Những chướng ngại khiến chúng ta mắc kẹt trong luân hồi | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những chướng ngại khiến chúng ta mắc kẹt trong luân hồi

Những chướng ngại tựu chung được chia làm 4 loại: nghiệp chướng, phiền não chướng, sở tri chướng và tập khí chướng. Những loại chướng này là nguyên nhân làm chúng ta mắc kẹt trong luân hồi đau khổ. Sở tri chướng là vô minh phiền não vi tế trong tâm chúng sinh, phiền não chướng là những trạng thái si mê, sân giận, tham ái và nghiệp quả đã vận chuyển vòng quay luân hồi.

1. Nghiệp chướng

Nghiệp là những hành động tạo tác của thân - khẩu - ý. Từ vô thủy đến nay, chúng ta cứ xoay vần trong vòng luân hồi vay trả, trả vay bởi đã tạo tác các bất thiện nghiệp về thân, khẩu, ý gây tổn hại cho người khác.

Đó cũng là lý do vì sao trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều chướng ngại về công việc, sức khỏe, thọ mạng, chướng ngại trong gia đình, các mối quan hệ xã hội, chướng ngại trong công việc, kinh doanh, v.v….Người đầy đủ vật chất nhưng đau khổ về tinh thần. Người có đời sống tinh thần yên ổn thì lại thiếu thốn về vật chất. Công danh sự nghiệp như giọt sương đầu ngọn cỏ, rất mong manh.

2. Phiền não chướng

Nói chung, nguyên nhân khiến chúng ta tích lũy nghiệp tiêu cực là do các chướng ngại xúc tình phiền não gây ra. Chướng ngại này dựng lên một cái tôi thực sự hiện hữu, khiến chúng ta luôn thấy mình có rất nhiều nhu cầu, mong muốn, mối bận tâm, và sự bảo vệ cho cái tôi.Vì vậy, chúng ta sân giận, ghen tị, hoặc tham muốn, chúng ta đánh giá quá cao hoặc quá thấp bản thân, hoặc nhầm lẫn ảo tưởng. Chúng ta đi tìm kiếm sự nổi tiếng, thoải mái, và hưởng thụ hoặc cố gắng tránh đau đớn, thua thiệt, sống thu mình ít người biết đến. Tất cả những điều này khiến chúng ta dần che lấp tự tính tâm của mình và rơi vào xúc tình tiêu cực.

Năm xúc tình phiền não chính - sân giận, ghen tỵ, tham ái, ngã mạn, và vô minh kể cả những biến thể của các xúc tình này, không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Bản chất của xúc tình phiền não là phá hủy sự bình an trong tâm. Ngay cả sự sân giận được cho là đúng đắn và sự khát khao chân lý hay bình yên cũng không giúpđịnh tâm và do đó che lấp tự tính tâm. Những cảm xúc này giống như việc chúng ta khuấy động bùn đất dưới đáy sông, khiến chúng ta không nhìn thấy sự trong trẻo của dòng nước. Sự tồn tại của xúc tình phiền não trong tâm chúng ta tạo nên các nghiệp bất thiện, bởi vì chúng không chỉ làm rối loạn tâm trí và hệ thần kinh của chúng ta mà còn bởi vì cảm xúc này không chỉ tồn tại đơn thuần dưới dạng trạng thái tinh thần. Trước khi chúng ta có thể ngăn chặn các xúc tình phiền não, chúng đã kích hoạt những khẩu nghiệp bất thiện hoặc hành động bạo lực.  Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta tăng gánh nặng nghiệp lực của mình gấp nhiều lần.

3. Sở tri chướng

Khác với mức độ thô lậu và sự hiển lộ ra ngoài của phiền não chướng, sở tri chướng rất vi tế và khó nhận biết. Sở tri chướng là vô minh phiền não vi tế trong tâm khiến chúng ta không thể nhận ra quán kiến sai lầm về cái tôi tồn tại chắc thật và độc lập, nhận thức nhị nguyên về mọi hiện tượng của vạn pháp, hay sự hiểu biết siêu việt mọi ngôn ngữ và khái niệm. Đặc biệt, đó là tấm màn vô minh tạo nên một thế giới tồn tại chắc thật. Bất kỳ tư tưởng nào được củng cố bởi chủ thể, đối tượng hoặc hành động đều là chướng ngại. Chúng giống như những gợn sóng trên sông phản chiếu ánh sáng khiến chúng ta không thể nhìn thấy đáy sông.

Mặc dù điều này có vẻ như là một sự chướng ngại mang tính  triết lý, đó thực sự là chướng ngại căn bản cuối cùng cần được loại bỏ trước khi đạt giác ngộ hoàn toàn.

Thực hành pháp tu Kim Cương Tát Đỏa có thể tịnh hoá được chướng ngại vi tế nhất. Khi quán hoà tan, và khi chúng ra an trụ trong Tính không – được gọi là giai đoạn hoà tan, chúng ta chắc chắn  xóa tan được những ảnh hưởng che chướng của vô mình.

Khi quán hoà tan, ngay cả khi  chỉ trong một sát na, tâm trí chúng ta an trụ trong trạng thái vô niệm không có bợn nhiễm của sở tri chướng, chấp ngã và chấp pháp. Dù chỉ 1 giây lát tỉnh thức cũng giúp bạn tiêu trừ vô lượng sở tri chướng.

4. Tập khí chướng (hay còn gọi là tích lũy nghiệp)

Ngoài phiền não chướng và sở tri chướng, xu hướng tập khí cũng tạo dấu ấn nghiệp trong dòng tâm của chúng ta. Từ khi sinh ra tới lúc lớn lên, chúng ta đã dần hình thành phát triển tính cách và những thói quen ứng xử. Tâm ta ưa thích thói quen tập khí bởi chúng vốn tự động vận hành, chẳng hạn như vô số quyết định nho nhỏ mà ta thực hiện một cách vô thức mỗi ngày (như lái xe đến công sở, uống một tách trà, ăn thêm một chiếc bánh quy…) điều đó khiến cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn.

Lần đầu tiên chúng ta thử làm 1 việc, việc này gần như là không thể, nhưng nó sẽ trở nên dễ dàng hơn sau mỗi lần luyện tập, và sau nhiều lần lặp lại, nó sẽ trở thành thói quen tự nhiên, và chúng ta không còn phải suy nghĩ hay ý thức làm thế nào để làm được điều đó.

Đáng tiếc là những suy nghĩ, lời nói và hành động tiêu cực cũng giống như vậy. Chúng ta không nhớ lần đầu tiên trong đời mình đã hành động vì sân giận hay tham muốn như thế nào. Những phản ứng này từ lâu đã hằn sâu và trở thành bản chất thứ hai sau mỗi lần chúng tasân giận và có mong muốn mới. Đôi khi các vết hằn này là những con kênh lớn mà ở đó chúng ta đã lặp đi lặp lại cùng một hành động hoặc phản ứng. Để đưa chúng ta ra khỏi vực sâu của  thói quen tập khí này cũng giống như việc leo đỉnh Núi Everest. Thường thì người ta nói rằng thói quen tập khí khó vượt qua nhất, thậm chí khó hơn là vượt qua sở tri chướng hay phiền não chướng, bởi vì chúng phát khởi một cách nhậm vận tự nhiên và thường là vô thức.

Các bậc Thầy giác ngộ thường nói: "Nếu không miên mật thực hành tịnh hóa, chúng ta không thể tiêu trừ thói quen tập khí tích lũy từ vô thuỷ và khai mở được trí tuệ vốn sẵn đủ nơi mỗi người. Do đó chúng ta không nên trì hoãn mà tinh tấn nỗ lực làm thiện hạnh, lắng nghe, suy ngẫm, và thiền định về Phật pháp". May mắn thay, thực hành pháp tu Kim Cương Tát Đỏa giống như một con chim vĩ đại, đưa chúng ta ra khỏi con kênh của những tập khí tiêu cực. Nó đưa chúng ta trở lại đồng bằng, hướng dẫn chúng ta đào con kênh mới được vun bồi bởi những nghiệp tích cực. Để rồi cuối cùng, thực hành pháp tu này sẽ giải thoát chúng ta hoàn toàn khỏi các kênh rạch và  đồng bằng, nghiệp tích cực và tiêu cực, phiền não chướng, sở tri chướng, đến các dấu ấn nghiệp và tập khí, tôi và bạn, cũng như cả chính việc thực hành này!

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6324213
Số người trực tuyến: