Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức. Vì thế, Ngài được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít kẻ đối nghịch.

Ngày nọ, một pháp sư Ấn Độ tổ chức cuộc tranh luận trong một ngôi đền với sự có mặt của Chandra. Vào thời bấy giờ, các cuộc tranh luận như thế rất hiện hành. Cuối cùng, các vị đứng đầu các giáo phái có mặt lần đó, có cả các vị theo chủ nghĩa vô thần và nhà vua đều thừa nhận Chandra là người thắng cuộc tranh luận. Tuy nhiên, vị pháp sư nọ cho rằng việc Chandra thắng cuộc chưa chứng minh được giáo pháp đạo Phật là ưu việt. Nhiều nhất họ chỉ nói rằng Chandra là người có tài hùng biện thôi. Nghe nói thế thì mọi người đều đồng ý, kể cả Chandra. Vị pháp sư nọ quả quyết không hề có bằng cớ về sự tái sinh và như thế, nguyên lý “nghiệp lực, nhân quả” cũng không đứng vững - "nếu không chứng minh được có kiếp trước thì không thể thừa nhận có kiếp sau”. Vị pháp sư thách đấu Chandra: "Nếu Ngài có bằng cớ chứng thực về sự tái sinh, tôi sẽ cùng toàn bộ đệ tử theo Phật giáo hết”.

Chandra nhắm mắt im lặng hồi lâu, làm như suy nghĩ điều gì. Sau đó, Ngài mỉm cười: "Được, nếu nhà vua chịu làm chứng thì ngay hôm nay ta sẽ chết và sẽ chủ động tái sinh theo cách để chứng minh được có sự luân hồi”. Vị pháp sư nọ ngạc nhiên và chấp nhận, tuy thế ông vẫn không tin rằng Chandra chịu hy sinh mạng sống quý giá này chỉ để chứng minh điều đó. Chandra nhờ nhà vua và cận vệ cho mang vào một chiếc áo quan bằng đồng. Ngài vẽ lên trán một dấu hiệu màu đỏ, ngậm một hòn ngọc trai trong miệng và nằm vào áo quan chờ chết. Chỉ vài phát sau Ngài đã từ bỏ thân tứ đại và nhà vua cho niêm phong áo quan. Chandra là một bậc Thầy đã giác ngộ nên ngay trong đêm đó, Ngài chủ động nhập mẫu thai của một phụ nữ ở gần đền. Sau khi sinh ra đời, Chandra mang hình hài của một hài nhi bình thường. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người dân trong vùng đồn đại rằng vợ của một người Bà-la-môn sinh một đứa con trai, trên trán có dấu đỏ, dấu hiệu của hiền nhân và miệng ngậm một hạt ngọc trai. Nhà vua cùng cận vệ liền đến ngay thăm đứa bé. Sau đó, nhà vua trở về mở áo quan ra thì viên ngọc trai trên miệng đã biến mất và dấu đỏ trên trán của Chandra cũng không còn. Đúng như lời hứa, vị pháp sư nọ cùng đệ tử xuất gia theo Phật giáo và rất gần gũi với cậu bé. Cậu bé được cha mẹ đặt tên là Chandragomi.

Luận sư Chandragomi

Sau này, Chandragomi trở thành một luận sư, diễn giả danh tiếng thời đó. Trong viện đại học Na-lan-đà, Ngài đại diện cho quan điểm riêng của mình về Phật giáo và thường tranh luận với Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) cũng là một luận sư xuất sắc. Sau bảy năm tranh luận không phân thắng bại, Chandragomi thú nhận rằng chính đức Quán Thế Âm đã chỉ bày cho Ngài trả lời các câu hỏi hóc búa của Chandrakirti. Nghe thế Chandrakirti cười lớn và thú nhận trước đại chúng rằng lý luận của Ngài lại được Đức Văn Thù Sư Lợi chỉ bày cho.

(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”

Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”

Việt dịch: Nguyễn Tường Bách

NXB Tổng hợp TP. HCM, 1997)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6414401
Số người trực tuyến: