Vị đạo sư được cầu hôn
Trên đường du phương giáo hóa qua miền cao nguyên Golok phía Đông dãy Himalaya, một vị đạo sư gặp người đàn bà đang khóc lóc thảm thiết với ba đứa con nhỏ. Bậc Thầy giác ngộ phiêu bồng này hỏi thăm người đàn bà và được biết chồng bà đã bị gấu ăn thịt, và cả gia đình bây giờ phải kéo về thành phố để xin ăn, nếu không cả nhà chỉ chờ chết đói. Đạo sư liền cõng một đứa bé trên vai, tay dắt đứa kia và nói: "Đường đi đến thành phố còn xa, vì thế tôi phải đi cùng mà giúp đỡ cho bà”.
Người đàn bà mừng rỡ và cùng đi với đạo sư qua những vùng rừng núi vắng người. Bà lo mang đứa bé mới sinh và đạo sư thì vai cõng đứa này, tay dắt đứa kia và cả năm người đi về phía Nam. Buổi tối, đạo sư bọc hai đứa nhỏ trong áo ấm của mình để chúng khỏi chết cóng trong đêm lạnh. Sáng tối hai người lớn nấu trà quanh đám củi và chia nhau ăn phần thức ăn dự trữ ít ỏi của Ngài. Giữa đường họ gặp những người chăn cừu hay kẻ hành hương và mọi người đều xem đây là một gia đình hết sức bình thường đang đi lễ thánh địa. Không ai nghĩ ngợi gì về đạo sư và đứa trẻ trên vai Ngài là ai, người đàn bà nọ thì lại càng không biết. Khi cả nhóm đến một nơi khá đông người thì người đàn bà cùng đạo sư bắt đầu ăn xin, để mua các thực phẩm như bột, bơ, sữa chua để sinh sống. Nhóm người nhỏ bé này xem ra ngày càng bớt buồn trên đường đi vì niềm an lạc xuất phát từ một tâm thức giác ngộ như vị đạo sư có thể xoa dịu những tâm hồn khốn khổ đang sôi sục.
Khi nhóm người đi đến phía Bắc thành phố, dưới chân ngọn đồi của tu viện, đạo sư nói với người đàn bà: "Tôi phải dừng ở đây vài bữa. Trong ba ngày nữa, bà sẽ gặp lại tôi và tất cả sẽ được chuẩn bị chu đáo”.
Người đàn bà quá đã có kế hoạch khác. Trong quãng đường đi, người bạn đồng hành đó đã gây niềm cảm mến. Bà cảm thấy đã vượt qua nỗi khổ đau mất chồng, một phần nhờ một điều gì đó rất êm dịu phát ra từ người này. Bà vội nói: "Đừng làm thế, suốt một thời gian dài anh đã ở với chúng tôi, hãy ở lại. Nếu anh muốn, chúng ta sẽ thành vợ chồng, hay ít nhất cũng cùng nhau đi suốt cuộc đời này. Đừng bỏ rơi mẹ con tôi”. Nhưng vị đạo sư đã có một quyết định không thể dời đổi: "Tôi chỉ là một trong những người giúp đỡ bà. Hãy tin rằng mọi sự sẽ tốt lành. Ba ngày nữa bà sẽ trở lại và sẽ gặp tôi”. Đoạn đạo sư quay người leo lên đồi. Người đàn bà đành ở lại dưới thung lũng với các con và thực phẩm vừa kiếm được.
Ngày hôm sau người ta bắt đầu lan truyền tin “Một bậc đạo sư giác ngộ trứ danh từ xa đến đây và giảng pháp cho chúng ta”. Mọi nguời đổ xô đến tu viện, dựng lều trước cửa và lo lắng tổ chức buổi lễ. Góa phụ kia nghe tin, có chút hy vọng: "Sự có mặt của một đạo sư danh tiếng như thế quả thật là một điềm tốt lành. Ta sẽ đến gặp Ngài, cúng dàng thực phẩm để cầu nguyện cho ông chồng xấu số”. Nàng gom góp mọi thực phẩm xin được, mang theo ba đứa con, tìm đường đến tu viện. Đạo sư là người không bao giờ nhận tặng phẩm. Nhưng lần này Ngài ra lệnh cho các vị Lạt-ma hãy giữ mọi tặng phẩm lại: "Ta đợi một người, người này sẽ được nhận mọi thứ tặng phẩm đó”.
Người đàn bà góa và các con vào trong chính điện, nơi vị đạo sư giảng pháp. Họ tìm được một chỗ đứng xa phía sau, không thấy mặt Ngài, chỉ nghe tiếng. Cuối buổi giảng, sau khi phần cầu nguyện kết thúc, đạo sư cho phép mọi người lên đỉnh lễ Ngài. Đến lượt nàng góa phụ, bấy giờ nàng mới biết ai đã đi suốt một đoạn đường dài với mình. Nàng kêu lên một tiếng hốt hoảng, đưa tay bịt miệng. Đạo sư mỉm cười hiền từ và ban gia trì cho nàng.
“Hãy tha lỗi cho con”, nàng nói, “con đã không nhận ra Ngài suốt thời gian qua. Trời đất! Ngài cõng con của con trên vai…và còn con thì lại đòi cưới ngài, một bậc đạo sư tôn kính”.
Đạo sư cười lớn và nói rõ lỗi tại Ngài vì Ngài chỉ muốn không ai biết đến mình để có thể tự do đi lại trong xứ này như một con chim trời. Sau đó Ngài quay lại nói với các vị Lạt-ma: "Đây là người mà ta đợi. Cũng nhờ người này mà ta đến đây. Hãy tặng cho gia đình này tất cả tặng phẩm và hãy lo lắng cho họ. Hãy xem họ như chính ta”.
Các vị Lạt-ma hiểu rất rõ bậc Thầy giác ngộ muốn dạy điều gì - Ngài nói “Hãy xem họ như chính ta” với ý nghĩa thâm sâu chân thật nhất.
(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”
Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách
NXB Tổng hợp TP. HCM, 1997)
- 864
Viết bình luận