Noi theo hạnh nguyện của các tiền thân Đức Phật A Di Đà
Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni trước khi hiện thân thành đạo Vô thượng ở cội Bồ-đề, để rồi trở nên vị Giáo chủ cao cả của cõi Ta Bà, Ngài là Thiện Tuệ Bồ Tát dâng hoa trải tóc cúng dường Phật Nhiên Đăng và là Hộ Minh Bồ Tát ngự ở cung trời Đâu Suất, v.v…. Đức A Di Đà cũng thế, trước khi viên thành quả Chính giác giữ ngôi Pháp Vương ở Cực Lạc thế giới, Ngài cũng có nhân địa của Ngài: Vua Vô Tránh Niệm thời kỳ Phật Bảo Tạng, Vương tử Thắng Công Đức trong pháp hội của Phật Bảo Công Đức, Bồ Tát Sa Di con trai của Đức Đại Thông Trí Thắng Phật v.v...
Trước khi nói đến thân và cõi hiện tại của Đức Phật A Di Đà, ta cần nên rõ nhân địa của Ngài, để biết rằng kết quả Vô thượng đây, tất do nơi nhân thù thắng thuở trước vậy.
1. Tỳ kheo Pháp Tạng
(Trích thuật theo Kinh Vô Lượng Thọ)
Đời quá khứ lâu xa cách đây hơn mười kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan sinh ra được ba người con. Người con trưởng là Nhật Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Đế Chúng.
Khi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Thái tử Kiều Thi Ca bỏ ngôi phú quý theo Phật xuất gia, thọ giới Tỳ kheo, được Phật cho hiệu là Pháp Tạng. Tỳ kheo Pháp Tạng đối trước Phật phát 48 đại nguyện rộng lớn, độ khắp mười phương chúng sinh. Ngài nguyện rằng nếu có một nguyện nào không viên mãn, thì thề chẳng thành Chính giác. Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rung động, giữa hư không có tiếng khen ngợi: “Tỳ kheo Pháp Tạng quyết định sau này sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà”.
Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương biết rõ chí nguyện sâu rộng của Pháp Tạng, liền nói công đức nghiêm tịnh rộng lớn viên mãn cõi nước của hai trăm mười ức đức Phật đúng theo tâm nguyện ông mong muốn, trải qua ngàn ức năm. Bấy giờ Pháp Tạng Tỳ kheo nghe Phật nói rồi, đã được thấy rõ, liền phát nguyện vô thượng thù thắng. Sau khi quán sát quốc độ mười phương chư Phật, Tỳ kheo Pháp Tạng liền chọn lọc những điểm đặc sắc của mỗi quốc độ để kiến lập thế giới Cực lạc. Đồng thời Tỳ kheo Pháp Tạng đem thế giới thù thắng đó thưa với Phật. Phật Thế Tự Tại Vương dạy Pháp Tạng muốn thành tựu được cảnh giới thù thắng đó cần phải phát đại nguyện, rộng độ chúng sinh. Sau khi nghe Phật dạy, Tỳ kheo Pháp Tạng liền đối trước Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai phát 48 đại nguyện và được Đức Phật thọ ký.
2. Bồ tát Sa di
(Trích thuật theo Kinh Pháp Hoa - phẩm Hóa Thành Dụ thứ 7)
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi Quốc vương, có 16 người con trai. Lúc Quốc vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16 vị Vương tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí tuệ.
Sau khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đại chúng trong pháp hội, Đức Đại Thông Trí Thắng Phật liền nhập tịnh thất trụ trong đại định. Thời gian Đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ Tát Sa di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý Kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Mỗi vị Bồ Tát Sa di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa người.
Mười sáu vị Sa di đó hiện nay đều đã thành Phật cả, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa di thứ 16 thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành Phật ở Cực Lạc thế giới, tức là Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.
3. Thái tử Thắng Công Đức
(Trích thuật theo Kinh “Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát”)
Về thuở quá khứ có ông Thái tử tên là Bất Tư Nghị Thắng Công Đức. Năm 16 tuổi, Thái tử được nghe Kinh “Pháp Bản Đà-la-ni” nơi Đức Phật Bảo Công Đức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai.
Nghe Kinh xong, Thái tử tinh tấn tu tập trong bảy muôn năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm không dựa. Nhờ sức dũng mãnh ấy, nên lần lần Thái tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn Đức Phật. Bao nhiêu Kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái tử đều có thể thọ trì tu tập cả. Về sau Thái tử xuất gia làm Sa môn, lại tu tập “Pháp Bản Đà-la-ni” chín muôn năm và giảng truyền Chính pháp cho mọi người.
Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa, trong một đời hoằng pháp Thái tử độ được tám mươi ức na-do-tha người phát Bồ-đề tâm, trụ bậc bất thoái chuyển.
Thái tử Thắng Công Đức là tiền thân của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.
4. Vua Vô Tránh Niệm và 2 Vương tử
(Trích thuật theo Kinh Bi Hoa)
Vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, ở thế giới San Đề Lam, con trai của Phụ tướng Bảo Hải xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai.
Bấy giờ, Quốc vương Vô Tránh Niệm cùng đi với Phụ tướng Bảo Hải, các vị Vương tử và thần dân, đến đạo tràng cúng dường Đức Phật Bảo Tạng. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, Vua cùng Phụ tướng đồng phát Bồ-đề tâm. Đức vua thời nguyện trang nghiêm Tịnh độ để nhiếp thọ chúng sinh.
Quan Phụ tướng thời nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự phục mọi loài. Đức Phật Bảo Tạng phán rằng: “Quá trăm nghìn muôn ức Phật độ về phương Tây có thế giới của Tôn Âm Vương Như Lai, một hằng hà sa a-tăng-kỳ kiếp sau, thế giới đó sẽ đổi tên là Cực Lạc; bấy giờ vua sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai. Và quan Phụ tướng Bảo Hải sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở Ta Bà thế giới”.
Quan Phụ tướng là tiền thân của Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của Từ Phụ A Di Đà Phật.
Lúc vua Vô Tránh Niệm phát nguyện và được thọ ký xong, Thái tử Bất Huyền, trưởng tử của vua, phát nguyện rằng : “Sau này, thời gian tôi tu Bồ Tát hạnh, có chúng sinh nào gặp phải các sự khổ não khủng bố v.v... sầu lo cô cùng không ai cứu hộ, không chỗ cậy nương, kẻ ấy nhớ đến tôi, xưng danh hiệu của tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi thấy đến, nếu những chúng sinh đó chẳng được thoát khỏi các sự khổ não khủng bố, thời tôi thề trọn không thành bậc Chính giác. Và khi vua cha thành Phật ở Cực Lạc thế giới, thời tôi thường ở Cực Lạc thực hành Bồ Tát đạo và hộ trì Chính pháp”.
Đức Bảo Tạng Như Lai phán với Thái tử : “Ông quan sát tất cả chúng sinh mà sinh lòng đại bi, muốn dứt tất cả sự khổ não của chúng sinh, và muốn làm cho chúng sinh đều được an lạc, nay nên đặt hiệu cho ông là Quan Thế Âm. Về sau lúc Đức Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết-bàn, cõi Cực Lạc đổi tên là Nhứt Thiết Trân Bửu Thành Tựu thế giới, ông sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Biến Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”.
Bấy giờ Vương tử Ni Ma, con thứ của vua, phát nguyện đem tất cả công đức hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, và lúc Thái tử Bất Huyền thành Phật, người sẽ là vị Bồ Tát thỉnh chuyển pháp luân trước nhất, cũng thường ở luôn một bên Sơn Vương Như Lai giúp Phật hoằng hóa.
Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương tử Ni Ma sẽ được toại nguyện, lúc Sơn Vương Như Lai nhập Niết-bàn, người sẽ hộ trì Chính pháp và sau cùng sẽ thành Phật nơi thế giới ấy, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bửu Vương Như Lai. Quang minh, thọ mạng, quốc độ, cùng tất cả Phật sự đều đồng như đức Sơn Vương Như Lai.
Thái tử Bất Huyền là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và Vương tử Ni Ma là tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát.
(Trích ấn phẩm “Đường về Cực Lạc”
HT. Thích Trí Tịnh
NXB Tôn giáo, 2010)
- 2791
Viết bình luận