Cầu sinh Tây Phương Cực Lạc có trái với lý bình đẳng cầu vãng sinh? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cầu sinh Tây Phương Cực Lạc có trái với lý bình đẳng cầu vãng sinh?

Tất cả cõi Tịnh Độ của chư Phật ở mười phương công đức đều bình đẳng, Pháp tính cũng như vậy. Người tu nên nhớ nghĩ khắp tất cả công đức của chư Phật, cầu về các cõi tịnh ở mười phương mới phải, sao nay lại riêng cầu Tịnh Độ của một đức Phật A Di Đà? Như thế chẳng là trái với lý bình đẳng cầu sinh ư?

Lạm bàn:

Tuy đức Trí Giả đại sư dạy rằng tất cả các cõi Phật đều bình đẳng nhưng sự bình đẳng đó là ở trên Lý thể, còn Sự thì không. Vì sao? Kinh Quán Vô Lượng Thọ, khi đức Thế Tôn diễn bày cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật mười phương thì hoàng hậu Vi Đề Hy chỉ riêng chọn cõi Tây Phương Cực Lạc. Đó là điều không bình đẳng trên mặt sự thứ nhất.

Điều không bình đẳng trên mặt sự thứ hai và quan trọng nhất là Nhân duyên được sinh về cõi Tịnh Độ ấy. Xét thấy Phật A Di Đà đặc biệt có nhân duyên với chúng sinh cõi này. Bất kể Phật tử theo tông giáo nào đều chào nhau bằng Thánh hiệu A Di Đà Phật, khóa tụng hàng ngày của Đại thừa đều có kinh A Di Đà và kết thúc với phần quy hướng Tịnh Độ. Đó chẳng phải là do Phật Di Đà có nhân duyên sâu nặng với chúng sinh cõi này đó ư? Hơn nữa điều thù thắng tối diệu nữa mà chẳng có cõi Tịnh Độ nào có được đó chính là Bản nguyện Độ sinh vĩ đại của Đức Phật Di Đà.

Nay nói lược vài điều như vậy để chứng tỏ cõi Tây Phương thù thắng bậc nhất đối với chúng sinh cõi Sa bà so với các cõi Tịnh Độ mười phương.

Hơn nữa, nếu nói về bình đẳng thì một vốn là tất cả, tất cả đều quy về một, nhớ nghĩ về công đức của Phật Di Đà chẳng phải là nhớ nghĩ về công đức tất cả chư Phật đó ư? Nên ngài Ngẫu Ích có dạy: Sinh về cõi Tây Phương chính là sinh về mười phương cõi Tịnh vậy.

Trí Giả đại sư dạy: Tất cả cõi tịnh của chư Phật thật ra đều bình đẳng. Nhưng vì chúng sinh ở cõi này phần nhiều là kẻ độn căn trược loạn, nếu không buộc tâm chuyên vào một cảnh thì Tam Muội khó thành. Chuyên niệm Phật A Di Đà, tức là Nhất Tướng Tam Muội, vì tâm chuyên nhất nên được sinh về cõi kia. Như trong Kinh Tùy Nguyện Vãng Sinh, Phổ Quảng Bồ Tát hỏi Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn! Mười phương đều có Tịnh Độ, tại sao Thế Tôn lại riêng khen ngợi cõi Tây Phương Cực Lạc và khuyên chúng sinh nên chuyên niệm Phật A Di Đà để cầu về cõi ấy?

Phật bảo ngài Phổ Quảng:

- Chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề phần nhiều tâm trược loạn, vì thế ta chỉ tán thán một Tịnh Độ ở Tây Phương khiến các hữu tình chuyên tâm vào một cảnh để cho sự vãng sinh được dễ thành tựu. Nếu nhớ niệm tất cả chư Phật, vì niệm cảnh quá rộng, nên tâm mênh mang tán lạc, Tam Muội khó thành, không được vãng sinh. Lại sự cầu công đức của một vị Phật cùng sự cầu công đức của tất cả Phật không khác nhau, vì chư Phật đồng một pháp tính. Cho nên niệm Phật A Di Đà tức là niệm tất cả Phật, sinh Tây Phương Tịnh Độ, tức là sinh tất cả Tịnh Độ. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân tất cả chư Phật là thân một Đức Phật, một tâm một trí huệ, lực vô úy cũng thế”. Lại nói: "Ví như trăng tròn sáng, in bóng khắp sông hồ, ảnh tượng tuy vô cùng, mặt trăng chỉ là một, như đấng Vô Ngại Trí, thành bậc Đẳng Chính Giác, ứng hiện tất cả cõi, thân Phật không có hai”.

Tóm lại, người có trí tuệ nương nơi thí dụ trên sẽ hiểu được lý một tức tất cả, tất cả là một. Khi hiểu được lý này, thì niệm một Đức Phật, chính là niệm tất cả chư Phật vậy.

(Lược trích ấn phẩm: “48 câu vấn đáp về Pháp môn Niệm Phật”

HT. Tịnh Không)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6317078
Số người trực tuyến: