Hiểu đúng về "Pháp thân" và "Sắc thân" Phật trong Kim cương thừa
Đức Phật hiển lộ Sắc thân vì tâm của chúng ta trong trạng thái hiện thời còn bị che mờ ám chướng nên không thể trực tiếp thấu biết tâm toàn tri của Ngài. Chính vì lòng từ bi, chư Phật xuất hiện trong hàng loạt hóa thân để lợi ích chúng ta. Các hóa thân ứng hiện tùy căn cơ của loài người như vậy được gọi là Sắc thân Phật!
Đức Phật là gì?
Bất kỳ ai đều có thể trở thành Phật. Chúng ta cần biết mặc dù có rất nhiều đức Phật song tâm toàn tri chỉ có một do phẩm hạnh của các bậc giác ngộ về tuyệt đối đều như nhau. Chư Phật đã loại bỏ được tất cả phiền não, tựu chung được chia thành hai loại là phiền não và sở tri chướng hay những nguyên nhân khiến chúng ta mắc kẹt trong bể khổ luân hồi. Cụ thể, phiền não là những si mê, sân giận, tham ái và nghiệp quả tạo ra vòng quay luân hồi còn sở tri chướng là vô minh phiền não vi tế trong tâm chúng sinh. Bất kỳ đức Phật nào đều hoàn toàn xả ly mọi thứ trên và hoàn thiện trưởng dưỡng tất cả đức tính tốt như Từ, Bi Hỷ, Xả và viên mãn công hạnh Ba la mật như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Đức Tara giống như Đức Văn Thù, Quan Âm, Kim Cương Thủ hay các Bản tôn Kim Cương Thừa khác đều là các đức Phật. Khác với quan điểm của các tôn giáo khác, Đức Phật không phải đấng Thượng đế sáng tạo và Ngài không điều khiển thế giới, kiểm soát các số phận của chúng sinh, thưởng thiện cho người này hoặc phạt ác cho người kia. Là Phật tử, chúng ta nên có chính kiến về Phật để tránh sự ngộ nhận sai lầm trong việc thực hành tâm linh, hãy luôn cẩn thận để tránh chướng ngại đó.
Hai thân chính của đức Phật
Đức Phật có 2 thân chính: Pháp thân (Dharmakaya) hay thân chân lý và Sắc thân (Rupakaya), ở đây không phải thân bằng thể chất nhưng là thân hợp nhất tất cả các phẩm hạnh. Tâm toàn tri hay tâm giác ngộ là Pháp Thân còn Sắc thân (Rupakaya) là hiện thân của đức Phật khi kết nối với chúng sinh chưa giác ngộ. Đức Phật hiển lộ Sắc thân vì tâm của chúng ta trong trạng thái hiện thời còn bị che mờ ám chướng nên không thể trực tiếp thấu biết tâm toàn tri của Ngài. Chính vì lòng từ bi, chư Phật xuất hiện trong hàng loạt hóa thân để lợi ích chúng ta. Các hóa thân ứng hiện tùy căn cơ của loài người như vậy được gọi là Sắc thân Phật!
Sắc thân cũng chia ra làm 2 loại: Thân Sambokaya hay thân hỷ lạc là thân tạo bằng ánh sáng tịnh quang được thấy trong cõi Tịnh độ. Thân hỷ lạc là sắc thân đức Phật dùng để dạy các Bồ Tát ở mức độ cao cấp. Loại thứ hai là thân Nirmarakaya (hay hóa thân) là thân đức Phật dùng để xuất hiện trong thế giới trần tục, ví dụ như: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật lịch sử xuất hiện tại cõi Sa Bà gần 2.600 năm về trước. Ngài là vị Phật với sắc thân Nirmarakaya, hóa thân trong hình tướng một vị tăng xuất thế, giảng dạy Phật pháp ở Ấn Độ.
Ở mức độ phát triển tâm linh còn hạn chế của mình, rất khó để mỗi chúng ta chứng minh được điều vừa nêu trên này. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ bên ngoài dường như các Ngài cũng có cuộc sống thăng trầm như chúng ta thì thực sự dưới góc độ bên trong, các Ngài không hề bị chi phối bởi những trải nghiệm si mê, phiền não do đã thực sự thành tựu trong việc loại bỏ tất cả nguồn gốc của sự khổ đau luân hồi.
Một Bồ Tát là một bậc đang tu tập để thành Phật. Các Ngài dùng nhiên liệu Bồ Đề Tâm, phát nguyện trở thành bậc giác ngộ để lợi ích chúng sinh một cách hiệu quả nhất. Với mục đích duy nhất này, bậc Bồ Tát thực hành rất chuyên cần nhằm tịnh hoá phiền não và trưởng dưỡng tâm mình để lợi ích khổ não chúng sinh. Sau khi đạt được giác ngộ, chư Bồ Tát hiện rất nhiều ứng hóa thân khác nhau để kết nối với chúng ta. Nếu các Ngài không ứng hóa như vậy, các Ngài không có khả năng viên mãn tâm nguyện của mình. Một Bồ tát sẽ không tu tập thực hành trong vô số kiếp để thành tựu giác ngộ và sau đó chỉ thư giãn và đi ngủ! Thay vì thế, các công hạnh hoạt động giác ngộ tuôn chảy một cách tự nhiên mà không cần nỗ lực gì từ trạng thái tâm thanh tịnh đó. Những công hạnh này sẽ nhậm vận tự nhiên đem lại lợi ích cho chúng sinh bởi vì hành động của các Ngài đều bắt nguồn từ tâm Bồ đề vị tha hợp nhất với trí tuệ sâu sắc.
(Nhóm Đại Bảo Tháp biên soạn)
- 4190
Viết bình luận