Tu học Chân ngôn thừa với nền tảng Kinh thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tu học Chân ngôn thừa với nền tảng Kinh thừa

Những ai trong một đời trước từng hoàn thiện tu học Kinh Thừa thì đến đời này có thể thực hành Chân ngôn thừa mà không cần quan tâm nhiều đến các kinh điển. Đối với một chúng sinh thông thường chưa có hiểu biết hay trải nghiệm về tính không và lòng bi mẫn theo nội dung trình bày trong các kinh điển, thì việc thực hành Chân ngôn thừa, quán tưởng các vị Phật Bản tôn với hai mắt nhắm lại và đọc to các câu chân ngôn, có thể không đem lại nhiều lợi ích cho lắm, chưa nói là còn có thể gây tác hại.

Dường như ngày nay một số hành giả đang trải nghiệm giáo pháp răn dạy trong các mật điển và những lời cảnh báo trong giáo pháp của các bậc thầy quá khứ. Một người quen của tôi, cũng là một hành giả, kể với tôi rằng “Tôi phải thực hành các vị Phật Bản tôn Uy mãnh khi ở một mình. Nếu người nhà tôi ở xung quanh trong lúc tôi thực hành Phật Bản tôn Uy mãnh, tôi phải đánh họ. Tôi không thể thực hành các vị Phật Bản tôn An bình với những sắc tướng xinh đẹp vào ban đêm trước khi đi ngủ vì tôi sẽ tràn ngập tham muốn và không tài nào ngủ nổi. Sáng hôm sau, tâm tôi trở nên hôn trầm và cả ngày hôm đó tôi thấy khó chịu.” Anh ta đã kể cho tôi nghe những chuyện nực cười nhưng lại đáng buồn như vậy.

Tôi cảm thấy hệ quả này chắc chắn là do cách thực hành thiền sai lầm. Nhẽ ra anh ta không có những trải nghiệm như vậy. Dấu hiệu của thực hành tâm linh là ngay cả khi hành giả không thể chuyển hóa khổ đau của các xúc tình phiền não thành tựu tính của hai giai đoạn thực hành, thì hành giả vẫn nhất định có thể ngăn không để xúc tình phiền não chi phối bản thân mình.

Lời dạy của Đức Phật “Vạn pháp duy tâm tạo” có ý nghĩa vô cùng thâm diệu. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rằng vạn pháp bên ngoài, tốt - xấu hay lớn - nhỏ đều chỉ là những danh ngôn, khái niệm do tâm gán ghép mà thôi. Điều quan trọng là hành giả chúng ta cần gìn giữ và có tâm chí thành đối với quan kiến này trong lúc thực hành cầu nguyện hay thực hành các thiện nghiệp cũng như trong đời sống hàng ngày.

Ngày nay, phần lớn mọi người không hiểu được chướng ngại căn bản này, và chỉ mù quáng làm theo những nội dung trích dẫn nguyên văn kinh điển, tự cho mình quyền phán xét quan kiến trên là chưa đầy đủ. Để đạt được cấp độ thượng thừa đó, hành giả cần phải có trải nghiệm nhất định phù hợp với giáo lý.

Ví dụ như, bằng cách thực hành đúng về quá trình tịnh hóa và tu tập, hành giả chứng đắc trí tuệ chân thật thấy vạn pháp hay, dở, hay trung tính đều chỉ là sự phóng chiếu ra bên ngoài của tâm vô minh, và bản chất của vạn pháp không giống với vẻ bề ngoài thực chắc của chúng. Sau khi có niềm tin vào trí tuệ này, hành giả có thể tiêu trừ mọi nghi ngờ, vì hiểu biết và trí tuệ của hành giả về tự tính tâm được trưởng dưỡng. Đây là một điểm trọng yếu mà các hành giả Chân ngôn thừa bí mật cần hiểu được.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6321956
Số người trực tuyến: