẤP để tận trừ khổ đau. Vậy lúc này bạn có thể làm gì để thực hành từng bước buông bỏ tâm bám chấp?
Bạn có thể cúng dàng những gì lên chư Phật?
Trong Phật giáo Kim Cương thừa, chúng ta có pháp thực hành cúng dàng Mandala. Điểm cốt tủy trong pháp thực hành này là chúng ta khởi tâm mạnh mẽ muốn cúng dàng lên chư Phật. Thật ra, chúng ta không thể cúng dàng những thứ vật chất hữu hình lên các Ngài. Chư Phật không cần những thứ đó từ chúng ta, mà điều chúng ta cần là rèn luyện tâm mình. Vì vậy, chúng ta cần quán tưởng cúng dàng, và phẩm vật cúng dàng có thể là bất cứ thứ gì. Nếu bạn là giám đốc một công ty, bạn có thể cúng dàng chức danh và địa vị của bạn lên chư Phật. Bởi danh vọng, địa vị, tiền bạc, tình cảm và gia đình…. cũng là những đối tượng bạn có thể bám chấp. Cúng dàng chính là cách giúp bạn giảm dần tâm bám chấp.
Chúng ta cần hiểu rằng những gì xảy ra hôm qua hay ngày mai sẽ chỉ là giấc mơ. Giả sử bây giờ bạn đang vui đùa cùng nhau, nhưng đến tối, những khoảnh khắc đó sẽ trở thành kỷ niệm. Sự sở hữu vật chất cũng tựa như một giấc mơ. Với trí tuệ hiểu biết về bản chất vô thường của vạn pháp, thay vì cố gắng chấp chặt vào mọi thứ trong cuộc sống cũng như vào thời điểm chết để rồi phải trải nghiệm vô vàn khổ đau, chúng ta nên thực hành cúng dàng thân mạng, tài bảo, danh vọng, địa vị và cả vũ trụ này lên chư Phật và Bồ tát. Hãy cầu nguyện các Ngài hoan hỷ đón nhận những phẩm vật bạn cúng dàng vì lợi ích giác ngộ, tích lũy công đức và xả bỏ bám chấp của bạn và mọi người.
Có một bậc Thượng sư giác ngộ từng kể câu chuyện về một cụ già đi nhiễu tháp ở Nepal. Khi Ngài cố chú tâm để nghe những lời cầu nguyện của cụ, Ngài phát hiện rằng cụ chỉ cầu nguyện cho đời sống hiện tại. Mặc dù đã khoảng 80 tuổi, cụ vẫn cầu nguyện đời sống trường thọ, khỏe mạnh, sự giàu có và thành công cho gia đình, con cháu học hành giỏi giang và rất nhiều mong nguyện thế gian khác. Tuyệt nhiên Ngài không nghe thấy bà cụ cầu nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Điều này minh chứng một thực tế rằng dù con người đã đi đến gần cuối cuộc đời, trong trường hợp của bà cụ là tuổi 80, chúng ta vẫn không nhận ra rằng mình sẽ phải chết và luôn tự huyễn hoặc bản thân rằng mình sẽ còn sống nhiều năm nữa. Chúng ta không bao giờ nhớ về quy luật vô thường chi phối vạn pháp, trong đó bao gồm chính chúng ta. Dù trẻ hay già thì ai cũng phải chết, vì vậy, thực hành xả bỏ bám chấp và tích lũy công đức là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Chỉ có nghiệp là người bạn đồng hành qua các kiếp sống
Chúng ta thực hành cúng dàng để mong cầu sự thịnh vượng, an vui trong đời sống hiện tại, nhưng đừng bao giờ quên rằng sẽ có một ngày chúng ta phải ra đi. Bạn hãy biết tự đặt cho mình câu hỏi “Mình sẽ đi về đâu sau khi rời bỏ xác thân này?”. Ở một góc độ nào đó, có thể chúng ta cảm nhận rằng đời sống này rất dài. Nhưng nếu nhìn rộng ra đến vô số kiếp vị lai, kiếp sống này quả thật vô cùng ngắn ngủi. Với niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả, bất cứ thiện hạnh nào chúng ta làm, bất cứ công đức nào chúng ta tích lũy, chúng ta đừng giới hạn trong một đời sống này mà hãy hướng tới các kiếp vị lai. Tới ngày cái chết cận kề, bạn sẽ phải bỏ lại người thân, tiền tài, địa vị, danh vọng, và cả những tình cảm yêu quý, gắn bó mọi người dành cho bạn. Khi chết, chỉ có những ác nghiệp và thiện nghiệp là người bạn đồng hành với chúng ta. Nghiệp sẽ quyết định đời sống kế tiếp của mỗi người.
Bởi vậy, khi thực hành Phật pháp, bạn cần luôn nhớ đến các đời sống kế tiếp. Khi chỉ còn nắm tro tàn chôn xuống đất, tất cả chúng ta đều như nhau, dù già hay trẻ. Bất luận tuổi tác, chúng ta thường lãng quên bản chất vô thường của cuộc sống và điều tất yếu không thể tránh khỏi của cái chết. Hãy luôn ghi nhớ rằng đời sống này rất quan trọng và các kiếp vị lai cũng quan trọng không kém!
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 1039
Viết bình luận