Tại sao cần trì tụng chân ngôn Tính không khi thực hành? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tại sao cần trì tụng chân ngôn Tính không khi thực hành?

Kim Cương Thừa còn được gọi là con đường đạo thực hành tu tập quả vì hành giả Kim Cương Thừa tu tập con đường đạo gồm hai giai đoạn thực hành: Giai đoạn Phát triển để trưởng dưỡng phương tiện thiện xảo, và Giai đoạn Thành tựu để chứng đắc toàn tri (hai giai đoạn này tạo thành nền tảng của Chân ngôn thừa bí mật), nhằm trưởng dưỡng giác ngộ, hay còn gọi là trí tuệ bản lai của hợp nhất giữa tính không và đại bi, hay tự tính tâm tôn quý, thường được gọi là Phật quả – đây chính là quả của việc thực hành tu tập. Đó là quả rốt ráo, thường được nhân cách hóa bằng hai thân Phật của con đường đạo. Như Đức Long Thọ Nagarjuna đã cầu nguyện: “Nguyện con chứng đắc hai thân Phật rốt ráo, từ tích lũy công đức và tích lũy trí tuệ” – hành giả chứng đắc Pháp thân nhờ tích lũy trí tuệ sau khi hoàn toàn xả ly tự lợi, và hành giả chứng đắc Hóa Thân nhờ tích lũy công đức sau khi viên mãn trí tuệ lợi tha.

Khi thực hành, chúng ta trì tụng chân ngôn OM SOBHAWA SUDDHA DHARMA SOBHAWA SUDO HANG, tịnh hóa vạn pháp thành tính không. Khi trì tụng chân ngôn này, hành giả cần chuyển hóa vọng tưởng vô minh về cái “tôi” do thân, khẩu, ý phụ thuộc vào ngũ uẩn, và việc bám chấp cho rằng vạn pháp là thực chắc, và trưởng dưỡng niềm tin kiên cố hiểu rằng vạn pháp bên ngoài và bên trong không giống như sắc tướng bên ngoài của chúng. Đến lúc đó, hãy quán về tính không mà không để bất kỳ thứ gì tác động đến tư tưởng. Trong lúc quán tưởng tính không là Bản tôn chính (presiding deity), hành giả thiền về Giai đoạn Phát triển của sắc thân Phật. Tại thời điểm này hành giả cần tiêu trừ bám chấp vào quan kiến thấy mặt, các tay, sức trang hoàng và cảnh tượng tịnh độ của Bản tôn là thực chắc, và thiền về tính không của Giai đoạn Thành tựu, để chứng đắc Pháp thân Phật. Việc thực hành thiền liên tục như vậy không xao nhãng dù chỉ trong một khoảnh khắc, được gọi là hợp nhất của hai giai đoạn. Đây là cách bậc Căn bản Thượng sư của tôi đã giảng về nội dung này.

Tất cả hành giả chúng ta đều cần thiền theo cách này, cả ngày và đêm. Nhưng ngày nay phần lớn mọi người lại bám chấp coi vạn pháp là thực chắc và sau đó thiền về những đối tượng khác. Ngay từ ban đầu, mọi người đã tìm kiếm những thứ cụ thể được làm bằng vàng, bạc, đất sét hay bất kỳ vật liệu nào dễ hình dung, để thiền về Giai đoạn Phát triển. Một số người hiểu sai ý nghĩa của từ “niềm kiêu hãnh linh thiêng về Bản tôn”, được trình bày trong kinh điển, và ngoan cố quán tưởng một sắc tướng cụ thể và thiền về niềm kiêu hãnh linh thiêng. Kết quả là, phần lớn các hành giả như vậy đều gia tăng sân giận khiến họ bị đọa lạc thành quỷ, và hơn nữa, các hành giả đó chẳng đạt được thành tựu nào. Chư Thượng sư của tôi từng dạy rằng đối với bất kỳ ai thực hành Chân ngôn thừa bí mật, hành giả đó phải có hiểu biết chắc chắn về quan kiến của Trung Đạo hay Duy Thức. Vì thế, như tôi đã trình bày ở trên, chư Thượng sư của tôi dạy rằng, ngay từ đầu nội dung thực hành tịnh hóa, hành giả cần rèn luyện tâm bằng tính không theo Kinh Thừa, và trong lúc thực hành thiền của Giai đoạn Phát triển, hành giả cần có một niềm kiêu hãnh hoặc niềm tin không gì lay chuyển đối với tính không.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6360010
Số người trực tuyến: