Bảo vệ môi trường - Tư tưởng cấp tiến của đạo Phật từ hơn 25 thế kỷ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bảo vệ môi trường - Tư tưởng cấp tiến của đạo Phật từ hơn 25 thế kỷ

Đạo Phật luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường một cách sâu sắc, không chỉ coi trọng bảo vệ tâm hồn bên trong mà còn chú ý sự cân bằng sinh thái bên ngoài. Bảo vệ môi trường tâm hồn, cần phải bắt đầu dựa vào con người tịnh hoá tam độc tham, sân, si của bản thân; cân bằng sinh thái, thì phụ thuộc vào sự chung sức của mọi người để duy trì. Trong Bồ tát Thiểm Tử kinh nói, Bồ tát Thiểm Tử “bước chân xuống đất thường sợ đất đau” (lữ địa thường khủng địa thống), đó chính là ý thức từ bi trân quý môi trường.

Tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật giáo bắt nguồn từ sự giác ngộ về “duyên khởi” của Đức Phật Thích ca Mâu ni, cho rằng vạn vật trên thế gian này đều được xây dựng trong mối quan hệ tồn tại phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ trong đời sống, chúng ta không thể nào rời xa các nguồn tài nguyên như ánh mặt trời, không khí, nước… Trong Tỳ – ni – mẫu kinh quyển 5, Đức Phật cho biết: “Nếu Tỳ kheo vì Tam bảo mà trồng xuống ba loại cây: Một là cây ăn quả; hai là, cây có hoa; ba là, cây có lá: điều này chỉ có phước không có tội”. Trong Tăng nhất A hàm kinh quyển 10, Đức Phật cũng nói rằng: “Vườn trái cây cho sự mát mẻ, nhịp cầu giúp nhân dân; gần đường làm nhà xí, nhân dân được nghỉ ngơi”. Trồng hoa, trồng cây ăn quả, để tịnh hoá làm sạch không khí, bảo vệ nguồn nước, lợi người ích vật, ích mình lợi người, tất nhiên có thể tăng thêm công đức.

Trong đạo Phật, chuyên gia bảo vệ môi trường nổi tiếng nhất là Đức Phật A Di Đà. Lúc bắt đầu tu hành, Ngài phát 49 đại nguyện để xây dựng thế giới thanh tịnh an lạc; trải qua thời gian lâu dài, đã thành tựu thế giới Tây phương Cực lạc vô nhiễm; việc bố trí các công trình công cộng trong thế giới ấy như: vàng bạc lát trên mặt đất, là quy hoạch về đô thị; cung điện lâu các làm từ thất bảo, là quy hoạch nhà ở; hàng cây bảy lớp, là quy hoạch về công viên; tám dòng nước công đức, là quy hoạch về nguồn nước. Chẳng những tiện lợi dân chúng, mà còn đẹp đẽ trang nghiêm. Đặc biệt, trong thế giới Tịnh độ, không có chúng sinh của ba đường ác (tam ác đạo), đều là thiện nhân gìn giữ tịnh giới, không có các ô nhiễm về không khí, nguồn nước, tạp âm, bạo lực, khí độc, năng lượng hạt nhân…, khí hậu trong sạch, mát mẻ, dễ chịu, người người thân tâm khoẻ mạnh, tuổi thọ kéo dài, là kiểu mẫu tốt nhất cho việc thực hiện triệt để công tác bảo vệ môi trường.

Các trường hợp khác như Tịnh độ Lưu li của Phật Dược Sư, Tịnh độ Đâu Suất, cho đến quốc thổ thanh tịnh của ba đời chư Phật, toàn là nơi cư trú được quy hoạch tốt đẹp hoàn thiện.

3 chủ trương bảo vệ môi trường của đạo Phật

1. Bảo vệ mạng sống của mọi chúng sinh

Phật giáo đề xướng không sát sinh mà tích cực bảo vệ động vật. Phạm võng kinh Bồ tát giới nói: “Là con Phật, nếu lấy tâm từ bi, làm việc phóng sinh, thì nên niệm: “Tất cả người nam, đều là cha ta, tất cả người nữ đều là mẹ ta; từ đời này đến đời khác chúng ta đều thọ sinh từ đó, cho nên chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta; nếu giết để ăn thịt, tức là giết cha mẹ của ta, và cũng là giết th6an trước đây của ta”. Bảo vệ và không giết hại chúng sinh là sự tôn trọng đối với hết thảy sinh mệnh hữu tình, cho nên giới luật của Phật giáo về việc bảo vệ động vật, hàm chứa tư tưởng từ bi tích cực. Lục độ tập kinh ghi chép, trước khi thành tựu đạo giải thoát; Đức Phật đã từng trải qua một kiếp làm vua của bầy nai (lộc vương), tự nguyện xả thân thay cho một con nai cái (mẫu lộc), khiến cho quốc vương cảm động liền ban lệnh ra khu bảo vệ động vật, cấm săn bắt giết hại; Vua A – dục (Asoka) chủ trương mở rộng việc trồng rừng, che trở cho chúng sinh, thiết lập y viện động vật, quy định các vị đầu bếp của nhà vua trong cung đình không được sát sinh, tất cả điều này đều là kiểu mẫu của Phật giáo đối với “cách chăm sóc động vật hoang dã”.

2. Tri ân, trân trọng môi trường

Đây là nhận thức của Phật giáo đối với “đồng thể cộng sinh”. Chỉ có trân quý các nguồn tài nguyên tự nhiên, con người mới có thể mở rộng tư tưởng trong thế kỷ mới trên trái đất này. Một hạt gạo cũng cần trân trọng, không nên lãng phí, nghĩa là cần kiệm mới có thể là suối nguồn của giàu có; Mỗi lần nói lời gì cũng cần suy nghĩ cẩn trọng như nhân gian thường nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vậy. Không nói bậy bạ, mới có thể không chiêu họa, vì vậy đây là tiền đề của phước; Sinh mệnh dù nhỏ đến đâu cũng cần bảo vệ, bảo vệ nó chính là bảo vệ chính mình, bởi vì đấy là gốc rễ của trường thọ vậy.

3. Tịnh hóa thân, tâm, cảnh

Phẩm Phật quốc của Kinh Duy-ma-cật nói: “Nếu Bồ tát muốn được Tịnh độ, thì nên tịnh hoá tâm ấy; khi tâm ấy đã tịnh, thì cõi Phật liền tịnh”. Chư tăng ni và Phật tử ở nhiều nơi trên thế giới rất tích cực dấn thân vào công việc giáo hoá công ích xã hội, chỉ dẫn bảy điều khuyến cáo, kêu gọi mọi người cùng nhau “tìm tâm trở lại”; đồng thời thông qua nhận thức môi trường và tham gia thực tế, tổ chức, tiến hành: trồng cây cứu lấy nguồn nước, bảo vệ động vật hoang dã, cứu trợ thiên tai trao tặng sự ấm áp, phục vụ thân thiện, thành lập đoàn chữa bệnh từ thiện…. Những việc làm này đều là có ích cho nhân quần xã hội, đạt được sự nghiệp, hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Thiên nhiên luôn hào phóng và ưu đãi chúng ta. Từ thuở khai sinh nền văn minh nhân loại, chúng ta luôn sống dựa vào thiên nhiên, hay nói đúng hơn, chúng ta là một phần không thể tách rời của tự nhiên. Nhưng chính chúng ta lại lạm dụng Mẹ Thiên Nhiên trong một thời gian quá dài, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nối tiếp thế hệ. Chính vì lạm dụng thiên nhiên, bạc đãi môi trường sống xung quanh nên chúng ta phải đương đầu với vô số thảm họa. Chúng ta không thể làm khác đi, bởi vì bản ngã của chúng ta quá lớn, thậm chí vượt tầm kiểm soát của chính mình. Bản ngã luôn sai sử chúng ta, khơi gợi tâm tham khiến chúng ta ham muốn rất nhiều thứ, khi đã có thứ này rồi chúng ta vẫn muốn có thứ khác, chúng ta luôn muốn nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa. Chúng ta thường gọi là “thiên tai” hay “thảm họa tự nhiên”, nhưng thực chất, đó chính là cách mà Tự Nhiên biểu lộ nỗi đau, sự tổn thương sâu sắc của mình.
~ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ~

(Lược trích ấn phẩm: “Phật giáo và thế tục”  trong bộ sách "Phật học giáo khoa thư"

Tác giả: Đại sư Tinh Vân

Nhà xuất bản Từ Thư Thượng Hải, 2008)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6339385
Số người trực tuyến: