Hóa giải nỗi sợ hãi mất đi tất cả mọi thứ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hóa giải nỗi sợ hãi mất đi tất cả mọi thứ

Nếu ngày mai có ai đó đến và ép buộc bạn phải từ bỏ công việc, tài sản, tất cả những gì bạn đã tích lũy được từ nhiều năm lao động, chắc chắn bạn sẽ rất đau khổ và sợ hãi. Thậm chí khi phải ly hôn hay đơn giản hơn là khi chỉ mất chiếc điện thoại – thứ luôn bên bạn, bạn cũng cảm thấy rất đau khổ. Vào thời điểm cái chết đến, bạn không chỉ phải bỏ lại những gì thuộc sở hữu của mình mà ngay chính bản thân, chính cái thân mà bạn yêu quý bao nhiêu năm kể từ khi sinh ra đời, bạn cũng phải bỏ lại.

Bạn hãy thử tưởng tượng xem chúng ta phải trải nghiệm nỗi khổ đau và sợ hãi tột cùng như thế nào khi lâm chung. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng cái chết là đáng sợ. Ngược lại, hãy quán niệm rằng chết và sự mất mát sẽ khiến chúng ta biết trân trọng cuộc sống hơn, biết hân hưởng từng giây phút của đời sống, và như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Trong cuốn “Tạng thư sống chết” và đặc biệt là những giáo lý về Bardo (trạng thái trung gian), có dạy rằng, trong quá trình chết, toàn bộ ngày thứ nhất thần thức người chết sẽ bất tỉnh khi phải chia tách với thân vật lý vì đó là một cú sốc lớn, giống như khi ta bị một tai nạn ô tô nghiêm trọng. Sau khi thần thức thoát khỏi thân xác, sẽ phải mất khoảng 4 ngày thần thức mới có thể nhận ra mình đã chết.

Trong vòng 4 ngày đầu sau khi chết, thần thức cố gắng nói chuyện với người thân, cố gắng dùng những ngôn từ giao tiếp bình thường nhất nhưng không được ai đáp lời. Đôi khi thần thức muốn sử dụng, cầm nắm một vài đồ vật nào đó nhưng không thể. Thần thức hoang mang không hiểu vì sao. Trong thời gian này, những người đang sống không thể nhìn thấy thần thức nhưng thần thức lại có thể đọc được suy nghĩ của người khác và nhìn thấy tất cả những hành xử của người thế gian. Nếu thần thức hay hương linh thấy những tài sản do mình vất cả đời tích lũy được sử dụng không đúng ý nguyện, họ sẽ vô cùng tuyệt vọng và đau khổ. Vì vậy, 4 ngày đầu sau khi chết là giai đoạn đau đớn nhất của thần thức.

Những trải nghiệm trong trạng thái trung gian Bardo của cái chết này thực chất là sự phóng chiếu của các xúc tình phiền não. Khi còn sống, chúng ta có một thân thể có vẻ như là tồn tại chắc thật, và chúng ta có thể phóng chiếu ra nhiều thứ. Chúng ta gọi đó là sự tưởng tượng về hiện thực. Những gì xảy ra với thân thể chúng ta đều là thật, những gì chúng ta nhìn thấy đều là thật, nhưng tất cả những gì chúng ta phóng chiếu, tưởng tưởng đều không thật. Sau khi chết, chúng ta rời bỏ xác thân vật chất. Bởi vậy, tư tưởng của chúng ta phóng chiếu ra vô vàn những trải nghiệm khác nhau. Khi chúng ta sân giận, tâm sân giận hiển lộ thành những cơn bão tố. Tất cả những hiện tướng đáng sợ hãi hoàn toàn do tâm ta phóng chiếu ra.

Thông thường, thần thức sẽ theo nghiệp mà đi tái sinh vào đời sống tiếp theo trong vòng 49 ngày. Ngoại trừ một số trường hợp, hương linh bị mắc kẹt trong trạng thái thân trung ấm này rất lâu. Trong vòng 49 ngày, sẽ có sự xuất hiện của một trăm đức Phật Bản tôn gồm bốn mươi hai vị Phật Bản tôn An bình và năm mươi tám vị Phật Bản tôn Uy mãnh. Các Ngài thị hiện để khai thị và ban gia trì cho chúng ta, nhưng hầu hết chúng sinh đều sợ hãi không nhận ra các Ngài mà trốn chạy.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì, lúc này, khi còn sống, chúng ta vẫn tưởng tưởng Phật chỉ là một pho tượng bất động và hàng ngày chúng ta cầu nguyện lên pho tượng bất động đó. Hơn nữa, dù ta có tâm chí thành thì tâm chí thành đó vẫn bị làm cho nhiễm ô bởi những nghi hoặc vọng tưởng của chúng ta. Chúng ta không có đức tin kiên cố rằng Đức Phật A Di Đà là có thật. Niềm tin của chúng ta bị sự nghi ngờ làm vẩn đục khiến hình ảnh quán tưởng thường không sống động, rõ nét mà mờ nhạt và tĩnh lặng như một bức tranh hay một tôn tượng bằng bê tông. Chúng ta cần tin tưởng kiên cố rằng mỗi khi cầu nguyện lên Đức Phật A Di Đà, Ngài lập tức sẽ giáng lâm để ban gia trì cho chúng ta. Đức Phật A Di Đà hiện vẫn đang thuyết pháp ở cõi Tịnh độ Cực Lạc (tiếng Tạng là Dewachen, tiếng Phạn là Sukhavati). Vì thiếu lòng chí thành nên khi chư Phật xuất hiện trong giai đoạn thân trung ấm, chúng ta lại hoảng hốt, khiếp sợ và bỏ chạy. Chính vì vậy, khi còn sống, chúng ta cần nỗ lực thực hành để làm quen và quán tưởng hình ảnh chư Phật sống động, rực rỡ (các Ngài cũng mỉm cười, nói chuyện, chuyển động, và biểu lộ lòng từ bi với chúng ta) chứ không phải là một tôn tượng bất động.

Trưởng dưỡng hiểu biết vạn pháp là vô thường

Để giảm bớt nỗi đau đớn do tâm bám chấp mạnh mẽ vì bị mất đi tất mọi thứ mà chúng ta vẫn thường cho là thuộc về mình vào thời điểm phải đối mặt với cái chết cũng như sau khi chết đi, điều chúng ta có thể làm được bây giờ là trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết rằng chúng ta không thể giữ mọi thứ xung quanh mình mãi mãi. Vạn pháp thay đổi trong từng sát na. Chúng ta cần hiểu rằng bản chất của vạn pháp là vô thường. Hãy lấy ví dụ thân thể vật lý của chúng ta. So với cách đây năm phút, cơ thể của bạn giữ nguyên hay thay đổi? Bạn có thể nói rằng cơ thể bạn không hề thay đổi. Điều này không đúng. Cơ thể chúng ta biến đổi từng giây mà bản thân mỗi người không thể kiểm soát được. Sự thay đổi này không diễn ra một cách đột ngột như khi chúng ta so sánh thời điểm hiện tại khi ta đang còn trẻ với thời điểm chúng ta ở 50 năm về sau. Tuy vậy, chúng ta vẫn đang già đi từng giây từng phút. Nếu quan sát một tòa nhà, bạn cũng chiêm nghiệm thấy quy luật tương tự. Từng giây từng phút tòa nhà thay đổi, xuống cấp và đó là những điều kiện khiến một ngày nào đó tòa nhà đổ sập. Tiến trình đó diễn ra liên tục không lúc nào ngừng nghỉ, dù ta có nhận ra hay không.

Chúng ta thường khởi tâm bám chấp với những thứ xung quanh mình nhưng sự thật là không gì có thể giữ mãi được. Bạn có thể tri ân trân trọng thân này và tận hưởng tài bảo vật chất khi còn sống, đồng thời làm những thiện hạnh vì lợi ích cho người khác. Nếu cứ chấp chặt mãi một thứ gì đó như thể nó có thể ở bên bạn mãi mãi chỉ là sự huyễn hoặc. Càng bám chấp, chúng ta càng dễ sân giận. Ví dụ, nếu bạn bám chấp vào thân, bất cứ điều gì xảy ra với thân này đều khiến bạn sân giận – bạn cảm thấy quá nóng hay quá lạnh, thậm chí gãy một chiếc móng tay cũng khiến bạn khó chịu. Chỉ một cái mụn mọc trên mặt cũng khiến bạn không dám đi ra ngoài đường vì lo sợ người khác sẽ nhìn thấy. Trong thực tế, tôi không cho rằng có ai đó đến gần bạn tới mức có thể nhìn thấy từng cái mụn trên mặt bạn. Chẳng ai để ý đến điều đó cả. Nhưng bạn vẫn cứ quá đề cao tầm quan trọng của cái mụn và lãng phí thời gian của cả ngày chỉ mãi day dứt về điều này.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6334122
Số người trực tuyến: