Mộng Sa bà từ mộng đến mộng, mộng Cực Lạc từ mộng đến giác | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Mộng Sa bà từ mộng đến mộng, mộng Cực Lạc từ mộng đến giác

Niềm tin là bước đạo sơ nguyên
Không, Hữu, còn vương chấp nhị biên.
Tin đức ví bền cùng hạnh nguyện.
Mưa hoa vui dạo cảnh Tây Thiên.

Đức Thích Ca Mâu Ni đã kinh nghiệm con đường thành Phật, biết rõ lối nào khó bước, nẻo nào dễ đi. Ngài đặc biệt nói môn niệm Phật cho những ai chưa thể hoàn toàn dứt trừ phiền não. Nhờ thắng duyên của phương Tây, sẽ dễ dàng tiến tu chứng đạo. Trong hội Pháp Hoa có 5000 Ala-hán vì không tin lời Phật đã lui khỏi pháp tịch. A-la-hán là Thánh nhân. Đức Phật từ kim khẩu nói pháp. Mới biết đại thừa chẳng phải dễ vào. Chúng ta nay dù chưa thấu triệt nghĩa kinh, vì tin lời Phật, tránh những chê báng, mới không mất lợi ích. Kinh A Di Đà, Đức Thích Ca và mười phương Phật nói đi nói lại “Pháp này khó tin”. Nhưng vẫn khuyên: “Nên tin kinh này là một bản kinh tán thán công đức không thể nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.

Tín Nguyện Hạnh tương quan như ba chân của chiếc đỉnh. Tuy vậy Tin vẫn là nền tảng. Chúng ta cần tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Đà không nguyện suông. Tin tâm ta có khả năng vãng sinh và thành Phật. Nghĩa là lòng tin phải đủ 3 đôi: Tin Phật tin mình, tin nhân tin quả, tin sự tin lý.

Bước đầu vào Tịnh độ, cần tin hiểu chính xác, phân biệt nhận định chân ngụy để giữ vững lòng tin mà tiến bước. Có 3 hạng gây sự giảm phá thuyết giáo Tịnh độ:

1- Không tin nhân quả, hủy báng Phật Pháp.

2- Mang chiêu bài Phật giáo mà bán tạp hóa ngoại đạo (lạm dụng hình thức Phật giáo mà dạy đồ chúng đi đường khác).

3- Phật tử học hiểu sai lầm về môn Tịnh độ.

Sau đây là những mối nghi thường có ở những người học Phật:

1. Kinh Kim Cang nói: Tất cả pháp hữu vi đều như mộng. Vậy Cực Lạc cũng huyễn, cầu về làm chi?

Đáp: Mộng Sa Bà từ mộng vào mộng, mãi luân hồi sống chết chìm mê. Mộng Cực Lạc từ mộng đến giác, sẽ thức tỉnh dần cho đến quả vị Phật. Hai nơi duyên cảnh thật chẳng đồng. Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Như Lai vì hạng căn tánh tối, nói các pháp như huyễn để chữa bệnh chấp kiến. Với người căn tánh sáng, Phật nói tướng hảo vì họ như hoa sen chẳng nhiễm trần”. Tu Bồ Đề giỏi lý Không bậc nhất lại được thọ ký sau này thành Phật hiệu là Danh Tướng Như Lai. Vì tất cả huyễn pháp đều là Phật pháp chân thường. Vô minh hư vọng thể vốn là viên minh diệu giác.

2. Môn Tịnh độ chỉ dành cho người ngu dốt và hèn yếu (lười biếng, ỷ lại, không gắng sức tu hành, chỉ một bề cầu xin Phật giúp).

Đáp: Tịnh độ tông thâu nhiếp cả ba căn, với người cao thành pháp cao, với người thấp thành pháp thấp. Người tu phải nỗ lực dứt trừ phiền não, thanh tịnh ba nghiệp, nhiếp tâm rũ sạch vạn duyên, trì niệm cho đến khi tâm mình tâm Phật tương ưng.

Sự tiếp dẫn nhờ tha lực, vì Cực Lạc cách Ta Bà mười muôn ức Phật độ, phải thần thông đạo lực của Đẳng giác Bồ- tát mới tới nổi. Kinh Duy Ma Cật kể chuyện: “Cư sĩ dùng thần thông đem những tòa ngồi ở cõi Phật Tu Di Đăng Vương về tịnh thất mình, thỉnh cả pháp hội ngồi. Nhưng chỉ riêng hàng Bồ-tát đã từng lễ kính mười phương Phật mới sử dụng được.

Còn sơ phát tâm Bồ-tát và Thanh-văn chúng tận sức thần thông cũng không thể lên. Sau phải quy kính xưng danh hiệu Phật Tu Di Đăng Vương mới ngồi được”. Thế nên biết muốn về cõi Cực Lạc bắt buộc phải cầu Phật A Di Đà.

3. Kinh A Di Đà dạy phải nhất tâm bất loạn mới được vãng sinh. Thế thì hạ căn làm sao hy vọng?

Đáp: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói năm nghịch mười ác, lâm chung tướng địa ngục hiện, chí tâm xưng danh hiệu Phật A Di Đà mười niệm liền được vãng sinh. Vậy nhất tâm đây là nói khi lâm chung. Bình thời dù niệm được không loạn, sau đó đổi ý không cầu vãng sinh nữa thì làm sao về Cực Lạc? Ai muốn lâm chung được nhất tâm thì bình thời phải chăm niệm Phật. Dù chưa được nhất tâm nhưng chủng tử dồn chứa mãi. Lâm chung do sợ hãi nên một lòng mạnh mẽ niệm Phật.

Hạ căn vãng sinh thường nhờ lý do này.

4. Kinh Pháp Bảo Đàn: “Không niệm, niệm mới chính. Có niệm, niệm thành tà. Có không đều chẳng tưởng, ngồi được bạch ngưu xa”. Như vậy niệm Phật là tà ư?

Đáp: Niệm Phật mà chấp có ta đang niệm, thế là còn đủ cả hai chấp ngã và pháp nên nói là tà. Ngược lại, không niệm mà chấp có ta không niệm thì cũng vẫn là tà. Cho nên Tổ nói hai câu tiếp. Các bậc cao đức hằng niệm Phật cầu vãng sinh nhưng  có niệm đồng vô niệm, không sinh mà vẫn sinh, chẳng phiền rời nửa bước, thân đến Pháp-vương thành. Đây là tác phong thượng căn. Còn chúng ta thì cứ gắng thiết tha niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Dù còn chấp ngã chấp pháp, lâm chung vẫn được vãng sinh. Khi ấy có khó gì mà không được vô niệm vô sinh. Bằng chẳng lượng sức mình, ưa cầu cao thắng, nê chấp kinh văn. Chẳng tu công hạnh mà cứ nói diệu nói huyền thì đúng là xây lâu đài trên bãi cát!

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Toát yếu: Tỳ kheo ni Hải Triều Âm)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339394
Số người trực tuyến: